cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 02/2001/TT-BCA ngày 04/05/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn thi hành Nghị định 08/2001/NĐ-CP về điều kiện an ninh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 02/2001/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Công An
  • Ngày ban hành: 04-05-2001
  • Ngày có hiệu lực: 04-05-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-11-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3487 ngày (9 năm 6 tháng 22 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-11-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-11-2010, Thông tư số 02/2001/TT-BCA ngày 04/05/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn thi hành Nghị định 08/2001/NĐ-CP về điều kiện an ninh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 33/2010/TT-BCA ngày 05/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ CÔNG AN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2001/TT-BCA

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 02/2001/TT-BCA NGÀY 04 THÁNG 5 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/2001/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN AN NINH, TRẬT TỰ ĐỐI VỚI MỘT SỐ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Thi hành Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH:

1. Phạm vi áp dụng:

Điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP của Chính phủ được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các thành phần kinh tế:

Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị thành viên, các chi nhánh của doanh nghiệp, các đại lý, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể, các cơ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là cơ sở) hoạt động tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nhóm ngành, nghề kinh doanh phải cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 08/2001/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm:

2.1. Nghề khắc dấu gồm các hoạt động sản xuất con dấu cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội quàn chúng, tổ chức kinh tế đơn vị vũ trang, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chức danh nhà nước; dấu tiêu đề, chữ ký dấu ngày tháng năm, dấu tiếp nhận công văn và các loại con dấu khác.

Các con dấu trên có thể được sản xuất bằng nguyên liệu kim loại. chất dẻo, gỗ hoặc nguyên liệu khác theo các phương pháp thủ công, cóng nghiệp hoặc phương pháp khác.

2.2. Nghề sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, cho thuê súng săn, sản xuất và kinh doanh đạn súng săn (bao gồm cả súng hơi và đạn súng hơi).

2.3. Nghề sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ, bao gồm: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu và lắp ráp các loại công cụ hỗ trợ quy định tại Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ và Thông tư số 05/TT-BNV ngày 28/9/1996 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2.4. Nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp bao gồm các hoạt động sản xuất, tái chế, mua bán, cung ứng, xuất khẩu, nhập khẩu các loại thuốc nổ công nghiệp và phụ kiện nổ công nghiệp.

2.5. Nghề sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là các ngành, nghề mà trong quá trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng đến thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ công nghiệp (trừ các đơn vị Quân đội, Công an sử dụng đến vật liệu nổ công nghiệp phục vụ chiến đấu, phòng chống tội phạm và các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học của nhà nước dùng để nghiên cứu khoa học).

2.6. Nghề kinh doanh khí đốt, chất lỏng dễ cháy, bao gồm: các hoạt động kinh doanh gas, xăng, dầu và các loại khí đốt, chất lỏng dễ cháy khác.

2.7. Kinh doanh các toà nhà cao từ 11 tầng trở lên (kể cả tầng trệt) dùng làm khách sạn, nhà ở, văn phòng làm việc.

3. Nhóm ngành, nghề phải làm cam kết thực hiện các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2001/NĐ-CP.

3.1. Kinh doanh lưu trú bao gồm kinh doanh khách sạn, biệt thự, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà của tổ chức, cá nhân cao từ 10 tầng trở xuống cho người Việt Nam thuê để ở; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê để ở hoặc làm văn phòng dài hạn hoặc ngắn hạn.

3.2. Hoạt động in, bao gồm: In ofset, ti pô, laze, in lõm (ống đồng), chế bản, phân mầu, flexô, lưới (lụa), in phun, photocopy, đóng xén sản phẩm in nhằm mục đích sinh lợi.

3.3. Dịch vụ cầm đồ là các hoạt động kinh doanh cho vay tiền, vay tài sản có giá trị bằng tiền với điều kiện người vay phải có tài sản cầm cố.

3.4. Kinh doanh karaoke là hình thức kinh doanh các hoạt động ca hát theo băng hình, đĩa hình.

3.5. Kinh doanh vũ trường là hình thức kinh doanh các hoạt động khiêu vũ.

3.6. Kinh doanh xoa bóp (massage) là kinh doanh các hoạt động vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng và sức khoẻ con người (trừ các cơ sở thuộc bệnh viện nhằm phục hồi chức năng, sức khoẻ bệnh nhân không vì mục đích kinh doanh; các câu lạc bộ thẩm mỹ, thể hình).

II. ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ

1. Điều kiện của chủ thể kinh doanh:

Đối với người đứng đầu cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (Giám đốc hoặc người đại diện theo pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, xã hội, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc đơn vị thành viên, Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp, Trưởng đại lý, chủ nhiệm hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ kinh doanh cá thể) trong bản khai lý lịch phải khai đủ, khai đúng, không che dấu, không khai man và phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp phường hoặc cơ quan quản lý trực tiếp và không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1.1. Người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

1.2. Người bị khởi tố hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng đang điều tra, truy tố, xét xử.

1.3. Người đang bị toà án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; cấm cư trú, người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, đang bị quản chế hoặc đang chấp hành một trong các biện pháp xử lý hành chính khác: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính.

1.4. Người có tiền án mà chưa được xoá án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng là những tội có hình phạt từ 15 năm tù trở lên quy định tại Điều 8 Bộ Luật hình sự - 1999, hoặc các tội khác có liên quan trực tiếp đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà người đó đang xin kinh doanh như các tội: Chứa chấp, môi giới mại dâm; buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội lừa dối khách hàng, cho vay nặng lãi, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

2. Điều kiện về cơ sở kinh doanh.

2.1. Phải đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng nổ, phòng độc và vệ sinh môi trường; đảm bảo về điều kiện trật tự an toàn công cộng như không tranh chấp, khiếu kiện, không nằm trong khu vực phải giải toả, đất lấn chiếm...

2.2. Ngoài điều kiện tại điểm 2.1 nêu trên các cơ sở sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ; sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, gia công pháo hoa phải không nằm trong khu vực và địa điểm cấm theo quy định tại Quyết định số 128/TTg ngày 01/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ hoặc khu vực công trình quốc phòng và khu vực quân sự loại 1, loại 2 quy định trong Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 04/CP ngày 16/01/1995 của Chính phủ.

III. THỦ TỤC CẤP GIẤY XÁC NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ HOẶC CAM KẾT THỰC HIỆN ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ

1. Đối với nhóm ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 2, hồ sơ đề nghị cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" gồm :

1.1. Đơn đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (mẫu ĐD1).

1.2. Bản sao (Có công chứng, hoặc chứng thực, hoặc chứng nhận của cơ quan nhà nước theo quy định) "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh", hoặc "Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động", hoặc "Giấy phép đầu tư" của cơ sở.

1.3. Bản khai lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan quản lý trực tiếp của người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở (Mẫu ĐD2). Trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có Bản khai nhân sự (Mẫu ĐD2B), bản sao Hộ chiếu, Phiếu nhập cảnh, xuất cảnh (khi nộp bản sao phải xuất trình bản chính để kiểm tra).

1.4. Danh sách người làm trong cơ sở hoặc bộ phận ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của cơ sở (Mẫu ĐD3).

1.5. Sơ đồ khu vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở (sơ đồ phòng nghỉ, khu vực sản xuất, kho chứa nguyên vật liệu và khu vực liên quan).

1.6. "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy" (mẫu ĐD6) đối với ngành, nghề kinh doanh khí đốt, chất lỏng dễ cháy, toà nhà cao từ 11 tầng trở lên dùng làm khách sạn, nhà ở, văn phòng làm việc.

"Biên bản kiểm tra xác nhận điều kiện về phòng cháy chữa cháy" đối với những ngành, nghề còn lại tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 08/2001/NĐ-CP.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an có thẩm quyền phải giải quyết việc cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" (Mẫu ĐD5 ) cho tổ chức, cá nhân đề nghị. Trường hợp không đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cơ quan Công an phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân xin kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh biết.

2. Đối với nhóm ngành, nghề tại khoản 2 Điều 2 khi nộp "Bản cam kết thực hiện các quy định điều kiện về an ninh, trật tự để làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện" (Mẫu ĐD4) phải kèm theo các loại giấy tờ sau:

2.1. Bản sao (có công chứng, hoặc chứng thực, hoặc chứng nhận của cơ quan nhà nước theo quy định ), "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh", hoặc "Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động", hoặc "Giấy phép đầu tư" của cơ sở (trừ trường hợp hộ gia đình có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh).

2.2. Bản khai lý lịch người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở (Mẫu ĐD2) hoặc bản khai nhân sự (Mẫu ĐD2B).

2.3. Danh sách người làm trong cơ sở hoặc bộ phận ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của cơ sở.

2.4. Biên bản kiểm tra xác nhận điều kiện về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền.

2.5. Sơ đồ khu vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở (sơ đồ phòng nghỉ, khu vực sản xuất, kho chứa nguyên vật liệu và khu vực có liên quan phải có cửa ra vào, lối thoát nạn...).

Khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an phải ký xác nhận vào bản cam kết cho tổ chức, cá nhân đề nghị.

3. Tổ chức, cá nhân được cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Tổ chức, cá nhân đã được cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" theo Nghị định số 17/CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ nếu có đủ các điều kiện quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP thì vẫn được tiếp tục hoạt động kinh doanh. "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" đối với các ngành, nghề thuộc khoản 1 Điều 2 Nghị định số 08/2001/NĐ-CP có giá trị như "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự", nên không phải đổi lại; đối với các ngành, nghề thuộc khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2001/NĐ-CP trước đây đã được cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" nay được đổi lại bằng bản cam kết" mà không phải nộp thêm hồ sơ.

Nếu không đủ các điều kiện theo Nghị định số 08/2001/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này thì phải bổ sung theo quy định.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LÀM NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN:

Tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sau khi được cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" hoặc đã nộp "Bản cam kết thực hiện các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện" phải chấp hành đầy đủ các quy định sau:

1. Phải thông báo bằng văn bản cho Công an xã; phường, thị trấn nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh ít nhất là 03 ngày trước khi chính thức hoạt động.

2. Định kỳ hàng tháng phải báo cáo tình hình chấp hành các điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở (Mẫu ĐD12) cho cơ quan Công an đã cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" hoặc cơ quan Công an nơi đã nộp bản cam kết. Trường hợp đột xuất có những vụ, việc nghiêm trọng hoặc nghi vấn có liên quan đến an ninh, trật tự thì phải báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết, đồng thời báo cho cơ quan Công an nơi cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" hoặc đã nộp Bản cam kết biết.

3. Không được chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.

4. Có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Công an thực hiện công tác, hướng dẫn, kiểm tra về an ninh, trật tự.

5. Chấp hành việc hướng dẫn và kiểm tra về an ninh, trật tự của cơ quan Công an có thẩm quyền.

6. Khi có thay đổi địa điểm, quy mô, người đứng đầu cơ sở kinh doanh, trong thời gian 10 ngày phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan Công an nơi đã cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" hoặc đã nộp Bản cam kết biết.

7. Có phương án bảo vệ an ninh, trật tự, chữa cháy, cứu người, tài sản khi có các sự cố xảy ra.

8. Ngoài các quy định chung tại các điểm 1, 2, 3, 4, 5, 6,7 phần này, từng ngành, nghề cụ thể phải thực hiện các quy định về an ninh, trật tự sau đây:

8.1. Nghề khắc dấu:

Phải có sổ quản lý khắc dấu (Mẫu ĐD8) và ghi đầy đủ các cột mục quy định.

- Việc khắc dấu tròn, dấu chữ nhật của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội quần chúng, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, chức danh nhà nước, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chỉ được thực hiện khi có Giấy phép khắc dấu của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh hoặc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.

- Việc khắc dấu tiêu đề, nhật ấn, chữ ký và các loại dấu khác phải có Giấy giới thiệu và Chứng minh nhân dân (nếu là cơ quan) hoặc Chứng minh nhân dân của người đến liên hệ (nếu là cá nhân).

Chỉ được khắc các loại con dấu tại cơ sở sản xuất đã đăng ký.

Khi khắc xong con dấu phải giao lại cho cơ quan Công an nơi cấp Giấy phép khắc dấu (trừ trường hợp dấu tiêu đề, nhật ấn, chữ ký).

Phải có nơi bảo quản dấu thành phẩm, không được để mất, hư hỏng.

8.2. Nghề sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, cho thuê súng săn; sản xuất, kinh doanh đạn súng săn; sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ.

- Có sổ quản lý, kinh doanh súng săn, đạn súng săn, cho thuê súng săn, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ công nghiệp (mẫu ĐD9) và phải ghi đầy đủ các cột mục trong sổ.

- Không được sử dụng súng hoặc bộ phận của súng quân dụng, súng thể thao để sửa chữa thành súng săn.

- Không được sử dụng vật liệu nổ, đạn và thuốc đạn quân dụng, thể thao để sản xuất đạn súng săn.

- Chỉ được bán súng săn, đạn súng săn, công cụ hỗ trợ cho người có Giấy phép mua súng săn, đạn súng săn; Giấy phép mua công cụ hỗ trợ của Công an cấp tỉnh hoặc của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.

- Chỉ được sửa chữa súng săn cho những người có Giấy giới thiệu của cơ quan Công an nơi cấp giấy phép sử dụng.

- Chỉ cho thuê súng săn đối với những người có giấy phép sử dụng súng săn và những khẩu súng săn đã có giấy phép sử dụng.

- Phải có nơi bảo quản an toàn súng săn, đạn súng săn, công cụ hỗ trợ, không để mất hoặc lợi dụng hoạt động phi pháp.

8.3. Nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và những nghề sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp:

- Có sổ quản lý (Mẫu ĐD9) và ghi đầy đủ cột mục quy định.

- Có nội quy quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn và sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy.

- Trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy trình thao tác kỹ thuật.

- Không được để các chất dễ cháy, dễ nổ lẫn với chất gây cháy, gây nổ; thuốc nổ và phụ kiện nổ trong cùng một kho (theo đúng quy định tiêu chuẩn Việt Nam).

- Chỉ được bán vật liệu nổ công nghiệp cho các đơn vị đã được cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

- Không được để mất, thất thoát vật liệu nổ công nghiệp.

- Không được mua vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

8.4. Kinh doanh khí đốt, chất lỏng dễ cháy:

- Các chất lỏng, khí đốt phải được chứa đựng trong các phương tiện chuyên dùng.

- Có quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn và sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy.

- Trong quá trình kinh doanh phải thực hiện đúng quy định thao tác kỹ thuật. Không để các chất dễ cháy gần hoặc lẫn với nơi để khí đốt và chất lỏng dễ cháy.

8.5. Nghề cho thuê lưu trú:

- Có sổ đăng ký khách tạm trú (mẫu ĐD7) và phải ghi đầy đủ Các Cột mục trong sổ.

- Có nội quy bảo vệ của cơ sở niêm yết nơi dễ thấy, nội quy hướng dẫn khách hàng.

- Có người thường trực tiếp nhận hướng dẫn khách nghỉ.

- Thực hiện việc vào sổ trước khi khách vào phòng nghỉ và trình báo tạm trú với cơ quan Công an phường, xã, thị trấn sở tại trước 23 giờ trong ngày; sau 23 giờ nếu có khách vẫn phải vào sổ và trình báo vào hôm sau (kể cả khách nghỉ theo giờ).

- Trường hợp khách mang theo vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ phải yêu cầu khách xuất trình giấy phép sử dụng và phải gửi cơ sở cất giữ.

- Khách đến nghỉ phải có Giấy chứng minh nhân dân, hoặc giấy tờ tuỳ thân khác có dán ảnh, đóng dấu nổi hoặc dấu giáp lai (đối với người Việt Nam); Hộ chiếu, Giấy thông hành xuất nhập cảnh (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

- Phải bố trí phòng nghỉ nam riêng, nữ riêng (trừ trường hợp là gia đình, vợ chồng).

- Nghiêm cấm việc lợi dụng cơ sở để làm nơi sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma tuý; đánh bạc; chứa chấp, môi giới mại dâm; chứa chấp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

8.6. Hoạt động in.

- Có sổ quản lý hoạt động in (mẫu ĐD10) (trừ photocopy đen trắng).

- Chỉ được nhận in, nhân bản những ấn phạm, xuất bản phẩm khi có đủ thủ tục theo quy định của pháp luật.

8.7. Dịch vụ cầm đồ:

- Phải có sổ quản lý dịch vụ cầm đồ (mẫu ĐD11) và ghi đầy đủ các cột mục trong sổ.

- Không được chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Phải có hợp đồng cầm đồ đúng quy định.

- Những tài sản có giấy tờ sở hữu, hoặc đăng ký như xe Ô tô, xe mô tô... phải xuất trình giấy tờ sở hữu, hoặc đăng ký và ghi đầy đủ vào sổ.

- Phải có nơi bảo quản an toàn tài sản cầm cố.

- Ngoài ra phải thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số l3/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại "Hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ ".

8.8. Kinh doanh karaoke.

- Phải có diện tích phòng, ánh sáng, âm lượng không ánh hưởng đến sự yên tĩnh chung theo đúng quy định tại Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 "Về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng".

- Cửa phòng phải có kính phía ngoài có thể quan sát vào được.

- Sử dụng các bài hát không bị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấm.

- Không được lợi dụng địa điểm để làm nơi tổ chức, môi giới, dẫn dắt hoạt động mại dâm, ma tuý, cờ bạc và các hoạt động trái pháp luật khác.

8.9. Kinh doanh vũ trường.

- Phải có diện tích, ánh sáng, âm lượng theo đúng quy định và không ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung và theo đúng quy định tại Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 " Về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng".

- Chỉ được phép hoạt động đúng thời gian ghi trong giấy phép của cơ quan văn hoá thông tin.

- Sử dụng băng, đĩa nhạc, băng đĩa hình không bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấm.

- Nếu có ca sĩ, diễn viên biểu diễn phải tuân thủ quy định của pháp luật

- Không được lợi dụng địa điểm để làm nơi tổ chức, môi giới, dẫn dắt mại dâm, ma tuý cờ bạc và các hoạt động phạm pháp khác.

8.10. Kinh doanh xoa bóp (massage).

- Có bản hướng dẫn khách vào xông hơi.

- Có nơi xông hơi đảm bảo kỹ thuật.

- Phòng xoa bóp đúng kích thước, tiêu chuẩn, (diện tích 4m2, cao 2,5m).

- Có phòng nam riêng, phòng nữ riêng được đánh số thứ tự.

- Phòng xoa bóp phải thoáng mát, đủ ánh sáng, đảm bảo vệ sinh.

- Cửa ra vào phần trên có kính trắng, trống 30 cm phía dưới.

- Giường xoa bóp đúng kích thước, rộng 0,8m x cao 0,8m, dài 2 in.

- Có dụng cụ và thuốc cấp cứu tại các phòng.

- Nhân viên xoa bóp mặc trang phục kín đáo, có biển hiệu ghi họ tên và ảnh cỡ 4x6.

- Phải có nhân viên y tế thường xuyên có mặt trong thời gian hoạt động dịch vụ xông hơi và xoa bóp.

- Ngoài ra phải thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/BYT-TT ngày 21/12/1995 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý dịch vụ xoa bóp.

V. QUẢN TÝ VỀ AN NINH, TRẬT TỰ ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN:

A. NỘI DUNG QUẢN LÝ

Quản lý về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP bao gồm việc tiếp nhận hồ sơ, bản cam kết; cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự"; ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định đối với các hoạt dộng của các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

B. PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ:

1. Tổng cục Cảnh sát (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội).

1.1. Là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; ban hành hệ thống biểu mẫu phục vụ công tác quản lý về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thống nhất trong cả nước.

1.2. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc thực hiện Nghị định số 08/2001/NĐ-CP.

1.3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm trà, xử lý vi phạm và giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

1.4. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 08/2001/NĐ-CP trong cả nước; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất Chính phủ quyết định điều chỉnh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự phù hợp với tình hình, yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong từng thời kỳ.

1.5. Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế về lĩnh vực quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

1.6. Tiếp nhận hồ sơ và cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" và quản lý về an ninh, trật tự đối với:

- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; công cụ hỗ trợ; gia công pháo hoa (do Chính phủ cho phép).

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư, các trường hợp do Chính phủ thành lập hoặc cho phép làm các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 08/2001/NĐ-CP.

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự cho lực lượng bảo vệ các cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do Tổng cục Cảnh sát quản lý.

2. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2.1. Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.

- Chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị định số 08/2001/NĐ-CP Thông tư này và kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền ở địa phương.

- Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, xác minh, báo cáo, đề xuất các trường hợp thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội giải quyết.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định.

- Tiếp nhận hồ sơ và cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" và quản lý về an ninh, trật tự đối với:

+ Các cơ sở làm nghề khắc dấu.

+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, cho thuê súng săn; sản xuất, kinh doanh đạn súng săn.

+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

+ Các doanh nghiệp kinh doanh gas, xăng dầu và các loại khí đốt, chất lỏng dễ cháy khác.

- Tiếp nhận hồ sơ cam kết và quản lý về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh khách sạn, cho thuê căn hộ, văn phòng làm việc, các doanh nghiệp in; các cơ sở in phụ thuộc doanh nghiệp hoặc in nội bộ của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, quần chúng, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo với mục đích sinh lời; nhà của tổ chức, cá nhân cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê để ở hoặc làm văn phòng; kinh doanh vũ trường quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2001/NĐ-CP.

- Quản lý về an ninh, trật tự các cơ sở kinh doanh có điều kiện do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội uỷ quyền.

- Tổng hợp tình hình, số liệu kết quả công tác quản lý về an minh trật tự ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ở địa phương báo cáo Tổng cục Cảnh sát (qua Cục Cảnh sát QLHC về TTXH) theo quy định.

- Tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự cho bảo vệ các cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do địa phương quản lý.

2.2. Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý về an ninh, trật tự các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền của Công an cấp huyện.

- Kiểm tra, xác minh, báo cáo, đề xuất các trường hợp do Công an cấp trên yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về công tác quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định.

- Tiếp nhận hồ sơ và cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" và quản lý về an ninh, trật tự cho các chi nhánh, đại lý, cửa hàng, hộ cá thể kinh doanh gas, xăng dầu và các loại khí đốt, chất lỏng dễ cháy khác.

- Tiếp nhận hồ sơ cam kết và quản lý về an ninh, trật tự đối với các cơ sở tập thể, cá nhân in lưới (in lụa), in laze (màu và đơn sắc), photocopy (màu và đơn sắc), in phun màu, các cơ sở đóng xén sản phẩm in; các cơ sở dịch vụ cầm đồ; các cơ sở xoa bóp, karaoke; các hợp tác xã, tổ hợp tác làm ngành nghề cho thuê lưu trú (trừ các cơ sở thuộc Công an tỉnh và cấp xã quản lý).

- Tổng hợp tình hình, số liệu, kết quả công tác quản lý về an ninh, trật tự báo cáo lên Công an cấp trên theo quy định.

2.3. Công an phường, xã, thị trấn.

- Tổ chức thực hiện công tác quản lý về an ninh, trật tự các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền của Công an phường, xã, thị trấn.

- Kiểm tra, xác minh, báo cáo, đề xuất các trường hợp do Công an cấp trên yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về công tác quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Tiếp nhận việc khai báo tạm trú của các cơ sở cho thuê lưu trú trong phạm vi phường, xã, thị trấn (kể cả người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

- Tiếp nhận hồ sơ cam kết và quản lý về an ninh, trật tự đối với các hộ cá thể cho thuê nhà nghỉ, nhà trọ.

- Tổng hợp tình hình, số liệu, kết quả công tác quản lý về an ninh, trật tự báo cáo lên Công an cấp trên theo quy định.

2.4. Đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phân cấp tại điểm 2.2, 2.3 mục B, phần V Thông tư này như hộ gia đình làm dịch vụ photocopy, nhà nghỉ, nhà trọ bình dân chưa có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn phải thực hiện việc cam kết với cơ quan Công an.

C. KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

1. Nội dung kiểm tra việc thực hiện các quy dính về an mình, trật tự của cơ quan Công an được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP và Thông tư này đối với từng loại ngành, nghề cụ thể. Việc kiểm tra phải thực hiện đúng thủ tục quy định.

Công an các cấp phải thường xuyên nắm chắc tình hình an ninh, trật tự của các cơ sơ làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhằm hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy định theo Nghị định số 08/2001/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Khi tiến hành kiểm tra phải mặc sắc phục Cảnh sát theo quy định (trừ Trưởng, phó Công an xã phải xuất trình Giấy chứng nhận Công an xã khi tiến hành kiểm tra trong xã mình). Sau khi kiểm tra phải lập biên bản Mẫu ĐD15) ghi rõ kết quả kiểm tra, có người đứng đầu cơ sở, người vi phạm (nếu có) ký tên, giao cho cơ sở 1 bản và người vi phạm (nếu có) 1 bản.

3. Xử lý vi phạm:

Mọi hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP Thông tư này và quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi tiến hành kiểm tra nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng các điều kiện về an ninh, trật tự cán bộ kiểm tra có quyền đình chỉ ngay hành vi vi phạm và kiến nghị biện pháp xử lý.

Việc thu hồi "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" của cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có vi phạm nghiêm trọng phải do cơ quan Công an đã cấp hoặc cơ quan Công an cấp trên ra quyết định thu hồi.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định số 08/2001/NĐ-CP và Thông tư này.

Tổng cục trưởng các Tổng cục, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng, Giám đóc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có nhiệm vụ phối hợp với Tổng cục Cảnh sát tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Đề nghị thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, chức năng, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công an trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự do Bộ, ngành, địa phương mình quản lý.

3. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 03/TT-BNV ngày 27/3/1993 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định số 17/CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ về quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để nghiên cứu hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.

 

Lê Thế Tiệm

(Đã ký)