cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 12/1999/TT-BTC ngày 01/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Sửa đổi Thông tư 41/1998/TT-BTC về việc tập trung quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 12/1999/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 01-02-1999
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1826 ngày (5 năm 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2004
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2004, Thông tư số 12/1999/TT-BTC ngày 01/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Sửa đổi Thông tư 41/1998/TT-BTC về việc tập trung quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 80/2003/TT-BTC ngày 13/08/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 2 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 12/1999/TT-BTC NGÀY 01 THÁNG 02 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM TRONG THÔNG TƯ SỐ 41/1998/TT-BTC NGÀY 31/3/1998 CỦA BỘ TÀI CHÍNH VỀ VIỆC TẬP TRUNG, QUẢN LÝ CÁC KHOẢN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu ngân sách Nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư số 41/1998/TT-BTC ngày 31/3/1998 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước như sau:

I/ GIẤY NỘP TIỀN VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1/ Mẫu giấy nộp tiền

Các mẫu giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước (01/TNS, 02/TNS, 03/TNS, 04/TNS) quy định tại Thông tư số 41/1998/TT-BTC ngày 31/3/1998 được thay thế bằng các mẫu giấy nộp tiền quy định theo Thông tư này (Phụ lục đính kèm).

Giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước do Tổng cục Thuế in, quản lý và phân phối sử dụng.

2/ Cách lập giấy nộp tiền

2.1- Đối với giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước bằng chuyển khoản, ngoại tệ tiền mặt:

Người nộp lập giấy nộp tiền như sau:

- Tên đối tượng nộp tiền: Ghi đầy đủ tên đơn vị theo quyết định thành lập hoặc họ tên người nộp tiền.

- Mã số: Ghi theo mã số của đối tượng nộp, do cơ quan thu cấp theo quy định tại Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg ngày 4/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 79/1998/TT-BTC ngày 12/6/1998 của Bộ Tài chính.

- Địa chỉ: Ghi rõ xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố) nơi đối tượng nộp ngân sách Nhà nước đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Nghề kinh doanh: Ghi theo ngành nghề kinh doanh đã đăng ký kê khai.

- Địa điểm nộp (đối với giấy nộp ngoại tệ tiền mặt vào ngân sách Nhà nước): Ghi rõ Ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản.

- Tên Kho bạc Nhà nước thu ngân sách Nhà nước: Ghi rõ tên Kho bạc Nhà nước đã được cơ quan thu quy định trong thông báo thu.

- Nội dung khoản nộp ngân sách Nhà nước: Căn cứ vào thông báo thu của cơ quan thu, người nộp ghi đầy đủ nội dung các khoản nộp, số tiền và mục lục ngân sách Nhà nước.

2.2- Đối với giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt, ngân phiếu thanh toán:

a/ Phần người nộp ghi:

- Tên đối tượng nộp, mã số, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh người nộp ghi tương tự như điểm 2.1, mục I nêu trên.

- Địa điểm nộp: Ghi rõ tên điểm thu (nếu có), tên Kho bạc Nhà nước đã được cơ quan thu quy định trong thông báo thu.

- Nội dung khoản nộp ngân sách Nhà nước: Căn cứ vào thông báo thu của cơ quan thu người nộp ghi chi tiết nội dung khoản nộp và số tiền của từng khoản nộp.

b/ Phần Kho bạc Nhà nước ghi:

- Căn cứ vào số tiền nộp ngân sách Nhà nước, ghi chi tiết theo tiền mặt, ngân phiếu thanh toán.

- Căn cứ vào thông báo thu do người nộp xuất trình, Kho bạc Nhà nước ghi Chương, Loại, Khoản, Mục, Tiểu mục theo hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước.

II/ PHÂN CHIA SỐ THU GIỮA CÁC CẤP NGÂN SÁCH

Kho bạc Nhà nước thực hiện phân chia số thu giữa các cấp ngân sách theo tỷ lệ điều tiết quy định. Cuối ngày, lập bảng kê chi tiết kèm theo giấy nộp tiền gửi cơ quan Tài chính và cơ quan Thuế cùng cấp. Bảng kê chi tiết phản ánh đầy đủ số tiền thu ngân sách Nhà nước và số tiền phân chia cho từng cấp ngân sách theo từng giấy nộp tiền. Trường hợp hoàn trả khoản thu ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước xác nhận rõ số tiền trước đây đã ghi thu vào từng cấp ngân sách để cơ quan Tài chính có căn cứ ra lệnh thoái thu ngân sách Nhà nước cho đối tượng được hưởng.

III/ HOÀN TRẢ KHOẢN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Việc hoàn trả các khoản thu ngân sách Nhà nước cho đối tượng nộp khi chưa quyết toán ngân sách Nhà nước được thực hiện theo Lệnh thoái thu ngân sách Nhà nước (Mẫu số 05/TNS đính kèm). Lệnh thoái thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Tài chính lập và quy trình hạch toán hoàn trả các khoản thu được thực hiện theo quy định tại quyết định số 1276/1998/QĐ/BTC ngày 24 tháng 9 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán Kho bạc Nhà nước.

Lệnh thoái thu ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước) in, quản lý và phân phối sử dụng.

IV/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1999, các nội dung khác không đề cập đến trong Thông tư này vẫn giữ nguyên như quy định tại Thông tư số 41/1998/TT-BTC ngày 31/3/1998 của Bộ Tài chính.

Trong thời gian chưa kịp in giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo mẫu mới, người nộp vẫn được sử dụng mẫu đã phát hành theo quy định tại Thông tư số 41/1998/TT-BTC ngày 31/3/1998 của Bộ Tài chính cho đến khi có mẫu mới.

Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước và cơ quan thu có trách nhiệm hướng dẫn các quy định bổ sung, sửa đổi về thủ tục, mẫu, quy trình thu, quy trình hoàn trả các khoản thu ngân sách Nhà nước để đối tượng nộp ngân sách Nhà nước thực hiện. Trong qua trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh về Bộ Tài chính để có biện pháp giải quyết.

 

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)