Thông tư số 40/2000/TT-BTC ngày 15/05/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Quyết định 176/1999/QĐ-TTg về việc miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 40/2000/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 15-05-2000
- Ngày có hiệu lực: 30-05-2000
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 30-05-2000
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2006
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2042 ngày (5 năm 7 tháng 7 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2006
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2000/TT-BTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2000 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 40/2000/TT/BTC NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 176/1999/QĐ-TTG NGÀY 26/8/1999 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI NGUYÊN VẬT LIỆU
Căn cứ Nghị định số 10/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 29/1998/QĐ-TTg ngày 9/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hỗ trợ phát triển một số lĩnh vực thuộc ngành cơ khí;
Căn cứ Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 26/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 176/1999/QĐ-TTg ngày 26/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu;
Sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện chế độ miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, bán thành phẩm nhập khẩu phục vụ sản xuất như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG MIỄN THUẾ:
Các dự án thuộc danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; dư án đầu tư vào vùng núi, vùng sâu, vùng xa được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ sản xuất của dự án trong thời hạn 5 (năm) năm (tính theo năm dương lịch) kể từ khi bắt đầu sản xuất và được áp dụng chung cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể:
1- Các dự án đầu tư thuộc Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và các dự án đầu tư vào vùng núi, vùng sâu, vùng xa quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 10/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và theo Điều 11 Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 26/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam;
Các dự án khuyến khích đầu tư theo Danh mục A và địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Danh mục C ban hành kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10;
2- Dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng cơ khí, điện, điện tử có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều nguyên liệu vật tư trong nước;
3- Dự án đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để sản xuất xe đạp, quạt điện, máy động lực nhỏ 6-15 CV, đóng tàu biển quy định tại Điều 3 Quyết định số 29/1998/QĐ-TTg ngày 9/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hỗ trợ phát triển một số lĩnh vực thuộc ngành cơ khí;
Trường hợp một dự án thuộc hai hoặc ba đối tượng miễn thuế nêu trên thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi miễn thuế chỉ một trong ba đối tượng miễn thuế đó.
Về thời hạn miễn thuế:
+ Đối với các dự án tính đến hết ngày 09/9/1999 (trước ngày Quyết định số 176/1999/QĐ-TTg nêu trên có hiệu lực thi hành) đã đưa vào sản xuất được trên 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất thì không được hưởng ưu đãi miễn thuế trên đây.
+ Đối với các dự án tính đến hết ngày 09/9/1999 đã đưa vào sản xuất thời hạn dưới 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất hoặc dự án đang hoạt động đã được xét hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu chưa đủ 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền xét cấp ưu đãi miễn thuế nhập khẩu cho thời gian còn lại (cho đủ thời hạn 5 năm) tính theo năm dương lịch.
+ Đối với các dự án có thời điểm bắt đầu sản xuất kể từ ngày 10/9/1999 trở đi sẽ thực hiện thời hạn miễn thuế là 5 (năm) năm tính theo năm dương lịch kể từ khi bắt đầu sản xuất.
II. THỦ TỤC HỒ SƠ MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU:
1/ Đối tượng miễn thuế quy định tại điểm 1, mục I và điểm 2, mục I Thông tư này thực hiện như sau:
- Công văn đề nghị miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm phục vụ sản xuất gửi Bộ Thương mại trong đó có ghi rõ đối tượng miễn thuế, danh mục mặt hàng miễn thuế và cam kết sử dụng đúng mục đích được miễn thuế.
- Kế hoạch nhập khẩu và định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm để sản xuất sản phẩm phục vụ trực tiếp sản xuất trong năm do doanh nghiệp xây dựng và có ý kiến xác nhận của cơ quan chủ quản cấp trên đối với doanh nghiệp nhà nước hoặc ý kiến xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành kinh tế kỹ thuật đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh (kế hoạch nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm phải phù hợp với định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm; năng lực sản xuất; công xuất thiết kế);
- Giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó ghi rõ đối tượng được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, bán thành phẩm nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thời gian miễn thuế.
2/ Đối tợng miễn thuế quy định tại điểm 3. mục I Thông tư này thực hiện như sau:
- Công văn của doanh nghiệp gửi Bộ Thương mại xin miễn thuế nhập khẩu cho vật tư, thiết bị nhập khẩu của dự án đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để sản xuất xe đạp, quạt điện, máy động lực nhỏ 6-15 CV, đóng tàu biển; trong đó nêu rõ số lượng, trị giá vật tư, thiết bị nhập khẩu và cam kết sử dụng đúng mục dích được miễn thuế.
- Dự án đầu tư hoặc phương án đầu tư, hoặc phương án kinh doanh (dưới đây gọi tắt là dự án đầu tư) sản xuất xe đạp, quạt điện, máy động lực nhỏ 6-15 CV, đóng tàu biển bằng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư quốc gia. Đối với dự án mà Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ) quy định phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thì gửi kèm theo bản sao hợp lệ Quyết định đầu tư.
- Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có ghi rõ đối tượng được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, bán thành phẩm nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng; Thời gian miễn thuế.
- Xác nhận sử dụng vốn vay của Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia;
- Kế hoạch nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm và định mức tiêu hao vật tư, tiết bị để sản xuất sản phẩm phục vụ trực tiếp sản xuất trong năm do doanh nghiệp xây dựng và có ý kiến xác nhận của cơ quan chủ quản cấp trên đối với doanh nghiệp nhà nước hoặc ý kiến xác nhận của sở quản lý chuyên ngành kinh tế kỹ thuật đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh (kế hoạch nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm phải phù hợp với năng lực sản xuất, công suất thiết kế);
3/ Trên cơ sở quy định tại điểm 1 và điểm 2 mục II nêu trên và đối chiếu với danh mục nguyên vật liệu trong nước đã sản xuất được hiện hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại xét duyệt danh mục mặt hàng nhập khẩu miễn thuế (trong đó ghi rõ mặt hàng, số lượng, trị giá) phục vụ sản xuất cho từng dự án.
Căn cứ danh mục mặt hàng nhập khẩu miễn thuế của Bộ Thương mại cấp cho từng dự án cụ thể, Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi đơn vị đăng ký làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá sẽ theo dõi làm thủ tục miễn thuế nhập khẩu cho từng chuyến hàng cụ thể. Định kỳ hàng quý các Cục Hải quan phải tập hợp báo cáo tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu và số lượng các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu miễn thuế của các doanh nghiệp gửi về Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại.
III. KÊ KHAI, QUYẾT TOÁN THUẾ NHẬP KHẨU VÀ XỬ LÝ VI PHẠM:
Nguyên vật liệu, bán thành phẩm nhập khẩu miễn thuế của các doanh nghiệp phải được sử dụng theo đúng mục đích đã được miễn thuế, nếu sử dụng vào mục đích khác với mục đích được miễn thuế nhập khẩu thì phải truy thu đủ số thuế nhập khẩu đã được miễm. Thời hạn kê khai truy nộp thuế là 02 (hai) ngày kể từ ngày thay đổi mục đích sử dụng ghi trên các văn bản, chứng từ, hoá đơn có liên quan. Trường hợp không có các chứng từ để xác định ngày thay đổi mục đích sử dụng, thì ngày xác định để truy thu thuế là ngày đăng ký Tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu.
Hàng hoá sử dụng vào mục đích khác với mục đích được miễn thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan Hải quan nơi nhượng bán hàng hoá hoặc khai báo với cơ quan Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu hàng hoá. Quá thời hạn trên mà các doanh nghiệp không khai báo thì sẽ bị xử phạt về hành vi trốn lậu thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các quy định hiện hành khác.
Hàng năm chậm nhất đến ngày 31 tháng 3 doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan Hải quan và cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp tình hình số lượng nguyên vật liệu, bán thành phẩm nhập khẩu miễn thuế; định mức tiêu hao nguyên vật liệu thực tế; số lượng nguyên vật liệu, bán thành phẩm đã sử dụng vào sản xuất; số lượng sản phẩm đã sản xuất; số lượng nguyên vật liệu, bán thành phẩm đã sử dụng vào mục đích khác của năm trước; số lượng nguyên vật liệu, bán thành phẩm còn tồn chuyển sang năm sau. Cục thuế các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quyết toán việc sử dụng số nguyên liệu vật tư được miễn thuế nhập khẩu đưa vào sản xuất của doanh nghiệp.
Thuế nhập khẩu truy thu được xác định trên cơ sở các căn cứ tính thuế gồm thuế suất, tỷ giá, giá tính thuế tại thời điểm thay đổi mục đích sử dụng hàng hoá miễn thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hoá tại thời điểm truy thu thuộc mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì ngoài việc phải truy thu nộp thuế nhập khẩu còn bị truy nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đến năm thứ 5 (năm miễn thuế cuối cùng) trên cơ sở định mức tiêu hao nguyên vật liệu, báo cáo tình hình số lượng nguyên vật liệu, bán thành phẩm còn tồn năm trước chuyển sang trong thời hạn 2 (hai) ngày sau khi quyết toán toàn bộ số nguyên vật liệu, bán thành phẩm nhập khẩu vượt quá nhu cầu sản xuất còn tồn sẽ phải kê khai, truy thu nộp đủ thuế nhập khẩu.
Trong quá trình quản lý thu thuế của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý thu thuế của doanh nghiệp có trách nhiệm giám sát việc sử dụng hàng hoá nhập khẩu đã được miễm thuế, khi phát hiện các trường hợp nhượng bán hàng hoá hoặc sử dụng sai mục đích miễn thuế thì ngoài việc truy thu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng, Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố được quyền ra quyết định truy thu thuế nhập khẩu và phạt theo các quy định hiện hành của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các quy định tại Điểm 1.3, mục III, phần B Thông tư số 63/1998/TT-BTC ngày 13/5/1998; điểm 1.b, mục II, phần thứ hai Thông tư số 89/1999/TT-BTC ngày 16/7/1999 của Bộ Tài chính. Những quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ảnh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết.
| Phạm Văn Trọng (Đã ký) |