cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 79/1997/TT-BTC ngày 06/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định 23/CP-1996 hướng dẫn Bộ luật Lao động (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 79/1997/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 06-11-1997
  • Ngày có hiệu lực: 01-07-1997
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Văn bản này đã hết hiệu lực.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 79/1997/TT-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 79/1997/TT-BTC NGÀY 06 THÁNG 11 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 23/CP NGÀY 18-4-1996 CỦA CHÍNH PHỦ "QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ"

Căn cứ Nghị định 23/CP ngày 18-4-1996 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ;
Căn cứ vào chế độ tài chính hiện hành đang áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn Khoản 3 Điều 6; khoản 2, 3, 4 Điều 7 của Nghị định trên như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

Là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động theo đúng ngành nghề quy định trong giấy phép kinh doanh, thực hiện các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và có đủ một trong hai điều kiện sau đây là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

1. Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên từ 10 đến 100 lao động nữ và có số lao động nữ chiếm từ 50% trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ có số lao động nữ từ 30% trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.

Người lao động nữ nói trong Thông tư này được hiểu theo nội dung quy định tại điểm 1 - Mục I Thông tư số 03 LĐTBXH/TT ngày 13-1-1997 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

3. Các đơn vị sự nghiệp, cơ quan văn phòng thuộc các Tổng công ty Nhà nước nếu không trực tiếp làm công việc kinh doanh không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này.

II. NỘI DUNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH SỬ DỤNG NHIỀU LAO ĐỘNG NỮ:

1. Tại khoản 3 - Điều 6, Nghị định 23/CP đã quy định: "Doanh nghiệp được ưu tiên sử dụng một phần trong tổng số vốn đầu tư hàng năm của doanh nghiệp để chi cho việc cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ". Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thêm như sau:

1.1. Vốn đầu tư hàng năm của doanh nghiệp là tất cả các loại vốn đầu tư không phân biệt hình thành từ nguồn nào.

1.2. Mức được ưu đãi sử dụng một phần nguồn vốn trên đây để chi cho việc cải thiện điều kiện lao động nữ được quy định theo tỷ lệ như sau:

- Mức chi tối đa 10%, nếu nguồn vốn nói ở điểm 1.1. từ 500 triệu trở lên, nhưng mức chi không quá 500 triệu.

- Mức cho tối đa 15%, nếu nguồn vốn có mức dưới 500 triệu.

1.3. Nguồn vốn trên đây được dùng vào các công việc có tính chất cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ như:

- Trang bị thêm hệ thống chống nóng (lạnh), chống ồn, hút bụi... trong các phân xưởng, nhà máy.

- Làm thêm lán tạm che mưa, che nắng, chống bụi... Trên các công trường, nông trường và ở nơi làm việc khác ngoài trời.

- Xây dựng nhà tắm nữ, nhà vệ sinh nữ cố định ở các phân xưởng, nhà máy hoặc nhà lưu động ở nơi làm việc lưu động ngoài trợ.

- Xây dựng, sửa chữa và mua sắm đủ tài sản mau hỏng cho nhà trẻ, lớp mẫu giáo của doanh nghiệp (nếu không thuộc diện quản lý của hệ thống giáo dục - đào tạo).

1.4. Nguồn vốn và những tài sản được đầu tư bằng nguồn vốn nói trên được hạch toán, sử dụng và quản lý theo chế độ tài chính hiện hành.

2. Các khoản 2, 3, 4, Điều 7 của Nghị định 23/CP được quy định như sau:

2.1. Ngoài các khoản chi đã được quy định theo pháp luật, các khoản chi thêm sau đây mà doanh nghiệp tính được do sử dụng nhiều lao động nữ thì được hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh:

a. Chi phí thêm cho công tác đào tạo lại nghề cho chị em nữ công nhân viên, nếu nghề cũ không phù hợp để chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp.

Khoản cho thêm này bao gồm: học phí đi học (nếu có) + chệnh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo lương 100% cho người đi học).

b. Chi phí tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho cô giáo dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp quản lý. Số cô giáo này được xác định theo định mức do hệ thống giáo dục - đào tạo quy định.

c. Chi phí do tổ chức thêm một lần khám sức khoẻ trong năm (ngoài số lần khám đã được quy định), chủ yếu là khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa mà nữ công nhân viên thường mắc phải.

d. Chi bồi dưỡng thêm 1 lần cho người lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai. Mức chi không quá 300.000 đồng (đối với doanh nghiệp ở thành phố, thị trấn, thị xã) và không quá 500.000 đồng (đối với doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo...) để giúp đỡ người mẹ khắc phục một phần khó khăn do sinh đẻ.

e. Trong thời gian cho con bú, nếu vì lý do khách quan nào đó mà không về cho con bú, ở lại làm việc cho doanh nghiệp, thì thời gian làm việc thêm (tương ứng thời gian cho con bú) được doanh nghiệp trả trợ cấp theo chế độ phụ cấp làm thêm giờ như quy định hiện hành.

2.2. Các khoản chi thêm mà doanh nghiệp tính được nói ở điểm 2.1. trên đây được coi là hợp lệ nếu có chứng từ để chứng minh các khoản chi thêm đã phát sinh trong năm là thực chi và có chữ ký của người nhận tiền.

2.3. Các khoản chi thêm do sử dụng nhiều lao động nữ mà doanh nghiệp tính được nói ở điểm 2.1. và 2.2 trên đây:

a. Được hạch toán vào chi phí sản xuất trong quý của năm tài chính.

Do có khoản chi thêm và tính được nói trên mà doanh nghiệp bị lỗ thì khoản lỗ này sẽ được giảm trừ vào lợi tức trước thuế của năm sau.

b. Doanh nghiệp phải ghi chép đầy đủ, kịp thời các khoản chi phí nói trên vào sổ kế toán và trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

c. Cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan Thuế các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư cải thiện điều kiện làm việc và các khoản chi thêm do sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của Thông tư này.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-7-1997. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Giám đốc và Kế toán trưởng chịu trách nhiệm trước Nhà nước và hướng dẫn, phối hợp với Công đoàn của doanh nghiệp để thực hiện các quy định của Thông tư này.

Doanh nghiệp có đủ điều kiện nói ở Mục I muốn được hưởng các ưu đãi về tài chính ở trên phải lập hồ sơ bao gồm công văn xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và phải đăng ký với cơ quan Thuế, cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc xin phản ánh để Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết kịp thời.

 

Phạm Văn Trọng

(Đã Ký)