Thông tư số 51/2001/TT-BTC ngày 28/06/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn Quyết định 58/2001/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
- Số hiệu văn bản: 51/2001/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 28-06-2001
- Ngày có hiệu lực: 28-06-2001
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 8549 ngày (23 năm 5 tháng 4 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2001/TT-BTC | Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2001 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 51/2001/TT-BTC NGÀY 28 THÁNG 6 NĂM 2001HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 58/2001/QĐ-TTG NGÀY 24/4/2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ LÃI SUẤT SAU ĐẦU TƯ
Thi hành Quyết định số 58/2001/QĐ-TTg ngày 24/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; sau khi thống nhất với Quỹ hỗ trợ phát triển, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
Về đối tượng, điều kiện, trình tự thủ tục để được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Tại Thông tư này, Bộ Tài chính hướng dẫn phạm vi và phương thức xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.
1- Phạm vi được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
Phạm vi được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư bao gồm các dự án thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) do chủ đầu tư vay vốn bằng tiền Việt Nam và bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để đầu tư, đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đã hoàn trả được vốn vay.
Những dự án đã được các Quỹ đầu tư hoặc ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất thì không được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển.
Chủ đầu tư chỉ được nhận hỗ trợ lãi suất đối với số vốn vay đầu tư trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án.
2- Xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
2.1- Nguyên tắc xác định và cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
- Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tính cho từng dự án và cấp cho chủ đầu tư sau khi đã trả nợ vay (gốc, lãi) cho tổ chức tín dụng. Tuỳ theo quy mô của dự án, việc cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được thực hiện từ một đến hai lần trong năm.
- Chủ đầu tư không được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các khoản nợ quá hạn, nợ trả trong thời gian gia hạn nợ. Đối với những khoản vay được trả trước hạn, mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tính theo thời hạn thực vay của khoản vốn đó.
- Đối với các dự án khoanh nợ thì thời gian khoanh nợ không được tính vào thời hạn thực vay để tính hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và thời hạn hỗ trợ tối đa bằng thời hạn vay ghi trong hợp đồng tín dụng.
2.2- Cách xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
a) Đối với dự án vay vốn bằng đồng Việt Nam:
Mức hỗ trợ LSSĐT của dự án | = | Số nợ gốc trong hạn thực trả | x | 50% Lãi suất tín dụng đầu tư phát triển/năm của Nhà nước | x | Thời hạn thực vay (quy đổi theo năm) đối với số nợ gốc được hỗ trợ LSSĐT |
b) Đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ:
Mức hỗ trợ LSSĐT của dự án | = | Số nợ gốc trong hạn thực trả (theo nguyên tệ) | x | 50% x 70% lãi suất vay vốn bằng ngoại tệ/năm của TCTD tại thời điểm rút vốn | x | Thời hạn thực vay (quy đổi theo năm) đối với số nợ gốc được hỗ trợ LSSĐT |
- Lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được sử dụng để tính mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là lãi suất tại thời điểm rút vốn của số nợ gốc được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.
- Đối với các khoản vay vốn bằng ngoại tệ: lãi suất để xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là lãi suất thực vay của các tổ chức tín dụng.
- Việc xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án vay vốn bằng ngoại tệ được thực hiện theo nguyên tệ. Trên cơ sở đó, căn cứ vào tỷ giá giao dịch bình quân USD/VNĐ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng hoặc tỷ giá tính chéo cho các loại ngoại tệ/VNĐ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cấp tiền hỗ trợ, để xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư bằng đồng Việt Nam cho dự án.
2.3- Thời hạn thực vay để tính hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là khoảng thời gian (số tháng quy đổi theo năm) từ ngày, tháng nhận nợ đến ngày, tháng nợ gốc trong hạn được trả cho tổ chức tín dụng.
a) Nguyên tắc xác định:
- Việc xác định thời hạn thực vay để hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được căn cứ vào thời điểm nhận vốn vay ghi trên khế ước và thời điểm trả nợ gốc ghi trên chứng từ trả nợ (số tháng quy đổi theo năm) của Chủ đầu tư cho tổ chức tín dụng.
- Lấy thời điểm trả nợ kỳ đầu tiên của khoản nợ gốc trong hạn so với thời điểm giải ngân số vốn vay lần đầu để tính số tháng thực vay của số nợ gốc trả lần đầu và trên cơ sở đó tính lùi để xác định số tháng thực vay của số nợ gốc trả các lần tiếp theo.
b) Phương pháp xác định:
Cách tính thời hạn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các trường hợp:
- Số vốn giải ngân 1 lần được hoàn trả vào 1 lần;
- Số vốn giải ngân 1 lần được trả vào nhiều lần;
- Số vốn giải ngân nhiều lần được hoàn trả vào 1 lần;
(theo phụ lục 1 và 2 đính kèm).
3- Hạch toán kế toán
3.1. Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển:
Việc hạch toán, theo dõi các khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án của Quỹ hỗ trợ phát triển được thực hiện theo đúng các quy định tại quyết định số 162/1999/QĐ-BTC ngày 24/12/1999 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính về Chế độ kế toán Quỹ hỗ trợ phát triển.
3.2. Đối với Chủ đầu tư
Khi nhận được khoản tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, chủ đầu tư hạch toán giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
4- Tổ chức thực hiện
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Việc tính mức hỗ trợ LSSĐT kể từ 1/1/2001 trở đi được áp dụng theo quy định của Quyết định số 58/2001/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.
| Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |
PHỤ LỤC 1:
(Kèm theo Thông tư số 51/2001/TT-BTC ngày 28/6/2001 của Bộ Tài chính)
Tính thời hạn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các trường hợp:
(1) Số vốn giải ngân 1 lần được hoàn trả vào 1 lần:
Ví dụ 1: Dự án A: vay 200 triệu đồng được rút vốn vào ngày 1/11/1999 và trả nợ vào ngày 1/3/2000 thì thời gian thực vay là 4 tháng.
(2) Số vốn giải ngân 1 lần được trả vào nhiều lần khác nhau:
Ví dụ 2: Dự án B: vay 200 triệu đồng được rút vốn vào ngày 1/11/1999 và trả nợ làm 2 lần: ngày 1/3/2000 là 100 triệu đồng và ngày 16/6/2000 là 100 triệu đồng, thời hạn thực vay:
+ Món trả nợ thứ nhất là 4 tháng
+ Món trả nợ thứ hai là 7,5 tháng (7 tháng + 15ngày/30).
Ví dụ 3: Dự án C: - Rút vốn lần 1: 250 triệu đồng vào ngày 1/11/999; lần 2: 250 triệu vào ngày 1/2/2000.
Trả nợ lần 1: 200 triệu đồng vào ngày 1/6/2000; lần 2: 100 triệu đồng vào ngày 10/9/2000.
Thời gian thực vay:
+ Khoản trả nợ thứ nhất (200 triệu đồng): 7 tháng;
+ Khoản trả nợ thứ 2 của lần rút vốn thứ nhất 50 triệu đồng (250 triệu đồng - 200 triệu đồng) là 10,33 tháng (10 tháng + 10ngày/30);
+ Khoản trả nợ thứ 2 của lần rút vốn thứ 2 là 7,33 tháng (7 tháng + 10ngày/30).
(3) Số vốn giải ngân nhiều lần được hoàn trả vào 1 lần:
Ví dụ 4: Dự án D: Rút vốn lần 1 là 100 triệu đồng vào ngày 1/11/1999; lần 2 là 100 triệu đồng vào ngày 20/3/2000 và trả nợ vào ngày 1/9/2000 là 200 triệu đồng.
Thời gian thực vay:
+ Khoản rút vốn thứ nhất 10 tháng;
+ Khoản rút vốn thứ hai 5,33 tháng (5 tháng + 10ngày/30).
Ví dụ 5: Dự án E: Rút vốn lần 1: 100 triệu đồng vào ngày 1/11/1999; lần 2: 100 triệu đồng vào ngày 15/3/2000; lần 3: 100 triệu đồng vào ngày 1/6/2000.
Trả nợ: lần 1 là 250 triệu đồng vào ngày 1/ 9/2000.
Thời gian thực vay:
+ Khoản rút vốn lần thứ nhất 10 tháng;
+ Khoản rút vốn thứ hai 5,5 tháng (5 tháng + 15ngày/30);
+ Khoản rút vốn thứ ba 3 tháng.
PHỤ LỤC 2:
(Kèm theo Thông tư số 51/2001/TT-BTC ngày 28/6/2001 của Bộ Tài chính)
Xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các trường hợp:
Giả định: Doanh nghiệp vay của TCTD với số vốn 1.200 triệu đồng; Lãi suất năm 1999: 0,9%/tháng; Năm 2000: 0,81%/tháng. Trả nợ theo quý, mỗi quý: 100 triệu đồng. Bắt đầu trả nợ từ quý I (tháng 3/2000). Thời hạn vay: 37 tháng; Thời gian ân hạn: 4 tháng; Lãi suất TDĐTPT năm 1999 là 9,72%, năm 2000 là 7%/năm; Và để đơn giản trong tính toán, giả định rằng các khoản rút vốn hay trả nợ đều được thực hiện vào ngày đầu tiên của tháng.
Giải ngân: Lần 1 (1/11/1999): 350 triệu đồng; Lần 2 (1/2/2000): 450 triệu đồng; Lần 3 (1/8/2000): 60 triệu đồng; Lần 4 (1/10/2000): 340 triệu đồng.
Năm 2000: 11,1375 triệu đồng
Quý I (1/3/2000) trả cho giải ngân lần 1: 100 triệu đồng x 4,86% x 4/12 = 1,62 tr.đ
Quý II (1/6/2000) trả cho giải ngân lần 1: 100 triệu đồng x 4,86% x 7/12 =2,835 tr.đ
Quý III (1/9/2000) trả cho giải ngân lần 1: 100 triệu đồng x 4,86% x 10/12 = 4,05 tr.đ
Quý IV (1/12/2000): + Trả cho giải ngân lần 1: 50 triệu đồng x 4,86% x 13/12 = 2,6325 tr.đ
+ Trả cho giải ngân lần 2: 50 triệu đồng x 3,5% x 10/12 = 1,45 tr.đ
Năm 2001: 20,38 triệu đồng
Quý I (1/3/2001) trả cho giải ngân lần 2: 100 triệu đồng x 3,5% x 13/12 = 3,78 tr.đ
Quý II (1/6/2001) trả cho giải ngân lần 2: 100 triệu đồng x 3,5% x 16/12 = 4,66 tr.đ
Quý III (1/9/2001) trả cho giải ngân lần 2: 100 triệu đồng x 3,5% x 19/12 = 5,53tr.đ
Quý IV (1/12/2001) trả cho giải ngân lần 2: 100 triệu đồng x 3,5% x 22/12 = 6,41tr.đ
Năm 2002: 25,48 triệu đồng
Quý I (1/3/2002): + Trả cho giải ngân lần 3: 60 triệu đồng x 3,5% x 19/12 = 3,32 tr.đ
+ Trả cho giải ngân lần 4: 40 triệu đồng x 3,5% x 17/12 = 1,99 tr.đ
Quý II (1/6/2002) trả cho giải ngân lần 4: 100 triệu đồng x 3,5% x 20/12 = 5,85 tr.đ
Quý III (1/9/2002) trả cho giải ngân lần 4: 100 triệu đồng x 3,5% x 23/12 = 6,72 tr.đ
Quý IV (1/12/2002) trả cho giải ngân lần 4: 100 triệu đồng x 3,5% x 26/12 = 7,6 tr.đ
Mức hỗ trợ LSSĐT cho cả dự án: M cả dự án = M2000 + M2001 + M2002
M cả dự án = 11,1375 + 20,38 + 25,48 = 56,9975 triệu đồng