cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 213/2000/TT-BGTVT ngày 31/05/2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn Nghị định 172/1999/NĐ-CP quy định thi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 213/2000/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Ngày ban hành: 31-05-2000
  • Ngày có hiệu lực: 15-06-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-12-2005
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1995 ngày (5 năm 5 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-12-2005
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-12-2005, Thông tư số 213/2000/TT-BGTVT ngày 31/05/2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn Nghị định 172/1999/NĐ-CP quy định thi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn Nghị định 186/2004/NĐ-CP Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Chính phủ (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 213/2000/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 213/2000/TT-BGTVT NGÀY 31 THÁNG 5 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ ĐỊNH SỐ 172/1999/NĐ-CP NGÀY 07/12/1999 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Ngày 7/12/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 172/1999/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ. Thực hiện Điều 44 của Nghị định, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể một số điểm như sau:

I. GIỚI HẠN HÀNH LANG BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ:

Hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ (gọi tắt là hành lang bảo vệ đường bộ) là phạm vi hai bên, phía trên không và phía dưới mặt đất của công trình giao thông đường bộ nhằm đảm bảo sự bền vững của công trình và an toàn cho hoạt động giao thông vận tải cũng như thuận lợi cho việc nâng cấp, cải tạo và quản lý khai thác đường bộ.

1/ Hành lang bảo vệ đường bộ được xác định tuỳ thuộc cấp hạng kỹ thuật của đường theo quy hoạch dài hạn do Cơ quan có thẩm quyền quyết định (gọi tắt là cấp đường quy hoạch), cụ thể bề rộng hành lang mỗi bên quy định đối với từng loại, cấp đường quy hoạch bên ngoài đô thị như sau:

- Đường cao tốc (TCVN 5729-97) rộng 20m.

- Đường cấp 1, 2 (TCVN 4054-85) hoặc cấp 80 và 60 với 4-6 làn xe (TCVN 4054-1998) rộng 20m.

- Đường cấp 3 (TCVN 4054-85) hoặc cấp 80 và 60 với 2 làn xe (TCVN 4054-1998) rộng 15m.

- Đường cấp 4 (TCVN 4054-85) hoặc cấp 60 và 40 với 2 làn xe (TCVN 4054-1998) rộng 10m.

- Đường cấp 5 (TCVN 4054-85) hoặc cấp 40 và 20 với 1-2 làn xe (TCVN 4054-1998) rộng 10m.

- Đường liên thôn, liên xã do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND cấp tỉnh) căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để quy định, nhưng hành lang bảo vệ mỗi bên không nhỏ hơn bề rộng một thân đường. Bề rộng một thân đường được tính bằng khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai vai đường.

- Các nhà máy, xí nghiệp, trường học, cơ sở dịch vụ có những hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường giao thông, độ bền vững của công trình giao thông đường bộ phải cách xa giới hạn phía ngoài hành lang bảo vệ một khoảng cách đủ đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.

- Bề rộng hành lang bảo vệ cầu chỉ phụ thuộc vào vị trí, chiều dài, chiều rộng của cầu.

2/ Đường trong khu vực đô thị đã được Cơ quan có thẩm quyền duyệt quy hoạch thì bề rộng hành lang bảo vệ là bề rộng vỉa hè hoặc bề rộng chỉ giới xây dựng. Đối với đường qua khu dân cư chưa được quy hoạch thì hành lang bảo vệ được tính như đối với đường đi ngoài khu vực đô thị.

3/ Đường đi song song với sông ngòi, kênh rạch có khai thác vận tải thuỷ mà hành lang bảo vệ bị chồng lấn thì giới hạn hành lang bảo vệ đường bộ được tính từ đỉnh bờ dốc (mép bờ cao) của sông, của kênh rạch trở về phía đường bộ.

4/ Đối với đường bộ song song với đường sắt mà hành lang bảo vệ bị chồng lấn thì ranh giới hành lang bảo vệ được phân định trên cơ sở đảm bảo không xâm phạm vào các bộ phận công trình của đường sắt và đường bộ, cụ thể được tính như sau:

- Trường hợp bề rộng hành lang bảo vệ chung lớn hơn 5m thì ưu tiên tính đủ bề rộng hành lang bảo vệ đường sắt, bề rộng còn lại là hành lang bảo vệ đường bộ, nhưng không được chồng lấn lên nền đường bộ.

- Trường hợp bề rộng hành lang bảo vệ chung nhỏ hơn hoặc bằng 5m thì ranh giới hành lang bảo vệ là điểm giữa bề rộng hành lang bảo vệ chung.

- Trường hợp bề rộng hành lang bảo vệ chung rất nhỏ hoặc chỉ là rãnh dọc thoát nước thì ranh giới hành lang bảo vệ là chân nền đường hoặc đường giao nhau giữa mái nền đường với đáy rãnh của nền đường cao hơn.

5/ Hành lang bảo vệ công trình đường bộ phía dưới mặt đất về nguyên tắc không có giới hạn. Trường hợp bắt buộc phải cho phép xây dựng công trình ngầm trong hành lang bảo vệ đường bộ thì phải được Cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể trên cơ sở không gây mất an toàn giao thông và không ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý, sửa chữa, nâng cấp của ngành đường bộ cũng như không làm ảnh hưởng đến quản lý khai thác của ngành có công trình ngầm. Khi đường bộ có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, sửa chữa gây ảnh hưởng đến bảo vệ, khai thác công trình ngầm thì Cơ quan quản lý công trình ngầm có trách nhiệm di chuyển và chịu mọi phí tổn trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

6/ Đối với các công trình đường bộ đã nâng cấp cải tạo nhưng ở giai đoạn đầu chưa đúng với cấp đường quy hoạch thì hành lang bảo vệ vẫn phải xác định trên cơ sở cấp đường quy hoạch. Phạm vi bề rộng giải phóng mặt bằng hai bên đường đã được chủ dự án thực hiện khi nâng cấp, cải tạo đường nhằm đảm bảo an toàn cho thi công, an toàn cho quản lý khai thác nếu nhỏ hơn bề rộng hành lang bảo vệ của cấp đường quy hoạch thì không coi đó là bề rộng hành lang bảo vệ của đường. Đối với các tuyến đường bộ đã xác định cắm mốc có bề rộng hành lang bảo vệ theo Nghị định 203/HĐBT rộng hơn bề rộng được xác định theo Nghị định 172/1999/NĐ-CP thì vẫn giữ nguyên bề rộng như đã xác định cắm mốc. Trường hợp bề rộng hành lang bảo vệ theo Nghị định 172/1999/NĐ-CP rộng hơn bề rộng hành lang bảo vệ theo Nghị định 203/HĐBT thì phải xác định, cắm mốc lại theo quy định của Nghị định 172/1999/NĐ-CP.

Trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ không được cơi nới, xây dựng mới các công trình như: công sở; cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; nhà ở; đường điện.... Tất cả các công trình đã xây dựng trong hành lang bảo vệ đường bộ gây nguy hại đến an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường bộ thì phải kiên quyết dỡ bỏ ngay, trường hợp các công trình chưa ảnh hưởng nhiều, việc di chuyển gây tốn kém, lãng phí thì tạm thời chưa di chuyển nhưng chủ công trình phải có cam kết với UBND địa phương và cơ quan quản lý đường bộ nghiêm chỉnh thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông và di chuyển ngay khi có yêu cầu. Đối với các công trình đã xây dựng từ năm 1982 trở về trước nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ theo Nghị định 203/HĐBT và xây dựng từ năm 1999 trở về trước nằm trong phần mở rộng thêm từ giới hạn hành lang bảo vệ đường bộ theo Nghị định 203/HĐBT đến giới hạn hành lang bảo vệ đường bộ theo Nghị định 172/1999/NĐ-CP thì khi phải di chuyển theo yêu cầu để nâng cấp, mở rộng đường, sẽ được xem xét giải quyết đền bù theo luật định.

7/ Trong điều kiện đặc biệt cần quy định bề rộng hành lang khác với quy định trong Nghị định thì Cục Đường bộ Việt Nam tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định. Riêng đối với đường liên thôn, liên xã do UBND cấp tỉnh quyết định.

II. TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ:

Nhằm giữ gìn an toàn trong khai thác và kéo dài tuổi thọ công trình giao thông đường bộ, tất cả mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi tham gia hoạt động trên hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam phải có trách nhiệm bảo vệ. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ đường bộ, thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý theo các qui định của pháp luật hiện hành.

Uỷ ban nhân các cấp; lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng Thanh tra giao thông trong phạm vi chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình có thẩm quyền xử lý khi các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

1/ Các đường chuyên dùng, các đường BOT, BT do tổ chức, cá nhân được phép đầu tư xây dựng, khai thác phải tự chịu trách nhiệm bảo vệ trong suốt thời gian xây dựng và khai thác theo quy định của pháp luật.

2/ Các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công trên các đoạn đường theo dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa phải có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ trong suốt thời gian thi công kể từ khi nhận đường cho đến khi bàn giao lại đường cho đơn vị quản lý khai thác.

Các chủ đầu tư khi bàn giao đường đã hoàn công cho đơn vị quản lý phải bàn giao đầy đủ hồ sơ giải phóng mặt bằng, mốc giải phóng mặt bằng và mốc chỉ giới hành lang đường bộ (mốc lộ giới) nếu có.

3/ Tất cả các quy hoạch đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp và các công trình khác có liên quan, ảnh hưởng đến an toàn đường bộ đều phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền tham gia ngay từ giai đoạn điều tra lập dự án và chuẩn bị trình duyệt.

4/ Các công trình bắt buộc phải xây dựng nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ hoặc nằm ngoài hành lang bảo vệ đường bộ nhưng ảnh hưởng đến an toàn đường bộ, chủ dự án phải xin ý kiến thoả thuận của Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền ngay từ khi lập dự án và chỉ được phép thi công các hạng mục ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ khi được các cơ quan Cục Đường bộ Việt Nam (đối với quốc lộ), Sở Giao thông vận tải (đối với đường địa phương) cấp phép thi công.

5/ UBND các cấp phải tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ công trình giao thông đường bộ và hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc thực hiện quản lý khai thác, sửa chữa đường bộ, thanh tra, kiểm tra hư hỏng; chống vi phạm lấn chiếm và bảo vệ đường bộ.

6/ Các Khu quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc chủ trì phối hợp với cơ quan địa chính và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là UBND cấp huyện), UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) đo đạc, cắm mốc lộ giới đường bộ và bàn giao các mốc lộ giới đã cắm cho UBND cấp huyện, cấp xã làm cơ sở để quản lý và sử dụng đất hành lang bảo vệ đường bộ phù hợp với quy định của pháp luật. Quy cách mốc lộ giới, cách cắm mốc lộ giới theo quy định trong Điều 71, 72 và 73 của "Điều lệ báo hiệu đường bộ" được ban hành kèm theo Quyết định số 5058 QĐ/KH-KT ngày 25/12/1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

7/ UBND cấp xã chủ trì theo chỉ đạo, kiểm tra của UBND cấp huyện với sự phối hợp của các đơn vị quản lý đường bộ cơ sở để chống lấn chiếm xây dựng trái phép và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên địa bàn xã. UBND cấp huyện tổ chức việc giải toả các vi phạm và quản lý việc sử dụng đất đai trong hành lang bảo vệ đường bộ phù hợp với pháp luật về đất đai, về xây dựng và về bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên địa bàn huyện.

Để triển khai tốt công tác bảo vệ công trình giao thông đường bộ, Cục đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Khu quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý đường bộ cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, với các ngành liên quan như Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Địa chính, Tài chính để căn cứ theo nhiệm vụ đã được Chính phủ giao thực hiện tốt Nghị định 172/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

Phạm Quang Tuyến

(Đã ký)