cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 48/1999/TT-BTC ngày 06/05/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về việc sử dụng tiền thu từ xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 48/1999/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 06-05-1999
  • Ngày có hiệu lực: 21-05-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-05-2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 711 ngày (1 năm 11 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-05-2001
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-05-2001, Thông tư số 48/1999/TT-BTC ngày 06/05/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về việc sử dụng tiền thu từ xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 24/2001/TT-BTC ngày 16/04/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn sử dụng tiền thu từ xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 48/1999/TT-BTC NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ban hành ngày 20/03/1996 và Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước; căn cứ Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước số 06/1998-QH10 ngày 20/05/1998 và Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/07/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29/05/1995 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị; Nghị định số 39/CP ngày 05/07/1996 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt; Nghị đính số 40/CP ngày 5/7/1996 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Để tăng cường công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đô thị; trật tự an toàn giao thông đường sắt; trật tự an toàn giao thông đường thủy, Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này như sau:

I. QUY ĐỊNH VỀ PHÂN BỔ, SỬ DỤNG TIỀN THU PHẠT:

1. Toàn bộ số tiền thu từ xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đô thị; trật tự an toàn giao thông đường sắt; trật tự an toàn giao thông đường thủy (gọi chung là trật tự an toàn giao thông) được để lại ngân sách địa phương quản lý và sử dụng.

2. Tổng số tiền phạt thu được sẽ phân bổ và sử dụng đối với các lực lượng của địa phương tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông như sau:

2.1. Trích 30% tổng số tiền thu phạt cho cân đối chung của ngân sách địa phương.

2.2. Số tiền thu phạt còn lại (coi là 100%) được phân bổ và sử dụng cho công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông theo các tỷ lệ sau:

- 20% chi cho các lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, trong đó dành ít nhất 10% chi cho lực lượng công an tham gia trực tiếp.

Trong tổng số 20% chi cho lực lượng công an, bao gồm cả chi hỗ trợ cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở các cấp quận, huyện, xã, phường.

- 15% chi cho lực lượng thanh tra giao thông, nội dung chi gồm:

+ Chi bồi dưỡng cho lực lượng tuần tra kiểm soát;

+ Chi học tập đào tạo chuyên môn nghiệp vụ;

+ Chi bổ sung kinh phí sửa chữa phương tiện, xăng dầu phục vụ tuần tra kiểm soát;

+ Chi cho các hoạt động khác phục vụ đảm bảo an toàn giao thông.

- 10% chi cho các lực lượng ở các quận, huyện, xã, phường tham gia trực tiếp giữ gìn trật tự an toàn giao thông;

- 5% chi cho Kho bạc Nhà nước thực hiện việc thu tiền phạt (bao gồm cả chi phí cho người được ủy quyền thu phạt do Kho bạc Nhà nước ủy quyền theo quy định);

- 5% chi cho trạm cân kiểm tra xe trong tổng số tiền thu phạt chung, nhưng không được vượt quá 20% số thực thu tiền phạt của trạm cân đó. Nội dung chi gồm:

+ Chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia trực tiếp tại trạm cân và các lực lượng hỗ trợ hoạt động của trạm cân,

+ Chi hỗ trợ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ,

+ Chi hỗ trợ cho việc sửa chữa thiết bị trạm cân,

+ Chi cho các mục đích khác phục vụ hoạt động của trạm cân.

- 15% chi cho Ban an toàn giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm chi cho hoạt động của Ban, chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền về việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại địa phương, chi cho công tác tổng kết, thi đua khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

- Phần còn lại dùng để chi cho tăng cường cơ sở vật chất, các chi phí cần thiết khác cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông thuộc địa phương.

II. QUẢN LÝ, CẤP PHÁT KINH PHÍ NGÂN SÁCH TỪ TIỀN THU PHẠT:

1. Các địa phương phải dự toán số thu phạt hàng năm để làm căn cứ phân bổ và sử dụng kinh phí ngân sách từ tiền thu phạt.

2. Trình tự cấp phát kinh phí, nội dung các khoản chi cụ thể và việc quyết toán sử dụng kinh phí từ tiền thu phạt được áp dụng theo các quy định hiện hành.

3. Hàng tháng, căn cứ vào số tiền phạt thu được Sở Tài chính - Vật giá phải phân bổ kịp thời kinh phí được hưởng cho các lực lượng tham gia trực tiếp và thực hiện cấp phát kinh phí cho các lực lượng đó theo các tỷ lệ đã được quy định tại Thông tư này.

4. Trong các trường hợp phân bổ số tiền thu phạt nêu tại phần I, số kinh phí chi cho các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông là mức trích tối đa. Số kinh phí này nếu không sử dụng hết thì được chuyển sang để bổ sung chi trang bị cơ sở, vật chất đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

5. Số tiền còn lại, sau khi đã trừ số trích để chi cho các đơn vị tham gia trực tiếp nêu trên, Sở Tài chính - Vật giá thực hiện cấp phát kinh phí cho các mục đích chi theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở tham mưu của Ban an toàn giao thông của tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành; đồng thời thay thế cho Thông tư số 09 TC/CSTC ngày 02 tháng 02 năm 1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc sử dụng tiền thu về xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

2. Sở Tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện quản lý và cấp phát kinh phí ngân sách từ tiền thu phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông kịp thời cho các lực lượng của địa phương tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông theo đúng các tỷ lệ quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để giải quyết.

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)