cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 134/1999/TT-BNN-QLN ngày 25/09/1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về việc tổ chức thực hiện kiên cố kênh mương

  • Số hiệu văn bản: 134/1999/TT-BNN-QLN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Ngày ban hành: 25-09-1999
  • Ngày có hiệu lực: 10-10-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 9234 ngày (25 năm 3 tháng 19 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134/1999/TT-BNN-QLN

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 134/1999/TT-BNN-QLN NGÀY 25 TAHNGS 9 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN KIÊN CỐ KÊNH MƯƠNG

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31 tháng 8 năm 1994;
Căn cứ Nghị quyết số 08/1999/NQ-CP ngày 9 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 1999;
Căn cứ Thông tư của Bộ Tài chính số 94/1999/TT-BTC ngày 31 tháng 7 năm 1999 hướng dẫn việc sử dụng thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuỷ lợi phí và các nguồn thu khác để thực hiện kiên cố kênh mương;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn một số nội dung để các địa phương thực hiện chủ trương kiên cố kênh mương của Chính phủ.

I- ĐỐI TƯỢNG VÀ MỤC TIÊU CỦA VIỆC KIÊN CỐ KÊNH MƯƠNG

1. Mục tiêu:

Việc kiên cố là nhằm đảm bảo cho các cấp kênh chuyển đủ lưu lượng và đạt cao trình mực nước thiết kế. Nhờ vậy, các hệ thuỷ nông kể cả cũ và mới sẽ được hoàn chỉnh đồng bộ thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng, từ đó sẽ nâng cao năng suất tưới, tiết kiệm nước, tiết kiệm đất xây dựng, tiết kiệm điện, giảm chi phí quản lý khai thác và kéo dài tuổi thọ công trình.

2. Đối tượng ưu tiên:

1) Vùng khan hiếm nước, công trình đầu mối là trạm bơm, hồ chứa, đập dâng.

2) Các tuyến kênh nổi, đất cát thấm lớn. Kênh qua vùng đất xấu không ổn định, vùng ven đô, vùng bán sơn địa, vùng núi có địa hình phức tạp.

3. Các đối tượng chưa đưa vào kế hoạch kiên cố hoá kênh mương lần này:

1) Hệ thống kênh tiêu và những kênh tưới tiêu kết hợp.

2) Hệ thống tưới bằng kênh chìm có ảnh hưởng triều.

3) Kênh tưới hoặc các đoạn kênh tưới của các hệ thống có nguồn nước tương đối bảo đảm, mặt cắt kênh đang ổn định.

4) Các kênh tưới ở vùng đồng bằng phụ trách tưới cho diện tích nhỏ hơn 10 đến 20 ha.

II- CÁC NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ KIÊN CỐ KÊNH MƯƠNG

1. Phân loại kênh:

Căn cứ vào khả năng đầu tư và yêu cầu kỹ thuật, các kênh thuộc đối tượng kiên cố được phân loại như sau:

- Loại I: Kênh trục chính của những hệ thống lớn ở đồng bằng và một số hệ thống quan trọng ở miền núi.

- Loại II: Kênh liên huyện, liên xã.

- Loại III: Kênh mương liên thôn, nội đồng.

2. Nguồn vốn đầu tư:

1) Kênh loại I:

a) Đối với kênh chính thuộc các dự án đang được triển khai, nguồn vốn được quy định trong văn bản phê duyệt dự án.

b) Đối với các kênh không thuộc các dự án đang được triển khai thì kinh phí đầu tư lấy từ nguồn vốn Trung ương đầu tư xây dựng cơ bản thuỷ lợi hàng năm do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý.

2) Kênh loại II:

a) Đối với đồng bằng: Kinh phí đầu tư gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuỷ lợi phí và vay vốn tín dụng ưu đãi do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định phân bổ.

b) Đối với miền núi:

* Những kênh nằm trong dự án đang triển khai, nguồn vốn đầu tư được quy định trong văn bản phê duyệt dự án.

* Những kênh không nằm trong dự án đang triển khai, nguồn vốn lấy từ ngân sách đầu tư cho thuỷ lợi hàng năm do địa phương quản lý với mức tối thiểu bằng 50%. Phần còn lại vay vốn tín dụng ưu đãi do Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ.

3) Kênh loại III:

a) Đối với đồng bằng: Kinh phí đầu tư do dân đóng góp, ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 40% giá thành xây dựng, chủ yếu là xi măng sắt thép và các vật tư thiết bị dân không sản xuất được. Để rút ngắn thời gian hoàn thành kế hoạch có thể đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ vay vốn tín dụng ưu đãi.

b) Đối với miền núi: Kinh phí đầu tư do dân đóng góp lao động và vốn hỗ trợ thuỷ lợi nhỏ của ngân sách Trung ương. Mức hỗ trợ không quá 70% giá thành xây dựng. Để rút ngắn thời gian hoàn thành kế hoạch có thể đề nghị tỉnh phân vay vốn ưu đãi.

Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Những quy định về điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi.

1) Chủ đầu tư:

- Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi là Chủ đầu tư được vay để kiên cố hoá những kênh loại II.

- Hợp tác xã dịch vụ nước ở cơ sở (hợp tác xã dùng nước, đội thủy nông của HTX) hoặc Uỷ ban nhân dân xã là Chủ đầu tư được vay để kiên cố những tuyến kênh loại III.

2) Điều kiện được vay:

- Nguồn vốn vay chỉ để kiên cố kênh

- Có dự án và đồ án kỹ thuật được cấp có thẩm quyền duyệt theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước, trong đó phải nêu rõ tiến độ và biện pháp thực hiện.

- Đối với các kênh loại III, phải thành lập tổ chức quản lý để thực hiện kế hoạch kiên cố kênh ngay từ đầu và sau đó tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, quản lý khai thác nhằm giữ gìn và phát huy hiệu quả lâu dài của hệ thống kênh mương đã kiên cố.

3) Thời hạn vay, trả:

- Vay trong 15 năm, ân hạn 5 năm.

4) Quản lý vốn:

- Công ty khai thác công trình thuỷ lợi là chủ đầu tư quản lývốn theo điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/CP của Chính phủ và các pháp luật khác có liên quan.

- Hợp tác xã dịch vụ nước là chủ đầu tư quản lý vốn theo quy chế của Chính phủ quy định sử dụng vốn đóng góp của dân và các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư và xây dựng có liên quan.

III- CÁC YÊU CẦU KỸ THUẬT

1. Về quy hoạch.

Đối với kênh loại I, thực hiện theo đúng quy hoạch hệ thống công trình thuỷ lợi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với kênh loại II và loại III cần lưu ý những vấn đề cơ bản sau:

- Trên cơ sở hệ thống công trình đã có, khi lựa chọn tuyến kênh và để kiên cố có thể căn cứ vào những tồn tại đã bộc lộ trong quá trình quản lý khai thác để xem xét điều chỉnh diện tích tưới hoặc nắn tuyến kênh cho phù hợp với thực tế. Đối với miền núi cần quan tâm tránh hoặc hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất do lũ quét hoặc lở đất đá gây ra.

- Tuyến kênh được kiên cố sẽ có tuổi thọ lâu dài hàng chục năm, do vậy để tránh mâu thẫn trong tương lai cần kết hợp với quy hoạch phân vùng trồng trọt, hướng phát triển cơ giới hoá nông nghiệp, quy hoạch giao thông và đặc biệt là quy hoạch phát triển nông thôn mới.

2. Về lập dự án:

Công ty KTCTTL chịu trách nhiệm lập dự án cho các vùng trong hệ thống công trình thuỷ lợi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hệ thống nhỏ trong phạm vi một huyện sẽ lập một dự án, hệ thống lớn có thể phân chia ra mỗi trạm huyện lập một dự án. Vùng ngoài hệ thống do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chịu trách nhiệm lập dự án... Nội dung dự án phải bao gồm đủ các thành phần chính: số lượng kênh được kiên cố, hình thức và kết cấu công trình, khối lượng và kinh phí, nguồn vốn huy động và vốn vay, kế hoạch trả nợ, giám sát thi công và nghiệm thu bàn giao, tổ chức quản lý. Dự án lập xong sẽ tiến hành trình duyệt như hướng dẫn trong phần IV của văn bản này. Trên cơ sở dự án được duyệt sẽ phân giao Công ty Khai thác CTTL hoặc huyện (vùng ngoài hệ thống) chịu trách nhiệm kiên cố các kênh loại II, Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm kiên cố các kênh loại III. Làm như vậy để tất cả các kênh đều phải theo một quy hoạch thống nhất của hệ thống công trình thuỷ lợi.

Đối với miền núi dự án phân chia đúng kênh loại II và loại III là rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến việc cân đối các nguồn vốn đầu tư và tổ chức quản lý khai thác sau này.

3. Về thiết kế.

Việc thiết kế những loại kênh này không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, nhưng vì số lượng nhiều, trải rộng trên những địa bàn khác biệt nhau và tổng mức đầu tư lớn. Để đạt mục tiêu tiết kiệm nước, tiết kiệm đất, tuổi thọ cao, giá thành hạ, khi thiết kế cần cân nhắc vận dụng những nội dung sau:

- Lựa chọn hình dạng mặt cắt và kết cấu công trình cho phù hợp với thực tế của từng địa phương. Hiện tại đã tổng kết được kênh lát tấm bê tông mái m = 1 có giá thành thấp nhất, tiếp đó là kênh gạch, đá xây và bê tông lắp ghép.

+ Kênh lát tấm bê tông thì tỷ lệ chiếm đất cao.

+ Kênh xây bằng gạch, đá giá thành hạ.

+ Kênh bê tông lắp ghép giá thành đắt, nhưng tuổi thọ cao, thi công nhanh, tỷ lệ chiếm đất thấp và khi cần có thể di chuyển đi nơi khác được.

- Khi cân nhắc lựa chọn phương án, cần xem xét kỹ khả năng đóng góp của dân để sử dụng vật liệu và lực lượng thi công ở địa phương.

- Đối với miền núi tuyến kênh tưới thường đi men theo sườn đồi núi nên khi thiết kế cần đặc biệt quan tâm đến việc thoát lũ, những đoạn vượt suối phải lựa chọn phương án giữa xi phông và cầu máng để tránh lũ, những đoạn kênh chìm phải có nắp hoặc đặt ống ngầm để tránh đất đá bồi lấp. Kênh đi qua vùng hiểm trở, ít người qua lại cần lựa chọn hình thức kết cấu và vật liệu có độ bền vững cao.

- Trong quá trình thiết kế kênh phải lưu ý kết hợp chặt chẽ với việc phát triển giao thông nông thôn.

- Thiết kế kênh của xã nằm trong hệ thống thuỷ nông do Công ty KTCTTL chịu trách nhiệm, ngoài hệ thống thuỷ nông do Phòng Nông nghiệp và TPNT huyện chịu trách nhiệm. Đây là công trình kỹ thuật phải do cán bộ chuyên ngành thuỷ lợi được đào tạo, tập huấn, đảm đương thiết kế.

4. Về quản lý thi công và nghiệm thu bàn giao.

Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công

- Kênh do Công ty KTCTTL làm chủ đầu tư thì Công ty phải tổ chức giám sát.

- Kênh do Hợp tác xã dịch vụ nước làm chủ đầu tư thì Hợp tác xã dịch vụ nước phải tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo dưỡng công trình đúng quy phạm kỹ thuật, nghiệm thu bàn giao và sau đó tiếp tục quản lý khai thác lâu dài. Các địa phương phải tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ giám sát thi công để đảm bảo chất lượng công trình.

5. Về tổ chức quản lý khai thác;

Song song với việc khôi phục lại và kiên cố kênh mương liên thôn, nội đồng, các địa phương phải thành lập tổ chức quản lý khai thác để duy tu, bảo dưỡng và khai thác phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và dân sinh. Hiện đang có nhiều mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động khác nhau: như Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chức năng dịch vụ nước, HTX dùng nước, tổ dùng nước... Các địa phương cần nhận thức đây đủ tính chất cấp bách và lâu dài của tổ chức này để lựa chọn mô hình phù hợp với thực tế.

Đối với miền núi do công trình nhỏ phân tán trên diện rộng nên việc quản lý ngoài các hình thức trên sẽ tổ chức khoán cho hộ nông dân quản lý và hàng năm có bồi dượng nghiệp vụ, chuyên môn cho họ như một huyện ở Lạng Sơn đã làm.

IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ở Trung ương:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ chỉ đạo công tác này.

Cục Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi là cơ quan chức năng được Bộ giao thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chủ trì thẩm định hồ sơ dự án kiên cố kênh loại I và thoả thuận để Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo trình tự xây dựng cơ bản hiện hành.

- Chủ trì thẩm định kế hoạch vay vốn hàng năm nhằm đảm bảo công bằng hợp lý trong việc cân đối giữa tổng mức vốn Nhà nước cho vay và nhu cầu vay của tỉnh, thành phố để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu và cấp vốn.

- Kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện, giải quyết những vướng mắc theo chức năng được giao hoặc đề xuất ý kiến trình Bộ quyết định.

- Phát hiện kịp thời những điển hình tốt, tổng kết bài học kinh nghiệm, tổ chức phổ biến cho các địa phương vận dụng.

2. Ở cấp tỉnh: Thành lập ban chỉ đạo kiên cố kênh mương do Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp làm trưởng ban, các thành viên khác gồm có:

Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (uỷ viên thường trực), Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Ngân hàng và Cục trưởng Cục Đầu tư Phát triển.

(Tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của từng tỉnh mà có thể tăng hoặc giảm các thành viên cho phù hợp).

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp tỉnh cân đối ngân sách địa phương đề suất mức vay và phân bổ vốn vay cho các huyện, các Công ty KTCTTL; đôn đốc kiểm tra và giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch;

Những nơi phong trào kiên cố kênh mương chưa phát triển thì Ban chỉ đạo cần chọn một hệ thống thuỷ nông để chỉ đạo điển hình, rút ra những bài học kinh nghiệm phổ biến cho các địa phương trong tỉnh để kịp thời khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm.

Sở nông nghiệp và PTNT giúp Chủ tịch UBND tỉnh quản lý nhà nước và chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Chi cục Quản lý nước và CTTL hoặc phòng thuỷ lợi (nơi chưa thành lập Chi cục) là cơ quan chức năng giúp Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện quản lý nhà nước và là văn phòng thường trực cho Ban chỉ đạo tỉnh có nhiệm vụ sau:

- Tổng hợp kế hoạch vay vốn của các Công ty KTCTTL, các huyện, cân đối hợp lý thông qua Ban chỉ đạo để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và khi có chỉ tiêu kế hoạch thì phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn vay trong tỉnh.

- Thẩm định dự án kiên cố các kênh thuộc nhóm II để Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.

- Thẩm định phương án kiên cố các kênh thuộc nhóm III trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

- Nghiên cứu, đề xuất những quy định cụ thể trong việc lập thiết kế dự toán thi công các kênh thuộc nhóm III để Sở Nông nghiệp và PTNT thông qua Ban chỉ đạo, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt cho phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

- Giúp Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra đôn đốc các Công ty KTCTTL và các huyện thực hiện kế hoạch, kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc.

3. Ở cấp huyện và cấp xã:

Tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định phương án tổ chức chỉ đạo cho phù hợp và có hiệu quả.

Ở miền núi Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo các Uỷ ban nhân dân xã lập kế hoạch kiên cố kênh loại III kết hợp chặt chẽ với việc lập kế hoạch xây dựng thuỷ lợi nhỏ.

4. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch:

Theo định kỳ 6 tháng một lần các địa phương báo cáo về Bộ (Cục Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi) tình hình thực hiện kế hoạch, đề xuất những vấn đề cần giải quyết và những bài học kinh nghiệm để kịp thời khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đẩy nhanh tốc độ thực hiện kế hoạch.

 

Phạm Hồng Giang

(Đã ký)