Thông tư số 3007-TTLB/VH/HQ ngày 26/10/1985 Về việc phối hợp kiểm tra và quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm do Bộ Văn hóa-Tổng cục Hải quan ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 3007-TTLB/VH/HQ
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Văn hoá, Tổng cục Hải quan
- Ngày ban hành: 26-10-1985
- Ngày có hiệu lực: 26-10-1985
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ VĂN HÓA-TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3007-TTLB/VH/HQ | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1985 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC PHỐI HỢP KIỂM TRA VÀ QUẢN LÝ XUẤT NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM
Căn cứ Nghị định số 100-CP ngày 01-6-1966 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm;
Căn cứ Nghị định số 139-HĐBT ngày 20-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cục Hải quan;
Căn cứ Điều lệ Hải quan do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 03-CP ngày 27-02-1960;
Liên Bộ Văn hóa – Tổng cục Hải quan ra thông tư này để phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của hai ngành trong việc phối hợp kiểm tra và quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, quy định một số thể lệ xuất nhập khẩu văn hóa phẩm để các cơ quan, đoàn thể (kể cả các cơ quan nước ngoài) ở trung ương và các địa phương và cá nhân (kể cả người nước ngoài) có văn hóa phẩm xuất nhập khẩu thực hiện.
I. TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA NGÀNH VĂN HÓA VÀ NGÀNH HẢI QUAN TRONG VIỆC CHO PHÉP XUẤT, NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM
1. Ngành văn hóa:
Căn cứ Nghị định số 100-CP ngày 01-06-1966 của Hội đồng Chính phủ, ngành văn hóa có trách nhiệm thống nhất tổ chức quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm. Cụ thể là:
- Ban hành các văn bản quy định danh mục văn hóa phẩm được phép và không được phép xuất nhập khẩu ;
- Nhanh chóng kiện toàn lực lượng để có đủ cán bộ có mặt thường xuyên ở các cửa khẩu, các trạm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, các bưu cục ngoại dịch để phối hợp với cán bộ hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra và quản lý văn hóa phẩm xuất nhập khẩu.
- Theo luật lệ hiện hành, cấp giấy phép xuất nhập khẩu những văn hóa phẩm không ghi trong kế hoạch xuất nhập khẩu của Nhà nước (trước đây thường gọi là văn hóa phẩm xuất nhập khẩu phi mậu dịch).
2. Ngành hải quan:
Căn cứ Nghị định số 139-HĐBT ngày 20-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng, ngành hải quan có trách nhiệm:
- Phối hợp cùng ngành văn hóa tại các cửa khẩu, các trạm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, các bưu cục ngoại dịch kiểm tra và quản lý văn hóa phẩm xuất nhập khẩu dưới các hình thức; mang theo người, không mang theo người, gửi trong bưu phẩm, bưu kiện hoặc gửi kèm với hàng hóa, hành lý khác.
- Chỉ cho xuất hay nhập các loại văn hóa phẩm theo đúng giấy phép của cơ quan văn hóa cấp (đối với văn hóa phẩm không ghi trong kế hoạch xuất nhập của Nhà nước) hoặc của Bộ Ngoại thương cấp (đối với văn hóa phẩm ghi trong kế hoạch xuất nhập của Nhà nước).
- Trong trường hợp văn hóa phẩm không phù hợp với giấy phép hợp lệ, hoặc vi phạm thể lệ xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, thì hải quan cửa khẩu không cho xuất hay nhập mà phải lập biên bản tạm giữ để chờ xử lý.
- Nếu ở cửa khẩu nào ngành văn hóa không có lực lượng thì hải quan thay thế hoàn toàn.
II. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC VẾ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA HAI NGÀNH
1. Trên cơ sở phối hợp giữa các ngành liên quan, công tác quản lý và kiểm tra văn hóa phẩm xuất nhập khẩu phải bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, phải phân biệt văn hóa phẩm được phép xuất nhập khẩu với văn hóa phẩm không được phép xuất nhập khẩu: văn hóa phẩm lành mạnh với văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, lạc hậu.
2. Để bảo đảm thực hiện được nguyên tắc chung, cần thực hiện những nguyên tắc cụ thể dưới đây:
- Mỗi ngành làm đúng chức năng Nhà nước đã giao cho ngành đó.
- Từng ngành xây dựng quy chế làm việc của mình, chủ động đề ra việc phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác ở cơ sở và các cấp trên.
- Tạo những điều kiện thuận lợi cho nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ.
- Trong quá trình tiến hành công tác, nếu có những ý kiến khác nhau thì bàn bạc tìm biện pháp giải quyết thích hợp. Trong trường hợp không đi đến nhất trí thì cán bộ của từng ngành phải báo cáo lên cấp trên của mình để xin ý kiến
III. MỘT SỐ THỂ LỆ XUẤT NHẬP KHẨU VĂN HÓA PHẨM
Các cơ quan, đoàn thể và cá nhân có văn hóa phẩm xuất nhập khẩu phải thực hiện những quy định sau đây:
1. Kê khai, kiểm tra, cấp giấy phép xuất nhập văn hóa phẩm.
a) Mọi văn hóa phẩm xuất hoặc nhập đều phải làm đầy đủ thủ tục hải quan tại các cửa khẩu (hoặc ở địa điểm của cơ quan Nhà nước không phải là cửa khẩu được cơ quan hải quan công nhận theo quy chế riêng của Tổng cục Hải quan).
b) Những văn hóa phẩm xuất khẩu mà theo quy định phải xin phép cơ quan văn hóa thì các cơ quan, đoàn thể, cá nhân có văn hóa phẩm xuất khẩu phải kê khai và xuất trình với cơ quan văn hóa. Sau khi kiểm tra và cấp giấy phép, cơ quan văn hóa tiến hành niêm phong những văn hóa phẩm được phép xuất khẩu để cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan. Khi tiến hành làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu, cán bộ hải quan vẫn có thể kiểm tra lại những gói văn hóa phẩm đã niêm phong nói trên theo chức năng của mình.
c) Đối với những văn hóa phẩm nhập khẩu theo quy định phải xin phép cơ quan văn hóa, mà không có giấy phép và những văn hóa phẩm chưa rõ nội dung, thì cán bộ Hải quan cùng với cán bộ văn hóa ở cửa khẩu kiểm tra. Nếu thấy cần tạm giữ để xem xét thì cùng lập biên bản để chuyển cho cán bộ văn hóa lưu giữ và chịu trách nhiệm trước người chủ có văn hóa phẩm nhập khẩu.
Trong trường hợp này, cán bộ văn hóa phải có giấy biên nhận trong đó ghi rõ địa điểm, ngày hẹn người có văn hóa phẩm đến để giải quyết.
Sau khi đã kiểm tra, xử lý cơ quan văn hóa thông báo bằng văn bản kết quả cụ thể các trường hợp với cơ quan Hải quan cấp tỉnh, thành phố, đặc khu.
d) Các cơ quan, đoàn thể, cá nhân (kể cả các cơ quan mà người nước ngoài) có văn hóa phẩm xuất nhập khẩu cần kiểm tra nội dung đều phải nộp lệ phí theo Quyết định số 558-VH/QĐ ngày 22-03-1985 của Bộ văn hóa.
2. Thủ tục hải quan.
Người có văn hóa phẩm xuất nhập khẩu mà theo quy định phải xin phép cơ quan Văn hóa phải:
a) Xuất trình giấy phép xuất nhập khẩu văn hóa phẩm với cơ quan Hải quan để được tiếp cấp giấy phép xuất nhập khẩu hàng phi mậu dịch.
b) Sau khi được cơ quan Hải quan cấp giấy phép, phải xuất trình với hải quan cửa khẩu.
c) Khai báo và xuất trình văn hóa phẩm xuất nhập khẩu để hải quan kiểm tra.
d) Chấp hành mọi quyết định xử lý của hải quan cửa khẩu như nộp thuế (nếu vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế), tịch thu văn hóa phẩm (nếu là loại văn hóa phẩm không được phép xuất nhập khẩu)v.v…
Đối với văn hóa phẩm được phép xuất nhập khẩu, khi xuất nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế, nếu đương sự không có đủ tiền nộp thuế thì không được xuất (nếu là văn hóa phẩm xuất), phải giữ để tái xuất (nếu là văn hóa phẩm nhập).
3. Xử lý các hành vi vi phạm thể lệ xuất nhập khẩu văn hóa phẩm và giải quyết tang vật phạm pháp.
a) Mọi hành vi vi phạm thể xuất nhập khẩu văn hóa phẩm đều bị xử lý theo Nghị định số 100-CP ngày 01-06-1966 của Hội đồng Chính phủ, Điều lệ Hải quan do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 03-CP ngày 27-02-1960 và pháp luật hiện hành.
b) Các hành vi vi phạm thể lệ xuất nhập khẩu văn hóa phẩm do cơ quan Hải quan phát hiện trong khi làm thủ tục tại cửa khẩu thì thuộc quyền xử lý của cơ quan Hải quan.
Đối với văn hóa phẩm xuất nhập khẩu phạm pháp tạm giữ để chờ xử lý thì do hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm bảo quản.
c) Các loại sách báo, tranh ảnh phản động, đồi trụy, do Hải quan cửa khẩu bắt giữ, sau khi ra quyết định tịch thu thì Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu gửi ngay về Tổng cục Hải quan, Bộ Văn hóa, Bộ Nội vụ mỗi thứ một bản kèm theo biên bản phạm pháp và quyết định xử lý tịch thu. (Nếu chỉ có một bản thì gửi về Tổng cục Hải quan để Tổng cục gửi cho Bộ Văn hóa hoặc cho Bộ Nội vụ tùy theo văn hóa phẩm có nội dung phản động hoặc đồi trụy như đã nói trong thông tư Liên Bộ Văn hóa – Nội vụ số 855-TT/LB ngày 12-04-1984).
Số còn lại phải tổ chức thiêu hủy ngay, có lập biên bản và có đại diện của các cơ quan công an, văn hóa cấp tỉnh, thành phố, đặc khu cùng ký.
d) Các loại phim chiếu bóng, băng ghi hình, băng cát sét có nội dung phản động, đồi trụy, do hải quan cửa khẩu bắt giữ phải niêm phong ngay. Sau khi ra quyết định xử lý tịch thu, thì Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu phải gửi ngay về Tổng cục Hải quan, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa mỗi thứ một bản kèm theo biên bản phạm pháp và quyết định xử lý tịch thu. (Nếu chỉ có một bản thì gửi về Tổng cục Hải quan để Tổng cục chuyển cho Bộ Văn hóa hoặc cho Bộ Nội vụ như đã nói ở điểm c để xử lý).
Trong khi chờ đợi ý kiến quyết định của Tổng cục Hải quan, Giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu phải bảo quản chu đáo, nghiêm cấm sử dụng dưới bất cứ hình thức nào, kể cả cho các cơ quan khác mượn.
đ) Các loại đồ cổ xuất khẩu trái phép sau khi lập biên bản phạm pháp, thì trong khi chờ xử lý, hải quan cửa khẩu chuyển giao ngay cho cơ quan văn hóa cấp tỉnh, thành phố, đặc khu bảo quản. Việc chuyển giao tang vật phạm pháp phải lập biên bản và niêm phong chu đáo.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Định kỳ hàng năm, thủ trưởng hai ngành Văn hóa, Hải quan ở trung ương và các địa phương có cửa khẩu họp một lần để kiểm điểm đánh giá công việc phối hợp và giải quyết những vấn đề do tình hình mới đặt ra.
2. Ở các cửa khẩu chưa có cán bộ văn hóa, cán bộ hải quan đảm nhiệm việc kiểm tra và quản lý văn hóa phẩm xuất nhập khẩu. Đối với văn hóa phẩm cần giữ lại để kiểm tra thì cán bộ hải quan lập biên bản và kịp thời thông báo cho cơ quan văn hóa địa phương cử người đến nhận và xử lý.
3. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Các quy định trước đây về quan hệ phối hợp giữa hai ngành Văn hóa và Hải quan trong việc kiểm tra và quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm trái với thông tư này đều bãi bỏ.
TỔNG CỤC TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |