cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 299/2000/TT-BGTVT ngày 04/08/2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn Điều 22 và Điều 23 Nghị định 171/1999/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường sông (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 299/2000/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Ngày ban hành: 04-08-2000
  • Ngày có hiệu lực: 19-08-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 12-06-2005
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1758 ngày (4 năm 9 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 12-06-2005
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 12-06-2005, Thông tư số 299/2000/TT-BGTVT ngày 04/08/2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn Điều 22 và Điều 23 Nghị định 171/1999/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường sông (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 27/2005/QĐ-BGTVT ngày 17/05/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Về quản lý đường thủy nội địa (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 299/2000/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2000 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU 22 VÀ ĐIỀU 23 NGHỊ ĐỊNH SỐ 171/1999/NĐ-CP NGÀY 7 THÁNG 12 NĂM 1999 CỦA CHÍNH PHỦ

Nhằm triển khai thực hiện thống nhất các quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 171/1999/NĐ-CP ngày 7 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường sông, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể như sau:

I - ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Thông tư này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động quy định sau đây trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa hoặc ngoài phạm vi bảo vệ công trình nhưng có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và an toàn công trình giao thông đường thuỷ nội địa:

1- Xây dựng các cầu vĩnh cửu, cầu tạm thời;

2 - Xây dựng các đường dây điện, đường dây thông tin, đường ống dẫn trên không hoặc dưới lòng sông;

3- Xây dựng các cảng, bến, bến phà;

4- Xây dựng các công trình kè, công trình chỉnh trị, công trình có liên quan đến phòng chống lụt bão;

5- Thi công các công trình nạo vét;

6- Thi công trục vớt, thanh thải vật chướng ngại.

II- THỦ TỤC KHI LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ.

1- Đối với các công trình phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, thì khi tiến hành lập dự án đầu tư, người lập dự án phải gửi hồ sơ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền quy định tại phần IV của Thông tư này. Hồ sơ gồm:

a- Văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến về dự án đầu tư. Nội dung văn bản phải nêu rõ vị trí, quy mô của công trình, tình hình thuỷ văn và các kết cấu chính của công trình;

b- Bình đồ khu vực bố trí công trình hoặc bản đồ thể hiện vị trí công trình với hệ toạ độ, mốc cao độ liên hệ với hệ mốc quốc gia.

c- Ngoài các tài liệu trên, người lập dự án còn phải nộp thêm các tài liệu cho từng trường hợp cụ thể như sau:

*/ Dự án công trình cầu vĩnh cửu, tạm thời:

- Số liệu về khoang thông thuyền ( vị trí, chiều rộng, chiều cao);

- Mặt cắt dọc công trình thể hiện trên mặt cắt ngang đáy sông;

- Đối với cầu quay, cầu cất, cầu phao phải thể hiện rõ phương án và công nghệ đóng mở, khu nước dự kiến bố trí cho phương tiện thuỷ neo đậu khi chờ đợi.

*/ Dự án công trình đường ống, đường dây vượt sông trên không

- Bản vẽ, các số liệu thể hiện rõ điểm thấp nhất của đường dây, đường ống ( điểm thấp nhất của đường dây điện tính cả hành lang an toàn lưới điện theo quy định hiện hành)

*/ Dự án công trình ngầm :

- Bản vẽ thể hiện kích thước, cao trình của đỉnh kết cấu công trình ngầm.

*/ Dự án công trình bến phà:

- Bản vẽ thể hiện hướng và kích thước các bến ở hai bờ sông, các công trình phụ trợ và khu nước cần thiết cho hoạt động của phà.

*/ Các công trình kè, công trình chỉnh trị, công trình liên quan đến phòng chống lụt bão

- Bản vẽ thể hiện các kích thước và hướng của công trình, phần công trình nhô từ bờ ra ngoài.

2- Cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ về các yếu tố liên quan đến an toàn cho công trình giao thông đường thuỷ nội địa và an toàn giao thông vận tải thuỷ nội địa, có ý kiến bằng văn bản trả lời cho người lập dự án đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp phức tạp cần kéo dài thời gian nghiên cứu, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và thời gian cần kéo dài thêm.

III- THỦ TỤC XIN PHÉP THI CÔNG CÁC CÔNG TRÌNH TRONG PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA.

1. Trước khi thi công các công trình hoặc tiến hành các hoạt động nêu tại phần I, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công phải gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xin phép thi công. Hồ sơ bao gồm:

a- Văn bản gửi cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa tại khu vực xin phép thi công. Nội dung văn bản nêu rõ quy mô thi công công trình; tiến độ thi công các hạng mục công trình trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông; phạm vi vùng nước xin sử dụng và cam kết thu dọn hiện trường sau khi thi công.

b- Nếu thi công công trình trong phạm vi bảo vệ luồng chạy tầu thuyền, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công phải có phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ qua khu vực hiện trường trong thời gian thi công và phải bố trí báo hiệu, cảnh giới theo hướng dẫn của cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa tại khu vực.

c- Bản sao văn bản ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các công trình phải lập dự án đầu tư;

d- Ngoài các tài liệu trên còn phải nộp bình đồ khu vực thi công (đối với các công trình vượt sông); bình đồ khu vực nạo vét, khối lượng được phép nạo vét, vị trí đổ đất cát và các thủ tục khác theo quy định hiện hành (đối với các công trình nạo vét).

2- Cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ, nếu đủ các điều kiện theo quy định thì có văn bản cho phép thi công công trình gửi chủ đầu tư hoặc đơn vị trực tiếp thi công trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp đặc biệt khẩn cấp như trục vớt phương tiện chìm đắm, thanh thải vật chướng ngại tức thời gây ách tắc giao thông thì chủ phương tiện, chủ vật chướng ngại cùng cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa khu vực thống nhất phương án đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực thi công và phải chịu trách nhiệm về các sự cố mất an toàn khi thi công.

3- Sau khi kết thúc việc thi công, các chủ công trình nêu tại phần 1 phải bàn giao hồ sơ cho cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa khu vực gồm:

a- Biên bản kiểm tra, rà quét luồng khu vực vùng nước thuộc phạm vi thi công có sự chứng kiến của đại diện cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa khu vực;

b- Hồ sơ hoàn công khu vực thi công;

c- Bản vẽ tổng thể công trình.

4- Trong thời gian chưa tiến hành bàn giao, chủ công trình, chủ vật chướng ngại phải chịu trách nhiệm về các hậu quả gây mất an toàn cho phương tiện thuỷ qua khu vực hiện trường thi công.

IV- CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT

1- Thẩm quyền cho ý kiến giai đoạn lập dự án đầu tư

a- Bộ Giao thông vận tải xem xét có ý kiến bằng văn bản đối với các công trình thuộc dự án nhóm A;

b- Cục Đường sông Việt Nam xem xét có ý kiến bằng văn bản đối với các công trình thuộc dự án nhóm B, C trên đường thuỷ nội địa Trung ương;

c- Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính xem xét có ý kiến bằng văn bản đối với các công trình thuộc dự án nhóm B, C trên đường thuỷ nội địa địa phương.

( Các công trình được phân loại dự án nhóm A, B, C theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng ).

2- Thẩm quyền cấp phép thi công

a- Cục Đường sông Việt Nam xem xét, giải quyết đối với các trường hợp thi công trên đường thuỷ nội địa Trung ương;

b- Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính xem xét, giải quyết đối với các trường hợp thi công trên đường thuỷ nội địa địa phương.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế thông tư số 318 TT/PC ngày 6 tháng 9 năm 1996 và Quyết định số 2047 QĐ/PC ngày 6 tháng 8 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2- Vụ trưởng Vụ Pháp chế vận tải, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính và mọi tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành các quy định tại Thông tư này.

3- Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP
- UBND các tỉnh, tp trực thuộc TW
- Các Sở GTVT, GTCC
- Các Cục ĐSVN, ĐBVN, GĐCLQLCT
- LHĐSVN
- Lưu: VP, PCVT

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT
THỨ TRƯỞNG



 
Phạm Quang Tuyến