cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 01-TAND/TT ngày 16/01/1989 Thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01-TAND/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Ngày ban hành: 16-01-1989
  • Ngày có hiệu lực: 01-02-1989
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Văn bản này đã hết hiệu lực.

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-TAND/TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 1989 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Để kịp thời thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong khi chờ Thông tư liên ngành và ý kiến của Hội đồng Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp thi hành ngay một số quy định sau đây:

1- Việc gia hạn thời hạn xét xử và thời hạn tạm giam đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1-1-1989.

a) Đối với các vụ án mà đến ngày 1-1-1989 đã hết hoặc sắp hết thời hạn chuẩn bị xét xử hoặc thời hạn xét xử theo quy định của các điều 151, 215, 252, 267 Bộ luật tố tụng hình sự, thì các Tòa án được phép gia hạn thêm một thời gian và phải giải quyết các vụ án đó trong các thời hạn như sau:

- Các Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 45 ngày (tức là trước ngày 16-2-1989).

- Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm trong thời hạn 3 tháng (tức là trước ngày 1-4-1989); phải xét xử phúc thẩm trong thời hạn 2 tháng (tức là trước ngày 1-3-1989) và phải xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong thời hạn 3 tháng (tức là trước ngày 1-4-1989).

- Các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải xét xử phúc thẩm trong thời hạn 3 tháng (tức là trước ngày 1-4-1989).

- Tòa án quân sự cấp cao xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm trong thời hạn 3 tháng (tức là trước ngày 1-4-1989).

b) Đối với các bị cáo trong các vụ án đã được phép gia hạn thêm nói trên mà đang bị tạm giam thì thời hạn tạm giam theo quy định tại điều 152 Bộ luật tố tụng hình sự tính từ ngày Tòa án nhận hồ sơ vụ án.

Do đó:

- Đối với các vụ án mà Tòa án cấp huyện đã thụ lý trong năm 1988, nếu bị cáo đã bị tạm giam quá 75 ngày thì phải trả tự do ngay cho bị cáo hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

- Đối với các vụ án mà Tòa án cấp tỉnh trở lên thụ lý trong năm 1988, nếu bị cáo đã bị tạm giam quá 4 tháng thì nói chung cũng phải trả tự do ngay cho bị cáo hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Riêng đối với những phần tử nguy hiểm như những tên phạm tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, cướp… thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên được gia hạn tạm giam thêm cho đến ngày xét xử.

2- Đối với các vụ án đã xét xử xong, Tòa án phải đánh máy và giao bản sao bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án theo đúng quy định tại điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự.

3- Khi giải thích quyền kháng cáo của bị cáo, Tòa án cần nói rõ là trong hạn luật định bị cáo phải nộp đơn kháng cáo tại Tòa án cấp sơ thẩm, nhưng cũng có thể gửi thêm đơn kháng cáo cho Tòa án cấp trên.

Tòa án cấp phúc thẩm khi nhận được đơn kháng cáo của bị cáo cần báo ngay cho Tòa án cấp sơ thẩm biết.

4- Trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp trên trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị (theo quy định tại khoản 2 điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự).

5- Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời hạn xét xử phúc thẩm rất ngắn (của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu là 30 ngày, của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự cấp cao là 60 ngày), cho nên để tránh tình trạng phải hoãn phiên tòa vì không dẫn giải được bị cáo đến phiên tòa, Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Bộ Nội vụ chỉ thị cho Công an các địa phương như sau: Đối với những bị cáo đang bị tạm giam và bị Tòa án cấp sơ thẩm phạt tù mà có kháng cáo hoặc kháng nghị đối với bản án sơ thẩm thì chưa đưa họ đi các trại cải tạo ở ngoài địa phương. Vì vậy, khi bản án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị, Tòa án cấp sơ thẩm cần thông báo ngay cho cơ quan Công an để giữ bị cáo lại trại giam địa phương để bảo đảm cho việc xử phúc thẩm, nhất là những vụ án do Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm.

Trong khi thi hành Thông tư này, nếu gặp khó khăn vướng mắc gì, các Tòa án cần báo cáo gấp về Tòa án nhân dân tối cao để hướng dẫn bổ sung.