cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 84-TC/KBNN ngày 17/11/1995 Hướng dẫn tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho Ngân sách Nhà nước theo Nghị định 25/CP-1995 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 84-TC/KBNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 17-11-1995
  • Ngày có hiệu lực: 17-11-1995
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-05-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1282 ngày (3 năm 6 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 22-05-1999
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 22-05-1999, Thông tư số 84-TC/KBNN ngày 17/11/1995 Hướng dẫn tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho Ngân sách Nhà nước theo Nghị định 25/CP-1995 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 52/1999/TT-BTC ngày 07/05/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về việc tạm ứng vốn kho bạc Nhà nước cho ngân sách Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-TC/KBNN

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1995

 

THÔNG TƯ

BỘ TÀI CHÍNH SỐ 84-TC/KBNN NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN TẠM ỨNG VỐN KHO BẠC NHÀ NƯỚC CHO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THEO NGHỊ ĐỊNH 25/CP NGÀY 5/4/1995 CỦA CHÍNH PHỦ

Thi hành Nghị định số 25/CP ngày 05/04/1995 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc tạm ứng vốn tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc cho ngân sách Nhà nước như sau:

I/ QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Kho bạc Nhà nước tạm ứng vốn tạm thời nhàn rỗi cho NSNN thông qua Bộ Tài chính (đối với NSTW), Sở Tài chính - Vật giá (đối với ngân sách các tỉnh, thành phố) để đáp ứng các nhu cầu chi cấp bách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và tạm ứng trực tiếp cho các dự án, chương trình theo những mục tiêu cụ thể do Bộ Tài chính quyết định.

2. Việc tạm ứng vốn Kho bạc cho NSNN phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bộ Tài chính đối với NSTW; Kho bạc Nhà nước Trung ương đối với NSĐP; và phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ thanh toán chi trả của Kho bạc Nhà nước.

3. Cơ quan tài chính (Vụ ngân sách Nhà nước, Sở Tài chính - Vật giá) có trách nhiệm sử dụng vốn tạm ứng của Kho bạc đúng mục đích được duyệt, hoàn trả tạm ứng đầy đủ, đúng hạn và phải thanh toán cho Kho bạc Nhà nước một khoản phí trên số vốn đã tạm ứng theo quy định. Nghiêm cấm việc sử dụng vốn tạm ứng của KBNN để chi tiêu sai mục đích chế độ tài chính, đặc biệt là cho các đơn vị, tổ chức kinh tế vay lại.

4. Việc tạm ứng vốn tạm thời nhàn rỗi của KBNN cho ngân sách Nhà nước chỉ được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương. Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã, khu vực không được phép tạm ứng cho bất kỳ đối tượng nào.

II/ QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Mục đích tạm ứng vốn:

1.1. Kho bạc Nhà nước tạm ứng cho cơ quan tài chính đẻ giải quyết các nhu cầu chi ngân sách sau:

+ Các khoản chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước đã ghi trong kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: lương, phụ cấp lương, học bổng, sinh hoạt phí và các khoản chi hành chính sự nghiệp khác.

+ Các khoản chi không thường xuyên theo các mục tiêu cụ thể đã ghi trong kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt như chi XDCB, sự nghiệp kinh tế và một số khoản chi không thường xuyên khác trong kế hoạch ngân sách.

+ Các khoản chi đột xuất như thiên tai bão lụt được cấp có thẩm quyền duyệt.

1.2. Kho bạc Nhà nước tạm ứng cho các dự án, chương trình mục tiêu kinh tế đã ghi trong kế hoạch do Bộ Tài chính quyết định. Việc tạm ứng vốn cho các Công ty xổ số kiến thiết để trả thưởng đặc biệt thực hiện theo quy định tại công văn số 2551/TC/KBNN ngày 11/11/1993 của Bộ Tài chính.

2. Hạn mức tạm ứng vốn:

- Hạn mức tạm ứng vốn là mức dư nợ tối đa Kho bạc Nhà nước ứng cho NSNN trong năm tài chính; Hạn mức tạm ứng được căn cứ vào khả năng vốn của Kho bạc Nhà nước và kế hoạch, khả năng thu, nhu cầu chi của NSNN.

- Bộ Tài chính quy định hạn mức tạm ứng cho NSTW; Kho bạc Nhà nước Trung ương quy định hạn mức tạm ứng cho NSĐP.

3. Thủ tục tạm ứng:

3.1. Tạm ứng vốn cho NSTW: Khi phát sinh nhu cầu tạm ứng, vụ Ngân sách Nhà nước trao đổi thống nhất với Kho bạc Nhà nước trung ương, lập giấy đề nghị tạm ứng trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét quyết định. Căn cứ vào quyết định của Bộ trưởng, Kho bạc Nhà nước Trung ương phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước thực hiện.

3.2. Tạm ứng vốn cho NSĐP: Khi phát sinh nhu cầu tạm ứng, Sở Tài chính - Vật giá lập giấy đề nghị tạm ứng, lấy ý kiến xác nhận của UBND tỉnh, gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh ghi ý kiến đề nghị Kho bạc Nhà nước Trung ương xem xét quyết định. Kho bạc Nhà nước Trung ương có ý kiến phê duyệt chính thức và chuyển cho Kho bạc Nhà nước tỉnh và các Sở Tài chính - vật giá để thực hiện.

4. Thời hạn tạm ứng và thu hồi tạm ứng:

4.1. Thời hạn tạm ứng vốn KBNN cho Ngân sách Nhà nước tối đa là 3 tháng cho mỗi lần tạm ứng. Việc kéo dài thời hạn hoặc gia hạn tạm ứng phải được Bộ Tài chính quyết định đối với NSTW và Kho bạc Nhà nước Trung ương quyết định đối với NSĐP.

4.2. Trước khi đến hạn thu hồi tạm ứng 05 ngày, Kho bạc Nhà nước chủ động thông báo với cơ quan tài chính để sắp xếp tồn quỹ ngân sách hoàn trả tạm ứng. Ngân sách trung ương không chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tạm ứng vốn KBNN của Ngân sách địa phương.

4.3. Toàn bộ số dư tạm ứng cho NSNN phải được thu hồi đầy đủ trong năm ngân sách. Các khoản tạm ứng đã quá hạn nếu không được gia hạn theo quy định tại điểm 4.1, Kho bạc Nhà nước được quyền tự động trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi nợ; đồng thời thông báo cho Sở Tài chính (đối với NSĐP), Vụ ngân sách Nhà nước (đối với NSTW).

5. Phí tạm ứng: Cơ quan tài chính thanh toán cho Kho bạc Nhà nước một khoản phí tính trên số dư nợ tạm ứng, căn cứ vào số ngày thực tế tạm ứng. Mức phí tạm ứng vốn cho ngân sách Nhà nước được áp dụng thống nhất là 0,2%/tháng (30ngày) tính trên số dư nợ tạm ứng. Phí tạm ứng được Kho bạc Nhà nước hạch toán riêng và sử dụng theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Hạch toán kế toán: Các khoản tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn KBNN cho NSNN được theo dõi thu, chi ngoài NSNN và được hạch toán vào tài khoản tạm ứng vốn của KBNN cho ngân sách Nhà nước. Đối với khoản trả phí tạm ứng được hạch toán vào chi NSNN theo chương, loại, khoản, hạng mục của mục lục NSNN hiện hành.

7. Báo cáo, kiểm tra, kiểm soát và quyết toán:

- Các đơn vị Kho bạc Nhà nước và cơ quan tài chính báo cáo tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng định kỳ (tháng, quý, năm) gửi Kho bạc Nhà nước Trung ương và Bộ Tài chính (Vụ NSNN).

- Các đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát việc sử dụng vốn đã tạm ứng, trường hợp phát hiện cơ quan tài chính sử dụng vốn không đúng mục đích, Kho bạc Nhà nước được quyền thu hồi nợ trước hạn, đình chỉ các lần tạm ứng tiếp theo và báo cáo cho cơ quan tài chính biết.

- Khi hết năm ngân sách, các cơ quan tài chính thực hiện quyết toán với KBNN về số vốn đã tạm ứng, số đã hoàn trả tạm ứng, số dư nợ. Kho bạc Nhà nước Trung ương tổng hợp báo cáo trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

III/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các cơ quan Tài chính cần phối hợp chặt chẽ trong việc kế hoạch hoá các khoản thu, chi ngân sách, đôn đốc thu nộp, đảm bảo việc tạm ứng và sử dụng vốn hợp lý, kịp thời, có hiệu quả, hoàn trả đầy đủ và đúng hạn.

2. Theo dõi chặt chẽ việc chấp hành các quy định về tạm ứng và sử dụng vốn tạm ứng, việc thanh toán chi trả của Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết nếu tồn quỹ KBNN tại địa phương không đủ đảm bảo để chi trả, cần báo cáo ngay về Kho bạc Nhà nước Trung ương để xem xét giải quyết.

3. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký; Các quy định trước đây của Bộ Tài chính và KBNN về việc tạm ứng vốn cho NSĐP, tạm ứng chi TBXH đều không có hiệu lực. Kho bạc Nhà nước Trung ương hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thông tư này.

 

Hồ Tế

(Đã ký)