Thông tư số 10/2001/TT-BGTVT ngày 11/06/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng ký tàu biển và bản sao giấy chứng nhận phương tiện thuỷ nội địa để lưu hành phương tiện khi phương tiện cầm cố, thế chấp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng
- Số hiệu văn bản: 10/2001/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Ngày ban hành: 11-06-2001
- Ngày có hiệu lực: 26-06-2001
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 8551 ngày (23 năm 5 tháng 6 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2001/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2001 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 10/2001/TT-BGTVT NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG BẢN SAO GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ TẦU BIỂN VÀ BẢN SAO GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN THUỶ NỘI ĐỊA ĐỂ LƯU HÀNH PHƯƠNG TIỆN KHI PHƯƠNG TIỆN CẦM CỐ, THẾ CHẤP ĐỂ VAY VỐN TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Căn cứ quy định tại Điều 39 Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng và công văn số 839/CP-KTTH ngày 11/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển và bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa để lưu hành phương tiện khi các phương tiện này cầm cố, thế chấp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng như sau:
I. GIẢI THÍCH CÁC TỪ NGỮ:
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Phương tiện": là tầu biển hoặc phương tiện thuỷ nội địa;
2. "Phương tiện cầm cố, thế chấp": là tầu biển hoặc phương tiện thuỷ nội địa mà chủ sở hữu mang đi cầm cố, thế chấp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng;
3. "Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện": là Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển hoặc Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa;
4. Cơ quan đăng ký phương tiện:
- Đối với tầu biển: là Cơ quan đăng ký tầu biển và thuyền viên khu vực;
- Đối với phương tiện thuỷ nội địa: là các Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính;
5. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm:
- Đối với tầu biển: là Cơ quan đăng ký tầu biển và thuyền viên khu vực;
- Đối với phương tiện thuỷ nội địa: là Cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và chi nhánh;
6. "Tuyến quốc tế": là tuyến hàng hải hoặc tuyến đường thuỷ nội địa từ cảng Việt Nam đến cảng nước ngoài và ngược lại;
7. "Tuyến nội địa": là tuyến hàng hải hoặc tuyến đường thuỷ nội địa giữa các cảng, bến Việt Nam.
II. SỬ DỤNG GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN:
1. Sử dụng bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện:
Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bắt buộc phải được sử dụng trong các trường hợp sau:
a. Phương tiện hoạt động trên các tuyến quốc tế;
b. Phương tiện hoạt động trên các tuyến nội địa mà không cầm cố, thế chấp tại các tổ chức tín dụng để vay vốn hoặc đã hết thời hạn cầm cố, thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bằng phương tiện.
2. Sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện:
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện chỉ được sử dụng cho phương tiện hoạt động trên các tuyến nội địa trong thời gian phương tiện cầm cố, thế chấp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng, kể cả thời hạn được gia hạn nợ được bảo đảm bằng phương tiện (nếu có).
III. BẢN SAO GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN:
1. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện nói tại khoản 2 mục II của Thông tư này chỉ có giá trị pháp lý để lưu hành phương tiện khi có đủ các điều kiện sau:
a. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đã được Công chứng Nhà nước chứng nhận;
b. Trên bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện nói tại điểm a khoản 1 của mục này còn phải có xác nhận của tổ chức tín dụng nơi nhận cầm cố, thế chấp phương tiện.
2. Tổ chức tín dụng chỉ xác nhận vào 01 (một) bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sau khi đã có chứng nhận của Công chứng Nhà nước.
3. Theo hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 4/4/2000 và của Bộ Tư pháp tại công văn số 1448/TP-CC ngày 17/8/2000, nội dung xác nhận của tổ chức tín dụng trên bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện là: "bản chính đang lưu giữ tại... từ ngày... tháng... năm... đến ngày... tháng... năm..." và chữ ký của Tổng Giám đốc (Giám đốc) hoặc Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và dấu của tổ chức tín dụng; hoặc chữ ký của Giám đốc (Phó Giám đốc) và dấu đơn vị thành viên của tổ chức tín dụng được uỷ quyền quyết định cho vay. Ngoài ra, trên bản sao còn phải ghi thêm câu : "Để sử dụng theo quy định của Nghị định số 178/1999/NĐ-CP"
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ PHƯƠNG TIỆN, TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CƠ QUAN ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN:
1. Trách nhiệm của chủ phương tiện, người sử dụng phương tiện:
a. Khi cầm cố, thế chấp phương tiện để vay vốn tại các tổ chức tín dụng, chủ phương tiện phải đăng ký giao dịch bảo đảm tại các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.
b. Chủ phương tiện, người sử dụng phương tiện chỉ được sử dụng bản sao hợp pháp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trong trường hợp quy định tại khoản 2 mục II của Thông tư này.
2. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng:
a. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận cầm cố, thế chấp phương tiện, tổ chức tín dụng phải thông báo ngay cho cơ quan đăng ký phương tiện biết để cơ quan đăng ký phương tiện không giải quyết việc chuyển nhượng phương tiện hoặc cấp lại bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (trừ trường hợp cơ quan đăng ký phương tiện đồng thời là cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm).
b. Trong trường hợp hết thời hạn cầm cố, thế chấp phương tiện mà chủ phương tiện chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và được tổ chức tín dụng đồng ý gia hạn nợ thì tổ chức tín dụng phải ghi rõ vào bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện nói tại mục III của Thông tư này, đồng thời phải thông báo lại cho cơ quan đăng ký phương tiện để biết và theo dõi.
c. Khi chủ phương tiện đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bằng phương tiện, thì tổ chức tín dụng phải trả lại bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sau khi đã thu hồi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, đồng thời thông báo lại cho Cơ quan đăng ký phương tiện biết.
3. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký phương tiện:
Sau khi nhận được thông báo của tổ chức tín dụng về việc phương tiện đã cầm cố, thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoặc khi chủ phương tiện đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bằng phương tiện, Cơ quan đăng ký phương tiện phải ghi vào Sổ đăng ký tầu biển quốc gia hoặc Sổ đăng ký phương tiện thuỷ nội địa để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề có liên quan.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
2. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này.
3. Thủ trưởng các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính, Giám đốc các Cơ quan đăng ký tầu biển và thuyền viên khu vực, Giám đốc Cảng vụ, các Cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, tổ chức tín dụng, chủ phương tiện, người sử dụng phương tiện và mọi tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân cần phản ánh kịp thời để Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, giải quyết.
| Phạm Duy Anh (Đã ký) |