cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 10/2000/TT-NHNN1 ngày 31/08/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về việc bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 11/2000/NQ-CP (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 10/2000/TT-NHNN1
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 31-08-2000
  • Ngày có hiệu lực: 31-08-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-06-2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1032 ngày (2 năm 10 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 29-06-2003
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 29-06-2003, Thông tư số 10/2000/TT-NHNN1 ngày 31/08/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về việc bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 11/2000/NQ-CP (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 07/2003/TT-NHNN ngày 19/05/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn thực hiện về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2000/TT-NHNN1

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2000 

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 10/2000/TT-NHNN1 NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2000  HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN GIẢI PHÁP VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 11/2000/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ NGÀY 31/7/2000

Căn cứ điểm 6 và 7 Mục III Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ về một số giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện các giải pháp về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng quy định tại Nghị quyết này như sau:

I- CÁC GIẢI PHÁP VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

1- Về đăng ký giao dịch bảo đảm:

1.1. Đối với đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản là bất động sản, động sản (trừ tàu bay, tàu biển), các tổ chức tín dụng và khách hàng vay chưa thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm cho đến khi các Bộ, ngành liên quan, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

1.2. Đối với đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản là tàu bay và tàu biển, các tổ chức tín dụng và khách hàng vay thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm tại Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cơ quan Đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực theo quy định hiện hành của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

2- Về cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

2.1. Đối với doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng được điều kiện "có kết quả sản xuất, kinh doanh có lãi 2 năm liền kề với thời điểm xem xét cho vay" nhưng không thuộc diện yếu kém theo phương án sắp xếp (cổ phần hoá, giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê...) của Chính phủ, của các Bộ, ngành và địa phương, có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, khắc phục được lỗ trong thời hạn nhất định và có khả năng trả nợ vay, thì được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản phù hợp với các quy định khác tại Mục 1 Chương IV Nghị định số 178/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/12/1999 và Mục 1 Chương IV Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2.2. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lỗ theo kế hoạch do mới đi vào hoạt động tại Việt Nam chưa quá 3 năm nhưng xét thấy có khả năng thực hiện đúng kế hoạch lỗ dự kiến trong dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thì các tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản phù hợp với các quy định khác tại Mục 1 Chương IV Nghị định số 178/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/12/1999 và Mục I Chương IV Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

3. Về điều kiện mức vốn tự có tham gia vào dự án đầu tư và giá trị tài sản bảo đảm tiền vay bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba theo quy định tại Điểm 1.4 Mục 2 Chương III Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng được thực hiện như sau:

3.1. Có mức vốn tự có tham gia vào dự án đầu tư tối thiểu bằng 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án; hoặc

3.2. Có mức vốn tự có tham gia vào dự án đầu tư cộng với giá trị tài sản bảo đảm tiền vay bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba tối thiểu bằng 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án; hoặc

3.3. Có giá trị tài sản bảo đảm tiền vay bằng một trong các biện pháp cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba hoặc các biện pháp cầm cố thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba tối thiểu bằng 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án.

4. Cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với hộ nông dân, chủ trang trại.

Đối với hộ nông dân, chủ trang trại sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản mang tính sản xuất hàng hoá, có phương án sản xuất hiệu quả, có khả năng trả nợ vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho vay đến 20 triệu đồng không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản, chỉ nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn về diện tích đất đang sử dụng không có tranh chấp kèm theo giấy đề nghị vay vốn.

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra thực hiện Thông tư này.

 

 

KT. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ THỐNG ĐỐC
 



Dương Thu Hương