Thông tư số 25/BXD/QTKH ngày 22/08/1995 Về hướng dẫn xét duyệt đồ án quy hoạch xây dựng đô thị (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 25/BXD/QTKH
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
- Ngày ban hành: 22-08-1995
- Ngày có hiệu lực: 22-08-1995
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-10-2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3707 ngày (10 năm 1 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-10-2005
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/BXD/QTKH | Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 1995 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN XÉT DUYỆT ĐỒ ÁN QUI HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
- Căn cứ qui định 15/CP ngày 04/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
- Căn cứ Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ qui định điều lệ quản lý qui hoạch đô thị;
- Căn cứ quyết định 322/BXD - ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng qui định về lập đồ án qui hoạch xây dựng đô thị, Bộ Xây dựng hưóng dẫn xét duyệt đồ án quy hoạch đô thị như sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG.
1. Phạm vi áp dụng:
Các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị sau đây đều phải được cơ quan Nhà nưóc có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ cho việc cải tạo và xây dựng đô thị;
1.1. Các đồ án quy hoạch chung;
1.2. Các đồ án quy hoạch chi tiết;
1.3. Các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết được điều chỉnh;
Việc xét duyệt các sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng và các đồ án quy hoạch chuyên ngành theo quy định riêng có thể vận dụng trình tự và thủ tục xét duyệt nói tại Thông tư này.
2. Các điều kiện xét duyệt quy hoạch xây dựng đô thị
Các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị được xét duyệt khi có đủ các điều kiện sau:
2.1. Phải được các tổ chức chuyên môn, có tư cách pháp nhân lập;
2.2. Phải tuân thủ quy định thiết kế quy hoạch, các tiêu chuẩn, quy phạm và pháp luật Nhà nước
Trong trường hợp phải áp dụng tiêu chuẩn, quy phạm nước ngoài thì phải được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt đồ án quy hoạch đô thị đó chấp thuận,
2.3. Đã tổ chức xin ý kiến tham vấn của Hội đồng kiến trúc quy hoạch cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân Tỉnh, ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn và các bộ, ngành có liên quan (có văn bản kèm theo )
2.4. Phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trình duyệt.
3. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định quy hoạch xây dựng đô thị.
3.1. Tổ chức việc thẩm tra các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền của mình.
3.2. Báo cáo kết quả thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng đô thị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đồ án đó
3.3. Lưu trữ hồ sơ quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt hoặc điều chỉnh.
4. Kinh phí tổ chức thẩm tra quy hoạch xây dựng đô thị
4.1 Kinh phí tổ chức thẩm tra đồ án quy hoạch xây dựng đô thị được trích từ kinh phí xét duyệt quy hoạch xây dựng đô thị;
4.2 Mức và việc sử dụng kinh phí tổ chức thẩm tra đồ án quy hoạch xây dựng đô thị theo quy định riêng
II. NỘI DUNG THẨM TRA VÀ PHÊ DUYỆT CÁC ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
1. Quy hoạch chung:
1.1. Nội dung thẩm tra và phê duyệt các đồ án quy hoạch chung gồm:
a. Phạm vi đất đai và ranh giới lập quy hoạch chung;
b. Sự phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng hoặc sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c. Tính chất đô thị;
d. Tăng trưởng đô thị gồm:
- Cơ sở kinh tế kỹ thuật hình thành, phát triển hoặc các động lực tăng trưởng đô thị;
- Tăng trưởng dân số hoặc quy mô dân số đô thị trong giai đoạn quy hoạch;
- Nhu cầu sử dụng đất đai;
e. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu về kinh tế, dân số, đất đai, cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường đô thị
g. Định hướng phát triển không gian đô thị (15 - 20 năm )
- Chọn đất và hướng mở rộng đô thị;
- Phân vùng chức năng và quy hoạch sử dụng đất đai;
- Bố cục kiến trúc - quy hoạch không gian đô thị;
- Định hướng phát triển mạng lưới công trình cơ sở hạ tầng xã hội;
- Các vùng bảo vệ thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan cần giữ gìn bảo vệ.
- Các hành lang bảo vệ và các vùng cấm hoặc hạn chế xây dựng theo qui định pháp luật .
h/ Định hướng cải tạo và xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị như: giao thông, cấp nước, chuẩn bị kỹ thuật đất đai, cấp điện, thoát nước bẩn, vê sinh môi trường đô thị và thông tin liên lạc (15 - 20 năm )
- Nội dung chủ yếu cần xem xét, thẩm tra qui hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm: luận chứng về nguồn, các công trình đầu mối, hành lang bảo vệ, lưới phân phối chính (tùy thuộc vào lưới đường giao thông);
- Đối với mạng lưới đường giao thông đô thị cần thẩm tra kỹ lộ giới, cơ cấu mặt cắt các tuyến đường giao thông chính và các tuyến đường giao thông có nhu cầu xây dựng trước mắt.
i/ Nôi dung qui hoạch đợt đầu (5 - 10 năm )
- Mặt bằng qui hoạch sử dụng đất đai;
- Qui hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị;
- Danh mục và phân kỳ thực hiện các chương trình và dự án đầu tư;
- Nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị;
- Hồ sơ cắm mốc đường đỏ và tổng hợp đường dây đường ống.
k/ Dự thảo Điều lệ quản lý xây dựng đô thị
m/ Các bản vẽ thuộc hồ sơ qui hoạch chung theo qui định tại quyết định 322/BXD- ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ xây dựng.
1.2. Điều chỉnh qui hoạch chung
Việc thẩm tra, phê duyệt các đồ án điều chỉnh qui hoạch chung phải căn cứ vào tờ trình xin điều chỉnh qui hoạch để xem xét
a/ Lý do và sự cần thiết phải điều chỉnh qui hoạch chung được xét duyệt;
b/ Nội dung và mức đọ điều chỉnh đồ án qui hoạch nói chung tại a,b,c,d,e,g,h,i,k,m, khoản 1.1 mục I phần II Thông tư này.
2. Qui hoạch chi tiết:
2.1 Nội dung thẩm tra và phê duyệt các đồ án qui hoạch chi tiết gồm:
a/ Phạm vi đất đai và ranh giới lập qui hoạch chi tiết;
b/ Sự phù hợp với qui hoạch chung và các đồ án qui hoạch chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về:
- Tính chất hoặc mục đích sử dụng khu đất;
- Các giải pháp định hướng và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật qui định đối với khu đất;
- Quan hệ về kiến trúc qui hoạch và việc đầu nối đối với cơ sở hạ tầng ngoài khu đất lập qui hoạch chi tiết;
- Các qui hoạch chi tiết, dự án đầu tư thuộc khu đất hoặc có liên quan đến khu đất qui hoạch đã được phê duyệt;
- Các yếu tố khác .
c/ Nội dung đầu tư (hoặc nhiệm vụ thiết kế qui hoạch ) xây dựng và cải tạo lại khu đất kèm theo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu .
d/ Qui hoạch mặt bằng sử dụng đất đai:
- Phân khu chức năng và cân bằng sử dụng đất đai;
- Xác định các vùng cấm hoặc hạn chế xây dựng;
- Phân chia khu đất qui hoạch thành các dự án các lô đất đặc trưng;
- Qui định các chỉ tiêu kiến trúc - qui hoạch và cơ sở hạ tầng để làm căn cứ cấp chứng chỉ qui hoạch cho các khu đất hoặc lô đất .
e/ Định hướng kiến trúc và bảo vệ cảnh quan đô thị:
- Phân loại và xác định các công trình kiến trúc,các di tích văn hóa lịch sử cần gìn giữ và bảo vệ;
- Xác định bố cục kiến trúc - quy hoạch hoặc cấu trúc không gian chủ đạo toàn khu đất lập quy hoạch;
- Khoanh định các khu bảo vệ thiên nhiên, môi trường
g. Quy hoạch các mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội (dịch vụ tại khu đất lập quy hoạch);
- Các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chuẩn bị kỹ thuật đất đai, cấp nước, cấp điện, thoát nước bẩn, thông tin liên lạc ...phục vụ cho toàn khu đất lạpa quy hoạch .
- Mối quan hệ mạng lưới cơ sở hạ tầng trong khu đất với cơ sở hạ tầng ngoài khu đất
h. Phân kỳ đầu tư, xác định danh mục các dự án, nhu cầu và cơ sở các nguồn vốn đầu tư cải tạo, xây dựng;
i. Các mặt cắt đường, lô giới, chỉ giới xây dựng và tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật;
k. Dự thảo Điều lệ quản lý quy hoạch xây dựng tại khu đất lập quy hoạch
l. Các bản vẽ thuộc hồ sơ quy hoạch chi tiết theo quy định tại quyết định số 322/BXD-DT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
2.2. Điều chỉnh quy hoạch chi tiết
Việc thẩm tra, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết điều chỉnh phải căn cứ vào Tờ trình xin điều chỉnh quy hoạch vụ nội dung điều chỉnh đồ án quy hoạch để xem xét;
a. Lý do và sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch được duyệt
b. Nội dung và mức độ điều chỉnh quy hoạch nói tại a,b,c,d,e,g,h,i,k,l khoản 2.1 mục 2 phần II thông tư này
III. THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT VÀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
Thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị nói tại điều 7 và điều 10 Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ cụ thể như sau:
1. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị
1.1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị dưới đây:
a. Quy hoạch chung các đô thị loại I, II
b. Quy hoạch chung các đô thị khác, quy hoạch chi tiết các khu công nghiêp lớn tập trung và quy hoạch chi tiết các khu quan trọng của đô thị do Thủ tướng Chính phủ quyết định
1.2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuôc trung ương phê duyệt các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng đô thị còn lại thuộc địa phương mình
2. Cơ quan Nhà nước được phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị theo sự ủy quyền của Thủ tướng chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
2.1. Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, khi được Thủ tướng Chính phủ hoặc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ủy quyền
2.2. Kiến trúc sư trưởng hoặc Sở Xây dựng ( đối với đô thị không có Kiến trúc sơ trưởng ) phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị khi được ủy ban nhân dân tỉnh , thành phố trực thuộc trung ương ủy quyền
3. Thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị nào, thì có quyền điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đó.
IV. TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC THẨM TRA PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
1. Hồ sơ xin thẩm tra, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị: hồ sơ xin thẩm tra, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị quy định dưới đây chỉ để gửi cho cơ quan thẩm quyền định thiết kế quy hoạch. Ngoài ra cơ quan lập quy hoạch phải đáp ứng số lượng hồ sơ quy hoạch xây dựng đô thị theo hợp đồng ký kết với cơ quan đặt hàng.
1.1. Quy hoạch chung:
Nội dung hồ sơ xin thẩm tra, phê duyệt các đồ án quy hoạch chung gồm:
a. Tờ trình xin phê duyệt quy hoạch chung
- Các đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương họăc cấp tương đương trình;
- Các đồ án thuộc thẩm quyền phê duyệt của ủy ban nhân dân tỉnh, do ủy ban nhân dân các thành phố thuộc tỉnh, thị xã và huyện trình,
- Các đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương do Kiến trúc sư trưởng thành phố trình, sau khi được ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã sở tại thỏa thuận.
b. Một bộ hồ sơ in gồm các bản vẽ, 3 thuyết minh tổng hợp kèm theo Dự thỏa điều lệ quản lý và phụ lục ghi tại điều 12 quyết định 322/BXD-DT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
c. Ba mươi (30) thuyết minh tóm tắt kèm theo ba (03) bản vẽ thu nhỏ hoặc ảnh gồm bản đồ hiện trạng và đánh giá tổng hợp đất đai, sơ đồ định hướng phát triển không gian và sơ đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
d. Ba (03) Anbum tổng hợp hồ sơ xin trình duyệt quy hoạch, trong mỗi tập Anbum có:
- Tờ trình
- Thuyết minh tóm tắt
- Dự thảo Điều lệ quản lý xây dựng đô thị;
- Các văn bản xét duyệt có liên quan gồm:
+ Biên bản xét duyệt của Hội đồng kiến trúc - Quy hoạch cấp tỉnh
+ Ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng đô thị;
Đối với các đồ án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các đồ án quy hoạch chung đô thị loại III, loại IV, các đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm đô thị loại I, loại II và các trục đường quốc lộ qua các đô thị tỉnh lỵ phải có văn bản thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Đối với tất cả các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị thuôc thẩm quyền phê duyệt của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Kiến trúc sư trưởng hoặc Sở Xây dựng (đối với đô thị không có kiến trúc sư trưởng)
- Ý kiến của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các đô thị sở tại và các Bộ ngành có liên quan;
- Ý kiến các phản biện (tối thiểu hai phản biện về kiến trúc quy hoạch và cơ sở hạ tầng kỹ thuật)
- Các bản vẽ thu nhỏ hoặc ảnh theo quy định tại điều 12 Quyết định 322/BXD-DT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
1.2 Quy hoạch chi tiết;
Nội dung hồ sơ xin thẩm tra, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết gồm;
a. Tờ trình xin phê duyệt quy hoạch chi tiết;
b. Một bộ hồ sơ in gồm các bản vẽ, 3 thuyết minh tổng hợp, kèm theo dự thảo điều lệ quản lý xây dựng và phụ lục quy định tại điều 16 quyết định 322/BXD ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
c. Ba mươi (30) thuyết minh tóm tắt, kèm theo 03 bản vẽ thu nhỏ hoặc ảnh gồm bản đồ đánh giá hiên trạng và quỹ đất xây dựng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai và bản đồ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các phối cảnh, mô hình (nếu có) và các văn bản khác có liên quan đến việc xét duyệt quy hoạch như quy định tại d, khoản 1.1 mục I phần IV thông tư này.
d. Ba anbum tổng hợp hồ sơ xin trình duyệt quy hoạch, mỗi tập Anbum có tờ trình, thuyết minh tóm tắt dự thảo điều lệ quản lý xây dựng, các biên bản xét duyệt có liên quan và các bản vẽ chính nhỏ hoặc ảnh
1.3 Điều chỉnh các giải pháp quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết
Trong quá trình tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt, nếu có nhu cầu cần phải điều chỉnh giải pháp quy hoạch cụ thể khi lập các dự án đầu tư thì việc điều chỉnh đó phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch đó chấp thuận
Hồ sơ xin điều chỉnh các giải pháp quy hoạch cụ thể gồm Tờ trình xin điều chỉnh quy hoạch và bản vẽ thể hiện giải pháp điều chỉnh quy hoạch.
2. Trình tự thẩm tra và phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị;
2.1 Tiếp nhận hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch xây dựng
Cơ quan thiết kế quy hoạch nộp hồ sơ xin thẩm tra, phê duyệt quy hoạch tại các cơ quan thẩm định quy hoạch có thẩm quyền:
a. Đối với đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà trước khi phê duyệt phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ xây dựng thì hồ sơ xin thẩm tra quy hoạch nộp tại Vụ Quản lý Kiến trúc và quy hoạch Bộ Xây dựng
b. Đối với đồ án quy hoạch xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hồ sơ xin thẩm tra phê duyệt quy hoạch nộp tại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố hoặc Sở Xây dựng ( đối với đô thị không có kiến trúc sư trưởng )
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy hoạch có nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra nội dung và quy cách hổ sơ, sau đó phân loại ghi vào sổ theo dõi. Khi nhận đủ hồ sơ cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi phiếu hẹn, có chữ ký bên giao, bên nhận hồ sơ và hẹn ngày giải quyết. Phiếu nhận hồ sơ làm thành hai bản, một bản giao cho cơ quan nộp hồ sơ và một bản lưu lại cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Trong thời hạn tối đa là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hổ sơ, cơ quan phải thông báo bằng văn bản cho đương sự biết về yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.
2.2. Tham vấn ý kiến của các tổ chức có liên quan
Cơ quan thẩm định quy hoạch xây dựng đô thị gửi thuyết minh tóm tắt đến các bộ, ngành có liên quan có kèm theo phiếu xin tham vấn ý kiến, đồng thời gửi hồ sơ quy hoạch cho các phản biện (tối thiểu là hai phản biện) nghiên cứu nhận xét tối thiểu là 03 ngày, trước khi tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.
2.3. Tổ chức thẩm tra hồ sơ thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị
Cơ quan thẩm tra đồ án quy hoạch xây dựng đô thị cấp có thẩm quyền có nhiệm vụ:
a. Thẩm tra nội dung và quy cách hồ sơ quy hoạch xin thẩm tra, phê duyệt
b. Tổ chức Hội nghị thẩm tra với sự tham gia của các ủy viên Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và đại diện các ngành có liên quan.
c. Chuẩn bị chương trình Hội nghị thẩm tra;
d. Ra thông báo về ý kiến kết luận của CHủ tịch Hội đổng thẩm tra thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị sau khi tổ chức Hội nghị thẩm tra.
2.4. Phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng đô thị
Cơ quan thẩm tra đồ án quy hoạch xây dựng đô thị có nhiệm vụ hướng dẫn cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị, sau khi có ý kiến kết luận chính thức của Chủ tịch Hội đồng thẩm tra bằng văn bản, sau đó gửi lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng tại mục 1,2,3,4 phần II Thông tư này xem xét ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đó.
2.5. Lưu trữ hồ sơ quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt
a. Tất cả Hồ sơ các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuôc địa phương nào thì được lưu trữ tại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng hoặc Sở xây dựng (đối với đô thị không có kiến trúc sư trưởng địa phương đó)
b. Các hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền xét duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc phải được Bộ Xây dựng thỏa thuận để ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuôc trung ương phê duyệt được lưu trữ tại Vụ Quản lý kiến trúc và quy hoạch - Bộ Xây dựng
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1 Kiến trúc Sư trưởng hoặc Sở xây dựng (đối với đô thị không có kiến trúc sư trưởng) căn cứ vào các quy định tại Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994 và thông tư này hướng dẫn việc thẩm tra, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị tại địa phương mình;
2. Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuôc Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo việc thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đảm bảo đầy đủ thủ tục, chặt chẽ, nghiêm túc và thường xuyên kiểm tra uốn nắn kịp thời những thiếu sót.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bô Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.
3. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trái với thông tư này đều không có hiệu lực thi hành.
| BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |