Thông tư số 19/1999/TT-BTC ngày 09/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn chế độ tài chính áp dụng thí điểm tại một số khu vực cửa khẩu tỉnh Cao Bằng
- Số hiệu văn bản: 19/1999/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 09-02-1999
- Ngày có hiệu lực: 01-01-1999
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-01-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7685 ngày (21 năm 0 tháng 20 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-01-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/1999/TT-BTC | Hà Nội, ngày 09 tháng 2 năm 1999 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 19/1999/TT-BTC NGÀY 9 THÁNG 2 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM TẠI MỘT SỐ KHU VỰC CỬA KHẨU TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 171/1998/QĐ-TTg ngày 9 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển kinh tế tại một số khu vực cửa khẩu tỉnh Cao Bằng;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ tài chính áp dụng thí điểm tại một số khu vực cửa khẩu tỉnh Cao Bằng như sau:
I/ ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG
1/ Phạm vi áp dụng:
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 171/1998/QĐ-TTg ngày 9/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi áp dụng thí điểm một số chính sách về tài chính quy định tại Thông tư này bao gồm:
a. Khu vực cửa khẩu quốc gia Tà Lùng gồm cửa khẩu Tà Lùng và xã Tà Lùng, huyện Quảng Hoà;
b. Khu vực cửa khẩu Hùng Quốc gồm cửa khẩu Hùng Quốc và xã Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh;
c. Khu vực cửa khẩu Sóc Giang gồm cửa khẩu Sóc Giang và xã Sóc Giang, huyện Hà Quảng.
Các địa bàn nêu tại điểm a, b và c trên đây được gọi tắt trong Thông tư này là các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng.
2/ Đối tượng được hưởng ưu đãi:
Đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi về tài chính quy định trong thông tư này là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng phù hợp với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể như sau:
a. Các nhà đầu tư trong nước bao gồm doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập theo quy định của: Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Luật Hợp tác xã...
b. Các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước theo các hình thức quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng nếu không hình thành các pháp nhân kinh tế thì phải hạch toán riêng các hoạt động kinh doanh trên địa bàn để có căn cứ xác định chế độ ưu đãi.
Chi các hoạt động sản xuất kinh doanh tiến hành tại các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng mới thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi.
II/ NHỮNG HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
A/ ƯU ĐÃI VỀ TIỀN THUÊ ĐẤT, MẶT NƯỚC; ƯU ĐÃI VỀ THUẾ
1. Ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước:
Các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng khi thuê đất, mặt nước của Nhà nước ngoài quyền được hưởng các ưu đãi về miễn giảm theo chế độ hiện hành của Nhà nước, còn được giảm thêm 50% tiền thuế đất, mặt nước so với giá cho thuê đất, mặt nước đang áp dụng tại các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng phù hợp với các quy định hiện hành về xác định giá cho thuê đất, mặt nước.
2. Ưu đãi về thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài, các loại thuế khác:
a. Thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài:
- Thu nhập mà chủ đầu tư nước ngoài có được do hoạt động đầu tư tại các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng (kể cả số thuế thu nhập được hoàn lại và số thu nhập thu được do chuyển nhượng vốn) nếu chuyển ra nước ngoài hoặc giữ lại ngoài Việt Nam thì phải nộp thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài với thuế suất thấp nhất trong khung thuế theo Luật định là 5%.
b. Các loại thuế khác:
Các loại thuế, phí và lệ phí khác thực hiện theo quy định hiện hành tại các Luật thuế, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam và các văn bản pháp luật khác.
3. Trình tự, thủ tục để hưởng các ưu đãi đầu tư:
Trình tự, thủ tục để xin hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Thông tư này thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục để được hưởng các ưu đãi về tiền thuế đất, mặt nước, ưu đãi về thuế quy định tại các văn bản hiện hành về thuê đất, mặt nước, về chế độ thuế.
B/ NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VỐN TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI
- Các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng được huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước bằng các hình thức thích hợp như vay ngân hàng, vay các tổ chức và cá nhân, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... theo quy định của pháp luật hiện hành để tạo nguồn vốn phát triển kinh doanh.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình được phép áp dụng các hình thức huy động vốn thích hợp để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng như phát hành sổ xố kiến thiết loại đặc biệt, báo cáo Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu công trình, huy động lao động công ích của nhân dân... theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
C/ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG TẠI CÁC KHU VỰC KINH TẾ CỬA KHẨU CAO BẰNG
1. Lập dự toán vốn đầu tư cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng:
Hàng năm (trong giai đoạn 1999-2002), căn cứ vào dự toán thu ngân sách Nhà nước của địa bàn các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng duyệt và được Bộ Tài chính chấp thuận trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh Cao Bằng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị mức vốn Nhà nước đầu tư riêng hàng năm qua ngân sách Tỉnh cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng (chi tiết cho từng công trình đầu tư, phân loại theo nhóm và xếp theo thứ tự ưu tiên) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét.
Trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước của địa bàn các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng và đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, đồng thời căn cứ vào cân đối chung của ngân sách Nhà nước hàng năm, Bộ Tài chính xác định tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư riêng mỗi năm cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng nhưng không dưới 50% tổng số thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng. Số vốn đầu tư này Bộ Tài chính sẽ cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Băng qua Sở Tài chính - Vật giá tỉnh Cao Bằng để đầu tư cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ Tài chính về vốn đầu tư cho từng công trình nhóm A, nhóm B, tổng số vốn đầu tư và các vấn đề liên quan khác trước khi ra quyết định phê duyệt dự toán đầu tư cả giai đoạn 1999 - 2002 và dự toán đầu tư hàng năm bằng số vốn ngân sách Nhà nước cấp riêng cho tỉnh Cao Bằng.
Căn cứ vào thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức vốn đầu tư từng năm từ ngân sách Trung ương cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng có trách nhiệm lập dự toán sử dụng vốn đầu tư theo từng quý gửi Bộ Tài chính (chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối quý trước).
Trên cơ sở dự toán vốn đầu tư cả năm, dự toán sử dụng vốn từng quý do địa phương lập và khả năng của ngân sách Trung ương ở từng thời điểm, Bộ Tài chính xác định và thông báo dự toán cấp vốn hàng quý cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Số vốn Nhà nước đầu tư cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng qua ngân sách Tỉnh được xác định trên cơ sở dự toán số thu ngân sách hàng năm trên địa bàn các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng (không kể các khoản thu không giao trong cân đối ngân sách như các khoản ghi thu về học phí, viện phí, viện trợ, đóng góp của nhân dân...) và được xem xét lại vào năm sau trên cơ sở số thu thực tế năm trước để điều chỉnh vào dự toán đầu tư vốn năm sau, phần chênh lệch giữa số thực thu vượt hay hụt so với dự toán thu đầu năm sẽ được điều chỉnh vào dự toán vốn đầu tư năm sau. Số vốn đầu tư này là phần trợ cấp có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho Tỉnh, không tính vào nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
2. Phương thức cấp phát, chế độ báo cáo, quyết toán và quản lý vốn đầu tư cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng:
Theo dự toán sử dụng vốn đầu tư cả năm và hàng quý được duyệt, Bộ Tài chính (ngân sách Trung ương) cấp vốn cho các công trình đầu tư được duyệt qua ngân sách tỉnh Cao Bằng.
Mọi khoản vốn ngân sách Trung ương cấp cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Băng qua ngân sách Tỉnh chỉ sử dụng cho mục đích xây dựng các cơ sở hạ tầng tại khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng theo quy hoạch tổng thể khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng được cấp có thẩm quyền duyệt và phải được quản lý theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
Số vốn đầu tư cho các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng qua ngân sách Tỉnh được phản ánh chung vaò báo cáo ngân sách hàng tháng và quyết toán ngân sách hàng năm của địa phương nhưng ghi một phần riêng cho các công trình đầu tư ở các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng (gồm cả nguồn vốn ngân sách cấp riêng và nguồn vốn do tỉnh huy động).
Hàng quý, Tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, cấp phát vốn cho từng công trình, cuối năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và Đầu tư) kết quả thực hiện cả năm.
3. Việc quản lý, cấp phát và quyết toán vốn đầu tư cho từng công trình đầu tư tại các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
III/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1999. Mọi quy định trước đây về chế độ tài chính đã áp dụng tại các khu vực kinh tế cửa khẩu Cao Bằng trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào các khu vực cửa khẩu Cao Bằng trước ngày có hiệu lực của Quyết định 171/1998/QĐ-TTg ngày 9/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ thì kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, được chuyển sang hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.
| Trần Văn Tá (Đã ký) |