Thông tư số 6-LĐTBXH/TT ngày 12/09/1991 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Bổ sung đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên và cán bộ giảng dạy (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 6-LĐTBXH/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- Ngày ban hành: 12-09-1991
- Ngày có hiệu lực: 01-08-1991
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-05-1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2830 ngày (7 năm 9 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-05-1999
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6-LĐTBXH/TT | Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 1991 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 6-LĐTBXH/TT. NGÀY 12-9-1991 HƯỚNG DẪN BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ GIẢNG DẠY
Tại Công văn số 2213/KG ngày 8-7-1991, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đã thông báo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giáo viên, cán bộ giảng dạy thuộc hệ thống trường Đảng và đoàn thể được áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên theo Quyết định số 309/CT ngày 9-12-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính (công văn số 1189/ TC-HCVX ngày 29-8-1991) và các cơ quan liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG PHỤ CẤP THÂM NIÊN
1. Giáo viên và cán bộ giảng dạy ở Học viện, trường thuộc hệ thống trường Đảng, đoàn thể, trường quản lý Nhà nước (trường hành chính, trường cán bộ quản lý) mở theo quy chế trường lớp chính quy của cơ quan có thẩm quyền quy định.
2. Giáo viên và cán bộ giảng dạy nói trên có 5 năm trực tiếp giảng dạy, do yêu cầu được điều động về trực tiếp làm công tác quản lý chỉ đạo giáo dục, đào tạo ở Học viện, trường Đảng, đoàn thể, trường quản lý Nhà nước, Ban tư tưởng văn hoá Trung ương, Ban khoa giáo Trung ương và Ban tuyên giáo ở địa phương.
Những giáo viên, cán bộ giảng dạy trong năm học không tham gia giảng dạy thì không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên giáo dục.
II- MỨC PHỤ CẤP THÂM NIÊN:
1. Mức phụ cấp quy định chung cho các đối tượng nêu ở phần I
Thâm niên | Tỷ lệ phụ cấp |
- Từ 5 năm đến dưới 6 năm - Từ 6 năm đến dưới 9 năm - Từ 9 năm đến dưới 12 năm - Từ 12 năm trở lên thì mỗi năm thêm 1% đến tối đa là | 5% 8% 11% 20% |
2. Đối với Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, sau khi đạt mức phụ cấp 20% thì được hưởng tiếp mỗi năm thêm 1% cho đến mức 25%.
3. Đối với giáo viên dạy gỏi, sau khi đạt mức phụ cấp 20% thì được hưởng tiếp theo quy định:
Thâm niên | Số lần danh hiệu giáo viên dạy giỏi | Tỷ lệ phụ cấp |
- Từ 21 năm trở lên - Từ 22 năm trở lên - Từ 23 năm trở lên - Từ 24 năm trở lên - Từ 25 năm trở lên | 2 lần trở lên 3 lần trở lên 4 lần trở lên 5 lần trở lên 6 lần trở lên | 21% 22% 23% 24% 25% |
Nếu hai điều kiện: thâm niên và số lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi không tương ứng với cùng một mức phụ cấp thâm niên, thì hưởng mức phụ cấp thâm niên thấp.
Danh hiệu giáo viên dạy giỏi phải được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy chế của hệ thống trường Nhà nước và hệ thống trường Đảng, đoàn thể có ý kiến thoả thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
III- THỜI GIAN TÍNH THÂM NIÊN ĐỂ HƯỞNG PHỤ CẤP:
1. Thời gian trực tiếp giảng dạy (kể cả thời gian tập sự, thời gian hợp đồng) ở Học viện, các trường thuộc hệ thống trường Đảng, đoàn thể và các trường thuộc cơ quan Nhà nước mở theo quy chế trường lớp chính quy của cơ quan có thẩm quyền quy định.
2. Thời gian trực tiếp làm công tác quản lý chỉ đạo giáo dục, đào tạo, nếu trước đó đã có 5 năm trực tiếp giảng dạy.
3. Thời giam được cơ quan, trường học cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, sau đó trở về tiếp tục làm công tác quản lý chỉ đạo giáo dục, đào tạo.
4. Thời giam ốm đau, thai sản dưới 1 năm.
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-1991. Các văn bản trước đây quy định về phụ cấp thâm niên đối với giáo viên, cán bộ giảng dạy thuộc hệ thống Đảng và đoàn thể trái với Quyết định số 309/ CT ngày 9- 12- 1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 5/LĐTBXH-TT ngày 8-3-1989 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư này đều không có hiệu lực thi hành.
2. Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Thông tư này ở cơ quan, trường học thuộc phạm vị mình quản lý.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc xin phản ảnh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng nghiên cứu giải quyết.
| Trần Đình Hoan (Đã ký) |