cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 10/1999/TT-BYT ngày 29/05/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bệnh viện điều dưỡng-phục hồi chức năng thuộc Bộ, ngành quản lý (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 10/1999/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 29-05-1999
  • Ngày có hiệu lực: 13-06-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-02-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5373 ngày (14 năm 8 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-02-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-02-2014, Thông tư số 10/1999/TT-BYT ngày 29/05/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bệnh viện điều dưỡng-phục hồi chức năng thuộc Bộ, ngành quản lý (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10/1999/TT-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 1999

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỆNH VIỆN ĐIỀU DƯỠNG-PHỤC HỒI CHỨC NĂNG THUỘC CÁC BỘ, NGÀNH QUẢN LÝ.

Thực hiện Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân và Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/1/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), ban hành Điều lệ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; sau khi tham khảo ý kiến của các Bộ, Ngành về chuyển đổi nội dung hoạt động điều dưỡng-phục hồi chức năng và được sự đồng ý của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ tại công văn số 128/TCCP-TCBC ngày 28/5/1999 về việc thống nhất tên gọi các cơ sở điều dưỡng - phục hồi chức năng, Bộ Y tế hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng của các Bộ, ngành như sau:

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ:

1. Khám, chẩn đoán, điều trị, điều dưỡng và phục hồi chức năng:

1.1. Tổ chức Điều dưỡng - Phục hồi chức năng cho những người mắc bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp, người sức khoẻ yếu sau khi điều trị bệnh cấp tính và những người có nhu cầu phục hồi chức năng khác .

1.2. Lựa chọn các phương pháp điều trị, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thích hợp, kết hợp dinh dưỡng, sử dụng thuốc chữa bệnh hợp lý và cú đủ các chỉ số đánh giá về chức năng cho người bệnh khi vào viện, ra viện.

1.3. Hướng dẫn các phương pháp luyện tập, phục hồi chức năng để người bệnh khi ra viện vẫn tự tập luyện chữa bệnh đối với bệnh phải điều trị lâu dài.

1.4. Hướng dẫn sản xuất và sử dụng các dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật để giúp họ hướng nghiệp và có thể tự lập trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng.

2. Phòng bệnh:

2.1. Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phòng ngừa tàn tật.

2.2. Phối hợp với các cơ quan truyền thông giáo dục sức khoẻ để tổ chức việc tuyên truyền công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và hướng dẫn các phương pháp tập luyện trong phục hồi chức năng.

3. Chỉ đạo tuyến:

3.1. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chỉ đạo công tác Phục hồi chức năng ở tuyến dưới để phát triển kỹ thuật và nâng cao chất lượng Điều dưỡng - Phục hồi chức năng.

3.2. Kết hợp chặt chẽ với Y tế địa phương, y tế các xí nghiệp, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các ban ngành chức năng, các đoàn thể, huấn luyện cán bộ y tế cơ sở, để phục hồi chức năng cho cán bộ, công nhân lao động ở xí nghiệp, tại cơ sở đạt hiệu quả.

4. Đào tạo cán bộ:

4.1. Là cơ sở thực hành cho các trừờng Đại học và Trung học Y tế để đào tạo cán bộ điều dưỡng và phục hồi chức năng.

4.2. Tham gia đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ chuyên môn trong bệnh viện và cán bộ y tế về chuyên ngành Điều dưỡng - Phục hồi chức năng khi có nhu cầu.

5. Nghiên cứu khoa học:

5.1. Tổ chức nghiên cứu và tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học chuyên ngành về Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, bệnh nghề nghiệp và các chuyên ngành có liiên quan. Nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp Điều dưỡng - Phục hồi chức năng theo hướng kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc khác.

5.2. Kết hợp với các cơ sở điều trị để áp dụng và phát triển kỹ thuật chuyên ngành trong bệnh viện và tại cộng đồng.

6. Hợp tác quốc tế:

Được hợp tác với các tổ chức và cá nhân nước ngoài trong chuyên ngành Điều dưỡng - Phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.

7. Quản lý kinh tế y tế:

7.1. Thực hiện việc quản lý, sử dụng hợp lý, cú hiệu quả ngân sách nhà nước cấp, thực hiện nghiêm túc các qui định của nhà nước về chế độ tài chính, từng bước hạch toán kinh phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng.

7.2. Tạo thêm các nguồn kinh phí từ viện phí, bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

II. TỔ CHỨC NHÂN LỰC:

1. Mô hình tổ chức:

Các cơ sở y tế thuộc các Bộ, Ngành đang làm nhiệm vụ điều dưỡng-phục hồi chức năng nếu đủ điều kiện thìchuyển thành Bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng. Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng trực thuộc các Bộ, Ngành là một bệnh viện chuyênkhoa, có chức năng điều trị, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh; có tư cách pháp nhân, có con dấu và đựợc mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước.

2. Bộ máy tổ chức:

2.1. Lãnh đạo bệnh viện: Giám đốc và có từ 1-2 Phó Giám đốc giúp việc (nếu Giám đốc không phải là bác sỹ, thì phải có 01 Phó Giám đốc là bác sỹ chuyên ngành Phục hồi chức năng).

2.2. Các phòng chức năng:

- Phòng Kế hoạch tổng hợp và Chỉ đạo tuyến,

- Phòng Tổ chức - Hành chính - Tài chính kế toán.

2.3. Các khoa chuyên môn:

- Khoa Khám bệnh

- Khoa Thăm dò chức năng - Cận lâm sàng,

- Khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng,

- Khoa Bệnh nghề nghiệp,

- Khoa Chỉnh hình và Sản xuất dụng cụ trợ giúp (nếu có),

- Khoa Dinh dưỡng.

Các cơ sở trên 100 giường, có thể tách riêng thêm một số phòng chức năng và khoa chuyên môn do Bộ chủ quản quyết định sau khi có sự thoả thuận bằng văn bản với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chức năng nhiệm vụ của các khoa, phòng thực hiện theo quy định tại "Quy chế bệnh viện" ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2.4. Trang thiết bị:

Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng từng bước đựợc cơ quan chủ quản trang bị các trang thiết bị y tế thiết yếu theo bản danh mục đính kèm.

2.5. Quy mô:

- Căn cứ vào nhu cầu và thực tế các Bộ, Ngành để bố trí số giường nội trú cho phù hợp. Bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng phải có từ 50 giường bệnh trở lên. Ngoài ra có thể triển khai thêm một số giường bệnh để Điều dưỡng - Phục hồi chức năng theo nhu cầu.

3. Nhân lực: Thực hiện theo các quy định hiện hành.

III. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG:

Kinh phí bao gồm các nguồn như:

1. Kinh phí sự nghiệp Y tế (do nhà nước cấp),

2. Đóng góp của các Bộ, Ngành chủ quản,

3. Viện phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các nguồn khác.

Định mức kinh phí hoạt động cho bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng sẽ do Bộ Tài chính và Bộ Y tế quyết định.

IV. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC:

Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng:

- Chịu sự quản lý và lãnh đạo trực tiếp của Bộ, Ngành chủ quản.

- Chịu sự chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế.

- Có mối quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng và các cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ y dựợc trên địa bàn.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thông tư này được áp dụng cho tất cả các Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng của các Bộ, Ngành.

2. Các Bộ, Ngành có bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng phải xây dựng đề án tổ chức, hoạt động bệnh viện và gửi về Bộ Y tế (Vụ Điều trị) kèm theo công văn đề nghị của lãnh đạo Bộ, Ngành.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế giao cho Vụ trưởng Vụ Điều trị phối hợp với các Vụ chức năng tổ chức thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện thành lập bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng, để báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế xem xột và quyết định.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành, các quy định trước đây trái với quy định tại thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trỉnh thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc thì phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Điều trị) để Nghiên cứu giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, công báo )
- Ban TCCB Chính phủ - Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ
- Các Thứ trưởng BYT (để biết)
- Các đơn vị trực thuộc Bộ,
- Các Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW.
- Y tế các Bộ, Ngành.
- Các Vụ, Cục, VP và Thanh tra Bộ,
- Lưu Vụ TCCB, Điều trị, PC,KH – Lưu trữ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

 

PHỤ LỤC:

CÁC TRANG THIẾT BỊ, XÉT NGHIỆM TRONG BỆNH VIỆN ĐIỀU DƯỠNG - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG.

Trang thiết bị cơ bản:

1. Máy siêu âm chẩn đoán đen trắng

2. Máy X quang cả sóng

3. Máy điện tim

4. Máy chẩn đoán điện cơ

5. Máy điện xung các loại

6. Máy siêu âm điều trị

7. Máy châm cứu, tần phổ

8. Máy tác động cột sống kéo nắn

9. Máy điện trường cao áp

10. Máy điện phân

11. Máy điều trị ánh sáng (UV, IR)

12. Máy laser điều trị

13. Máy thăm dò chức năng hô hấp

14. Dụng cụ vận động trị liệu

15. Xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình chân tay giả

16. Dụng cụ thuỷ trị liệu

17. Dụng cụ hoạt động trị liệu

Các kỹ thuật xét nghiệm huyết học cơ bản:

1. Huyết đồ

2. Tìm tế bào trong các dịch sinh vật

3. Công thức hồng cầu

4. Công thức bạch cầu

5. Số lượng tiểu cầu

6. Tốc độ máu lắng

7. Tỷ lệ huyết sắc tố

8. Dấu hiệu dây thắt

9. Thời gian máu chảy, máu đông

10. Xác định nhóm máu, thử phản ứng chéo tại giường.

Kỹ thuật xét nghiệm hoá sinh cơ bản:

1. Máy xét nghiệm hoá sinh tổng hợp

2. U rê máu

3. Đường máu

4. Phản ứng Marlagan

5. Protein nước tiểu

6. Đường nước tiểu

7. Thể cetonic

8. Bilirubin

9. Urobilinogen

10. Tìm hồng cầu

Kỹ thuật xét nghiệm vi sinh cơ bản:

1. Cấy nấm nội tạng

2. Soi tươi tìm vi khuẩn

3. Xét nghiệm ký sinh trùng đường ruột

4. Xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét

Kỹ thuật xét nghiệm độc chất:

Xét nghiệm độc chất: asen, chì và các hoá chất khác

Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cơ bản:

1. Chụp dạ dầy đối quang kép

2. Chụp khung đại tràng

3. Chụp xương các loại

4. Chụp cấp cứu ổ bụng

5. Siêu âm đen trắng ổ bụng, sản phụ khoa, tiết niệu.