cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 09/2000/TT-BCA(A18) ngày 07/06/2000 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định 05/2000/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/2000/TT-BCA(A18)
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Công An
  • Ngày ban hành: 07-06-2000
  • Ngày có hiệu lực: 07-06-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-12-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2756 ngày (7 năm 6 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 24-12-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 24-12-2007, Thông tư số 09/2000/TT-BCA(A18) ngày 07/06/2000 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định 05/2000/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 27/2007/TT-BCA(A11) ngày 29/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ CÔNG AN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2000/TT-BCA(A18)

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 09/2000/TT-BCA (A18) NGÀY 07 THÁNG 06 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG Ở TRONG NƯỚC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 05/2000/NĐ-CP NGÀY 03/3/2000 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

Ngày 03/3/2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2000/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Nghị định này đã quy định cụ thể về hộ chiếu, thủ tục cấp hộ chiếu, những trường hợp chưa được xuất cảnh, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và trách nhiệm của người được cấp hộ chiếu. Nay Bộ Công an hướng dẫn cụ thể thêm một số vấn đề có liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước như sau:

I- THỦ TỤC CẤP HỘ CHIẾU

1- Đối với những người thuộc diện nêu tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 03/3/2000 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 05/2000/NĐ-CP) thì nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.

Trường hợp người đề nghị cấp hộ chiếu có nguyện vọng nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an tỉnh) nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn, thì Công an tỉnh phải tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả một cách thuận lợi. Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an tỉnh có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ về Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm xem xét, cấp hộ chiếu trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2- Đối với những người thuộc diện nêu tại điểm c, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP thì trực tiếp nộp hồ sơ tại Công an tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn.

- Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc (đối với người xuất cảnh có thời hạn) hoặc không quá 20 ngày làm việc (đối với người xuất cảnh định cư), kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an tỉnh có trách nhiệm xem xét, nếu không thuộc diện chưa được xuất cảnh quy định tại Điều 14 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP thì gửi hồ sơ về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

- Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc (đối với người xuất cảnh có thời hạn) hoặc không quá 10 ngày làm việc (đối với người xuất cảnh định cư), kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm kiểm tra, cấp hộ chiếu.

Trường hợp cần thiết, người làm thủ tục có thể trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc (đối với người xuất cảnh có thời hạn) hoặc không quá 30 ngày làm việc (đối với người xuất cảnh định cư), kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm xem xét, cấp hộ chiếu.

Đối với những trường hợp nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu tại Công an tỉnh, nếu quá 10 ngày làm việc (đối với người xuất cảnh có thời hạn) hoặc 20 ngày làm việc (đối với người xuất cảnh định cư) mà không được Công an tỉnh thông báo đã chuyển hồ sơ về Cục Quản lý xuất nhập cảnh, thì công dân có thể trực tiếp nộp hồ sơ (kèm theo giấy biên nhận về việc đã nộp hồ sơ ở Công an tỉnh) và nhận kết quả tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm xem xét cấp hộ chiếu trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thông báo cho Công an tỉnh biết.

3- Việc cấp hộ chiếu đối với các nhân vật tôn giáo ra nước ngoài để hoạt động tôn giáo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo và hướng dẫn của Ban Tôn giáo của Chính phủ trên cơ sở phù hợp với quy định tại Nghị định số 05/2000/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Công an tại Thông tư này.

4- Khi công dân Việt Nam nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu tại Công an tỉnh hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cần xuất trình giấy chứng minh nhân dân và giấy tờ chứng nhận đã đăng ký thường trú hoặc đã tạm trú dài hạn từ 01 năm trở lên sau đây: sổ hộ khẩu gia đình, hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, hoặc sổ đăng ký tạm trú có thời hạn, hoặc giấy tạm trú có thời hạn (dưới đây gọi tắt là giấy tờ về hộ khẩu).

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra nội dung và ảnh trên tờ khai, đối chiếu với các giấy tờ xuất trình nói trên, nếu thấy đầy đủ, chính xác thì tiếp nhận hồ sơ.

5- Những người thuộc diện nêu tại điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP khi trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu tại Công an tỉnh hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh thì tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu không cần phải có xác nhận của Trưởng Công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn, nếu xuất trình đầy đủ giấy chứng minh nhân dân và giấy tờ hộ khẩu nêu ở điểm 4 trên đây.

Với những người chỉ xuất trình giấy chứng minh nhân dân mà không có giấy tờ về hộ khẩu hợp lệ, thì tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phải có xác nhận và có dấu giáp lai ảnh của Trưởng Công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn.

6- Khi công dân Việt Nam đề nghị Công an phường, xã nơi người đó thường trú hoặc tạm trú dài hạn xác nhận vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, thì trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai, Trưởng Công an phường, xã phải hoàn thành việc xác nhận và trả tờ khai cho người đề nghị.

Khi xác nhận tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, Trưởng Công an phường, xã phải kiểm tra, đối chiếu các mục khai về họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn, ảnh dán trên tờ khai, số và ảnh trên giấy chứng minh nhân dân, nếu khai đúng, đầy đủ và ảnh dán trong tờ khai đúng với người đề nghị cấp hộ chiếu, thì Trưởng Công an phường, xã ký tên, đóng dấu xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh, không thu bất kỳ khoản phí hoặc lệ phí nào.

7- Công an tỉnh khi xét duuệt hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu của công dân nêu tại điểm c, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP nếu thấy thuộc diện chưa được xuất cảnh quy định tại Điều 14 của Nghị định thì trả lời bằng văn bản cho người đề nghị cấp hộ chiếu.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh khi kiểm tra nhân sự những trường hợp đã được Công an tỉnh xét duyệt gửi về hoặc những trường hợp nộp trực tiếp tại cơ quan Cục, nếu thấy thuộc diện chưa được xuất cảnh quy định tại Điều 14 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP thì không cấp hộ chiếu và thông báo cho Công an tỉnh (nếu hồ sơ do Công an tỉnh chuyển về Cục Quản lý xuất nhập cảnh) hoặc cơ quan chủ quản (nếu cơ quan chủ quản nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh). Công an tỉnh hoặc cơ quan chủ quản khi nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh cần thông báo cho người đề nghị cấp hộ chiếu biết lý do không được cấp hộ chiếu.

II- THỦ TỤC GIA HẠN, BỔ SUNG, SỬA ĐỔI, CẤP ĐỔI HỘ CHIẾU

1. Công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông, nhưng hộ chiếu đã hết hạn sử dụng chưa quá 01 năm, hết trang, rách nát, bẩn, nay đề nghị gia hạn, bổ sung, sửa đổi, cấp đổi hộ chiếu thì hồ sơ gồm:

- 01 tờ khai đề nghị gia hạn, bổ sung, sửa đổi, cấp đổi hộ chiếu, theo mẫu của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.

- Trường hợp đề nghị bổ sung trẻ em dưới 16 tuổi đi cùng vào hộ chiếu của cha, mẹ hoặc người đỡ đầu thì kèm theo giấy khai sinh của đứa trẻ (bản chính hoặc bản sao có công chứng). Nếu đứa trẻ đi cùng người đỡ đầu thì ngoài giấy khai sinh cần kèm theo giấy tờ chứng nhận người mang hộ chiếu là người đỡ đầu của đứa trẻ.

- Trường hợp đề nghị sửa đổi chi tiết nhân thân trong hộ chiếu (như họ tên, ngày sinh, nơi sinh...) cần kèm theo giấy tờ có giá trị pháp lý về việc thay đổi chi tiết nhân thân đó.

- Trường hợp hộ chiếu bị mất hoặc đã hết hạn sử dụng từ 01 năm trở lên sẽ được xem xét cấp hộ chiếu mới. Thủ tục cấp hộ chiếu mới thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP Nếu bị mất hộ chiếu cần nộp kèm theo đơn trình báo mất hộ chiếu có xác nhận của cơ quan Công an nơi trình báo. Người bị mất hộ chiếu phải có đơn trình báo ngay với Công an phường, xã nơi gần nhất, đồng thời gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

2- Nơi nhận hồ sơ và trả kết quả: Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh.

3- Thời hạn giải quyết:

- Nếu hồ sơ nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, thì trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét giải quyết và trả kết quả cho người đề nghị.

- Nếu nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thì trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, Công an tỉnh phải chuyển ngay hồ sơ về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét giải quyết và chuyển kết quả về Công an tỉnh để trả cho người đề nghị.

III- VIỆC QUẢN LÝ DANH SÁCH CÔNG DÂN VIỆT NAM CHƯA ĐƯỢC XUẤT CẢNH

1- Các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án hoặc cơ quan thi hành án, Bộ Y tế có yêu cầu chưa cho công dân xuất cảnh theo quy định tại các điểm a, điểm b và điểm đ, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP thì phải có văn bản gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an nêu rõ: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú, lý do và thời hạn chưa cho xuất cảnh.

2- Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm xem xét quyết định những trường hợp chưa được xuất cảnh quy định tại các điểm d, điểm e, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP.

3- Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an có trách nhiệm xem xét quyết định những trường hợp chưa được xuất cảnh quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP.

4- Đối với những người nêu tại điểm 1, điểm 2 và điểm 3 thuộc mục III của Thông tư này, thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh không cấp hộ chiếu và thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ quản hoặc người đề nghị cấp hộ chiếu biết. Nếu đã cấp hộ chiếu thì thu hồi hoặc thông báo huỷ bỏ.

5- Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an thống nhất quản lý danh sách người Việt Nam chưa được phép xuất cảnh quy định tại Điều 14 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Trên cơ sở quy định của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm ban hành các biểu mẫu có liên quan đến việc cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi, cấp đổi hộ chiếu; ban hành các quy trình xử lý, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi, cấp đổi hộ chiếu và hướng dẫn chi tiết đối với Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện.

2- Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành và thay thế phần A về thủ tục xuất cảnh đối với công dân Việt Nam của Thông tư số 02/TT-BNV (A18) ngày 30/4/1995 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Những hướng dẫn, quy định khác của Bộ Công an về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

 

Nguyễn Khánh Toàn

(Đã ký)