cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 191/1998/TT-BTC ngày 31/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn kế toán thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp

  • Số hiệu văn bản: 191/1998/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 31-12-1998
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 8045 ngày (22 năm 15 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-01-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-01-2021, Thông tư số 191/1998/TT-BTC ngày 31/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn kế toán thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 103/2020/TT-BTC ngày 26/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành trong lĩnh vực thuế, quản lý tài sản công và quản lý nợ công”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 191/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 191/1998/TT-BTC NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CƠ BẢN, SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng(GTGT) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam khoá IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10/5/1997 và Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 và Nghị định số 102/1998/NĐ/CP ngày 21/12/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT;
Căn cứ Thông tư 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 và Thông tư 175/1998/TT-BTC ngày 24/12/1998 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành nghị định số 28/1998/NĐ/CP Qui định chi tiết thi hành luật thuế GTGT và Nghị định số 102/1998/NĐ/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số 187/1998/TT-BTC ngày 29/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 100/1998/TT-BTC ngày 15/7/1998; Thông tư số 180/1998/TT-BTC ngày 26/12/1998 hướng dẫn bổ sung kế toán thuế GTGT.
Để kế toán thuế GTGT phù hợp với việc tính, kê khai, nộp thuế GTGT Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng cơ bản (XDCB), sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, như sau:

I- NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

1- Thông tư này áp dụng đối với các hoạt động xây dựng cơ bản (XDCB) tự làm, sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp ở các đơn vị có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp theo qui định tại Thông tư số 187 /1998/TT-BTC ngày 29/12/1998 của Bộ Tài chính.

2- Kế toán doanh thu bán hàng:

- Doanh thu bán hàng đối với hoạt động XDCB tự làm có tổ chức hạch toán kết quả kinh doanh riêng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là giá trị công trình XDCB hoàn thành không có thuế GTGT.

- Doanh thu bán hàng đối với sản phẩm nông, lâm nghiệp không qua chế biến, trực tiếp bán ra thị trường thuộc diện không chịu thuế GTGT là giá bán sản phẩm.

- Doanh thu bán hàng đối với sản phẩm nông, lâm nghiệp qua chế biến tiêu thụ nội địa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là giá bán không có thuế GTGT.

- Doanh thu bán hàng đối với vật tư doanh nghiệp mua về cung ứng cho các hộ nông trường viên, cho cán bộ công nhân viên hoặc bán ra ngoài cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dưới dạng kinh doanh thương nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là giá bán không có thuế GTGT.

- Doanh thu bán hàng đối với sản phẩm nông, lâm nghiệp là hàng hoá xuất khẩu áp dụng thuế suất thuế GTGT bằng không (0%) là giá bán hàng xuất khẩu.

3- Kế toán giá trị vật tư, thiết bị, dịch vụ mua vào:

- Giá trị vật tư, thiết bị, dịch vụ mua vào dùng cho việc thực hiện khối lượng xây dựng cơ bản của bộ phận XDCB tự làm có hạch toán kết quả sản xuất, kinh doanh riêng là giá mua chưa có thuế GTGT.

- Giá trị vật tư, thiết bị, dịch vụ mua vào phục vụ cho việc thực hiện khối lượng XDCB của bộ phận XDCB tự làm không hạch toán kết quả sản xuất kinh doanh riêng là giá mua đã có thuế GTGT đầu vào (tổng giá thanh toán)

- Giá trị vật tư, TSCĐ, dịch vụ mua vào dùng cho hoạt động sản xuất ra sản phẩm nông, lâm nghiệp không qua chế biến, trực tiếp bán ra thị trường thuộc diện không chịu thuế GTGT là giá mua đã có thuế GTGT (tổng giá thanh toán)

- Giá trị vật tư, TSCĐ, dịch vụ mua vào dùng cho hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp tiêu thụ nội địa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là giá mua chưa có thuế GTGT đầu vào. Đối với nguyên liệu là sản phẩm nông, lâm nghiệp đưa vào sản xuất, chế biến theo quy định tại điểm 2b mục II của Thông tư số 187 -1998/TT-BTC thì giá mua chưa có thuế được xác định như sau:

Giá mua chưa có thuế GTGT

=

Tổng giá trị nguyên liệu đưa vào chế biến theo bảng kê quy định

-

Số thuế GTGT được tính khấu trừ theo tỷ lệ 3-5%

- Giá trị vật tư doanh nghiệp mua về cung ứng cho các hộ nông trường viên, cho cán bộ công nhân viên, hoặc bán ra ngoài cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dưới dạng kinh doanh thương nghiệp là giá mua chưa có thuế GTGT đầu vào.

- Giá trị vật tư, nguyên, nhiên liệu, TSCĐ, dịch vụ mua vào dùng cho hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp là hàng hoá xuất khẩu là giá mua chưa có thuế GTGT (nếu mua hàng có hoá đơn thuế GTGT). Đối với nguyên liệu là sản phẩm nông, lâm nghiệp đưa vào sản xuất, chế biến theo quy định tại điểm 2b mục II của Thông tư số 187 -1998/TT-BTC ngày 29/12/1998 thì không được tính khấu trừ 3 - 5 % trên giá trị nguyên liệu đưa vào chế biến.

II- KẾ TOÁN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG .

1- Hoạt động xây dựng cơ bản tự làm trong sản xuất nông, lâm nghiệp:

a/ Hoạt động xây dựng cơ bản tự làm trong sản xuất nông, lâm nghiệp có tổ chức hạch toán kết quả sản xuất kinh doanh riêng.

Kế toán tại bộ phận XDCB tự làm có hạch toán kết quả kinh doanh riêng:

- Khi nhận vốn được giao từ bên sản xuất kinh doanh:

+ Khi nhận vốn bằng tiền, ghi:

Nợ TK 111, 112,

Có TK 336- Phải trả nội bộ

+ Khi nhận vốn bằng vật tư, tài sản cố định (TSCĐ), ghi:

Nợ TK 152, 153, 211,..

Nợ TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 336- Phải trả nội bộ

- Khi mua vật tư, thiết bị, dịch vụ dùng vào hoạt động XDCB chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152, 153, 621,..

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào)

Có TK 111, 112, 331 (Tổng giá thanh toán)

- Khi công tác XDCB hoàn thành, bàn giao cho bộ phận sản xuất, kinh doanh và bộ phận XDCB phải phát hành hoá đơn thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 336- Phải trả nội bộ

Có TK 512- Doanh thu bán hàng nội bộ

Có TK 333- Thuế và các khoản phải nộp nhà nước

(3331- Thuế GTGT đầu ra)

- Cuối kỳ tính và xác định số thuế GTGT đầu vào khấu trừ trong kỳ, ghi:

Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

(3331- Thuế GTGT phải nộp)

Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.

- Khi nộp thuế GTGT vào NSNN, ghi:

Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp

Có TK 111, 112

Kế toán tại bên sản xuất, kinh doanh:

- Khi chuyển vốn cho bên XDCB:

+ Khi chuyển vốn bằng tiền, ghi:

Nợ TK 136- Phải thu nội bộ

Có TK 111, 112

+ Khi chuyển vốn bằng vật tư, TSCĐ, ghi:

Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (Tổng giá thanh toán)

Có TK 152, 211,..(giá chưa có thuế GTGT)

Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào của số vật tư,TSCĐ chuyển cho bên XDCB)

- Khi nhận bàn giao TSCĐ hoàn thành của bên XDCB, ghi:

Nợ TK 211- TSCĐ (giá trị công trình đã có thuế GTGT đầu ra)

Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1361) (Tổng giá thanh toán)

- Nếu TSCĐ được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN cấp hoặc nguồn vốn tự bổ sung, đồng thời ghi:

Nợ TK 441 - Nguồn vốn XDCB

Có TK 411- Nguồn vốn kinh doanh

b/ Hoạt động XDCB tự làm trong sản xuất nông, lâm nghiệp không tổ chức hạch toán kết quả sản xuất, kinh doanh riêng:

Đối với hoạt động XDCB do đơn vị tự làm không tổ chức hạch toán kết quả sản xuất, kinh doanh riêng theo quy định tại Thông tư số 187-1998/TT-BTC ngày 29/12/1998 thì không thuộc diện chịu thuế GTGT.

- Khi mua vật tư, thiết bị, dịch vụ dùng vào hoạt động XDCB tự làm không chịu thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 152, 153, 241

Có TK 111, 112, 331,.. ( Tổng giá thanh toán và các chi phí vận chuyển, bốc dỡ,...)

- Khi xuất kho vật tư sử dụng vào hoạt động XDCB tự làm không chịu thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang

Có TK 152, 153,...

- Khi công trình XDCB hoàn thành đưa vào sử dụng, ghi:

Nợ TK 211, 213,..

Có TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang

- Nếu công trình XDCB hoàn thành được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN cấp hoặc nguồn vốn tự bổ sung, ghi:

Nợ TK 441- Nguồn vốn đầu tư XDCB

Có TK 411- Nguồn vốn kinh doanh

2 - Hoạt động sản xuất sản phẩm nông lâm nghiệp qua chế biến để tiêu thụ nội địa nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

- Khi mua vật tư, nguyên liệu, dịch vụ, TSCĐ có hoá đơn thuế GTGT hoặc chứng từ đặc thù, hoặc được khấu trừ theo tỷ lệ (%) trên giá mua theo quy định của luật thuế dùng cho sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tiêu thụ nội địa, ghi:

Nợ TK 152, 153, 211, 621, 627, 642 (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 331 ,... (Tổng giá thanh toán)

- Khi đưa sản phẩm của hộ nông trường viên giao nộp và sản phẩm do đơn vị tự sản xuất vào chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp để tiêu thụ nội địa thuộc diện chịu thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

(giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

(thuế GTGT được khấu trừ theo tỷ lệ (%) quy định)

Có TK 512 - Doanh thu bán hàng nội bộ (giá thành SX sản phẩm hoặc giá giao nộp, giá tính thuế tại địa phương)

- Khi phát sinh doanh thu các sản phẩm nông, lâm nghiệp qua chế biến tiêu thụ nội địa thuộc diện chịu thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 111, 112, 131 (Tổng giá thanh toán)

Có TK 511- Doanh thu bán hàng (giá chưa có thuế GTGT)

Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

(3331- Thuế GTGT phải nộp)

- Cuối kỳ, khi xác định số thuế GTGT đầu vào khấu trừ trong kỳ, ghi:

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

(3331- Thuế GTGT phải nộp)

- Khi nộp thuế GTGT vào NSNN, ghi:

Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331)

Có TK 111, 112

3- Hoạt động sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp không qua chế biến trực tiếp bán ra thị trường thuộc diện không chịu thuế GTGT:

- Khi mua vật tư, hàng hoá, dịch vụ dùng vào hoạt động sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp không thuộc diện chịu thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 152, 153, 156 hoặc 611, 621, 627, 642,..(Tổng giá thanh toán)

Có TK 111, 112, 331,.. (Tổng giá thanh toán)

- Khi phát sinh doanh thu bán sản phẩm nông, lâm nghiệp không thuộc diện chịu thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 111, 112, 131,..

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng (Tổng giá thanh toán)

4- Hoạt động sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp là hàng hoá xuất khẩu qua chế biến.

- Khi chuyển sản phẩm nông, lâm nghiệp do đơn vị tự sản xuất hoặc nhận sản phẩm do hộ nông trường viên giao nộp đưa vào chế biến, ghi:

Nợ TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

Có TK 512 - Doanh thu bán hàng nội bộ (giá thành sản xuất sản phẩm, giá giao nộp hoặc giá tính thuế tại địa phương)

- Khi thu mua hàng hoá về để xuất khẩu nếu không có hoá đơn thuế GTGT loại được khấu trừ thì không được hoàn thuế đầu vào, ghi:

Nợ TK 621- Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

(Tổng giá thanh toán)

Có TK 111, 112, 331 ( Tổng giá thanh toán)

- Khi mua nguyên vật liệu khác, dịch vụ có hoá đơn thuế GTGT (loại được khấu trừ) phục vụ trực tiếp cho giai đoạn chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu, ghi:

Nợ TK 152, 621, 627, 642 (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 331,.. (Tổng giá thanh toán)

- Khi xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, xác định doanh thu xuất khẩu, ghi:

Nợ TK 111, 112, 131

Có TK 511- Doanh thu bán hàng

- Khi được NSNN hoàn lại thuế GTGT bằng tiền, ghi:

Nợ TK 111, 112

Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/1999

2- Các đơn vị có hoạt động xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn thực hiện Thông tư này. Các vấn đề khác về kế toán thuế GTGT không hướng dẫn trong Thông tư này thì thực hiện theo chế độ kế toán hiện hành.

3- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)