cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 19-BYT/TT ngày 12/07/1991 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn cải tiến phương thức phân phối phương tiện tránh thai

  • Số hiệu văn bản: 19-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 12-07-1991
  • Ngày có hiệu lực: 27-07-1991
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 12174 ngày (33 năm 4 tháng 9 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-BYT/TT

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 1991

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 19-BYT/TT NGÀY 12 THÁNG 7 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN CẢI TIẾN PHƯƠNG THỨC PHÂN PHỐI PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI

Căn cứ khoản 4 và 5 (Điều VI) của Quyết định số 162/HĐBT ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình và tham khảo ý kiến của Hội nghị 10 tỉnh đồng bằng và trung du phía Bắc họp ngày 25/6/1991 bàn biện pháp cải tiến phương thức phân phối rộng rãi phương tiện tránh thai, nay Bộ hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Chúng ta thực hiện phân phối phương tiện tránh thai (PTTT) đồng thời qua 4 đường:

- Hệ thống y tế

- Hệ thống thương nghiệp

- Các tổ chức quần chúng

- Y tế tư nhân

2. Thực hiện song song hai phương thức phân phối PTTT:

- Cấp không (không thu tiền)

- Bán rộng rãi cho những người có yêu cầu tránh thai

3. Phương tiện tránh thai cấp không thu tiền bao gồm: bao cao su, dụng cụ tử cung, thuốc uống và thuốc đặt trong tử cung hoặc trong âm đạo... đối tượng được hưởng là cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, các đối tượng thuộc chính sách ưu tiên và dân nghèo có đăng ký thực hiện KHHGĐ với cơ sở y tế làm kỹ thuật KHHGĐ.

Riêng bao cao su (condom) có thể giao ngay cho các tổ chức quần chúng như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân ... để phân phối cho những người có nhu cầu tránh thai thuộc đoàn thể mình. Các tổ chức này cần có báo cáo với nơi cung cấp bao cao su về số người sử dụng, số lượng condom đã cấp phát. Bộ sẽ thông báo tiếp những loại PTTT có thể giao cho đoàn thể cấp phát không thu tiền.

4. Loại PTTT bán rộng rãi bao gồm tất cả các loại mà khi dùng không cần sự hỗ trợ của cán bộ y tế như:

- Bao cao su

- Thuốc diệt tinh trùng

- Mũ tử cung, màng ngăn âm đạo

5. Loại PTTT bán theo đơn y, bác sĩ đang làm công tác KHH gia đình:

- Thuốc uống (loại đóng vỉ)

- Thuốc cấy trong da và thuốc tiêm

- Dụng cụ tránh thai trong tử cung

Các loại PTTT sau khi đáp ứng nhu cầu đối tượng thuộc diện chính sách quy định tại khoản 4 Điều VI của Quyết định 162 HĐBT ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, các địa phương được đưa ra bán qua các hiệu thuốc quốc doanh và tư nhân.

Riêng bao cao su được bán tự do qua hệ thống thương nghiệp Nhà nước cũng như tư nhân.

Có hai hình thức bán:

- Hoặc ký gửi, cho hưởng hoa hồng

- Hoặc bán buôn (mua đứt, bán đoạn)

6. Giá cả: Bộ quy định giá bán thống nhất (giá tạm tính)

- Bao cao su: 100 đ/cái (loại sản xuất trong nước)

300 đ/cái (loại nhập khẩu)

- Thuốc uống tránh thai:

Ovidon 1.500 đ/vỉ

Rigevidon

Các loại khác, khi có đủ số lượng Bộ sẽ thông báo giá sau

7. Tiền thu được do bán bao cao su và thuốc tránh thai và các phương tiện khác sẽ bổ sung kinh phí của Trung tâm BVBMTE - KHHGĐ và Trung tâm phải báo cáo đầy đủ, rõ ràng khoản thu này với Sở Y tế và Sở Tài chính địa phương. Khoản tiền này nên ưu tiên chi cho hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các PTTT và vận động đối tượng chấp nhận các biện pháp tránh thai.

Bộ yêu cầu Sở Y tế và các Trung tâm BVBMTE - KHHGĐ thực hiện tốt phương thức phân phối cải tiến trên đây và báo cáo kết quả cùng những kinh nghiệm và khó khăn trở ngại (nếu có) để Bộ giải quyết tiếp.

 

Nguyễn Văn Đàn

(Đã ký)