Thông tư số 15/1998/TT-BTC ngày 06/02/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 15/1998/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 06-02-1998
- Ngày có hiệu lực: 21-02-1998
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2506 ngày (6 năm 10 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2005
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/1998/TT-BTC | Hà Nội, ngày 06 tháng 2 năm 1998 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 15/1998/TT-BTC NGÀY 6 THÁNG 2 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM
Căn cứ Nghị định số 374/HĐBT ngày 14/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước;
Để nâng cao hiệu quả việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em ở các cấp các ngành (dưới đây xin gọi tắt là Quỹ bảo trợ trẻ em), Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Quỹ bảo trợ trẻ em được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí bằng hình thức huy động các nguồn đóng góp của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể có nguồn thu tự có, tổ chức kinh tế, văn hoá, tổ chức từ thiện, tổ chức nhân đạo và các tổ chức xã hội khác, của các cá nhân trong và ngoài nước, viện trợ quốc tế cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2. Quỹ Bảo trợ trẻ em được phép dùng tiền nhàn rỗi của Quỹ gửi vào tiết kiệm hoặc mua tín phiếu, trái phiếu Kho bạc Nhà nước nhằm bảo tồn và tăng trưởng Quỹ để phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
3. Quỹ bảo trợ trẻ em được phép mở 01 tài khoản tại Ngân hàng, chủ tài khoản là Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em.
4. Quỹ bảo trợ trẻ em có trách nhiệm khai thác mọi khả năng tài chính trong và ngoài nước để tạo nguồn vốn cho Quỹ, quản lý và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ đúng mục đích có hiệu quả theo đúng những quy định tại Thông tư này.
5. Đối tượng thực hiện Thông tư này là các Quỹ bảo trợ trẻ em ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.
6. Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành phối hợp với cơ quan Tài chính theo dõi, kiểm tra hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em đảm bảo đúng chế độ Nhà nước quy định.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1. Những quy định cụ thể về nguồn thu của Quỹ: Nguồn thu của Quỹ bảo trợ trẻ em bao gồm:
- Các khoản đóng góp bằng tiền và bằng hiện vật của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể có nguồn thu tự có, tổ chức kinh tế, văn hoá, tổ chức từ thiện, tổ chức nhân đạo và các tổ chức xã hội khác, của cá nhân trong và ngoài nước, viện trợ quốc tế.
- Các khoản thu từ lãi tiền gửi Ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm, tiền mua tín phiếu, trái phiếu Kho bạc Nhà nước.
- Khoản hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước theo luật định trong những trường hợp cụ thể.
- Các khoản thu khác.
2. Những quy định cụ thể về nội dung chi:
Quỹ bảo trợ trẻ em được dùng để chi các nội dung cụ thể như sau:
a. 85% tổng số thu được dành để chi trực tiếp cho trẻ em như chi: hỗ trợ trẻ em nghèo bị suy dinh dưỡng, hỗ trợ trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ trẻ em lang thang thông qua mái ấm tình thương, hỗ trợ trẻ em nghèo vùng thiên tai bão lụt, hỗ trợ trẻ em con thương binh, liệt sĩ học khá, giỏi, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em bị khuyết tật nhưng nhà nghèo, hỗ trợ trẻ em nghèo không được đến trường học thông qua lớp học tình thương, hỗ trợ trẻ em nghèo bị lạm dụng tình dục được chữa bệnh...
b. 15% tổng số thu (trừ các khoản hỗ trợ có mục đích của Ngân sách Nhà nước) dành để chi cho công tác nghiệp vụ, vận động phong trào để huy động nguồn lực cho Quỹ, trả lương cán bộ hợp đồng, chi văn phòng phẩm, hành chính phí, chi khen thưởng cho các tổ chức và cá nhân có công trong cuộc vận động nguồn lực xây dựng Quỹ; kể cả chi vốn đối ứng các dự án viện trợ (nếu có).
c. Riêng đối với các Dự án viện trợ của nước ngoài, nội dung chi sẽ thực hiện theo văn bản ký kết.
Tất cả các khoản chi gián tiếp (mục b nêu trên) tối đa không được vượt dự toán ngân sách đã được Hội đồng Quỹ bảo trợ trẻ em và Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em (nơi trực tiếp quản lý) đã phê duyệt đầu năm theo định mức chi hiện hành của Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.
3. Công tác lập dự toán, kế toán và quyết toán thu chi Quỹ:
a. Đối với nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: Thực hiện theo Thông tư số 09 TC/HCSN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước.
b. Đối với nguồn tự thu của Quỹ:
- Công tác lập dự toán: Hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách Nhà nước, Quỹ bảo trợ trẻ em có trách nhiệm lập dự toán thu chi Quỹ trình Hội đồng Quỹ bảo trợ trẻ em phê duyệt và gửi Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em (nơi trực tiếp quản lý) để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
- Công tác kế toán: Thực hiện theo Quyết định số 999 TC/QĐ/CĐKT ngày 02/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
- Công tác quyết toán: Hàng quý, năm, Quỹ bảo trợ trẻ em có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán thu chi Quỹ trình Hội đồng bảo trợ Quỹ và Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em (nơi trực tiếp quản lý) xét duyệt.
Định kỳ và đột xuất, cơ quan Tài chính phối hợp cùng Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em tiến hành kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí của Quỹ bảo trợ trẻ em.
Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp, các ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý thu chi Quỹ.
III. THỜI GIAN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH:
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Những nội dung trước đây trái với nội dung quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp, các ngành phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
| Tào Hữu Phùng (Đã Ký) |