cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 09-BTN/TT ngày 01/11/1990 Về việc tổ chức lưu thông xăng dầu trong tình hình hiện nay theo Chỉ thị 369/CT do Bộ Thương Nghiệp ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09-BTN/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Thương nghiệp
  • Ngày ban hành: 01-11-1990
  • Ngày có hiệu lực: 15-11-1990
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-06-1996
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2046 ngày (5 năm 7 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 22-06-1996
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 22-06-1996, Thông tư số 09-BTN/TT ngày 01/11/1990 Về việc tổ chức lưu thông xăng dầu trong tình hình hiện nay theo Chỉ thị 369/CT do Bộ Thương Nghiệp ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 11/TM-KD ngày 22/06/1996 Quy định điều kiện kinh doanh xăng dầu (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-BTN/TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1990

 

THÔNG TƯ

SỐ 09-BTN/TT NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 1990 CỦA BỘ THƯƠNG NGHIỆP VỀ TỔ CHỨC LƯU THÔNG XĂNG DẦU TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY THEO CHỈ THỊ 369/CT CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Để thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 338/CT ngày 21 tháng 9 năm 1990 và Chỉ thị số 369/CT ngày 19 tháng 10 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng "về tăng cường quản lý và tiết kiệm xăng dầu", Bộ Thương nghiệp hướng dẫn những điểm liên quan trong việc kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa như sau:

Trước hết, cần quán triệt những nội dung cơ bản của hai chỉ thị trên để định hướng cho việc kinh doanh xăng dâu, bảo đảm trong tình hình khó khăn hiện nay, phải chủ động và khẩn trương tìm mọi biện pháp tạo nguồn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu cần thiết, đồng thời phải triệt để tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu, coi đó là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay.

Tổng công ty xăng dầu, Công ty Dầu lửa trung ương và Sở Thương nghiệp các tỉnh, thành phố, đặc khu trực trung ương có trách nhiệm tổ chức tốt việc lưu thông xăng dầu (kể cả dầu lửa) từ khâu bán buôn đến bán lẻ, bảo đảm xăng dầu được cung ứng thẳng đến các hộ tiêu dùng, bảo đảm trong quá trình giao nhận, vận chuyển, bảo quản được an toàn và ít hao hụt nhất.

Trên tinh thần đó, cần chấn chỉnh và sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng dầu, bố trí mạng lưới bán buôn và bán lẻ xăng dầu, dẹp bỏ ngay hoạt động của các tổ chức và tư nhân buôn xăng dầu trái phép, gây rối thị trường, không bảo đảm an toàn. Đối với những kẻ đầu cơ buôn lậu tiêu thu xăng dầu ăn cắp của Nhà nước đều phải bị nghiêm trị.

1. Về khâu bán buôn xăng dầu.

Căn cứ vào chỉ tiêu do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phân bổ cho từng ngành, từng địa phương trong năm kế hoạch được Bộ Thương nghiệp cụ thể hoá từng quý để tổ chức cung ứng xăng dầu, theo phương thức hiện hành. Các Công ty xăng dầu khu vực rót thẳng cho các tỉnh, thành phố và các bộ tiêu thụ lớn. Các chi nhánh dầu lửa chuyển thẳng dầu lửa đến kho của huyện, thị xã và các điểm bán lẻ của thành phố.

Cần điều chỉnh lại giá bán buôn xăng dầu. Cơ sở để xác định là giá nhập khẩu thực tế từ thị trường quốc tế bằng ngoại tệ mạnh, thuế phải nộp theo chính sách và chi phí hợp lý trong quá trình lưu thông.

Tạm thời vẫn áp dụng mức chiết khấu hiện nay nhưng Vụ Kế toán tài vụ cùng với Tổng công ty xăng dầu và Công ty dầu lửa nghiên cứu trình Bộ quy định lại mức chiết khấu phù hợp với mặt bằng giá mới.

Tổng công ty kinh doanh xăng dầu cần tính toán và cân đối giá nhập từ nhiều nguồn, ở từng thời điểm, để xác định mức giá bán buôn hợp lý theo nguyên tắc trên để báo cáo Bộ và Uỷ ban Vật giá Nhà nước xét duyệt mức giá cụ thể. Việc điều chỉnh giá bán buôn lên ngang mức giá quốc tế phải tiến hành kịp thời, nhưng có bước đi thích hợp, tránh gây xáo trộn tình hình sản xuất, đời sống và những đột biến giá cả trên thị trường xã hội.

2. Về tổ chức bán lẻ xăng dầu (kể cả dầu hoả).

a) Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do Nhà nước thống nhất quản lý. Việc kinh doanh xăng dầu đòi hỏi phải có phương tiện, dụng cụ chuyên dùng và có kiến thức thương phẩm nhất định. Do đó một mặt cần mở rộng mạng lưới bán lẻ xăng dầu rộng khắp, thuận tiện; mặt khác phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện quy định của Nhà nước trong việc kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Theo quy định hiện hành thì các tổ chức và cá nhân muốn bán lẻ xăng dầu phải có đăng ký và giấy phép kinh doanh xăng dầu. Ngoài các điều kiện chung đã quy định tại Thông tư số 02 ngày 8-4-1989 và Thông báo 618 ngày 3-6-1989 của Bộ Nội thương (nay là Bộ Thương nghiệp) phải có đủ các điều kiện cụ thể sau đây:

- Phải có dụng cụ chuyên dùng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy mô kinh doanh và thiết bị an toàn.

- Phải có địa điểm kinh doanh cố định, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa điểm bán với các khu dân cư, công sở, trường học, kho tàng... theo quy định hiện hành.

- Phải có dụng cụ đo lường đúng tiêu chuẩn quy định. Đối với các đơn vị vận tải xăng dầu phải có phương tiện vận tải chuyên dùng.

- Phải được trang bị đầy đủ các phương tiện và thiết bị phòng cháy, phòng nổ, chữa cháy.

Về đối tượng được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu quy định như sau:

- Các tổ chức kinh tế quốc doanh được phép bán buôn, bán lẻ xăng dầu.

- Các tổ chức kinh tế tập thể chỉ được phép bán lẻ hoặc làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho kinh tế quốc doanh.

- Cho phép một số hộ tư nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho kinh tế quốc doanh.

- Các tổ chức và cá nhân người nước ngoài tổ chức kinh doanh và mở các đại lý xăng dầu trên nước ta, một số tổ chức và tư nhân trong nước được phép nhập khẩu xăng dầu theo quy định riêng.

Việc xét, cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu áp dụng theo các quy định hiện hành.

Tổng công ty Xăng dầu, Công ty Dầu lửa trung ương và các Sở Thương nghiệp cần gấp rút củng cố và mở rộng mạng lưới bán lẻ xăng dầu, rà soát lại mạng lưới bán lẻ hiện có trên cơ sở đó mà củng cố và chấn chỉnh, nơi nào cần bỏ bớt, nơi nào cần mở thêm bảo đảm tính cân đối và hợp lý. Việc bán lẻ xăng dầu ở thành phố, thị xã, thị trấn trước hết giao cho các cửa hàng, quầy hàng của thương nghiệp quốc doanh; ở nông thôn giao cho hợp tác xã mua bán đảm nhận, nơi nào cần thiết mới cho tư nhân có đủ điều kiện được bán lẻ.

Đối với Tổng công ty Xăng dầu và Công ty Dầu lửa trung ương có tổ chức cửa hàng, quầy hàng bán lẻ xăng dầu đặt trên địa bàn các tỉnh, thành phố thì phải bàn bạc thống nhất với địa phương để quy hoạch mạng lưới bán lẻ tổng thể trên địa bàn, bảo đảm tính hợp lý, thuận tiện, tránh chồng chéo và phải thống nhất về giá bán, phương thức bán và tuân thủ các quy định của địa phương về việc quản lý mặt hàng xăng dầu, không để xẩy ra những vi phạm không đáng có.

Từng bước đầu tư đổi mới thiết bị đong xăng dầu, trước mắt ở những nơi trung tâm thành phố, thị xã có nhu cầu lớn cần xây dựng thêm một số "cây xăng", "cây dầu" thay thế cho cách đong đếm thủ công, dần dần sẽ thay toàn bộ việc đong đếm thủ công bằng các phương tiện hiện đại, chính xác ở hầu khắp các điểm bán lẻ xăng dầu thuộc các cửa hàng bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh.

b) Cần mở rộng hình thức đại lý bán lẻ xăng dầu. Các tổ chức kinh tế quốc doanh, tập thể, tư nhân có đủ điều kiện, có giấy phép kinh doanh xăng dầu đều có thể được các tổ chức kinh doanh xăng dầu của Nhà nước ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu. Việc bán xăng dầu đại lý cho thương nghiệp quốc doanh phải nghiêm chỉnh chấp hành quy chế bán hàng đại lý đã được ban hành và phải có đủ các điều kiện như quy định về kinh doanh bán lẻ xăng dầu (tại mục a, điểm 2 trên đây).

c) Các cửa hàng, quầy hàng và dại lý bán lẻ xăng dầu phải thực hiện nghiêm túc những điểm quy định sau:

- Bán đúng giá bán lẻ, không được lợi dụng những lúc khó khăn để tự ý nâng giá hoặc tuồn xăng dầu ra ngoài cho tư thương để kiếm lời.

- Bán đến tay người tiêu dùng.

- Những lúc khó khăn về nguồn hàng phải áp dụng những phương thức bán lẻ thích hợp để hạn chế việc mua đi bán lại đầu cơ tích trữ đẩy giá lên cao.

- Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế, nội quy bán lẻ xăng dầu, bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại quầy bán lẻ.

Nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ kinh doanh tạm thời hay vĩnh viễn, trường hợp vi phạm nặng sẽ bị truy tố trước pháp luật.

d) Quỹ xăng dầu bán lẻ.

Dầu hoả bán cho các địa phương chủ yếu để bán lẻ cho dân cư nơi chưa có điện dùng thắp sáng. Xăng và các loại dầu mỡ chủ yếu là bán buôn cho các hộ tiêu dùng theo hạn mức. Ngoài ra Nhà nước dành một tỷ lệ nhất định để bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng của các xe ô tô tư nhân và xe gắn máy. Tổng công ty Xăng dầu chịu trách nhiệm quản lý và phân phối quỹ xăng dầu bán lẻ này một cách hợp lý cho các địa phương và theo từng thời gian để bán ra một cách đều đặn cho người tiêu dùng.

e) Giá bán lẻ xăng dầu:

- Giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở giá bán buôn cộng thêm thặng số hợp lý, được thị trường chấp nhận và có tác dụng điều tiết quan hệ cung cầu. Bộ uỷ quyền cho Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu công bố giá bán lẻ xăng dầu sau khi được Bộ và Uỷ ban Vật giá Nhà nước duyệt mức giá.

- Công ty Dầu lửa trình Bộ mức điều chỉnh giá bán lẻ dầu lửa tương ứng với giá bán lẻ xăng dầu trong từng thời gian. Sau khi trao đổi với các cơ quan có liên quan, Bộ sẽ quyết định mức giá bán lẻ thi hành thống nhất trong cả nước.

3. Tổ chức tốt việc bán các loại chất đốt cho dân cư.

Để hạn chế việc dùng điện và dầu hoả làm chất đốt (tốn kém ngoại tệ) cần tổ chức tốt việc bán than mỏ. Khuyến khích nhân dân dùng than thay điện và dầu hoả.

Các tổ chức thương nghiệp quốc doanh địa phương được phân công nhiệm vụ cung ứng chất đốt cho nhu cầu tiêu dùng cần mở rộng mạng lưới và tổ chức thật tốt việc bán than mỏ cho nhân dân. Nghiên cứu chế biến các loại chất đốt như than tổ ong, than quả bàng... bảo đảm tiện dùng và có hiệu suất toả nhiệt cao, chế tạo các loại bếp dùng than, bảo đảm dễ sử dụng, an toàn và ít tốn kém để khuyến khích dân mua sắm sử dụng.

Cần cải tiến kinh doanh, chống hư hao mất mát trong quá trình vận chuyển, bảo quản để giá bán lẻ than chất đốt rẻ hơn dùng điện và dầu lửa.

4. Tăng cường quản lý thị trường xăng dầu.

Ban quản lý thị trường các cấp, các Sở Thương nghiệp, Phòng Thương nghiệp cần phối hợp, tăng cường quản lý thị trường xăng dầu, tổ chức kiểm tra, kiểm soát các tổ chức và cá nhân kinh doanh xăng dầu trái phép đưới mọi hình thức. Kiểm tra nguồn cung ứng xăng dầu từ đâu, người kinh doanh có giấy phép hợp lệ không, các điều kiện kinh doanh có bảo đảm quy định không, kiểm tra về thực hiện giá bán lẻ và các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, buôn bán xăng dầu trái phép.

Trong quý IV năm 1990 tổ chức các đợt truy quét để dẹp bỏ những tổ chức và cá nhân buôn bán xăng dầu trái phép (có kế hoạch riêng, phối hợp với Ban Quản lý thị trường, Ban Đặc nhiệm và Bộ Nội vụ để tiến hành).

Hiện nay tình trạng ăn cắp xăng dầu xẩy ra phổ biến và nghiêm trọng ở các khâu vận chuyển, bảo quản, đục khoét đường ống.

Bộ giao cho Vụ Quản lý hành chính thương nghiệp cùng Tổng công ty Xăng dầu và Công ty Dầu lửa trung ương vạch kế hoạch và biện pháp ngăn chặn tình trạng này, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, lực lượng quản lý thị trường, tổ chức điều tra phát hiện, truy quét và xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân ăn cắp xăng dầu và tiêu thụ xăng dầu ăn cắp của Nhà nước.

Theo chức năng và nhiệm vụ đã được phân công, Bộ yêu cầu các đồng chí Tổng Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu, Giám đốc Công ty Dầu lửa trung ương, Giám đốc Sở Thương nghiệp các tỉnh, thành phố, đặc khu cần nghiên cứu kỹ 2 chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ.

 

Hoàng Minh Thắng

(Đã ký)