Thông tư số 141-PLDS/KT ngày 03/03/1992 Hướng dẫn Nghị định 221-HĐBT hướng dẫn Luật doanh nghiệp tư nhân và Nghị định 222-HĐBT hướng dẫn Luật công ty (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 141-PLDS/KT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tư pháp
- Ngày ban hành: 03-03-1992
- Ngày có hiệu lực: 18-03-1992
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-07-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2320 ngày (6 năm 4 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-07-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141-PLDS/KT | Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 1992 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 141-PLDS/KT NGÀY 3 THÁNG 3 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU 3 NGHỊ ĐỊNH 221-HĐBT NGÀY 23-7-1991 (BAN HÀNH QUY ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG CỤ THỂ HOÁ MỘT SỐ ĐIỀU TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN) VÀ ĐIỀU 4 NGHỊ ĐỊNH 222-HĐBT NGÀY 23-7-1991 (BAN HÀNH QUY ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG CỤ THỂ HOÁ MỘT SỐ ĐIỀU TRONG LUẬT CÔNG TY)
Điều 1. Thông tư này hướng dẫn thủ tục xin và cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty trong những ngành nghề phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép theo Điều 5 của Luật doanh nghiệp tư nhân và Điều 11 Luật công ty. Những ngành nghề đó là:
1- Sản xuất và lưu thông thuốc nổ, thuốc độc, hoá chất độc;
2- Khai thác các loại khoáng sản quý;
3- Sản xuất và cung ứng điện, nước có quy mô lớn;
4- Sản xuất các loại phương tiện phát sóng, truyền tin, dịch vụ bưu chính viễn thông, truyền thanh, truyền hình, xuất bản;
5- Vận tải viễn dương và vận tải hàng không;
6- Chuyên kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu;
7- Du lịch quốc tế.
Điều 2. Cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân, các sáng lập viên muốn thành lập công ty để kinh doanh các ngành, nghề nói tại Điều 1 Thông tư này, phải gửi hai bộ hồ sơ xin phép thành lập đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương nơi dự định đặt trụ sở doanh nghiệp.
Điều 3. Hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
1- Đơn xin phép thành lập;
2- Bản giải trình phương án kinh doanh;
3- Giấy chứng nhận của Ngân hàng về phần vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, mà đương sự có trong tài khoản ở Ngân hàng;
4- Giấy chứng nhận của cơ quan công chứng về trị giá tài sản bằng hiện vật thuộc sở hữu của người xin thành lập doanh nghiệp để xác định vốn đầu tư ban đầu.
5- Bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ nghề nghiệp mà pháp luật đòi hỏi đối với những ngành nghề nhất định.
Đơn xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân phải ghi rõ:
1- Họ, tên, tuổi, nghề nghiệp và địa chỉ thường trú của chủ doanh nghiệp;
2- Trụ sở dự định của doanh nghiệp; nếu có nhiều trụ sở thì phải ghi rõ nơi đóng trụ sở chính (là nơi doanh nghiệp có văn phòng điều hành và giao dịch pháp lý).
3- Mục tiêu, ngành nghề kinh doanh cụ thể; nếu kinh doanh nhiều ngành, nghề khác nhau thì phải ghi rõ từng ngành nghề kinh doanh;
4- Vốn đầu tư ban đầu, ghi rõ phần vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng và tài sản bằng hiện vật;
5- Biện pháp bảo vệ môi trường như: chống ô nhiễm, xử lý chất thải...
Đơn phải có dấu xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường về địa chỉ thường trú của đương sự.
Điều 4. Hồ sơ xin phép thành lập công ty bao gồm:
1- Đơn xin phép thành lập công ty;
2- Dự thảo điều lệ công ty;
3- Bản giải trình phương án kinh doanh;
4- Giấy chứng nhận về tài sản của các thành viên góp vào công ty;
5- Nếu thành viên tham gia công ty là các doanh nghiệp Nhà nước thì phải có quyết định cho phép góp vốn của cơ quan quản lý cấp trên và số vốn góp tính thành tiền.
6- Bằng hoặc giấy chứng nhận về trình độ nghề nghiệp của người quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty mà pháp luật đòi hỏi phải có đối với những ngành nghề nhất định.
Điều 5. Đơn xin thành lập công ty phải ghi rõ:
1- Họ, tên, tuổi, địa chỉ thường trú của cac sáng lập viên; nếu sáng lập viên là tổ chức thì phải ghi rõ tên, nơi đóng trụ sở và cơ quan ra quyết định thành lập tổ chức đó.
2- Loại hình, tên gọi, trụ sở dự định của công ty (là nơi công ty có Văn phòng điều hành và giao dịch pháp lý).
3- Mục tiêu, ngành nghề kinh doanh cụ thể; nếu kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải ghi rõ từng ngành nghề kinh doanh;
4- Vốn điều lệ, ghi rõ phần vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng và vốn bằng hiện vật và cách thức góp vốn;
5- Biện pháp bảo vệ môi trường;
6- Chương trình xây dựng công ty.
Đơn phải có chữ ký của tất cả các sáng lập viên; nếu sáng lập viên là tổ chức thì phải có chữ ký của người đại diện tổ chức đó. Các sáng lập viên uỷ quyền cho một sáng lập viên thay mặt mình gửi hồ sơ đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi dự định mở trụ sở.
Điều 6. Về giấy chứng nhận tài sản nói tại Điều 74 điểm 4 được quy định như sau:
1- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn là giấy chứng nhận của Ngân hàng (đối với vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, hoặc vàng, có trong tài khoản gửi tại Ngân hàng) và giấy chứng nhận của cơ quan công chứng (đối với tài sản bằng hiện vật) về giá trị tài sản tương ứng của mỗi sáng lập viên dự định sẽ góp vào công ty.
2- Đối với công ty cổ phần, là giấy chứng nhận của Ngân hàng (đối với vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ hoặc vàng có trong tài khoản gửi tại Ngân hàng và giấy chứng nhận của cơ quan công chứng (đối với tài sản bằng hiện vật) về giá trị tài sản tương ứng với số cổ phiếu mà mỗi sáng lập viên đã đăng ký mua.
Điều 7.
1- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương tổ chức việc tiếp nhận và xem xét hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty do các đương sự gửi đến.
2- Sở quản lý ngành trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh là cơ quan giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc tiếp nhận và xem xét hồ sơ, có trách nhiệm phát biểu ý kiến bằng văn bản với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong những vấn đề liên quan đến thẩm quyền quản lý của ngành mình.
3- Trong thời hạn 10 ngày (đối với doanh nghiệp tư nhân) và 20 ngày (đối với công ty) kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải có ý kiến bằng văn bản ghi rõ ý kiến đề nghị cho phép hay không cho phép thành lập doanh nghiệp kèm vào hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty và gửi đến Bộ quản lý ngành có liên quan.
Điều 8. Trong thời hạn 10 ngày (đối với doanh nghiệp tư nhân) hoặc 20 ngày (đối với công ty) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành tổ chức việc tiếp nhận và xem xét hồ sơ, có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền quản lý của ngành mình, trong đó ghi rõ ý kiến đề nghị cho phép hay không cho phép thành lập doanh nghiệp đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty và trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 9.
1- Căn cứ vào hồ sơ của đương sự do Bộ quản lý ngành mình lên và trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Bộ trưởng Bộ quản lý ngành kèm theo, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét và quyết định cho phép hoặc từ chối cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trong thời hạn 10 ngày (đối với doanh nghiệp tư nhân) hoặc 20 ngày (đối với công ty) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
2- Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cho phép hoặc không cho phép thành lập doanh nghiệp được gửi ngay cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận hồ sơ ban đầu.
3- Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ quản lý ngành có liên quan xem xét và quyết định cho phép hoặc từ chối cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty, thì trong thời hạn 20 ngày (đối với doanh nghiệp tư nhân) hoặc 10 ngày (đối với công ty) kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ quản lý ngành phải ra quyết định và gửi quyết định cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân nơi tiếp nhận hồ sơ ban đầu.
Điều 10. Căn cứ vào quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Bộ trưởng Bộ quản lý ngành nói tại Điều 9, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương phải cấp hoặc trả lời từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cho đương sự. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải giải thích rõ lý do.
| Phan Hiền (Đã ký) |