Thông tư số 41/UB-TT ngày 08/01/1996 Quy định và hướng dẫn tiêu chí từng khu vực ở vùng dân tộc-miền núi (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 41/UB-TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Uỷ ban Dân tộc và Miền núi
- Ngày ban hành: 08-01-1996
- Ngày có hiệu lực: 08-01-1996
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-09-2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3548 ngày (9 năm 8 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-09-2005
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/UB-TT | Hà Nội, ngày 08 tháng 1 năm 1996 |
THÔNG TƯ
CỦA UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI SỐ 41/UB-TT NGÀY 8 THÁNG 01 NĂM 1996 QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TIÊU CHÍ TỪNG KHU VỰC Ở VÙNG DÂN TỘC - MIỀN NÚI
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7189/ĐPI ngày 14/12/1995 của Chính phủ, về việc giao cho Uỷ ban Dân tộc và Miền núi công bố tiêu chí của từng khu vực ở vùng dân tộc miền núi;
Để có cơ sở đầu tư phát triển, vận dụng thực hiện các chủ trương chính sách sát hợp với từng khu vực, từng đối tượng, có hiệu quả ở vùng dân tộc miền núi;
Uỷ ban Dân tộc và Miền núi quy định tiêu chí và hướng dẫn việc phân định từng khu vực theo trình độ phát triển ở vùng dân tộc miền núi như sau:
I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ TIÊU CHÍ:
A/ Những quy định chung:
Đồng bào các dân tộc sống xen ghép ở miền núi, sau nhiều năm đầu tư phát triển đã hình thành ba khu vực theo trình độ phát triển, được gọi là:
- Khu vực I: khu vực bước đầu phát triển
- Khu vực II: Khu vực tạm ổn định
- Khu vực III: Khu vực khó khăn
Việc phân định từng khu vực phải căn cứ vào năm tiêu chí:
1/ Điều kiện tự nhiên, địa bàn cư trú:
Xác định rõ địa bàn cư trú ở vùng có điều kiện tự nhiên cụ thể: vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; ở trong vùng ảnh hưởng của các trung tâm phát triển: thị xã, thị trấn, thị tứ, vùng kinh tế hàng hoá phát triển, ven các quốc lộ, tỉnh lộ, đường ô tô liên huyện, liên xã...; hoặc ở vùng đệm giữa các trung tâm phát triển và vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
2/ Cơ sở hạ tầng:
Chú trọng đế các công trình chủ yếu:
- Đường giao thông gồm có: đường bộ (quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã); đường sắt chạy qua và ga đường sắt đặt tại khu vực; sân bay; đường thuỷ.
- Điện lưới quốc gia, thuỷ điện nhỏ, các nguồn năng lượng khác...
- Thuỷ lợi: năng lực tưới cho diện tích lúa, cây công nghiệp... Kết hợp thuỷ lợi với giải quyết vấn đề nước sạch; các công trình nước sạch: giếng khoan, bể chứa...
Xem xét tới quy mô, cấp hạng kỹ thuật, năng lực của các công trình so với đòi hỏi của yêu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào trong khu vực.
3/ Các yếu tố xã hội:
- Trình độ dân trí: trình độ văn hoá, tỷ lệ mù chữ, khả năng tiếp thu và vận dụng các chủ trương, chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật...; các vấn đề về y tế: phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ, KHHGĐ; đời sống văn hoá tiến bộ hay lạc hậu...
- Quy mô và chất lượng: trường học, cơ sở chữa bệnh, phát thanh, truyền hình, các cơ sở văn hoá...
4/ Điều kiện sản xuất:
- Diện tích đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, đại gia súc, gia súc, bình quân cho 1 hộ, 1 người; công cụ sản xuất cơ giới hay thô sơ.
- Trình độ thâm canh cây trồng vật nuôi; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; cơ cấu sản xuất: lâm nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp, dịch vụ.
- Trình độ sản xuất hàng hoá, hình thành vùng hàng hoá với những sản phẩm hàng hoá chủ yếu; hình thành thị trường hàng hoá: trung tâm thương mại, chợ khu vực, khả năng giao lưu hàng hoá.
5/ Về đời sống:
Phân loại hộ đói nghèo theo "chuẩn mực đói nghèo và mức độ đói nghèo ở Việt Nam" đã được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định tại báo cáo 13.266/LĐ-TBXH.BT ngày 29/8/95;
- Đơn vị để xác định chuẩn đói nghèo là: thu nhập của hộ quy đổi ra gạo bình quân đầu người/ tháng.
- Hộ nghèo: là hộ có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng quy đổi ra gạo:
+ Dưới 25 kg gạo ở thành thị.
+ Dưới 20 kg gạo ở nông thôn vùng đồng bàng và trung du.
+ Dưới 15 kg gạo ở nông thôn miền núi.
- Hộ đói: là hộ có thu nhập quy đổi bình quân đầu người/ tháng dưới 13kg gạo.
B/ Đơn vị để xác định khu vực:
- Lấy xã làm đơn vị để xếp vào từng khu vực; sau khi xem xét cụ thể từng xã, nếu thấy đạt 4/5 tiêu chí của khu vực nào thì xếp vào khu vực đó. Trường hợp đặc biệt: Có buôn làng hầu hết là đồng bào dân tốc thiểu số sinh sống, số hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ khá cao, trình độ phát triển theo các tiêu chí chênh lệch qua xa so với toàn xã; sau khi được Hội đồng xét duyệt của tỉnh, huyện xác nhận tại chỗ, thì có thể xếp buôn làng đó vào khu vực khác với khu vực của xã sở tại.
Như vậy, ở mỗi huyện có thể có các khu vực khác nhau.
- Lấy năm 1995 là chủ yếu để xác định các yếu tố của từng tiêu chí. Nếu năm 1995 địa phương bị thiên tai, mất mùa... thì có thể xem xét các yếu tố đó trong điều kiện của năm 1994-1995.
- Sau hai năm thực hiện các chủ trương chính sách, đầu tư phát triển, phải đánh giá lại mức độ phát triển của từng xã trên cơ sở các tiêu phí cụ thể để điều chỉnh từng khu vực phù hợp; nhằm vận dụng thực hiện các chủ trương chính sách và có kế hoạch đầu tư phát triển luôn sát hợp với từng địa bàn.
II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ TIÊU CHÍ CỦA TỪNG KHU VỰC.
Trên cơ sở quy định về tiêu chí và lấy xã làm đơn vị để xếp vào từng khu vực như nêu trên; tiêu chí cụ thể của từng khu vực như sau:
Khu vực một (Khu vực bước đầu phát triển)
1. Địa bàn cư trú các trung tâm phát triển: các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu công nghiệp, trung tâm hoạt động của các doanh nghiệp; vùng cây trồng vật nuôi hàng hoá bước đầu phát triển; ven các quốc lộ, tỉnh lộ, ga đường sắt, sân bay, bến cảng (Gọi tắt là khu trục động lực phát triển). Khu vực nằm trong bán kính ảnh hưởng đến các khu trục động lực phát triển trên đây: dưới 10 km.
2. Cơ sở hạ tầng đã hình thành, bước đầu phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống của đồng bào; giao thông khá thuận lợi, hệ thống điện, thuỷ lợi, nước sạch, trường học, bệnh xá, phát thanh, truyền hình, v.v... đáp ứng cơ bản được nhu cầu cấp thiết.
3. Các yếu tố xã hội (trình độ dân trí, đời sống văn hoá, nếp sống, v. v...) có tiến độ đạt và vượt mức trung bình của cả nước.
4. Điều kiện sản xuất ổn định, định canh định cư bền vững, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá bước đầu phát triển.
5. Số hộ đói nghèo dưới 20% số hộ của xã, đời sống của đồng bào tương đối ổn định, mức thu nhập bình quân đầu người bằng và vượt mức bình quân của cả nước.
Khu vực hai (khu vực tạm ổn định)
1. Địa bàn cư trú: gồm các xã ở vùng giữa khu vực một và khu vực ba. Khoảng cách của các xã đến các khu trục động lực phát triển từ trên 10km đến 20 km.
2. Cơ sở hạ tầng đã hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa ổn định. Giao thông còn khó khăn, điện, thuỷ lợi, nước sạch, trường học, bệnh xã, các dịch vụ khác chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống của đồng bào.
3. Các yếu tố xã hội chưa đủ điều kiện cơ bản cho cộng đồng phát triển. Trình độ dân trí còn thấp, tỉ lệ mù chữ thất học 30-60%, vệ sinh phòng bệnh kém, thiếu thông tin,v.v...
4. Điều kiện sản xuất chưa ổn định, sản xuất giản đơn, tự cấp tự túc là chủ yếu; còn phát rừng làm nương rẫy, có khả năng tái du canh du cư. Sản phẩm hàng hoá còn ít.
5. Số hộ đói nghèo từ 20 đến 50% số hộ trong xã, đời sống của đồng bào tạm ổn định nhưng chưa vững chắc.
Khu vực ba (Khu vực khó khăn)
1. Địa bàn cư trú: gồm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh, vùng biên giới, hải đảo. Khoảng cách của các xã đến các khu trục động lực phát triển trên 20 km.
2. Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng, hoặc còn tạm bợ. Giao thông rất khó khăn, không có đường ô tô vào xã. Các công trình điện, thuỷ lợi, nước sạch, trường học, bệnh xã, dịch vụ khác rất thấp kém hoặc không có.
3. Các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu. Dân trí quá thấp, tỉ lệ mù chữ và thất học trên 60%, bệnh tật nhiều, tập tục lạc hậu, không có thông tin, v.v...
4. Điều kiện sản xuất rất khó khăn, thiếu thốn. Sản xuất mang tính tự nhiên hái lượm, chủ yếu phát rừng làm nương rẫy, du canh du cư.
5. Số hộ đói nghèo trên 60% số hộ của xã. Đời sống thực sự khó khăn, nạn đói thường xuyên xảy ra.
III- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1/ Thành lập hội đồng xét duyệt để phân đinh các khu vực.
a) Hội đồng xét duyệt ở Trung ương: thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 7189/ĐPI ngày 14/12/1995, Hội đồng gồm có:
- Một đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc và Miền núi làm Chủ tịch Hội đồng.
- Đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Địa chính, là thành viên của Hội đồng (có quyết định riêng về thành lập hội đồng xét duyệt).
b) Hội đồng xét duyệt ở địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt, do 1 đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, huyện làm chủ tịch Hội đồng cùng cấp; các thành viên của Hội đồng là đại diện của các ngành liên quan tương tự như các thành viên của Hội đồng xét duyệt ở Trung ương.
2/ Các bước khai triển:
a) Các địa phương phải triển khai những nhiệm vụ sau đây hoàn thành trước ngày 31-3-1996.
- Tập huấn cho cán bộ ở tỉnh, huyện xã về những quy định chung về tiêu chí, quy định cụ thể tiêu chí của từng khu vực.
- Quán triệt đến mọi hộ, mọi người dân: Mục đích phân định ba khu vực theo trình độ phát triển để áp dụng chủ trương chính sách và có kế hoạch đầu tư phát triển; nội dung cụ thể tiêu chí của từng khu vực; để nhân dân ở từng địa phương tự bình xét và xếp loại xã mình vào khu vực nào là sát hợp. Từ đó, có kế hoạch chỉ đạo động viên, hướng dẫn nhân dân địa phương đẩy nhanh nhịp độ phát triển KT-XH, thu hẹp khoảng cách với miền xuôi, hoà nhập với cộng đồng cả nước.
b) Hội đồng xét duyệt của huyện: Căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng xã, đối chiếu với tiêu chí của từng khu vực; xét duyệt và xếp từng xã vào từng khu vực.
c) Hội đồng xét duyệt của tỉnh: Căn cứ vào báo cáo kết quả xét duyệt của cấp huyện và tình hình cụ thể về mọi mặt của địa phương, trên cơ sở các tiêu chí từng khu vực; Hội đồng của tỉnh xét duyệt và báo cáo lên Hội đồng xét duyệt Trung ương để xét duyệt và công bố xếp các địa phương vùng dân tộc miền núi vào từng khu vực.
Hồ sơ xét duyệt gửi về Uỷ ban Dân tộc và Miền núi (80 Phan Đình Phùng - Hà Nội) gồm có:
- Báo cáo tổng hợp các xã vùng dân tộc miền núi, xếp vào từng khu vực, hệ thống thành bảng thống kê từng xã có các tiêu chí đạt và chưa đạt.
- Sơ đồ địa giới ba khu vực vùng dân tộc miền núi trên bản đồ hành chính của tỉnh.
- Biên bản xét duyệt của Hội đồng xét duyệt tỉnh về ba khu vực trên địa bàn toàn tỉnh.
- Văn bản đề nghị của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc công nhận ba khu vực vùng dân tộc miền núi của tỉnh.
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
- Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký, trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, các tỉnh phản ảnh về Uỷ ban dân tộc và Miền núi để xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
- Khi có quyết định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Miền núi công bố công nhận ba khu vực theo trình độ phát triển của từng địa phương; việc thực hiện các chủ trương, chính sách và đầu tư phát triển phải được vận dụng sát hợp với từng khu vực.
Huyện | Khu | Xã | Số | Số nhân | Đặt các tiêu chí (đánh dấu X) | Ghi | ||||
| vực |
| hộ | khẩu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | chú |
Huyện A | I Cộng II Cộng III Cộng | - - - - - - - - - |
|
|
|
|
|
|
|
|
Huyện B | I II III |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Toàn tỉnh | I II III |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Hoàng Đức Nghi (Đã ký) |