cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 10/2000/TT-BXD ngày 08/08/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 10/2000/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
  • Ngày ban hành: 08-08-2000
  • Ngày có hiệu lực: 23-08-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-03-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3856 ngày (10 năm 6 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-03-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-03-2011, Thông tư số 10/2000/TT-BXD ngày 08/08/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2000/TT-BXD

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 10/2000/TT-BXD NGÀY 8 THÁNG 8 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo cho các đô thị và khu dân cư nông thôn phát triển bền vững. Bộ Xây dựng hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Mục đích lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là ĐTM) là bộ phận cấu thành nội dung của đồ án quy hoạch xây dựng đô thị. Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng nhằm mục đích sau:

1.1. Cụ thể hoá Điều 9 - Chương 3 Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ, trong đó quy định chủ đầu tư, chủ quản dự án phải thực hiện đánh giá ĐTM khi lập các đồ án quy hoạch tổng thể phát triển vùng, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quy hoạch đô thị, khu dân cư.

1.2. Phân tích, đánh giá thực trạng môi trường; dự báo nhu cầu sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho mục tiêu phát triển đô thị - nông thôn; dự báo các chất thải gây ô nhiễm môi trường và những tác động xấu có thể xảy ra do các hoạt động được dự kiến trong đồ án quy hoạch xây dựng, từ đó kiến nghị hoàn chỉnh giải pháp thiết kế quy hoạch xây dựng và các chính sách biện pháp hợp lý để bảo vệ môi trường, phòng ngừa hoặc xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho các đô thị và khu dân cư nông thôn phát triển ổn định và bền vững.

1.3. Xác lập cơ sở cho việc quản lý xây dựng theo quy hoạch, kiểm tra giám sát môi trường các đô thị, khu dân cư nông thôn trong quá trình cải tạo và phát triển.

2. Đối tượng áp dụng

Tất cả các đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ; quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư nông thôn và quy hoạch xây dựng chuyên ngành đều phải lập báo cáo ĐTM.

Đối với các đồ án quy hoạch chi tiết mặt bằng dự án đầu tư xây dựng các khu tập trung như: khu đô thị mới, khu công nghiệp và các khu chức năng khác do một chủ đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất đảm nhiệm thì chỉ phải lập báo cáo ĐTM một lần khi thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

3. Giải thích một số thuật ngữ

- Môi trường: Các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.

- Môi trường nền: Hiện trạng của môi trường trong phạm vi, ranh giới lập quy hoạch xây dựng và các khu vực có liên quan chịu tác động bởi các hoạt động do quy hoạch xây dựng dự kiến.

- Thành phần môi trường: Các yếu tố tạo thành môi trường như: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.

- Hệ sinh thái: Hệ thống quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó.

- Đánh giá tác động môi trường (ĐTM): là quá trình nghiên cứu, nhận dạng, dự báo và phân tích những tác động môi trường quan trọng của một dự án nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để nâng cao chất lượng của việc ra quyết định.

- Sàng lọc: (Screening) là công việc cần thực hiện ở giai đoạn ban đầu của nghiên cứu ĐTM nhằm phân tích quy mô, phạm vi, mức độ tác động môi trường của dự án, từ đó xác định sự cần thiết và mức độ phải tiến hành ĐTM.

- Phạm vi của ĐTM: là giới hạn về mặt không gian, nội dung, nguồn gốc, các vấn đề trọng tâm phải nghiên cứu ĐTM và quá trình diễn biến của tác động môi trường về mặt thời gian theo từng giai đoạn quy hoạch.

- Sự cố môi trường: Các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng.

- Suy thoái môi trường: Sự thay đổi về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường gây ảnh hướng xấu cho đời sống con người và thiên nhiên.

- Chất gây ô nhiễm môi trường: Những chất gây ô nhiễm vật lý, hoá học, sinh học và các chất khác làm cho môi trường trở thành độc hại.

- Ô nhiễm môi trường: Sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của nhà nước.

- Tiêu chuẩn bảo vệ môi trường: Những chuẩn mực, giới hạn cho phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định dùng làm căn cứ để quản lý, bảo vệ môi trường.

4. Các căn cứ để lập báo cáo ĐTM

Căn cứ để lập báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch xây dựng gồm:

4.1. Các đồ án quy định xây dựng được tổ chức có tư cách pháp nhân lập;

4.2. Các thông tin cần thiết về hiện trạng môi trường và các dự báo quy hoạch có liên quan;

4.3. Các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (xem phụ lục I);

4.4. Các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước có liên quan (phụ lục II);

5. Trình tự và phương pháp ĐTM

5.1. Các bước chính ĐTM đối với đồ án quy hoạch xây dựng gồm:

a. Sàng lọc xác định sự cần thiết và mức độ phải lập báo cáo ĐTM đối với đồ án quy hoạch xây dựng.

b. Xác định phạm vi ĐTM

Phạm vi ĐTM đối với đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm: không gian, thời gian và các thành phần môi trường bị tác động:

- Về mặt không gian: Phạm vi, ranh giới ĐTM có thể được xác định trên cơ sở phạm vi và ranh giới lập quy hoạch xây dựng và những khu vực lãnh thổ lân cận bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các tác động của hoạt động do quy hoạch xây dựng dự kiến;

- Về mặt thời gian: được xác định theo thời hạn lập quy hoạch xây dựng.

- Các thành phần môi trường gắn với không gian và thời gian ĐTM.

Để có thể xác định được phạm vi ĐTM, cần phải nghiên cứu tổng hợp các tác động của hoạt động quy hoạch xây dựng và khu vực có thể xảy ra với cường độ tác động, thời gian tồn tại và hậu quả của nó.

c. Lập báo cáo ĐTM

Báo cáo ĐTM đối với đồ án quy hoạch xây dựng được lập theo 2 bước:

- Bước 1: Lập báo cáo ĐTM sơ bộ, được chuẩn bị ở giai đoạn lập nhiệm vụ thiết kế quy hoạch xây dựng chủ yếu áp dụng cho quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị loại I, loại II và các trường hợp đặc biệt xét thấy cần thiết, để làm cơ sở lựa chọn phương án thiết kế quy hoạch xây dựng tối ưu và hình thành đề cương ĐTM chi tiết;

- Bước 2: Lập báo cáo ĐTM chi tiết được tiến hành ở giai đoạn thiết kế quy hoạch xây dựng để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

d. Thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM

Việc thẩm định, và phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch xây dựng được tiến hành đồng thời với việc thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng.

e. Kế hoạch quản lý và giám sát ĐTM

Báo cáo ĐTM được duyệt là cơ sở để lập kế hoạch quản lý và chương tình quan trắc, giám sát tác động môi trường trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch như: lập các đồ án quy hoạch xây dựng ở cấp phân vị thấp hơn, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án xây dựng và quá trình quản lý xây dựng theo quy hoạch.

5.2. Các phương pháp ĐTM

Việc lựa chọn các phương pháp ĐTM tuỳ thuộc điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc xác định các tác động, điều tra quan trắc các tác động, đánh giá diễn giải các tác động, chọn lọc và kết luận chuẩn xác tác động tổng hợp đối với phạm vi ĐTM.

Tuỳ theo điều kiện cụ thể, có thể lựa chọn áp dụng các phương pháp ĐTM sau đây:

- Phương pháp liệt kê.

- Phương pháp ma trận.

- Phương pháp mạng lưới.

- Phương pháp chỉ số môi trường.

- Phương pháp phân tích lợi ích/chi phí.

- Phương pháp Hội thảo mô phỏng lấy ý kiến chuyên gia.

- Phương pháp sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).

- Phương pháp mô hình hoá, v.v....

6. Nội dung của báo cáo ĐTM

Nội dung chủ yếu của báo cáo ĐTM gồm:

6.1. Điều tra khảo sát, quan trắc và đánh giá hiện trạng môi trường;

6.2. Dự báo các tác động của quy hoạch xây dựng tới môi trường tự nhiên, xã hội, trong đó:

- Xác định các yếu tố hoặc nguồn gây tác động và ô nhiễm môi trường;

- Xác định các chất gây tác động và ô nhiễm môi trường, cường độ tác động và quy mô tác động;

- Xác định các đối tượng hoặc thành phần môi trường bị tác động, tần suất tác động và hậu quả của sự tác động đó (xấu hay tốt, phạm vi ảnh hưởng....) và nguyên nhân;

6.3. Kiến nghị hoàn chỉnh giải pháp quy hoạch xây dựng và các biện pháp bảo vệ môi trường;

6.4. Lập kế hoạch, chương trình quản lý, quan trắc và giám sát tác động môi trường, đảm bảo cho các đô thị và khu dân cư nông thôn phát triển bền vững.

6.5. Lập các bản đồ đánh giá hiện trạng môi trường và dự báo tác động môi trường của các đồ án quy hoạch xây dựng.

7. Trách nhiệm và thẩm quyền lập, xét duyệt, điều chỉnh báo cáo ĐTM

7.1. Chủ đầu tư các dự án quy hoạch xây dựng phải chịu trách nhiệm tổ chức lập báo cáo ĐTM dưới các hình thức tự làm (nếu có tư cách pháp nhân) hoặc hợp đồng thuê các tổ chức tư vấn có chức năng lập báo cáo ĐTM theo quy định của pháp luật;

7.2. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm hoặc thẩm quyền trình duyệt, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng nào thì cũng là cơ quan Nhà nước có trách nhiệm hoặc thẩm quyền trình duyệt, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch xây dựng cần có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp có thẩm quyền.

8. Giá trị pháp lý của báo cáo ĐTM

Báo cáo ĐTM được duyệt là cơ sở pháp lý để quản lý việc thực hiện quy hoạch xây dựng về mặt môi trường; theo dõi, giám sát chất lượng môi trường, tiến hành các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và quản lý tác động môi trường theo quy hoạch xây dựng đã được duyệt.

II. LẬP BÁO CÁO ĐTM ĐỐI VỚI SƠ ĐỒ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG

1. Mục đích

ĐTM đối với sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng nhằm:

1.1. Cung cấp các thông tin về hiện trạng môi trường của vùng quy hoạch; dự báo và đánh giá những tác động của hoạt động do quy hoạch xây dựng vùng dự kiến, đề xuất hoàn thiệt các giải pháp thiết kế quy hoạch, các chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường vùng;

1.2. Xác lập cơ sở hoặc nhiệm vụ lập báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch chung đô thị, khu dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng chuyên ngành và các dự án đầu tư xây dựng trong vùng, lập kế hoạch chương trình quản lý và giám sát ĐTM trong quá trình quản lý xây dựng theo quy hoạch.

2. Nội dung báo cáo ĐTM đối với sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng

Nội dung báo cáo ĐTM đối với sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng gồm:

2.1. Mở đầu:

a. Lý do và sự cần thiết phải lập báo cáo ĐTM;

b. Mục đích của báo cáo ĐTM;

c. Các căn cứ lập báo cáo ĐTM;

d. Phạm vi và giới hạn ĐTM;

e. Phương pháp ĐTM.

2.2. Mô tả tóm tắt nội dung sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng

a. Đối với bước lập báo cáo ĐTM sơ bộ thì mô phỏng tóm tắt nội dung nhiệm vụ thiết kế sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng gồm:

- Phạm vi, giới hạn nghiên cứu sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng;

- Thời hạn lập sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng;

- Khái quát điều kiện tự nhiên và hiện trạng vùng;

- Các cơ sở kinh tế - kỹ thuật tạo vùng;

- Các phương án lựa chọn hướng phát triển vùng, trong đó thuyết minh kỹ phương án chọn về mặt tổ chức không gian và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (cơ sở hạ tầng diện rộng cấp quốc gia và vùng);

- Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng đợt đầu.

b. Đối với bước lập báo cáo ĐTM chi tiết thì mô phỏng tóm tắt nội dung sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng gồm:

- Phạm vi, giới hạn nghiên cứu quy hoạch xây dựng vùng;

- Thời hạn lập sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng;

- Khái quát điều kiện tự nhiên và hiện trạng;

- Nội dung và quy mô đầu tư phát triển các cơ sở kinh tế - kỹ thuật tạo vùng;

- Định hướng phát triển vùng về mặt tổ chức không gian và phát triển cơ sở hạ tầng ở diện rộng (cấp quốc gia và vùng);

- Phân đợt đầu tư phát triển và nội dung quy hoạch xây dựng đợt đầu.

2.3. Đánh giá hiện trạng môi trường vùng.

a. Tóm tắt danh mục các số liệu điều tra khảo sát và các nguồn cung cấp thông tin về môi trường nền;

b. Khái quát về môi trường và các hệ sinh thái trong vùng; các quan hệ giữa các hệ sinh thái với môi trường gồm:

- Các thành phần chủ yếu của môi trường sống của con người;

- Các hệ sinh thái đặc trưng của vùng, đặc điểm phân bố và các điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của chúng.

c. Đánh giá hiện trạng tình hình ô nhiễm môi trường vùng.

- Xác định các nguồn ô nhiễm môi trường chủ yếu như: các đô thị và khu dân cư với chất lượng sống thấp (nhà ổ chuột); các khu công nghiệp, kho tàng; các cơ sở dịch vụ (y tế, ăn uống, sinh hoạt công cộng, thể dục - thể thao, du lịch v.v...), hệ thống các công trình kỹ thuật hạ tầng; các bãi chôn rác, nghĩa địa; sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản và các tác động của yếu tố tự nhiên: không khí, khí hậu, địa chất, phóng xạ, tình hình ngập lũ v.v...

- Kiểm tra, xác định các loại chất thải (rắn, lỏng, khí, ồn, phóng xạ v.v...) gây ô nhiễm môi trường vùng gồm: những chất gây ô nhiễm vật lý, những chất gây nhiễm hoá học, những chất gây ô nhiễm sinh học và những tác nhân làm tổn hại về mặt thẩm mỹ của môi trường, cảnh quan vùng;

- Đánh giá tình hình ô nhiễm và các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đối với môi trường như:

+ Môi trường không khí và tiếng ồn;

+ Môi trường nước;

+ Môi trường đất;

+ Cây xanh, cảnh quan hoặc bộ khung bảo vệ thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hoá v.v...

- Đánh giá thực trạng khung thể chế và chính sách quản lý, kiểm soát môi trường trong vùng.

2.4. Đánh giá tác động môi trường đối với sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng.

a. Dự báo các nhân tố quy hoạch gây tác động môi trường và hệ thống các nguồn gây ô nhiễm môi trường gồm:

- Các đô thị và khu dân cư nông thôn;

- Các khu công nghiệp, kho tàng;

- Hệ thống các trung tâm phục vụ công cộng và các trung tâm chuyên ngành;

- Các khu du lịch, nghỉ mát và vui chơi giải trí;

- Các khu chức năng đặc biệt khác;

- Hệ thống giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các cơ sở vệ sinh môi trường (trạm xử lý nước thải, bãi rác, nghĩa địa v.v...)

b. Dự báo các loại chất thải, khối lượng, tính chất, tần suất v.v... do các nguồn (theo quy hoạch) gây ô nhiễm thải ra;

c. Đánh giá tác động môi trường đối với sơ đồ quy hoạch vùng, trong đó nêu rõ các loại chất thải do các nguồn gây ô nhiễm tạo ra đối với môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất, các môi trường văn hoá, lịch sử, cảnh quan và các điều kiện tồn tại phát triển của các hệ sinh thái đặc trưng.

d. Kiến nghị và tổ chức thực hiện:

- Kiến nghị điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các giải pháp thiết kế quy hoạch xây dựng vùng;

- Kiến nghị các giải pháp, chính sách, biện pháp bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Xây dựng kế hoạch hành động gồm các chương trình, kế hoạch quản lý, quan trắc, giám sát tác động môi trường và dự án ưu tiên đầu tư;

- Kiến nghị khung thể chế chính sách thực hiện báo cáo ĐTM vùng.

3. Hồ sơ báo cáo ĐTM đối với sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng

Thành phần hồ sơ của báo cáo ĐTM đối với sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng gồm:

3.1. Phần văn bản

a. Báo cáo tóm tắt ĐTM;

b. Báo cáo tổng hợp ĐTM kèm theo các bản vẽ thu nhỏ quy định ở mục 3.2. - Thông tư này và phụ lục kèm theo các văn bản pháp lý có liên quan.

3.2. Phần bản vẽ (hồ sơ mầu)

a. Sơ đồ phạm vi và ranh giới ĐTM

b. Sơ đồ đánh giá hiện trạng môi trường vùng

c. Sơ đồ đánh giá tổng hợp ĐTM và các giải pháp bảo vệ môi trường.

Tỷ lệ các bản vẽ theo quy định của Bộ Xây dựng đối với việc lập và xét duyệt sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng.

III. LẬP BÁO CÁO ĐTM ĐỐI VỚI ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG

1. Mục đích

ĐTM đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị, khu dân cư nông thôn nhằm:

1.1. Cụ thể hoá báo cáo ĐTM của sơ đồ quy hoạch vùng (nếu có);

1.2. Cung cấp thông tin về hiện trạng môi trường đô thị và khu dân cư nông thôn, dự báo và đánh giá những tác động của đồ án quy hoạch chung; đề xuất hoàn thiện các giải pháp thiết kế quy hoạch chung, kiến nghị các chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường.

1.3. Xác lập cơ sở hoặc nhiệm vụ lập báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng chuyên ngành và các dự án đầu tư xây dựng, lập kế hoạch, chương trình quản lý và giám sát tác động môi trường trong quá trình quản lý xây dựng theo quy hoạch.

2. Nội dung báo cáo ĐTM đối với đồ án quy hoạch chung

Nội dung báo cáo ĐTM đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị và khu dân cư nông thôn gồm:

2.1. Mở đầu

a. Lý do và sự cần thiết phải lập báo cáo ĐTM;

b. Mục đích của báo cáo ĐTM;

c. Các căn cứ lập báo cáo ĐTM;

d. Phạm vi và giới hạn ĐTM

e. Phương pháp ĐTM

2.2. Mô tả tóm tắt nội dung đồ án quy hoạch chung

a. Đối với bước lập báo cáo ĐTM sơ bộ thì mô phỏng tóm tắt nội dung nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chung gồm:

- Phạm vi, giới hạn nghiên cứu quy hoạch chung;

- Thời hạn lập quy hoạch chung;

- Khái quát điều kiện tự nhiên và hiện trạng đô thị hoặc khu dân cư nông thôn;

- Các cơ sở kinh tế - kỹ thuật hình thành và phát triển đô thị hoặc khi dân cư nông thôn;

- Các phương án cơ cấu quy hoạch xây dựng đô thị hoặc khu dân cư nông thôn về mặt chọn đất, tổ chức không gian và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

- Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng đợt đầu.

b. Đối với bước lập báo cáo ĐTM chi tiết thì mô phỏng tóm tắt nội dung quy hoạch chung gồm:

- Phạm vi, giới hạn nghiên cứu quy hoạch chung;

- Thời hạn lập quy hoạch chung;

- Khái quát điều kiện tự nhiên và hiện trạng;

- Nội dung và quy mô đầu tư hoặc các cơ sở kinh tế - kỹ thuật hình thành và phát triển đô thị hoặc khu dân cư nông thôn;

- Định hướng phát triển không gian đô thị, khu dân cư nông thôn;

- Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn;

- Phân đợt đầu tư phát triển và quy hoạch xây dựng đợt đầu.

2.3. Đánh giá hiện trạng môi trường đô thị hoặc khu dân cư nông thôn.

a. Tóm tắt danh mục các số liệu điều tra, khảo sát và các nguồn thông tin về môi trường nền;

b. Khái quát về môi trường và các hệ sinh thái đặc trưng; mối quan hệ giữa các hệ sinh thái với môi trường;

- Các thành phần chủ yếu của môi trường sống của con người;

- Các hệ sinh thái đặc trưng và đặc điểm phân bố và điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của chúng.

c. Đánh giá hiện trạng tình hình ô nhiễm môi trường đô thị, khu dân cư nông thôn.

- Xác định các nguồn ô nhiễm môi trường như:

+ Các khu dân cư chất lượng thấp, các khu nhà ổ chuột;

+ Các khu công nghiệp, kho tàng;

+ Các cơ sở dịch vụ như y tế, ăn uống, sinh hoạt công cộng, du lịch;

+ Các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình vệ sinh môi trường (bãi chôn rác, nghĩa địa);

+ Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai tác tài nguyên khoáng sản;

+ Các yếu tố tự nhiên: không khí, khí hậu, địa chấn; phóng xạ và tình hình ngập lũ.

- Xác định các loại chất thải (rắn, lỏng, khí, ồn v.v...) gây ô nhiễm môi trường gồm những chất gây ô nhiễm vật lý, những chất gây ô nhiễm hoá học, những chất ô nhiễm sinh học và những tác nhân làm tổn hại về mặt thẩm mỹ của môi trường cảnh quan.

- Đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường và các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đối với môi trường như:

+ Môi trường không khí và tiếng ồn;

+ Môi trường nước;

+ Môi trường đất;

+ Cây xanh, cảnh quan, thảm thực vật và bộ khung bảo vệ thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hoá....

- Đánh giá thực trạng khung thể chế, chính sách quản lý và kiểm soát môi trường đô thị hoặc khu dân cư nông thôn.

2.4. Đánh giá tác động môi trường đối với đồ án quy hoạch chung.

a. Dự báo các nhân tố quy hoạch tác động môi trường và hệ thống các nguồn gây ô nhiễm môi trường gồm:

- Các khu dân cư

- Các khu công nghiệp, kho tàng

- Hệ thống các trung tâm phục vụ công cộng và các trung tâm chuyên ngành.

- Các khu cây xanh, du lịch, nghỉ mát và vui chơi giải trí.

- Các khu chức năng đặc biệt khác.

- Hệ thống giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các cơ sở vệ sinh môi trường (trạm xử lý nước, phân rác, các chất thải rắn, nghĩa địa v.v...)

b. Dự báo các loại chất thải, khối lượng, tính chất, đặt điểm, phân bố, tần suất... do các nguồn gây ô nhiễm thải ra.

c. Đánh giá tác động môi trường đối với đồ án quy hoạch chung, trong đó nêu rõ các loại chất thải do các nguồn gây ô nhiễm tạo ra đối với môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất, môi trường văn hoá lịch sử, cảnh quan và các điều kiện tồn tại, phát triển của các hệ sinh thái đặc trưng.

d. Kiến nghị và tổ chức thực hiện

- Kiến nghị điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện các giải pháp thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư nông thôn;

- Kiến nghị các chính sách và biện pháp bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Xây dựng kế hoạch hành động gồm các chương trình, kế hoạch quản lý, quan trắc, giám sát tác động môi trường và dự án ưu tiên đầu tư;

- Kiến nghị khung thể chế chính sách thực hiện và giám sát báo cáo ĐTM đối với đồ án quy hoạch chung.

3. Hồ sơ báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch chung

3.1. Phần văn bản

a. Báo cáo tóm tắt ĐTM

b. Báo cáo tổng hợp ĐTM kèm theo các bản vẽ thu nhỏ, phụ lục và các văn bản pháp lý có liên quan.

Đối với các đô thị loại I, loại II trở lên các báo cáo ĐTM có thể viết riêng độc lập với thuyết minh quy hoạch chung, còn đối với các đô thị khác và các khu dân cư nông thôn thì báo cáo ĐTM được viết thành một chương trong thuyết minh quy hoạch chung, trong đó có thể lược bỏ nội dung không cần thiết được hướng dẫn tại mục 2.2, khoản 2, phần III của Thông tư này.

3.2. Phần bản vẽ (hồ sơ mầu)

a. Sơ đồ phạm vi và ranh giới đánh giá tác động môi trường.

b. Bản đồ hiện trạng môi trường;

c. Bản đồ đánh giá tổng hợp tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường.

Tỷ lệ các bản vẽ theo quy định của Bộ Xây dựng đối với việc lập và xét duyệt các đồ án quy hoạch chung.

IV. LẬP BÁO CÁO ĐTM ĐỐI VỚI CÁC ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHI TIẾT VÀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG CHUYÊN NGÀNH

1. Mục đích

ĐTM đối với các đồ án quy hoạch chi tiết và quy hoạch xây dựng chuyên ngành nhằm:

1.1. Cụ thể hoá báo cáo ĐTM của sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng và của quy hoạch chung;

1.2. Cung cấp thông tin về hiện trạng các môi trường khu vực lập quy hoạch chi tiết và quy hoạch xây dựng ngành; dự báo và đánh giá những tác động của quy hoạch chi tiết; đề xuất hoàn chỉnh các giải pháp thiết kế quy hoạch chi tiết; kiến nghị các chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường;

1.3. Xác lập cơ sở để lập báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư xây dựng, lập kế hoạch, chương trình quản lý, quan trắc và giám sát tác động môi trường trong quá trình thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch.

2. Nội dung báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch chi tiết và quy hoạch xây dựng chuyên ngành

2.1. Mở đầu

a. Lý do và sự cần thiết phải lập báo cáo ĐTM;

b. Mục đích của báo cáo ĐTM;

c. Các căn cứ lập báo cáo ĐTM;

d. Phạm vi và giới hạn ĐTM;

e. Phương pháp ĐTM.

2.2. Mô tả tóm tắt nội dung đồ án quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành:

a. Phạm vi và giới hạn lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành;

b. Khái quát điều kiện thiên nhiên và hiện trạng khu vực nghiên cứu thiết kế quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành và những khu vực đất đai có liên quan trực tiếp;

c. Nội dung và quy mô đầu tư, kèm theo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật lựa chọn lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành;

d. Bố cục cơ cấu quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành;

e. Quy hoạch xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

2.3. Đánh giá hiện trạng môi trường trong phạm vi lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành:

a. Tóm tắt danh mục các số liệu điều tra, khảo sát và các nguồn thông tin về môi trường nền;

b. Khái quát đặc điểm môi trường và các hệ sinh thái đặc trưng; mối quan hệ giữa các hệ sinh thái đặc trưng với môi trường;

c. Đánh giá hiện trạng tình hình ô nhiễm môi trường trong khu vực thiết kế quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành;

- Xác định các nguồn ô nhiễm trong khu vực, bao gồm các công trình nhà ở, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng và các yếu tố tự nhiên khác;

- Xác định loại và lượng các chất thải gây ô nhiễm, tình hình phân bố và yếu tố lan truyền;

- Đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường và các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, môi trường nước, môi trường đất, cây xanh, cảnh quan, các di tích lịch sử, văn hoá....

d. Đánh giá thực trạng khung thể chế quản lý và kiểm soát môi trường trong khu vực thiết kế quy hoạch.

2.4. Đánh giá tác động môi trường đối với đồ án quy hoạch chi tiết hoặc đồ án quy hoạch xây dựng chuyên ngành:

a. Dự báo tác động môi trường do các nhân tố được quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng chuyên ngành xác định gồm: tên các công trình dự kiến xây dựng, quy mô, tính chất, đặc điểm phân bố.

b. Dự báo các loại chất thải, xử lý chất thải, đặc điểm phân bố và tần suất do các công trình là nguồn gây ô nhiễm tạo ra;

c. Đánh giá tác dộng môi trường đối với đồ án quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành, trong đó nêu rõ các loại chất thải do các nguồn ô nhiễm tạo ra và ảnh hướng của chúng tới môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất và môi trường lịch sử, văn hoá truyền thống.

d. Kiến nghị và tổ chức thực hiện:

- Kiến nghị điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện các giải pháp thiết kế quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng chuyên ngành;

- Kiến nghị các chính sách và biện pháp bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Xây dựng kế hoạch hành động gồm các chương trình, kế hoạch quản lý, quan trắc, giám sát tác động môi trường và dự án ưu tiên đầu tư;

- Kiến nghị khung thể chế, chính sách thực hiện và giám sát báo cáo ĐTM.

3. Hồ sơ báo cáo ĐTM đối với đồ án quy hoạch chi tiết và quy hoạch xây dựng chuyên ngành

3.1. Phần văn bản

Thuyết minh ĐTM có thể được soạn thảo thành một báo cáo riêng hoặc thành một chương của thuyết minh quy hoạch chi tiết quy hoạch xây dựng chuyên ngành kèm theo các bản vẽ thu nhỏ, phụ lục và các văn bản pháp lý có liên quan.

Trường hợp báo cáo ĐTM là một chương của thuyết minh, thì có thể lược bỏ những nội dung không cần thiết hướng dẫn tại mục 2.2, khoản 2, phần IV Thông tư này.

3.2. Phần bản vẽ (hồ sơ mầu)

a. Sơ đồ phạm vi và ranh giới ĐTM;

b. Bản đồ hiện trạng môi trường;

c. Bản đồ đánh giá tổng hợp tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường;

Tỷ lệ các bản vẽ theo quy định của Bộ Xây dựng đối với việc lập, xét duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng chuyên ngành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào Thông tư hướng dẫn này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo việc lập, xét duyệt triển khai thực hiện báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc ngành và địa phương mình phụ trách theo sự phân cấp của Chính phủ.

2. KTS trưởng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc các Sở Xây dựng phối hợp với các Sở Khoa học, Công nghệ - Môi trường giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện và hướng dẫn việc lập, xét duyệt báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch xây dựng tại địa phương mình.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát hiện những vấn đề tồn tại, vướng mắc, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các Bộ ngành, tổ chức cá nhân liên quan gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.

PHỤ LỤC I

CÁC TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN SỬ DỤNG CHO VIỆC LẬP BÁO CÁO ĐTM

1. Đối với điều kiện tự nhiên và tình hình ngập lụt sử dụng Quy chuẩn xây dựng, tập 1 -1996.

2. Đối với môi trường đất sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sau đây:

- Phương pháp xác định mức độ sói mòn đất do mưa: TCVN 5929-1995.

- Giới hạn tối đa cho phép của dự lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong đất: TCVN 5941-1995.

3. Đối với môi trường nước sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định sau đây:

- Luật Bảo vệ tài nguyên nước.

- Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt: TCVN 5942-1995

- Tiêu chuẩn chất lượng nước biển ven bờ: TCVN 5943-1995

- Tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm: TCVN 5944-1995.

- Tiêu chuẩn ngành: Cấp nước mạng lưới bên ngoài và công trình: 20TCN-33-85

- Tiêu chuẩn ngành: thoát nước mạng lưới bên ngoài và công trình: 20TCN-51-84

- Tiêu chuẩn vệ sinh đối với chất lượng nước cấp cho sinh hoạt: Phụ lục 4.2 - Quy chuẩn xây dựng tập 1 - 1996

- Yêu cầu đối với chất lượng nước cấp, uống trực tiếp được: Phụ lục 4.3 - Quy chuẩn xây dựng tập 1 - 1996.

4. Đối với môi trường không khí và tiếng ồn sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định sau đây:

4.1. Không khí

- Tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh: TCVN 5937-1995

- Nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh: TCVN 5938-1995.

- Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ: TCVN5939-1995

- Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất thải hữu cơ: TCVN5940-1995.

4.2. Tiếng ồn

- Mức độ ồn tối đa cho phép trong khu vực công cộng và dân cư: TCVN5949-1998.

- Tiêu chuẩn tiếng ồn tại các khu vực: Phụ lục V.2. Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994.

- Âm học - Tiếng ồn phương tiện giao thông vận tải đường bộ, mức ồn cho phép: TCVN5948-1995.

5. Chất thải rắn và chất thải nguy hại sử dụng Quy chuẩn xây dựng tập 1 - 1996.

6. Tiếng ồn và giao thông sử dụng các tiêu chuẩn, quy phạm và chỉ dẫn sau đây:

- Phương tiện giao thông đường bộ - khí thải gây ô nhiễm phát ra từ ôtô và mô tô lắp động cơ xăng: TCVN6431-1998.

- Xăng chì - yêu cầu kỹ thuật TCVN 5690-1998.

- Tiếng ồn do phương tiện giao thông đường bộ phát ra khi đỗ: TCVN6436-1998.

- Chất lượng không khí - khí thải phương tiện giao thông đường bộ - giới hạn tối đa cho phép: TCVN6438-1998.

- Mức độ ồn tối đa cho phép của phương tiện giao thông vận tải đường bộ: TCVN5948-1995.

- Thông tư hướng dẫn thực hiện khoản 2, Điều 71 - Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ.

- Quy phạm kỹ thuật thiết kế đường phố, đường quảng trường đô thị: 20 TCN104-83.

7. Đối với cây xanh, cảnh quan sử dụng Quy chuẩn xây dựng, tập 1-1996.

8. Đối với hệ sinh thái sử dụng sách đỏ Việt Nam: phần động vật - 1992, phần thực vật - 1996.

9. Đối với vấn đề cải thiện nhà ổ chuột cần sử dụng Quy chuẩn xây dựng, tập 1 - 1996.

10. Đối với môi trường văn hoá, lịch sử sử dụng Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh - 1984 và các văn bản pháp quy hướng dẫn Pháp lệnh trên.

11. Sức khoẻ - môi trường và nghĩa trang - mai táng sử dụng các tiêu chuẩn sau đây:

- Tiêu chuẩn vệ sinh đối với chất lượng thức ăn, uống và sinh hoạt về phương diện vật lý và hoá học: Bộ Y tế, 505/BYT/QĐ, 1992.

- Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống và sinh hoạt về phương diện vi khuẩn và sinh vật: Bộ Y tế, 505/BYT/QĐ, 1992.

PHỤ LỤC II

CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM VÀ PHÁP LUẬT SỬ DỤNG CHO VIỆC LẬP BÁO CÁO ĐTM

1. Luật bảo vệ môi trường đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 27/12/1993 và được Chủ tịch nước ký Sắc lệnh ban hành ngày 10/1/1994.

2. Nghị định của Chính phủ số 175/CP ngày 18/10/1994 về hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.

3. Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25/6/1998 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

4. Văn bản số 3165/BKHCNMT-MTg của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường ngày 8/12/1998 về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ môi trường.

5. Văn bản số 2249/BXD-KHCN của Bộ Xây dựng ban hành ngày 26/12/1998 về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ môi trường.

6. Nghị định số 91/CP của Chính phủ ban hành ngày 17/8/1994 kèm theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng.

7. Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định lập đồ án quy hoạch đô thị.

8. Thông tư số 25/BXD-KTQH ngày 22/8/1995 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn xét duyệt đồ án quy hoạch đô thị.

9. Thông tư 03/BXD/KTQH của Bộ Xây dựng ban hành ngày 4/6/1997 về việc hướng dẫn lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng các thị trấn và thị tứ.

10. Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với dự án phát triển kinh tế - kỹ thuật, số 1485/MTg, ngày 10/9/1993 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

11. Thông tư hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, số 1100/TT-MTg ngày 20/8/1997 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

12. Thông tư số 1420-MTg ngày 26/11/1994 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng.

13. Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT ngày 29/4/1998 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.

14. Quyết định số 1806QĐ/MTg ngày 31/12/1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường.

15. Thông tư số 715-MTg ngày 3/4/1995 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

16. Công văn số 812-MTg ngày 17/4/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành mẫu đơn và Quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM.

17. Công văn số 2592-MTg ngày 12/11/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc kiểm soát ô nhiễm biển từ các phương tiện giao thông thuỷ.

 

Nguyễn Mạnh Kiểm

(Đã ký)