Thông tư số 02/2000/TT-BTP ngày 23/03/2000 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hướng dẫn thủ tục chấm dứt hoạt động của Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02/2000/TT-BTP
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tư pháp
- Ngày ban hành: 23-03-2000
- Ngày có hiệu lực: 07-04-2000
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-11-2003
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1327 ngày (3 năm 7 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-11-2003
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2000/TT-BTP | Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2000 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 02/2000/TT-BTP NGÀY 23 THÁNG 03 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG CỦA CHI NHÁNH TỔ CHỨC LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 38/CP của Chính phủ ngày 04/06/1993 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Điều 35 của Nghị định số 92/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/11/1998 về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục chấm dứt hoạt động của Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Chi nhánh) như sau:
1. Thủ tục áp dụng đối với trường hợp tự chấm dứt hoạt động
1.1. Tự chấm dứt hoạt động trước thời hạn
Trong trường hợp tự chấm dứt hoạt động trước thời hạn, Chi nhánh thực hiện các việc sau đây:
a- Báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, đồng thời cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Tư pháp), nơi đặt trụ sở của chi nhánh trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động 60 ngày;
b- Đăng báo địa phương hoặc báo Trung ương tại Việt Nam ít nhất trong 3 số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động và thời điểm chấm dứt hoạt động của Chi nhánh ngay sau ngày gửi báo cáo quy định tại điểm a khoản 1.1 của Thông tư này; đồng thời gửi thông báo bằng văn bản cho khách hàng đã giao kết hợp đồng tư vấn pháp luật với Chi nhánh mà chưa thực hiện xong;
c- Không được giao kết các hợp đồng tư vấn pháp luật mới với khách hàng, trừ trường hợp tư vấn miệng;
d- Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, Chi nhánh phải:
- Trả trụ sở, phương tiện làm việc đã thuê theo quy định của hợp đồng đã giao kết;
- Giải quyết xong việc chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân viên của Chi nhánh;
- Giải quyết xong các hợp đồng tư vấn pháp luật đã giao kết với khách hàng;
- Giải quyết xong các vấn đề về thuế, nghĩa vụ tài chính; thanh toán xong các khoản nợ (nếu có);
- Báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, đồng thời cho Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Chi nhánh về việc giải quyết xong các công việc quy định tại điểm d này; nộp lại Giấy phép cho Bộ Tư pháp, Giấy đăng ký hành nghề và con dấu của Chi nhánh cho Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Chi nhánh.
1.2. Tự chấm dứt hoạt động trong trường hợp hết hạn hoạt động ghi trong Giấy phép mà không xin gia hạn.
Trong trường hợp hết hạn hoạt động ghi trong Giấy phép mà Chi nhánh không xin gia hạn, thì Chi nhánh thực hiện các việc sau đây:
a- Các việc quy định tại các điểm a, b và c khoản 1.1 của Thông tư này trong thời hạn 60 ngày trước khi hết hạn hoạt động;
b- Thực hiện các việc quy định tại điểm d khoản 1.1 của Thông tư này.
2. Thủ tục áp dụng đối với trường hợp hết hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đặt Chi nhánh mà không được gia hạn
Ngay sau khi nhận được Quyết định của Bộ Tư pháp về việc từ chối gia hạn hoạt động, Chi nhánh phải:
a- Chấm dứt hoạt động hành nghề theo thời hạn ghi trong Giấy phép;
b- Thực hiện các việc quy định tại các điểm b, c và d khoản 1.1 của Thông tư này.
3. Thủ tục áp dụng đối với trường hợp Chi nhánh bị tước không thời hạn quyền sử dụng Giấy phép.
Ngay sau khi nhận được Quyết định tước không thời hạn quyền sử dụng Giấy phép, Chi nhánh phải:
a- Chấm dứt hoạt động hành nghề kể từ ngày ghi trong Quyết định;
b- Thực hiện các việc quy định tại điểm d khoản 1.1 của Thông tư này.
4. Thủ tục áp dụng đối với trường hợp tổ chức luật sư nước ngoài đã chấm dứt hoạt động tại nước mà tổ chức luật sư nước ngoài đó mang quốc tịch.
Chi nhánh chấm dứt hoạt động kể từ ngày tổ chức luật sư nước ngoài chấm dứt hoạt động tại nước mà tổ chức luật sư nước ngoài đó mang quốc tịch. Trong trường hợp này, Chi nhánh thực hiện các việc sau đây:
a- Báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, đồng thời cho Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Chi nhánh về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chấm dứt hoạt động;
b- Các việc quy định tại các điểm b và d khoản 1.1 của Thông tư này.
5. Sở Tư pháp có trách nhiệm sau đây đối với việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh:
a- Hướng dẫn Chi nhánh thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định của Thông tư này;
b- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của Chi nhánh. Trong trường hợp phát hiện Chi nhánh không thực hiện đầy đủ thủ tục chấm dứt hoạt động hoặc không chấm dứt hoạt động theo quy định của Thông tư này, thì Sở Tư pháp phải kịp thời yêu cầu Chi nhánh chấm dứt hành vi vi phạm, báo cáo Bộ Tư pháp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
c- Nhận lại Giấy đăng ký hành nghề; nhận lại con dấu của Chi nhánh và gửi lại cho cơ quan nhà nước đã cấp con dấu đó;
d- Báo cáo Bộ Tư pháp và thông báo bằng văn bản cho Sở Công an, Cục thuế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc Chi nhánh đã hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động.
6. Sau khi nhận được báo cáo của Chi nhánh và Sở Tư pháp về việc Chi nhánh đã hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động, Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy phép. Quyết định thu hồi Giấy phép được làm thành 3 bản: 1 bản gửi cho Chi nhánh, 1 bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 1 bản lưu tại Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thu hồi Giấy phép của Chi nhánh.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
| Hà Hùng Cường (Đã ký) |