Thông tư số 11-LĐ/TT ngày 18/09/1985 Hướng dẫn việc xếp bậc lương cho công nhân viên chức khu vực Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Lao động
- Ngày ban hành: 18-09-1985
- Ngày có hiệu lực: 01-09-1985
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-05-1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4990 ngày (13 năm 8 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-05-1999
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ LAO ĐỘNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 1985 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG HƯỚNG DẪN XẾP BẬC LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC KHU VỰC NHÀ NƯỚC SỐ 11-LĐ/TT NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 1985
Thi hành Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân viên chức thuộc khu vực Nhà nước.
Bộ Lao động hướng dẫn việc xếp bậc lương cho công nhân viên chức vào các thang lương, bảng lương như sau:
A/ ĐỐI TƯỢNG SẮP XẾP LƯƠNG MỚI
1- Công nhân, viên chức thuộc khu vực Nhà nước được sắp xếp vào các thang lương, bảng lương mới bao gồm:
a) Những người đã được tuyển dụng chính thức hiện đang làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến huyện, thị xã trong các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, kể cả bộ đội chuyển ngành đã hết 18 tháng, lao động hợp đồng hưởng các chế độ như công nhân viên chức tuyển dụng chính thức.
b) Những người đã được tuyển dụng chính thức đang đi học các trường, lớp văn hoá, chính trị, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; hoặc đang điều trị ở bệnh viện, trại điều dưỡng, đi tham quan, thực tập hay đang công tác ở ngoài nước.
c) Những người đã hết thời gian tập sự, thử việc được tuyển dụng chính thức.
2- Những người chưa được xếp lương mới bao gồm:
a) Những người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn hết việc thì nghỉ.
b) Những người làm việc theo hợp đồng đặc biệt trong các cơ quan xí nghiệp hoặc trả lương theo giá tiền công địa phương.
3- Những trường hợp khác:
a) Những người đang trong thời gian tập sự, thử việc chưa được xếp bậc thì được trả 95% mức lương của công nhân viên chức cùng trình độ đã được tuyển dụng chính thức.
b) Quân nhân chuyển ngành đang trong thời gian 18 tháng chưa xếp lại lương thì hưởng theo lương hoặc sinh hoạt phí mới của quân đội.
c) Những người bị đình chỉ công tác tạm thời cho hưởng 7% mức lương mới của công nhân viên chức cùng trình độ.
d) Những người bị tạm giam thì tạm thời cho hường 50% mức lương mới của công nhân viên chức cùng trình độ nghề nghiệp. Hết thời hạn tạm giam, tuỳ theo kết luận của cơ quan pháp luật mà xử lý theo quy định chung của Nhà nước.
đ) Đối với những người Việt Nam làm việc cho các cơ quan, các tổ chức, các liên doanh với nước ngoài đóng tại Việt Nam, sẽ có thông tư hướng dẫn riêng.
4- Đối tượng cán bộ xã, phường hưởng phụ cấp sinh hoạt phí sẽ do Ban tổ chức Chính phủ hướng dẫn riêng.
B- NGUYÊN TẮC SẮP XẾP BẬC LƯƠNG
Để quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời khuyến khích mọi người không ngừng trau dồi nghề nghiệp để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác, khi sắp xếp bậc lương cần nắm vững hai nguyên tắc sau:
1- Căn cứ để xếp lương cấp bậc cho công nhân và nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật hoặc tiểu chuẩn nghiệp vụ; đối với cán bộ quản lý xí nghiệp là chức vụ hiện giữ và hạng mới của xí nghiệp được xếp (tiêu chuẩn xếp hạng có thông tư hướng dẫn riêng); đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức sự nghiệp là chức vụ đang đảm nhiệm, các chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ.
2- Làm công việc gì; chức vụ gì thì xếp bậc và trả lương theo công việc ấy, chức vụ ấy, khi thay đổi công việc, thay đổi chức vụ thì hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới, không bảo lưu bậc lương cũ. Chỉ trong trường hợp có quyết định của cơ quan quản lý cấp trên cử về tăng cường cho cấp dưới thì mới được giữ nguyên lương cũ.
C- XẾP BẬC LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC
I- ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRỰC TIẾP SẢN XUẤT KINH DOANH
1- Đối với các ngành, nghề áp dụng các thang lương, bảng lương mới có số bậc bằng số bậc của thang lương, bảng lương cũ thì căn cứ vào bậc lương hiện tại của mỗi người, tạm thời xếp chuyển ngang cùng bậc, không kết hợp điều chỉnh bất hợp lý hoặc tiến bộ về nghề nghiệp. Việc điều chỉnh bất hợp lý hoặc sẽ được giải quyết sau qua kiểm tra, sát hạch lại theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật được bổ sung. Ví dụ: Công nhân khai thác than hầm lò hiện đang được xếp bậc 5 theo thang lương khai thác mỏ hầm lò 6 bậc cũ thì nay chuyển sang bậc 5 của thang lương khai thác mỏ hầm lò 6 bậc mới.
Những người hiện đã xếp bậc cao nhất của thang lương, bảng lương cũ, đang hưởng phụ cấp thợ đặc biệt giỏi, hoặc đã xếp vượt bậc cao nhất của thang lương mới, bảng lương mới và được hưởng phụ cấp vượt không theo quy định chung. Ví dụ: Công nhân nghề tiện đã xếp bậc 7 thang lương cơ khí 7 bậc cũ, đã được hưởng phụ cấp thợ đặc biệt giỏi thì xếp vào bậc 7 mới và được hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
2- Đối với các ngành, nghề áp dụng các thang lương, bảng lương mới có số bậc nhiều hơn hoặc ít hơn số bậc của thang lương, bảng lương cũ, thì dựa vào tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật hiện hành mà xếp lương và cũng theo nguyên tắc chuyển ngang cùng bậc, không được xếp lên bậc cao hơn so với bậc cũ. Ví dụ: Công nhân chăn nuôi ngành nông nghiệp áp dụng thang lương mới 6 bậc, thang lương cũ 5 bậc thì khi xếp chuyển ngang cùng bậc, cũng chỉ được xếp đến bậc 5.
Riêng với công nhân đã xếp bậc 5, là bậc cao nhất của thang lương cũ nếu có thời gian giữ bậc 5 được năm năm trở lên, hoặc đang hưởng phụ cấp thợ đặc biệt giỏi thì được xếp vào bậc 6 mới và nếu có đủ điều kiện còn được hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung. Ví dụ: một công nhân chăn nuôi đã được xếp bậc 5 và đang hưởng phụ cấp thợ đặc biệt giỏi thì được xếp vào bậc 6 của thang lương mới.
Với công nhân nấu ăn thang lương cũ 8 bậc, thang lương mới rút xuống còn 7 bậc, việc xếp bậc cũng theo nguyên tắc chuyển ngang bậc cũ sang bậc mới. Đối với những người đang xếp bậc 8 cũ hoặc những người đã xếp bậc vượt khung bậc 8, hay dang hưởng phụ cấp thợ đặc biệt giỏi thì cũng xếp vào bậc 7 mới và cho hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
3- Đối với công nhân các ngành hiện đang áp dụng bảng lương, nay chuyển sang áp dụng thang lương như: Bưu điện, thương nghiệp và dịch vụ; hoặc công nhân các ngành hiện đang áp dụng thang lương chuyển sang bảng lương như: sản xuất điện, lái tàu điện ... phải khẩn trương phân nhóm các chức danh nghề nghiệp, xây dựng lại tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, tiêu chuẩn nghiệp vụ để làm căn cứ xếp bậc cho công nhân. Trong khi chưa có tiêu chuẩn các bậc kỹ thuật mới, thì dựa vào tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật hiện hành, kết hợp với việc xem xét trình độ, năng lực thực tế của mỗi người để sắp xếp bậc lương theo nguyên tắc chuyển mức lương cũ sang mức lương mới tương ứng, không được vì việc chuyển từ thang lương sang bảng lương hoặc ngược lại mà đẩy bậc lương lên, gây khó khăn cho việc sắp xếp bậc lương, bố trí và sử dụng lao động sau này.
Việc xếp chuyển mức lương cũ sang mức lương mới tương ứng có nghĩa là lấy mức lương hiện hưởng (theo thang lương, bảng lương 1960) so sánh với nhóm mức lương tương ứng của viên chức chuyên môn ở khu vực hành chính sự nghiệp khi chuyển từ mức lương cũ sang mức lương mới tương ứng. Ví dụ: Một mậu dịch viên bán hàng mức lương theo bậc hiện nay là 58 đồng xấp xỉ với mức 56 đồng của viên chức chuyên môn hành chính. Mức lương 56 đồng được chuyển xếp sang mức lương mới 272 đồng/tháng. Tương ứng với mức lương 272 đồng, mậu dịch viên bán hàng được tạm xếp vào bậc 4 (273 đồng/tháng) theo thang lương 6 bậc mới.
4- Đối với một số trường hợp trước đây do nhiều nguyên nhân khác nhau mà xếp bậc lương cho công nhân vượt quá khung lương nghề hoặc vận dụng các mức lương khác để xếp lương, không căn cứ vào chức danh, trình độ nghề nghiệp, yêu cầu của sản xuất và thang lương, bảng lương đã quy định, gây nên chênh lệch quá đáng thì phải sắp xếp lại theo đúng khung bậc lương của thang lương, bảng lương mới theo nghề nghiệp đang làm. Trên cơ sở mức lương mới được xếp, nếu có đủ điều kiện, sẽ áp dụng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
5- Các trường hợp cấp bậc công nhân cao hơn cấp bậc công việc hoặc ngược lại cấp bậc công nhân thấp hơn cấp bậc công việc, đây là nhiệm vụ của tổ chức quản lý. Cần được xử lý theo hướng điều chỉnh lại lực lượng công nhân kỹ thuật hoặc đào tạo, bổ túc, nâng cao trình độ công nhân để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật sản xuất từng đơn vị, không thuộc phạm vi xếp bậc lương lần này.
II- XẾP BẬC LƯƠNG CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP.
Lần cải tiến này, tiền lương chức vụ của cán bộ quản lý xí nghiệp được sắp xếp lại theo 6 bảng lương và mỗi chức vụ trong cùng một hạng có 2 bậc lương (trước đây 3 bậc lương). Mặt khác, vì tình hình xếp lương cán bộ quản lý hiện nay trong các ngành, các đơn vị có nhiều trường hợp không đúng chức vụ, không tương ứng với hạng của xí nghiệp, hoặc xếp vượt khung một, hai lần. Vì vậy trước hết phải xếp hạng xí nghiệp cho đúng với vị trí của tổ chức sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó việc xếp bậc lương cần được giải quyết theo các trường hợp:
1- Trường hợp hạng mới của xí nghiệp bằng hạng cũ, hoặc cao hơn hạng cũ của xí nghiệp thì các chức vụ được xếp vào các bậc lương của bảng lương mới như sau:
a) Đang xếp mức lương bậc 1 hoặc bậc 2 của hạng xí nghiệp cũ, dược xếp bậc 1 của hạng xí nghiệp mới. Nếu có thời gian giữ bậc 2 cũ từ 3 năm trở lên mà trong thời gian đó luôn hoàn thành nhiệm vụ công tác thì được xếp vào bậc 2 mới.
b) Đang hưởng mức lương bậc 3 hạng cũ của xí nghiệp thì xếp vào bậc 2 hạng mới của xí nghiệp, nếu có thơi gian giữ bậc 3 cũ trên 5 năm, hoặc đã xếp bậc vượt khung thì sẽ được hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
2- Trường hợp hạng mới của xí nghiệp thấp hơn hạng cũ của xí nghiệp thì các chức vụ được xếp vào mức lương bậc 1 và 2 hạng mới của xí nghiệp cũng theo cách xếp bậc như các trường hợp tại điểm 1 mục II. Ngoài ra nếu có đủ điều kiện thì hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
3- Trường hợp cán bộ quản lý xí nghiệp hiện nay không xếp theo bảng lương cán bộ quản lý xí nghiệp mà xếp theo bảng lương chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và các bảng lương khác hoặc do xí nghiệp chưa được xếp hạng thì nay phải xếp vào các mức lương chức vụ cán bộ quản lý xí nghiệp theo hạng mới của xí nghiệp được xếp. Ngoài ra, nếu có đủ điều kiện thì hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
4- Trường hợp trước đây do nhiều nguyên nhân khác nhau mà mức lương của cán bộ quản lý xí nghiệp cao hơn nhiều so với vị trí của tổ chức xí nghiệp và phạm vi trách nhiệm hiện giữ, thì nay phải xếp lại đúng theo hạng mới của xí nghiệp được xác định. Ví dụ: Giám đốc xí nghiệp hưởng lương cũ 150 đồng, 160 đồng (lương mới 550 - 559đ), cá biệt có người 170 dồng(lương mới 644 đồng) nhưng hạng mới của xí nghiệp chỉ bằng hạng 3 xí nghiệp cơ khí 438 đồng - 474 đồng thì xếp vào hạng 3. Đây là vấn đề phức tạp nói chung không thể giải quyết bằng việc sắp xếp lại bậc lương mà phải giải quyết về mặt tổ chức và nhân sự để sử dụng hợp lý khả năng và trình độ cán bộ. Trường hợp cán bộ do cấp trên có quyết định cử về tăng cường cho cấp dưới thì được giữ nguyên lương.
III- XẾP BẬC LƯƠNG CHO CÁN BỘ, VIÊN CHỨC CÁC TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP VÀ CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC.
1- Đối với cán bộ quản lý các tổ chức sự nghiệp thuộc các ngành nghiên cứu khoa học, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, nghệ thuật, phát thanh, truyền hình, khí tượng, thuỷ văn v,v... sau khi có tiêu chuẩn phân hạng được Bộ Lao động thảo thuận, Bộ chủ quản, Uỷ ban nhân dân thành phố tỉnh, đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định xếp hạng cho các đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở hạng mới của tổ chức được xếp tiến hành xếp bậc lương cũ sang bậc lương mới tương ứng của khung lương mới theo các bảng lương D.
2- Đối với cán bộ viên chức làm công tác khoa học, kỹ thuật, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, pháp chế, quan hệ quốc tế và viên chức thực hành kỹ thuật, nghiệp vụ trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức sự nghiệp và trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh áp dụng theo bảng lương D thì xếp lương được tiến hành theo các trường hợp cụ thể.
a) Các đơn vị đã xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn nghiệp vụ, theo các chức vụ của bảng lương mới, thì căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ để tiến hành xếp bậc lương. Nói chung xếp chuyển ngang từ bậc cũ sang bậc lương mới tương ứng, nếu trình độ và khả năng của cán bộ đạt được tiêu chuẩn nghiệp vụ của chức vụ nghiệp vụ hiện giữ thì xếp vào chức vụ của cấp trình độ thấp hơn. Trong trường hợp này được xếp vào bậc cao nhất của cấp trình độ dưới và nếu có đủ điều kiện sẽ được hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
Ví dụ: Một phóng viên đang hưởng mức lương 119 đồng, nếu đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ của phóng viên cấp 2, được xếp vào bậc 3 mới (425 đồng), nếu không đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ của phóng viên cấp 2, thì xếp vào bậc 6 của phóng viên cấp I (350đồng) và nếu đủ điều kiện sẽ hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
b) Những đơn vị chưa xây dựng và thực hiện được tiêu chuẩn nghiệp vụ theo các chức vụ của bảng lương mới, thì căn cứ vào trình độ và năng lực thực tế của mỗi cán bộ mà tạm thời xếp chuyển ngang bậc lương cũ sang bậc lương mới tương ứng, hoặc có thể điều chỉnh cho phù hợp với tương quan chung về trình độ và năng lực cán bộ trong nội bộ đơn vị. Tuy nhiên, không được vì chưa có tiêu chuẩn nghiệp vụ mà xếp bậc lương mới cao hơn không phù hợp với năng lực và trình độ của cán bộ, gây trở ngại cho việc xếp bậc và sắp xếp cán bộ sau này. Sau đó, các Bộ, các địa phương cần khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ cho các chức vụ để tiến hành xếp bậc lương cho đúng đắn.
3- Đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp huyện áp dụng bảng lương E.
a) Nếu chức vụ mà khung lương mới có số bậc bằng số bậc của khung lương cũ, thì căn cứ vào bậc lương hiện tại của mỗi người để xếp chuyển ngang cùng bậc tương ứng.
b) Nếu chức vụ mà khung lương mới có số bậc nhiều hơn số bậc của khung lương cũ (như Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh v,v...) thì xếp bậc lương cũng theo nguyên tắc xếp chuyển ngang cùng bậc tương ứng. Bậc 1 và bậc 2 cũ xếp vào bậc 1 mới, nếu có thời gian giữ bậc 2 cũ trên 3 năm mà trong thời gian đó luôn hoàn thành nhiệm vụ công tác, được xếp vào bậc 2 mới. Đối với cán bộ giữ trách nhiệm nặng hơn như Phó Chủ tịch thường trực được xếp vào bậc 3 mới (bậc cao nhất của khung lương chức vụ. Ví dụ: Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xếp mức 718 đồng, Phó Chủ tịch thường trực thành phố Hải Phòng và các tỉnh xếp mức 644 đồng.
c) Nếu chức vụ mà khung lương mới có số bậc ít hơn số bậc của khung lương cũ, nhưng các bậc lương của khung lương mới được điều chỉnh cao hơn so với tương quan chung để phù hợp với vị trí mới của tổ chức, thì xếp bậc lương như sau:
- Các bậc lương của khung lương cũ xếp vào bậc 1 của khung lương mới, nhưng nếu có thời gian giữ bậc tối đa của khung lương cũ trên 3 năm mà trong thời gian đó luôn hoàn thành nhiệm vụ công tác thì được xếp vào bậc 2 mới.
- Vượt khung cũ lần thứ nhất xếp vào bậc 2 mới, vượt khung cũ lần thứ 2 xếp vào bậc 3 mới và nếu có đủ điều kiện sẽ hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
Ví dụ: Giám đốc Sở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nếu đang hưởng các mức lương từ 140 đồng trở xuống thì xếp vào bậc 1 của khung lương mới, nếu có thời gian hưởng mức lương 140 đồng trên 3 năm mà trong thời gian đó luôn hoàn thành nhiệm vụ thì được xếp vào bậc 2 mới. Nếu đang hưởng vượt khung lần thứ nhất (150 đồng) xếp vào bậc 2 mới. Nếu đang hưởng vượt khung lần thứ 2 (160 đồng) thì xếp vào bậc 3 mới và nếu có đủ điều kiện còn được hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
d) Nếu chức vụ mà khung lương mới có số bậc ít hơn số bậc của khung lương cũ (như Vụ trởng, Phó vụ trưởng, trưởng phòng v.v..) thì xếp bậc lương như sau:
- Đang hưởng lương bậc 1 và bậc 2 cũ xếp vào bậc 1 mới, nếu có thời gian giữ bậc 2 cũ trên 3 năm mà thời gian đó luôn hoàn thành nhiệm vụ công tác thì xếp vào bậc 2 mới.
- Đang hưởng bậc 3 cũ xếp vào bậc 2 mới, nếu có thời gian giữ bậc 3 cũ trên 3 năm trở lên mà trong thời gian đó luôn hoàn thành nhiệm vụ thì được xếp vào bậc 3 mới.
- Đang hưởng bậc 4 cũ hoặc đang hưởng các mức lương vượt khung thì xếp vào bậc 3 mới và nếu có đủ điều kiện sẽ hưởng phụ cấp vượt khung theo quy định chung.
4- Trường hợp trước đây, do nhiều lý do khác nhau một số chức vụ cán bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức sự nghiệp hiện nay không xếp theo bậc lương cán bộ lãnh đạo, mà xếp theo bảng lương chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ và các bảng lương khác, hoặc dùng các bậc lương của chức vụ lãnh đạo cấp cao hơn xếp cho các chức vụ lãnh đạo cấp thấp hơn thì nay phải xếp vào các bậc lương chức vụ lãnh đạo theo đúng vị trí và phạm vi trách nhiệm của họ theo các trường hợp đã nêu trên. Mặt khác phải sắp xếp, điều chỉnh về nhân sự cho hợp lý để sử dụng đúng khả năng và trình độ cán bộ. Trường hợp cán bộ do cấp trên có quyết định cử về tăng cường cho cấp dưới thì được giữ nguyên lương.
5- Từ 1-9-1985 trở đi công nhân viên chức mới được tuyển dụng chính thức vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước được xếp lương theo các chức vụ, nghề nghiệp đảm nhận và theo quy định sau:
a) Học sinh tốt nghiệp các trường đào tạo chính quy, sau khi hết thời gian tập sự được xếp vào bậc lương khởi điểm của ngành nghề đào tạo.
b) Đối với nhân viên làm công việc giản đơn không phải qua đào tạo hoặc qua đào tạo ngắn ngày thì xếp vào bậc lương 220 đồng hoặc bậc lương 230 đồng tuỳ theo tính chất công việc.
D- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám (khoá V) về giá - lương - tiền, việc cải tiến chế độ tiền lương lần này mới làm một bước nhưng có ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng. Với chế độ lương mới, tiền lương trở thành đòn bẩy kinh tế quan trọng để quản lý lao động và quản lý kinh tế tài chính, khuyến khích người lao động, nâng cao nhiệt tình lao động, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Tạo ra sự nhất trí cao bảo đảm việc thực hiện thống nhất và có hiệu quả các chủ trương chính sách về tiền lương của Đảng và Nhà nước và tạo ra khí thế mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất và từng bước ổn định, cải thiện đời sống của công nhân viên chức. Các Bộ, các địa phương cần thực hiện tốt những việc sau đây:
1- Các Bộ, các ngành, các địa phương, các đơn vị xí nghiệp cơ quan cần làm thông suốt trong công nhân viên chức các văn bản của Trung ương Đảng, của Hội đồng bộ trưởng và các thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động. Làm cho mọi người hiểu rõ tình hình kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã thực hiện chế độ tiền lương mới là một cố gắng to lớn, để thực hiện sự quan tâm săn sóc của Đảng và Nhà nước đến đời sống vật chất và văn hoá của người lao động. Chế độ lương được cải tiến một bước, có cải thiện so với hiện nay, nhưng mức lương và mức chênh lệch thật là vừa phải, có phần còn chật hẹp, từ đó, mỗi người cần tự giác chấp hành tốt kỷ luật lao động, kỷ luật công tác, phát huy quyền làm chủ tập thể, phát huy hết khả năng lao động sáng tạo của mình để không ngừng nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu suất công tác. Tạo ra khí thế mới, phong trào mới thi đua lao động xã hội chủ nghĩa để đưa nền sản xuất xã hội lên một bước phát triển mới. Trên cơ sở đó ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của mọi người.
Mặt khác, để chế độ tiền lương mới thực sự trở thành một động lực đối với sản xuất và đời sống, quán triệt hơn nữa nguyên tắc phân phối theo lao động, lãnh đạo các Bộ, các ngành, các địa phương cần tổ chức chấp hành nghiêm túc chế độ tiền lương mới.
2- Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ tiền lương mới trong toàn ngành, toàn tỉnh, thành phố của mình, hướng dẫn kiểm tra, xác định quỹ tiền lương theo chế độ mới cho các đơn vị thuộc Bộ hoặc địa phương, báo cáo và bàn bạc với Bộ Lao động và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước về kế hoạch quỹ tiền lương mới của 4 tháng cuối năm 1985 và cả năm 1985.
Về việc sắp xếp bậc lương cho công nhân viên chức, thì phải căn cứ vào các tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng chức danh, vào phân hạng xí nghiệp, phân loại tổ chức mà tiến hành sắp xếp bậc lương cho từng công nhân viên chức cho đúng, thể hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, theo đúng tài, đức và cống hiến của từng người. Bảo đảm các nguyên tắc, các chính sách và chế độ tiền lương. Bảo đảm sự công bằng, hợp lý, không tuỳ tiện hạ thấp tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, hoặc tiêu chuẩn nghiệp vụ, tuỳ tiện sắp xếp vào các mức lương cao hơn mức lương đang hưởng v.v... Bảo đảm quan hệ đúng đắn giữa các cán bộ nhân viên, tăng cường kỷ luật lao động, tăng cường sự đoàn kết, phấn khởi và củng cố lòng tin của mọi người, nâng cao nhiệt tình trong lao động và công tác.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần nắm vững tình hình lao động và tiền lương trong cơ quan, đơn vị, cơ cấu lao động trình độ và năng lực của cán bộ, công nhân, vận dụng đúng đắn chính sách và chế độ lương mới, theo dõi phân tích sự chuyển biến về tiền lương của công nhân viên chức và tổng tiền quỹ tiền lương mới của đơn vị.
Trách nhiệm hạch toán kinh tế của xí nghiệp với quỹ lương đầy đủ cùng với chi phí đầy đủ hơn về vật tư, nguyên liệu, năng lượng v.v... cần được bảo đảm, nâng cao tự chủ và chủ động của xí nghiệp đối với tổ chức lao động và quản lý lao động ở xí nghiệp mình, quan tâm, đúng mức đến công tác định mức lao động và áp dụng các định mức lao động tiên tiến, đơn giá đúng đắn, hạch toán chặt chẽ và kiểm tra kết quả lao động và thu nhập của từng người, từng ngày, khuyến khích bằng tiền lương, tiền thưởng một cách đúng mức, đi đôi với nâng cao trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể của tất cả mọi người, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả toàn xí nghiệp.
3- Sở Lao động các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham mưu trực tiếp giúp Uỷ ban nhân dân các cấp hướng dẫn thi hành Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng và các thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và các ngành; các cơ quan hành chính sự nghiệp, theo dõi và kiểm tra việc xếp hạng xí nghiệp, phân loại tổ chức và sắp xếp bậc lương mới cho công nhân viên chức các đơn vị thuộc địa phương, đồng thời cùng với Uỷ ban Kế hoạch địa phương và Giám đốc các Sở chủ quản xác định quỹ lương mới cho các đơn vị thuộc địa phương mình.
Thủ trưởng các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các ngành, các cơ quan hành chính sự nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện chế độ lương mới trong đơn vị mình. Cần thành lập Hội đồng xếp lương do thủ trưởng đơn vị làm Chủ tịch và các Uỷ viên: Bí thư Đảng uỷ, Thư ký công đoàn và Bí thư Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ của Hội đồng là định ra các phân ban xếp lương cho các đơn vị nội bộ để cán bộ lãnh đạo cơ sở và mọi công nhân viên chức có thể tham gia thực sự bàn bạc dân chủ trong việc sắp xếp bậc lương sát đúng với thực tế khách quan của đơn vị; đồng thời Hội đồng phải tiến hành rà soát lại tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, tiêu chuẩn phân hạng xí nghiệp, phân loại tổ chức, trình độ, năng lực và bậc lương của từng công nhan viên chức. Từ đó tiến hành sắp xếp bậc lương mới cho mỗi công nhân viên chức phù hợp với trình độ, năng lực, ngành, nghề, chức vụ và các thang lương, bảng lương mới trên tinh thần nghiêm túc, chặt chẽ.
Cùng với việc làm trên đây, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các ngành, các cơ quan hành chính sự nghiệp cần tiến hành tổ chức sắp xếp lại sản xuất, công tác, xác định rõ chức năng nhiệm vụ biên chế tổ chức trong từng ngành, từng địa phương và từng cơ sở. Đặc biệt đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, từ nay trở đi quỹ tiền lương là phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị. Do đó, lãnh đạo các Bộ, các ngành, các cấp, các đơn vị phải gắn liền tổ chức trả lương với tổ chức sắp xếp lại sản xuất, tổ chức lao động hợp lý, áp dụng các định mức lao động có căn cứ, khoa học và vận dụng có hiệu quả các hình thức và chế độ trả lương. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp cần khẩn trương xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức để tạo ra chất lượng mới trong đội ngũ cán bộ và phát huy hết trách nhiệm của họ.
4- Sau khi sắp xếp bậc lương cho công nhân viên chức, các Bộ, các ngành các địa phương cần kịp thời gửi báo cáo kết quả việc xếp bậc lương cho công nhân viên chức theo biểu mẫu hướng dẫn và sơ kết đánh giá việc thực hiện chế độ lương mới của đơn vị lên cấp trên đồng thời báo cáo những tồn tại qua việc sắp xếp lương mới, đề ra phương hướng bổ khuyết.
5- Để làm cho tiền lương phát huy được tác dụng trong sản xuất và đời sống xã hội, Uỷ ban nhân dân các cấp, các ngành quản lý sản xuất, các cơ quan phân phối lưu thông từng đại phơng cần ra sức phát triển sản xuất để tạo ra quỹ hàng hoá tương ứng với quỹ tiền lương mới, đi đôi với mở rộng mạng lưới thương nghiệp và dịch vụ xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý và từng bước ổn định thị trường, giá cả để bảo đảm tiền lương thực tế của công nhân viên chức. Cùng với việc làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, quan điểm lợi ích giai cấp công nhân, lợi ích Nhà nước, lợi ích lâu dài và lợi ích hợp lý của tập thể và cá nhân người lao động trong điều kiện kinh tế xã hội chính trị của đất nước hiện nay, tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1985.
6- Trong tháng 10 năm 1985, tất cả các Bộ, các ngành, các địa phương và các đơn vị cơ sở phải hoàn thành việc sắp xếp bậc lương để trả lương mới cho công nhân viên chức và được truy lĩnh lương mới tháng 9. Nếu đầu tháng 10, quỹ lương của cơ quan, đơn vị chưa được thông báo chính thức, thì lương kỳ 1 tháng 10 được tạm ứng bằng 40%, quỹ lương mới để trả lương mới cho công nhân viên chức.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 1985, những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương phản ánh về Bộ Lao động để nghiên cứu giải quyết.
| Đào Thiện Thi (Đã ký) |