cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 10/1999/TT-BCA ngày 28/09/1999 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn cấp giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 10/1999/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Công An
  • Ngày ban hành: 28-09-1999
  • Ngày có hiệu lực: 01-10-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-08-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4335 ngày (11 năm 10 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-08-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-08-2011, Thông tư số 10/1999/TT-BCA ngày 28/09/1999 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn cấp giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 41/2011/TT-BCA ngày 29/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn cấp giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào và giấy phép đến các tỉnh, thành phố của Việt Nam cho công dân Lào”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ CÔNG AN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/1999/TT-BCA

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 10/1999/TT-BCA NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN CẤP GIẤY THÔNG HÀNH BIÊN GIỚI CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM SANG LÀO

Căn cứ điểm 1.2 mục 1 của Thoả thuận giữa Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hoá qua lại biên giới giữa hai nước ký ngày 23/8/1999 tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Bộ Công an hướng dẫn việc cấp giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1- Đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới:

a- Cán bộ, công nhân, viên chức do cấp tỉnh có chung đường biên giới với Lào quản lý được Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền cử sang tỉnh đối diện của Lào để công tác.

b- Cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các ngành ở Trung ương hoặc các tỉnh khác có trụ sở và có hộ khẩu thường trú ở tỉnh có chung đường biên giới với Lào được cơ quan có thẩm quyền cử sang các tỉnh đối diện của Lào đề công tác.

c- Công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú ở tỉnh có chung đường biên giới với Lào có nhu cầu sang tỉnh biên giới đối diện của Lào để giải quyết việc riêng.

2- Đối tượng không được cấp giấy thông hành biên giới:

a- Cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các ngành ở Trung ương và các tỉnh không giáp biên giới với Lào (trừ những đối tượng thuộc điểm b mục 1 trên đây) được cử sang Lào công tác; cán bộ, công nhân, viên chức cư trú ở tỉnh giáp biên giới với Lào nhưng sang Lào công tác ở các tỉnh không có chung đường biên giới với Việt Nam thì phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

b- Công dân Việt Nam ở các tỉnh không giáp biên giới với Lào sang Lào về việc riêng; công dân Việt Nam cư trú ở các tỉnh giáp biên giới với Lào sang các tỉnh của Lào không giáp biên giới với Việt Nam về việc riêng phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương hộ chiếu do Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) cấp.

3- Phạm vi sử dụng giấy thông hành biên giới:

a- Giấy thông hành biên giới cấp cho công dân Việt Nam có thời hạn một năm, có thể được gia hạn thời gian không quá 6 tháng và chỉ có giá trị sử dụng trong phạm vi tỉnh biên giới đối diện của Lào. Người mang giấy thông hành biên giới được miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh của Lào.

Công dân Lào sử dụng giấy thông hành biên giới nhập cảnh vào các tỉnh biên giới đối diện của Việt Nam, nếu có nhu cầu đến các tỉnh khác của Việt Nam phải được Công an cấp tỉnh của Việt Nam cho phép.

b- Công dân Việt Nam sử dụng giấy thông hành biên giới được xuất nhập cảnh qua cửa khẩu gần nhất.

II- THỦ TỤC CẤP GIẤY THÔNG HÀNH BIÊN GIỚI:

1- Công dân Việt Nam xin cấp giấy thông hành biên giới sang Lào làm thủ tục tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh biên giới với Lào nơi mình cư trú và phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

2- Những người thuộc điểm a và b mục 1 phần I xin cấp giấy thông hành biên giới, thủ tục gồm có:

a- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cử cán bộ của mình sang Lào công tác. Trong Quyết định ghi rõ họ tên, mục đích, thời gian và tên tỉnh của Lào sang công tác.

b- Mỗi người xin cấp "Giấy thông hành biên giới" lần đầu là một bản khai đề nghị cấp "Giấy thông hành biên giới" theo mẫu của Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và 3 ảnh mới chụp cỡ 4 cm x 6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, trong đó có 01 ảnh dán vào bản khai. Thủ trưởng cơ quan trực tiếp đóng dấu giáp lai vào ảnh và xác nhận vào bản khai đó.

Trường hợp xin cấp "Giấy thông hành biên giới" từ lần thứ hai trở đi phải nộp lại "Giấy thông hành biên giới" cũ, kèm theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử sang Lào công tác và 02 ảnh như quy định nêu trên, không phải làm bản khai đề nghị cấp "Giấy thông hành biên giới".

3- Những người thuộc điểm c mục 1 phần I xin cấp giấy thông hành biên giới, thủ tục gồm có:

Mỗi người xin cấp "Giấy thông hành biên giới" lần đầu làm một bản khai đề nghị cấp "Giấy thông hành biên giới" theo mẫu của Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và 3 ảnh mới chụp cỡ 4cm x 6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, trong đó có 01 ảnh dán vào bản khai.

Trong bản khai phải ghi rõ mục đích, thời gian xuất cảnh sang Lào. Nếu là cán bộ, công nhân, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan đóng dấu giáp lai vào ảnh và xác nhận vào bản khai đó. Các trường hợp khác, Trưởng Công an phường, xã nơi cư trú đóng dấu giáp lai vào ảnh và xác nhận vào bản khai đó.

Trường hợp xin cấp "Giấy thông hành biên giới" từ lần thứ hai trở đi, phải nộp lại "Giấy thông hành biên giới" cũ, kèm theo ý kiến xác nhận của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền, nếu là cán bộ, công nhân, viên chức hoặc ý kiến xác nhận của Công an phường, xã nơi cư trú, nếu không phải là cán bộ, công nhân, viên chức và 02 ảnh như quy định nêu trên, không phải làm bản khai đề nghị cấp "Giấy thông hành biên giới".

4- Thời gian xét, cấp giấy thông hành biên giới:

a- Đối với cán bộ, viên chức sang Lào công tác: thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày Công an tỉnh nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

b- Đối với công dân sang Lào giải quyết việc riêng: thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày Công an tỉnh nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

III-TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm quy định mẫu "Giấy thông hành biên giới", mẫu "bản khai đề nghị cấp Giấy thông hành biên giới" và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các cấp thực hiện Thông tư này.

2- Thông tư này thay thế Thông tư số 16/1998/TT-BNV ngày 12/01/1998 của Bộ Nội vụ và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/1999.

 

Nguyễn Khánh Toàn

(Đã ký)