cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 04/BYT-TT ngày 06/04/1996 Quy định việc kết hợp trường đại học y thuộc ngành y tế và bệnh viện trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 04/BYT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 06-04-1996
  • Ngày có hiệu lực: 06-04-1996
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-09-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4539 ngày (12 năm 5 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 09-09-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-09-2008, Thông tư số 04/BYT-TT ngày 06/04/1996 Quy định việc kết hợp trường đại học y thuộc ngành y tế và bệnh viện trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 09/2008/TT-BYT ngày 01/08/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo cán bộ y tế với các bệnh viện thực hành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/BYT-TT

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 1996

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC KẾT HỢP TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y THUỘC NGÀNH Y TẾ VÀ BỆNH VIỆN TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHỤC VỤ NGƯỜI BỆNH

Đào tạo cán bộ y tế là quá trình kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, vì vậy việc kết hợp giữa trường đại học Y và Bệnh viện thực hành là một nguyên lý tất yếu trong công tác đào tạo và đã trở thành truyền thống ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong nhiều năm qua việc kết hợp, lồng ghép hoạt động của trường đại học Y với các bệnh viện thực hành đã đem lại những kết quả tốt trong công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh. Hiện nay, đất nước đang ở trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế xã hội đang chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc kết hợp giữa trường đại học Y và bệnh viện đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Trong khi chưa có đủ điều kiện để thành lập bệnh viện thực hành nằm trong các trường đại học Y, Bộ quy định việc kết hợp giữa trường đại học Y và bệnh viện thực hành trong công tác đào, tạo và phục vụ người bệnh.

Phạm vi điều chỉnh của thông tư này áp dụng cho các trường đại học Y, Phân hiệu đại học Y, cao đẳng y tế (sau đây gọi tắt là trường đại học Y) thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện do Bộ Y tế, Sở Y tế quản lý.

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các trường đại học Y nhất thiết phải có một số bệnh viện thực hành làm cơ sở cho sinh viên thực tập, bao gồm bệnh viện thực hành chính và các bệnh viện thực hành khác.

2. Bệnh viện thực hành chính là bệnh viện mà giáo viên và sinh viên của trường làm việc, học tập thường xuyên hàng ngày. Mỗi trường đại học Y có một bệnh viện thực hành chính (riêng trường đại học Y khoa Hà Nội và trường đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh có thể có 2-3 bệnh viện thực hành chính). Bệnh viện thực hành chính do trường đại học Y đề nghị và Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định chỉ định.

Các bệnh viện thực hành khác của nhà trường là các bệnh viện mà giáo viên và sinh viên đến làm việc và học tập không thường xuyên, các bệnh viện thực hành này do các trường đại học Y đề xuất và Bộ Y tế phê duyệt.

3. Đầu mỗi năm học, các trường đại học Y phải báo cáo Bộ Y tế về kế hoạch kết hợp cụ thể giữa trường với từng bệnh viện để đảm bảo kế hoạch đào tạo của trường và phục vụ người bệnh của bệnh viện.

II. NHỮNG NGUYÊN TÁC KẾT HỢP GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y VÀ BỆNH VIỆN THỰC HÀNH

1. Trên cơ sở lồng ghép các trách nhiệm của mỗi đơn vị đối với các hoạt động chung nhằm hoàn thành và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ người bệnh và chỉ đạo tuyến dưới về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

2. Sử dụng tối đa và phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực sẵn có của trường và bệnh viện phục vụ công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh.

3. Đảm bảo sự bình đẳng và lợi ích giữa hai đơn vị cũng như cán bộ đảm nhận cả hai nhiệm vụ đào tạo và phục vụ người bệnh, trường và bệnh viện được ký kết các hợp đồng trách nhiệm trên một số lĩnh vực nhằm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ.

III. KẾT HỢP GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y VÀ BỆNH VIỆN THỰC HÀNH VỀ MẶT TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ

1. Kết hợp lãnh đạo trường đại học Y và bệnh viện thực hành:

a. Tổ chức lồng ghép lãnh đạo trường và bệnh viện thực hành chính như sau: Hiệu trưởng trường đại học Y, được bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc bệnh viện thực hành chính, Giám đốc Bệnh viện thực hành chính được bổ nhiệm giữ chức phó Hiệu trưởng của trường đại học Y (đối với trường ĐH Y Hà Nội và trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh có nhiều bệnh viện thực hành chính, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể).

b. Việc bổ nhiệm, chức vụ kiêm nhiệm phó Hiệu trưởng trường đại học Y hoặc phó giám đốc bệnh viện thực hành được tiến hành theo quy định về công tác tổ chức cán bộ và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Lãnh đạo Bộ Y tế. Khi thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng hoặc Giám đốc bệnh viện thì đương nhiên thôi giữ chức vụ kiêm nhiệm.

c. Đối với các bệnh viện không phải là bệnh viện thực hành chính của nhà trường, không thực hiện lồng ghép lãnh đạo trường và bệnh viện. Sự kết hợp giữa trường đại học Y và các bệnh viện thực hành này được thực hiện thông qua các văn bản thoả thuận giữa lãnh đạo nhà trường và Bệnh viện thông qua các hợp đồng ký kết giữa hai đơn vị.

2. Kết hợp giữa Bộ môn của trường và khoa phòng của bệnh viện:

Các Bộ môn của trường và khoa phòng lâm sàng, cận lâm sàng tương ứng của bệnh viện được tổ chức lồng ghép như sau:

a. Giáo viên các Bộ môn lâm sàng và cận lâm sàng của trường bao gồm các giáo viên của trường và các giáo viên kiêm nhiệm của các khoa tương ứng của bệnh viện.

Việc bổ nhiệm và phân công giáo viên kiêm nhiệm thuộc biên chế bệnh viện do Hiệu trưởng nhà trường quyết định sau khi có sự đồng ý của Giám đốc Bệnh viện. Danh sách giáo viên kiêm nhiệm phải được báo cáo về Bộ Y tế.

b. Chủ nhiệm các Bộ môn chuyên môn của trường có thể kiêm trưởng khoa chuyên môn của Bệnh viện và ngược lại, không phân biệt thuộc biên chế của trường hay Bệnh viện, căn cứ vào năng lực về chuyên môn và quản lý, được tập thể cán bộ của Bộ môn hoặc khoa tín nhiệm. Đối với trường đại học Y Hà Nội và đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, phương án tốt nhất là Viện trưởng các Viện nghiên cứu có giường bệnh là Chủ nhiệm Bộ môn tương ứng của nhà trường.

c. Việc bổ nhiệm cán bộ quy định tại điểm b mục 2 phần III được tiến hành theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Y tế.

IV. KẾT HỢP CÁC HOẠT ĐỘNG GIỮA TRƯỜNG VÀ BỆNH VIỆN

1. Kết hợp trong công tác đào tạo cán bộ - phục vụ người bệnh:

a. Hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, Hiệu trưởng trường đại học Y có trách nhiệm thông báo với Giám đốc Bệnh viện thực hành kế hoạch đào tạo của nhà trường, những đề xuất cần phối hợp với Bệnh viện để cho kế hoạch đào tạo của nhà trường được lông ghép vào kế hoạch hoạt động của Bệnh viện.

b. Căn cứ vào kế hoạch đào tạo của nhà trường, các bệnh viện thực hành có trách nhiệm bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nhà trường, bệnh viện và sinh viên tham gia giảng dạy, học tập, thực tập và phục vụ người bệnh tại Bệnh viện.

c. Tùy theo trình độ, năng lực của cán bộ giảng dạy, Giám đốc Bệnh viện bố trí để cán bộ giảng dạy của nhà trường được trực tiếp tham gia công tác chuyên môn phù hợp tại các khoa, phòng của Bệnh viện.

d. Cán bộ nhà trường tham gia công tác tại bệnh viện chịu trách nhiệm trước Giám đốc bệnh viện về thực hiện các chế độ, chức trách, quy tắc chuyên môn, nội quy và quy định của Bệnh viện.

e. Giám đốc của Bệnh viện có trách nhiệm bố trí sắp xếp công việc để cán bộ Bệnh viện tham gia giảng dạy cho sinh viên tại Trường và Bệnh viện. Giáo viên của Bệnh viện tham gia công tác giảng dạy, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và nhà trường về các nội quy và quy chế đào tạo.

Ngoài các giáo viên kiêm nhiệm chính thức, các công chức khác của Bệnh viện đều có trách nhiệm tham gia công tác đào tạo, giáo dục và rèn luyện sinh viên trong thời gian sinh viên thực tập tại Bệnh viện.

2. Kết hợp trong công tác nghiên cứu khoa học:

Hiệu trưởng trường đại học Y và Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm tổ chức phối hợp các đề tài nghiên cứu khoa học chung nhằm phát huy các nguồn lực sẵn có của hai đơn vị để tiến hành và nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu khoa học.

3. Kết hợp trong việc sử dụng và quản lý trang thiết bị:

Hiệu trưởng trường đại học Y và Giám đốc bệnh viện có kế hoạch sử dụng tối đa công suất các trang thiết bị của trường và bệnh viện cho công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh.

Khi sử dụng không phân biệt tài sàn giữa hai đơn vị nhưng về sở hữu tài sản phải phân định rõ giữa trường và bệnh viện để quản lý và bảo dưỡng các trang thiết bị theo đúng các quy định của pháp luật.

4. Kết hợp trong công tác chỉ đạo tuyến dưới:

Hiệu trưởng trường và Giám đốc bệnh viện cùng có trách nhiệm tham gia các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại địa phương, cụ thể là tham gia chỉ đạo tuyến trước, phòng chống dịch, tham gia các chương trình y tế ở cộng đồng và phối hợp tổ chức tốt các đợt di thực tập của sinh viên hàng năm.

V. THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

1. Trên cơ sở các bệnh viện đã được lựa chọn làm bệnh viện thực hành, Bộ Y tế và nhà trường sẽ có kế hoạch ưu tiên đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất để bệnh viện thực hành cho phù hợp với quá trình phát triển và yêu cầu đào tạo của trường. Sau một số năm sẽ xây dựng một số bệnh viện thực hành chính thành bệnh viện Dạy Học.

2. Cán bộ nhà trường tham gia công tác tại các khoa phòng của bệnh viện được hưởng các chế độ phụ cấp (nếu có) tương đương với cán bộ cùng chức danh và ngạch bậc của bệnh viện, do nhà trường trả, riêng phụ cấp trực và phẫu thuật do bệnh viện trả thông qua các hợp đồng cụ thể. Việc chi trả chế độ phụ cấp theo lương phải theo đúng quy định của Nhà nước.

3. Cán bộ của bệnh viện tham gia công tác giảng dạy được hướng các chế độ thù lao giảng dạy tương đương định mức với cán bộ cùng chức danh và ngạch bậc của trường, do nhà trường trả.

4. Các cán bộ của bệnh viện tham gia công tác đào tạo, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được nhà trường đề nghị phong chức danh học hàm theo quy định của Nhà nước.

5. Khi lập kế hoạch kinh phí đào tạo hàng năm, Hiệu trưởng trường đại học Y có trách nhiệm lập kế hoạch kinh phí thực tập của sinh viên tại bệnh viện và chuyển phần kinh phí này cho bệnh viện theo các hợp đồng cụ thể.

6. Bệnh viện có trách nhiệm trả tiền cho sinh viên khi được phân công tham gia trực theo định suất của bệnh viện và các hoạt động dịch vụ của bệnh viện.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Trên cơ sở các quy định tai thông tư này, Hiệu trưởng trường đại học Y và Giám đốc bệnh viện thực hành cung phối hợp xây dựng quy chế kết hợp cụ thể giữa trường và bệnh viện, báo cáo Bộ Y tế phê duyệt. Hàng năm vào đầu năm học Lãnh đạo trường và bệnh viện có kế hoạch cụ thể chi tiết thông qua hợp đồng trách nhiệm để thực hiện tốt việc thực tập của sinh viên, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh.

2. Giao cho Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Điều trị Bộ Y tế làm đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các hoạt động kết hợp trường và bệnh viện.

3. Thông tư này chỉ áp dụng cho các trường đại học Y và Cao đẳng y tế thuộc ngành y tế với bệnh viện do Bộ Y tế, Sở Y tế quản lý. Các trường Đại học Y và khoa Y thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và các bệnh viện thực hành của các trường Đại học trên thực hiện việc kết hợp Trường - Viện theo thông tư liên Bộ Y tế - Giáo dục đào tạo số 06/TTLB ngày 12/4/1995.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, lãnh đạo các trường, bệnh viện cần báo cáo về Bộ Y tế để nghiên cứu giải quyết.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




PGS.PTS. Đỗ Nguyên Phương