Thông tư số 93/1998/TT-BTC ngày 30/06/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định chế độ chi tiêu hội nghị (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 93/1998/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 30-06-1998
- Ngày có hiệu lực: 15-07-1998
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2362 ngày (6 năm 5 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2005
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/1998/TT-BTC | Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1998 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 93/1998/TT-BTC NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 1998 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CHI TIÊU HỘI NGHỊ
Để thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo điều kiện cho thủ trưởng đơn vị chủ động trong việc sử dụng kinh phí chi tiêu hội nghị, bảo đảm hiệu quả, Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu hội nghị trong các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp (dưới đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết, đại hội với quy mô toàn quốc phải được phép bằng văn bản của Thường vụ Bộ Chính trị hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị với quy mô toàn tỉnh, thành phố phải được phép bằng văn bản của Thường vụ tỉnh uỷ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị triệu tập toàn huyện phải được phép bằng văn bản của Thường vụ huyện uỷ hoặc Chủ tịch UBND huyện.
2. Tất cả các cơ quan, đơn vị khi tổ chức hội nghị phải nghiên cứu sắp xếp địa điểm hợp lý, kết hợp nhiều nội dung và chuẩn bị nội dung có chất lượng, cân nhắc thành phần, số lượng đại biểu. Thời gian tổ chức hội nghị không quá 3 ngày, tổ chức lớp tập huấn không quá 10 ngày. Các cơ quan, đơn vị khi tổ chức hội nghị phải thực hiện theo đúng chế độ chi tiêu quy định tại Thông tư này và dự trù kinh phí trong dự toán kinh phí năm của cơ quan đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đại biểu dự hội nghị tự trả tiền ăn, nghỉ bằng tiền công tác phí và một phần tiền lương của mình; cơ quan tổ chức hội nghị trợ cấp tiền ăn, nghỉ cho những đại biểu không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bù đắp chênh lệch tiền ăn giữa mức chi quy định tại Thông tư này.
4. Cơ quan Tài chính, Kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm tra việc chi tiêu hội nghị của đơn vị từ trước khi chi, trong khi chi và sau khi chi để đảm bảo đúng chế độ quy định.
5. Các kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam không áp dụng theo Thông tư này, sẽ có quy định riêng.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1. Mức tiền ăn, nghỉ cho đại biểu dự hội nghị, tập huấn:
a. Mức tiền ăn: Mức tiền ăn hàng ngày cho mỗi đại biểu dự hội nghị, tập huấn quy định mức tối đa theo phạm vi, địa điểm tổ chức hội nghị, tập huấn như sau:
- Hội nghị ngành cấp TW
+ Tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: 30.000đ/ngày người.
+ Tổ chức tại các tỉnh: 25.000đ/ngày người.
- Hội nghị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội nghị chuyên đề triển khai các chế độ, chính sách, hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật do các ngành cấp Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã triệu tập, mức tiền ăn hàng ngày cho đại biểu dự là:
+ Hội nghị tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: 25.000đ/ngày người
+ Hội nghị tổ chức tại các tỉnh: 20.000đ/ngày người
+ Hội nghị cấp huyện, quận, thị xã: 15.000đ/ngày người
b. Mức tiền thuê chỗ ngủ: Mức tiền thuê chỗ ngủ cho đại biểu dự hội nghị được áp dụng theo mức tiền thuê chỗ ngủ khi cán bộ công chức đi công tác, tối đa không quá mức quy định dưới đây:
- Hội nghị ngành cấp TW:
+ Tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: 90.000đ/ngày người.
+ Tổ chức tại các tỉnh khác: 60.000đ/ngày người.
- Hội nghị ngành cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hội nghị tập huấn, chuyên đề, hội nghị cấp quận, huyện, thị xã:
+ Tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: 60.000đ/ngày người.
+ Tổ chức tại các tỉnh khác: 50.000đ/ngày người.
+ Tổ chức tại huyện: 40.000đ/ngày người.
c. Đóng góp của đại biểu dự hội nghị:
- Đại biểu dự hội nghỉ có đăng ký ăn, nghỉ với cơ quan tổ chức hội nghị thì nộp đủ tiền ăn, tiền thuê chỗ ngủ cho cơ quan tổ chức hội nghị.
- Đối với đại biểu không hưởng lương từ NSNN thì cơ quan tổ chức hội nghị chi trả tiền ăn và tiền thuê chỗ ngủ theo mức tối đa quy định trên.
Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa vào mức tiền ăn, tiền ngủ quy định trên đây và căn cứ vào tình hình cụ thể, khả năng ngân sách hàng năm để quy định chi tiết, cụ thể mức tiền thuê chỗ ngủ cho đại biểu dự từng loại hội nghị trên từng địa bàn cho phù hợp nhưng không được vượt quá mức quy định tại Thông tư này.
2. Nội dung chi của cơ quan tổ chức hội nghị: Cơ quan tổ chức hội nghị được chi các khoản sau:
- Tiền thuê hội trường trong những ngày tổ chức hội nghị (nếu có).
- Tiền in tài liệu phục vụ hội nghị. Đối với tài liệu tập huấn, cơ quan tổ chức hội nghị in bán cho đại biểu và những người có nhu cầu mua để bù đắp chi phí theo giá không tính lãi.
- Chi tiền ăn, thuê chỗ ngủ, tiền tàu xe cho đại biểu dự hội nghị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Chi bù tiền ăn mức 10.000 đ/ngày/người đối với hội nghị tổ chức tại các tỉnh, thành phố trực Trung ương; mức 5.000đ/ngày/người đối với hội nghị tổ chức tại huyện, thị cho những đại biểu đăng ký nghỉ tại hội nghị.
- Tiền thuê xe ôtô đưa đón đại biểu từ nơi nghỉ đến nơi tổ chức hội nghị (nếu có).
- Các khoản chi khác như: tiền nước uống cho đại biểu, báo cáo viên, tiền làm thêm giờ, tiền thuốc chữa bệnh thông thường, trang trí hội trường v.v...
3. Tất cả các hội nghị, hội thảo chi theo tinh thần tiết kiệm, không phô trương hình thức, không chi tiền bồi dưỡng hoặc tiền ăn trưa cho những đại biểu sở tại hưởng lương từ ngân sách nhà nước dự hội nghị, không chi các hoạt động tham quan, nghỉ mát, văn nghệ, trang trí, chụp ảnh ngoài quy định.
4. Trước khi tổ chức hội nghị, các cơ quan đơn vị lập dự toán chi tiêu hội nghị gửi cơ quan tài chính đồng cấp và kho bạc nơi cơ quan, đơn vị giao dịch.
Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm kiểm tra dự toán chi hội nghị của đơn vị, bảo đảm đúng chế độ quy định tại Thông tư này và căn cứ vào dự toán ngân sách năm mục 112 "Hội nghị", làm thủ tục thông báo hạn mức chi cho đơn vị.
Kho bạc Nhà nước kiểm tra hồ sơ chứng từ, lệnh chuẩn chi của thủ trưởng đơn vị về chi hội nghị, bảo đảm tính hợp pháp của chứng từ và phù hợp với hạn mức kinh phí chi hội nghị của đơn vị, làm thủ tục thanh toán kinh phí chi hội nghị cho đơn vị.
5. Cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị có trách nhiệm tập hợp chứng từ thu chi và quyết toán chi hội nghị cùng với quyết toán quý, năm của đơn vị.
Kinh phí chi tiêu hội nghị được bố trí trong dự toán hàng năm của cơ quan, đơn vị, cuối năm chi không hết đơn vị được chuyển chi cho các nội dung công việc khác sau khi đã thống nhất với cơ quan tài chính đồng cấp.
Cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm kiểm tra quyết toán chi tiêu hội nghị của cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị, tập huấn bảo đảm chi đúng chế độ quy định, trường hợp chi sai chế độ hoặc vượt mức quy định thì cơ quan tài chính có quyền xuất toán khoản chi sai chế độ, vượt mức quy định. Người nào ra lệnh chi sai phải bị xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
1. Các doanh nghiệp nhà nước vận dụng Thông tư này để chi tiêu cho những hội nghị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Chi tiêu hội nghị của doanh nghiệp phải tiết kiệm, có hiệu quả theo quy chế tài chính doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ ban hành.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các Thông tư quy định về chế độ hội nghị trước đây đều bãi bỏ.
| Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |