Thông tư số 178/1998/TT-TCCP ngày 04/06/1998 Hướng dẫn Quyết định 67/1998/QĐ-TTg về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động Thương binh và Xã hội do Ban Tổ Chức, Cán Bộ Chính Phủ ban hành
- Số hiệu văn bản: 178/1998/TT-TCCP
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ
- Ngày ban hành: 04-06-1998
- Ngày có hiệu lực: 19-06-1998
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 9644 ngày (26 năm 5 tháng 4 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 178/1998/TT-TCCP | Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 1998 |
THÔNG TƯ
CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 178/1998/TT-TCCP NGÀY 4 THÁNG 6 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 67/1998/QĐ-TTG NGÀY 26/3/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHUYỂN GIAO NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ TỪ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SANG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 67/1998/QĐ-TTg ngày 26/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại Công văn số 3088 BKH/KHGDMT ngày 11/5/1998; Bộ Tài chính tại Công văn số 1669/TC-TCCB ngày 11/5/1998; Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 4324/TCCB ngày 28/5/1998; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1477/LĐTBXH-TCCB ngày 12/5/1998, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện theo Quyết định số 67/1998/QĐ-TTg ngày 26/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Quy trình tiến hành chuyển giao phải đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và quy định tại Thông tư này; việc chuyển giao không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các đơn vị thuộc đối tượng chuyển giao.
3. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề bao gồm:
- Xây dựng và thẩm định các dự án, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đào tạo nghề, tham gia ý kiến các dự án về văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Xây dựng quy hoạch, chiến lược, chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển đào tạo nghề.
- Ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; kiểm tra việc thực hiện, tổng hợp tình hình trong lĩnh vực đào tạo nghề và xây dựng các giải pháp phương hướng để chỉ đạo, điều hành các hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề.
4. Việc chuyển giao phải được thực hiện trực tiếp giữa cơ quan ngành giáo dục và đào tạo với cơ quan ngành lao động - thương binh và xã hội các cấp tương ứng từ Trung ương đến địa phương, theo hướng dẫn của Thông tư này.
II. NỘI DUNG CHUYỂN GIAO
A. Ở CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG:
ở Trung ương
Nội dung chuyển giao giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
1. Chuyển giao nhiệm vụ:
- Chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo quy định tại điểm 3 phần I của Thông tư này từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Chuyển giao các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề, bao gồm cả các Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành. Đối với các địa phương, ngoài các văn bản về đào tạo nghề nói trên còn có các văn bản quy định khác (nếu có) của từng địa phương về quy hoạch, chiến lược đào tạo nghề phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề đối với tất cả các trường, trung tâm và cơ sở có hoạt động đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Bàn giao danh sách các trường, trung tâm và các cơ sở hoạt động đào tạo nghề do các Bộ, ngành và địa phương quản lý.
2. Bàn giao cán bộ, công chức:
Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Những cán bộ, công chức được Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ duyệt theo biên chế tính đến ngày 10/4/1998 hiện đang trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm bố trí và tạo điều kiện để số cán bộ, công nhân viên được bàn giao hoàn thành nhiệm vụ.
Danh sách cụ thể do hai Bộ thoả thuận thống nhất trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng cán bộ.
- Danh sách trích ngang và toàn bộ hồ sơ cán bộ, công chức kèm theo của số lượng cán bộ, công chức bàn giao theo quy định quản lý;
- Việc thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức; tiền lương, nâng bậc lương, bảo hiểm xã hội... và những vấn đề chưa được xử lý (nếu có).
3. Bàn giao các dự án:
Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Bàn giao toàn bộ các dự án đang chuẩn bị thực hiện trong nước đầu tư và các dự án nước ngoài tài trợ về hợp tác đào tạo nghề do Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương quản lý.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao về mặt quản lý nhà nước sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (không thay đổi chủ dự án) các dự án trong nước đầu tư và nước ngoài tài trợ về hợp tác đào tạo nghề do Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành và địa phương đang thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo làm chủ các dự án đang thực hiện, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quản lý và thực hiện đến khi hoàn thành dự án.
Nội dung bàn giao:
+ Toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan của dự án.
+ Tài chính của dự án, nguồn tài trợ, vốn đã được duyệt, chưa duyệt....
+ Tiến độ, kết quả, khối lượng thực hiện dở dang của các dự án.
- Các dự án đan xen giữa đào tạo nghề với các loại hình đào tạo khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm chủ dự án, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quản lý đến khi dự án được hoàn thành.
4. Bàn giao kế hoạch và tài chính:
Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a. Về kế hoạch:
- Các quy chế, cơ chế chính sách về kế hoạch thuộc lĩnh vực đào tạo nghề (nếu có).
- Toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề của các Bộ đã được Nhà nước giao chỉ tiêu đã và đang thực hiện, bao gồm:
+ Chỉ tiêu kế hoạch đào tạo dài hạn thuộc lĩnh vực đào tạo nghề;
+ Chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề năm 1998; + Các chỉ tiêu kế hoạch khác có liên quan;
+ Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 1998 tính đến lúc bàn giao;
+ Những vướng mắc, tồn tại về công tác kế hoạch và trách nhiệm giải quyết (nếu có).
b. Về tài chính:
- Các quy chế, chính sách về tài chính thuộc lĩnh vực đào tạo nghề.
- Dự toán ngân sách nhà nước được giao năm 1998, bao gồm:
+ Kinh phí quản lý nhà nước về đào tạo nghề;
+ Kinh phí sự nghiệp đào tạo nghề;
+ Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án và các nguồn kinh phí khác có liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề.
- Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tài chính, các số liệu về tổ chức thuộc lĩnh vực đào tạo nghề của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đến mốc thời điểm bàn giao.
- Các khoản kinh phí có liên quan đến đào tạo nghề đã được cấp phát từ đầu năm 1998 đến thời điểm bàn giao và các khoản kinh phí còn lại của năm 1998.
- Tài sản có liên quan phải bàn giao ở các cấp.
- Những vướng mắc tồn tại về tài chính và trách nhiệm giải quyết; * Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc cụ thể với Bộ Tài chính về kết quả bàn giao tài chính để có căn cứ cấp phát các nguồn kinh phí còn lại của năm 1998 cho phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn luật và dự toán đã được giao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hoàn chỉnh báo cáo quyết toán các nguồn kinh phí đã được cấp phát năm 1997, giải quyết những vướng mắc về tài chính từ năm 1997 trở về trước và quyết toán các nguồn kinh phí có liên quan đến đào tạo nghề đã được cấp phát từ đầu năm 1998 đến thời điểm bàn giao; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quyết toán kinh phí có liên quan đến việc đào tạo nghề đã được cấp phát từ thời điểm bàn giao đến hết năm 1998.
ở địa phương:
Việc chuyển giao giữa cơ quan ngành Giáo dục và Đào tạo với cơ quan ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thực hiện như ở Trung ương theo các nội dung trên.
Về mặt tài chính: Cơ quan Giáo dục và Đào tạo, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc cụ thể với cơ quan Tài chính ở địa phương về kết quả bàn giao tài chính để có căn cứ cấp phát các nguồn kinh phí còn lại của năm 1998 cho phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và dự toán đã được giao. Cơ quan Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hoàn chỉnh báo cáo quyết toán các nguồn kinh phí đã được cấp phát năm 1997, giải quyết những vướng mắc về tài chính từ năm 1997 trở về trước và quyết toán các nguồn kinh phí có liên quan đến đào tại nghề đã được cấp phát từ đầu năm 1998 đến thời điểm bàn giao. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quyết toán kinh phí có liên quan đến việc đào tạo nghề đã được cấp phát từ thời điểm bàn giao đến hết năm 1998.
B. BÀN GIAO CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM KỸ THUẬT.
a. Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao các trường sau đây sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý:
- Trường trung học sư phạm kỹ thuật II - Nam Định
- Trường trung học sư phạm kỹ thuật III - Vinh (Nghệ An)
- Trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật IV - Vĩnh Long
b. Nội dung bàn giao của các trường
b.1. Về tổ chức:
Bàn giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động của các trường; các loại hồ sơ, tài liệu liên quan đến trường.
b.2. Về cán bộ, giáo viên:
- Biên chế được phân bổ năm 1998.
- Số cán bộ, giáo viên của trường (bao gồm số biên chế và hợp đồng) tính đến ngày 10/4/1998 theo biên chế đã được duyệt năm 1998.
- Danh sách trích ngang theo quy định.
- Việc thực hiện chính sách, chế độ đối với công chức, viên chức, tiền lương, nâng bậc, bảo hiểm xã hội, ... và các vấn đề chưa xử lý (nếu có).
- Toàn bộ hồ sơ cán bộ, giáo viên.
b.3. Về cơ sở vật chất kỹ thuật của trường:
- Bàn giao nguyên trạng toàn bộ cơ sở vật chất hiện có của trường và hồ sơ liên quan theo biên bản kiểm kê đến ngày 01/01/1998 và biên bản kiểm kê thực tế tại thời điểm bàn giao.
- Báo cáo kiểm kê đánh giá số lượng, chất lượng, giá trị tài sản, trang thiết bị, phương tiện cơ sở vật chất kỹ thuật khác của các trường theo quy định của Bộ Tài chính. Lập hồ sơ bàn giao theo quy định chung.
b.4. Về Tài chính:
- Toàn bộ hồ sơ, chứng từ, sổ kế toán, báo cáo thanh quyết toán định kỳ của tất cả các niên độ (gồm cả biên bản kiểm tra và thông báo quyết toán các năm).
- Chỉ tiêu kế hoạch tài chính, các nguồn tài chính năm 1998 gồm các nguồn kinh phí: ngân sách nhà nước cấp, học phí, tài trợ và các nguồn khác (nếu có).
- Tình hình thực hiện kinh phí sáu tháng đầu năm 1998 và kinh phí còn phải thực hiện sáu tháng cuối năm 1998.
- Dự toán cấp phát kinh phí quý III năm 1998 và sáu tháng cuối năm gồm cả đăng ký biên chế, quỹ tiền lương, sĩ số học sinh, quỹ học bổng, sinh hoạt phí quý III năm 1998 và dự toán phụ cấp ưu đãi giáo viên năm 1998.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
A. Ở TRUNG ƯƠNG:
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
- Thành lập Ban bàn giao và tiếp nhận ở hai Bộ. Thành phần mỗi Ban có Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các Vụ và chuyên viên có liên quan đến nội dung bàn giao tiếp nhận.
- Hướng dẫn các đơn vị giao - nhận, các đơn vị liên quan về nội dung chuyển giao, tiếp nhận theo hướng dẫn tại Thông tư này.
B. Ở ĐỊA PHƯƠNG:
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban Tổ chức chính quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân huyện (quận) tiến hành bàn giao, tiếp nhận theo hướng dẫn của Thông tư này.
Việc tiến hành giao - nhận được thực hiện ngay sau khi có Thông tư hướng dẫn và phải hoàn thành trước ngày 30/6/1998.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc phản ánh về Liên Bộ để bàn bạc thống nhất giải quyết.
| Đỗ Quang Trung (Đã ký) |