cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 486-TCHQ/PC ngày 17/06/1991 Hướng dẫn thi hành Nghị định 28-HĐBT thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 486-TCHQ/PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Ngày ban hành: 17-06-1991
  • Ngày có hiệu lực: 17-06-1991
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-06-1993
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 729 ngày (1 năm 12 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-06-1993
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-06-1993, Thông tư số 486-TCHQ/PC ngày 17/06/1991 Hướng dẫn thi hành Nghị định 28-HĐBT thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 10-TCHQ/PC ngày 15/06/1993 Hướng dẫn thi hành Nghị định 18-CP 1993 thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 486-TCHQ/PC

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 1991

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 486-TCHQ/PC NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 28-HĐBT NGÀY 6 THÁNG 2 NĂM 1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Điều 107 Nghị định số 28-HĐBT ngày 6-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 20-2-1990;
Căn cứ Nghị định số 131-HĐBT ngày 27-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc nhập khẩu và tái xuất khẩu ôtô và các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và học tập sinh hoạt của các cơ quan đại diện nước ngoài và người nước ngoài tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan hướng dẫn chi tiết thi hành các Điều 96, 97, 98 và 99 chương 10 Nghị định số 28-HĐBT ngày 6-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói trong Thông tư này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư ở Việt Nam dưới các hình thức nêu ở Điều 4 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; người nước ngoài vào Việt Nam để tìm hiểu và chuẩn bị cho việc đầu tư; và người nước ngoài làm việc cho các xí nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như những người nước ngoài (kể cả các thành viên trong gia đình họ và người giúp việc cùng đi) nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam theo Luật đầu tư.

2. Hàng hoá nói trong Thông tư này là:

a) Vốn đầu tư như ghi ở Điều 7 Luật đầu tư;

b) Nguyên, nhiên, vật liệu và tư liệu sản xuất để sản xuất hàng hoá, các loại phương tiện vận tải; các sản phẩm (bao gồm thành phẩm và bán thành phẩm) của các hình thức đầu tư nêu ở Điều 4 Luật đầu tư.

c) Vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân (không phải là tài sản của xí nghiệp) của người nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam nhập khẩu vào Việt Nam hoặc mua tại Việt Nam xuất ra nước ngoài.

3. Tất cả hàng hoá của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khi nhập khẩu hoặc xuất khẩu (kể cả hàng hoá chưa hoàn thành thủ tục hải quan còn lưu lại các kho bãi của cơ quan vận chuyển hay của chủ hàng) đều chịu sự giám sát, kiểm tra của Hải quan Việt Nam và các quy định của Thông tư này.

4.

4.1. Hàng hoá của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu ở các điểm (2a), (2b) trên đây:

a) Phải tuân thủ chế độ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ những hàng hoá được miễn thuế nhập khẩu quy định ở Điều 78 Nghị định số 28-HĐBT ngày 6-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

b) Phải chịu các lệ phí liên quan khi nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hoá và vật dụng nêu ở điểm 2 trên đây; trừ trường hợp hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Điều 77 Nghị định 28-HĐBT ngày 6-2-1991 dẫn trên thì phía Việt Nam phải chịu lệ phí.

4.2. Những hàng hoá nêu tại các điểm (2a), (2b) trên đây được phép nhượng bán trên thị trường Việt Nam nhưng phải nộp các loại thuế theo đúng quy định của Điều 79 của Nghị định 28-HĐBT ngày 6-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng và các lệ phí có liên quan.

5. Những vật dụng cần thiết nêu ở điểm (2c) trên đây của cá nhân người nước ngoài nêu trong điểm (I.1) Thông tư này được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 131-HĐBT ngày 27-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng.

Các hàng hoá từ số thứ tự 1 đến số thứ tự 5 trong danh mục kèm theo Nghị định dẫn trên thuộc loại hàng "tạm nhập, tái xuất" thì được miễn thuế xuất nhập khẩu phi mậu dịch.

Số lượng hàng nhập theo Danh mục kèm theo Nghị định này đối với người nước ngoài đầu tư là những người đứng đầu xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì được hưởng ưu đãi như những người có thân phận ngoại giao; những đối tượng còn lại thì được hưởng ưu đãi như những nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ quy định tại Nghị định dẫn trên.

II- THỦ TỤC HẢI QUAN

1. Bộ Thương nghiệp cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá nêu trong các điểm I..(2a), (2b) Thông tư này.

Tổng cục Hải quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với vật dụng cần thiết nêu ở điểm (I.2c) Thông tư này.

2. Hàng hoá và vật dụng cần thiết nêu ở các điểm I.2, I.3 Thông tư này đều làm thủ tục hải quan tại Hải quan cửa khẩu.

Trong trường hợp cần thiết, hàng hoá và vật dụng nêu trên có thể làm thủ tục hải quan tại các địa điểm khác được Tổng cục Hải quan chấp nhận làm địa điểm kiểm tra hải quan.

3. Mọi hành vi trái với những quy định trong Thông tư này đều bị xử lý theo pháp lệnh hải quan và luật pháp hiện hành có liên quan của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các cấp Hải quan cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, dễ dàng trong khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá và vật dụng cần thiết nhập khẩu, xuất khẩu của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, của các bên hợp đồng hợp tác kinh doanh và của cá nhân người nước ngoài đầu tư.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký để thay thế Thông tư số 1546/TCHQ-PC ngày 28-10-1988 của Tổng cục Hải quan.

2. Đồng chí Cục trưởng Cục Giám quản, các đồng chí Giám đốc Hải quan các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc gì thì kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan biết để nghiên cứu giải quyết.

 

Nguyễn Thanh

(Đã ký)