Thông tư số 05-BNT/TT ngày 12/03/1985 Hướng dẫn thi hành Quyết định 4-HĐBT-1985 về chính sách thu mua lợn thịt, trâu bò thịt do Bộ nội thương ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 05-BNT/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Nội thương
- Ngày ban hành: 12-03-1985
- Ngày có hiệu lực: 27-03-1985
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-05-2000
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5519 ngày (15 năm 1 tháng 14 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 06-05-2000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ NỘI THƯƠNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05-BNT/TT | Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 1985 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ NỘI THƯƠNG SỐ05-BNT/TT NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 4-HĐBT NGÀY 8 THÁNG 1 NĂM 1985 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ CHÍNH SÁCH THU MUA LỢN THỊT, TRÂU BÒ THỊT
Ngày 8 tháng 1 năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 4-HĐBT về chính sách thu mua lợn thịt, trâu bò thịt của kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và gia đình. Bộ hướng dẫn việc thực hiện Quyết định trên như sau:
I. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU MUA,TẬP TRUNG NGUỒN HÀNG VÀO TAY NHÀ NƯỚC
Thịt là thực phẩm quan trọng. Nhu cầu tiêu dùng về thịt mỗi năm một tăng. Sản xuất hiện nay mới đạt hơn 9 kilôgam thịt lợn hơi bình quân đầu người trong năm là mức còn rất thấp.
Hội đồng Bộ trưởng quyết định bãi bỏ việc giao mức nghĩa vụ bán lợn thịt theo giá nghĩa vụ và thi hành thống nhất trong cả nước phương thức mua lợn thịt và trâu bò thịt theo giá ổn định qua hợp đồng kinh tế hai chiều và mua theo giá thoả thuận là nhằm mục đích:
- Khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò trong tất cả các thành phần kinh tế, nhanh chóng đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng về thịt của nhân dân và xuất khẩu, tăng thêm nguồn phân bón để thâm canh, tăng năng suất cây trồng.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa nắm được tuyệt đại bộ phận sản lượng thịt hàng hoá, đưa vào lưu thông có tổ chức, vừa đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang, vừa mở rộng kinh doanh để phục vụ ngày một tốt hơn các nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Thực hiện chủ trương của Nhà nước thống nhất quản lý và kinh doanh thịt lợn và thịt trâu bò.
Trên cơ sở kế hoạch phát triển chăn nuôi lợn và trâu bò hàng năm, Hội đồng Bộ trưởng giao cho tỉnh, thành phố, đặc khu chỉ tiêu thu mua, phân phối và điều động lợn thịt, trâu bò thịt. Trong đó chỉ tiêu điều động hàng hoá và chỉ tiêu cung ứng vật tư, hàng hóa theo hợp đồng hai chiều (nếu có) là chỉ tiêu pháp lệnh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước , vào tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tại địa phương để giao các chỉ tiêu nói trên cho từng huyện, quận, thị xã.
Uỷ ban nhân dân huyện, quận giao chỉ tiêu cho các xã, phường.
Việc giao chỉ tiêu kế hoạch thu mua và điều động phải quán triệt và thể hiện đầy đủ các yêu cầu:
- Trên cơ sở sản lượng thịt xuất chuồng hàng năm, ngoài sản phẩm người chăn nuôi để lại tự tiêu dùng với mức hợp lý, thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán phải tổ chức mua hết sản lượng thịt hàng hoá để đưa vào lưu thông có tổ chức. Không cho phép tư nhân kinh doanh lợn thịt và trâu bò cũng như da trâu, bò, lợn.
- Bảo đảm chỉ tiêu điều động sản phẩm cho tỉnh, thành phố và Trung ương theo kế hoạch được phân bổ. Ở địa bàn nông thôn, có sẵn các nguồn thực phẩm khác thì hết sức tiết kiệm tiêu dùng thịt để có thêm nguồn hàng cung ứng cho các nhu cầu của các đô thị và khu công nghiệp tập trung.
- Ngoài việc bảo đảm cung cấp cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng khác theo tiêu chuẩn và chế độ hiện hành, thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán phải mở rộng kinh doanh thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu tiêu dùng của nhân dân để làm chủ thị trường, ổn định giá cả.
II. CHÍNH SÁCH VÀ PHƯƠNG THỨC THU MUA
1. Đối với sản phẩm của kinh tế quốc doanh.
- Các cơ sở kinh tế quốc doanh được Nhà nước giao nhiệm vụ và kế hoạch chăn nuôi phải giao nộp chỉ tiêu kế hoạch cho Nhà nước thông qua thương nghiệp quốc doanh theo giá bán buôn xí nghiệp được cấp có thẩm quyền xét duyệt như quy định tại Nghị định số 33-HĐBT ngày 27-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Phần sản phẩm giao vượt kế hoạch thì thương nghiệp quốc doanh mua theo giá thoả thuận.
- Đối với các nông trường, xí nghiệp quốc doanh không được Nhà nước giao kế hoạch chăn nuôi song có điều kiện về đất đai, về nguồn thức ăn và lao động để phát triển chăn nuôi thì hết sức khuyến khích các cơ sở đó tổ chức chăn nuôi, tạo thêm sản phẩm, góp phần giải quyết nguồn thực phẩm cung ứng tại chỗ. Thương nghiệp quốc doanh mua sản phẩm của các xí nghiệp nói trên theo giá thoả thuận.
Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thông báo cho Bộ Nội thương chỉ tiêu giao nộp sản phẩm chăn nuôi của các nông trường, xí nghiệp do các Bộ và các ngành Trung ương quản lý. Bộ Nội thương chỉ định các tổ chức thương nghiệp trực tiếp ký hợp đồng thu mua, tiếp nhận sản phẩm của từng nông trường, xí nghiệp.
Đối với các nông trường, xí nghiệp do tỉnh, thành phố quản lý thì Uỷ ban Kế hoạch tỉnh, thành phố thông báo chỉ tiêu giao nộp sản phẩm của từng cơ sở cho Sở thương nghiệp, Sở thương nghiệp chỉ định các tổ chức thương nghiệp trực tiếp ký kết hợp đồng thu mua, tiếp nhận sản phẩm với từng cơ sở sản xuất đó.
Đối với nông trường, xí nghiệp do huyện quản lý thì Uỷ ban nhân dân huyện giao chỉ tiêu để công ty thương nghiệp huyện ký hợp đồng thu mua, tiếp nhận sản phẩm.
2. Đối với sản phẩm của kinh tế tập thể.
Đối với lợn thịt, trâu bò thịt của các cơ sở chăn nuôi tập thể, thương nghiệp quốc doanh thu mua theo hợp đồng hai chiều trên cơ sở cung ứng con giống, dịch vụ thú y, thức ăn gia súc, phân bón, xăng dầu, vật liệu xây dựng...
Những hợp tác xã nông nghiệp và tập đoàn sản xuất có dành đất trồng cỏ, trồng hoa màu và cây lương thực để tự giải quyết nguồn thức ăn gia súc, phục vụ phát triển chăn nuôi tập thể thì thông qua hợp đồng hai chiều, được Nhà nước cung ứng phân bón, xăng dầu (phục vụ việc bơm tưới nước hoặc chế biến thức ăn gia súc cho những nơi có nhu cầu mà không có mạng lưới điện).
Việc cung ứng phân bón, xăng dầu nhằm tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi khai thác đầy đủ tiềm năng của đất đai, giải quyết nhu cầu thức ăn đểt phát triển chăn nuôi tập thể. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định cụ thể mức cung ứng phân bón, xăng dầu, cho một đơn vị diện tích (trồng cây làm thức ăn gia súc) trong mối tương quan hợp lý với các loaị cây trồng khác, từ đó quy ra mức trao đổi tính theo đầu tấn sản phẩm.
Tuỳ theo điều kiện và đặc điểm sản xuất của từng địa phương, trong hợp đồng hai chiều, Nhà nước có thể cung ứng một phần nhu cầu về con giống hoặc cung ứng những con đực giống và nái nên có chất lượng cao để cơ sở chăn nuôi tự nhân giống; bán thuốc thú y hay tiến hành bảo hiểm thú y; bán một số vật liệu xây dựng và sửa chữa chuồng trại. Giá mua sản phẩm chăn nuôi và giá bán phân bón, xăng dầu, vật tư, con giống đều theo giá chỉ đạo Nhà nước.
3. Đối với sản phẩm của kinh tế gia đình.
Lợn thịt và trâu bò thịt của kinh tế gia đình (của nông dân, công nhân viên chức...) thì thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán mua theo giá thoả thuận. Trường hợp người chăn nuôi có yêu cầu và Nhà nước có khả năng cung ứng vật tư, hàng hoá thì mua theo hợp đồng hai chiều.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Nội thương định khung giá mua thoả thuận cho từng vùng, từng thời gian, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu quy định mức giá cụ thể trong phạm vi khung giá mua đã được chỉ đạo.
Đối với các thành phố và khu công nghiệp tập trung, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Uỷ ban nhân dân các cấp, thương nghiệp quốc doanh phải phối hợp chặt chẽ với các ngành nông nghiệp, lương thực... tổ chức tốt việc sản xuất và cung ứng con giống cho người chăn nuôi, sản xuất và cung ứng thức ăn gia súc để đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi ở các vành đai thực phẩm, tăng nguồn cung ứng tại chỗ, giảm bớt việc điều động từ xa đến.
Thông qua các hình thức như gia công chăn nuôi (Nhà nước cung ứng con giống, cung ứng thức ăn gia súc theo định mức và thu hồi sản phẩm) hoặc thông qua hợp đồng mua bán, gắn việc cung ứng thức ăn, con giống theo giá ổn định để mua lại sản phẩm của người chăn nuôi với giá ổn định.
Đối với miền núi, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc có thể dùng một số vật tư, hàng hoá để thu mua lợn thịt và trâu bò thịt thông qua hình thức trao đổi sản phẩm trực tiếp hoặc gắn việc bán hàng với việc tổ chức thu mua tại các phiên chợ hoặc ở những nơi thuận tiện.
III. ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẢI TẠO THƯƠNG NHÂN VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Trong Quyết định số 111-HĐBT ngày 25-8-1984 và Quyết định số 4-HĐBT ngày 8-1-1985, Hội đồng Bộ trưởng đã quy định Nhà nước giao cho thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán thu mua toàn bộ lợn thịt và trâu bò thịt, không cho phép tư nhân kinh doanh mặt hàng này. Nơi nào thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán chưa đảm nhiệm được toàn bộ việc kinh doanh lợn thịt và trâu bò thịt thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện có thể quyết định cấp giấy phép tạm thời cho thương nhân kinh doanh.
Người chăn nuôi nếu có nhu cầu tiêu dùng hợp lý, tự giết mổ lợn thịt hoặc trâu bò thịt thì phần sản phẩm còn thừa được phép bán cho người tiêu dùng ở chợ nông thôn, không phải nộp thuế kinh doanh công thương nghiệp, song phải nộp thuế sát sinh và tuân thủ các quy định của Nhà nước về kiểm dịch thực phẩm.
Hợp tác xã mua bán xã nhận uỷ thác mua lợn và trâu bò cho thương nghiệp quốc doanh, đồng thời tổ chức kinh doanh thịt ở xã, ấp. Việc giết mổ và bán thịt theo giá kinh doanh thương nghiệp ở xã cần có sự chỉ đạo cụ thể của Uỷ ban nhân dâu huyện. Có xã cần bán, có xã không cần; có xã bán hàng ngày, có xã chỉ bán ngày phiên chợ hay dịp lễ, tết, sao cho đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở nông thôn mà không bị lãng phí lực lượng.
Ở các đô thị, thương nghiệp quốc doanh chịu trách nhiệm chủ yếu về kinh doanh thịt (cả bán cung cấp và bán giá kinh doanh thương nghiệp). Hợp tác xã mua bán phường tiếp tay cho thương nghiệp quốc doanh, có thể làm đại lý bán hay tự doanh theo sự phân công cụ thể của Sở Thương nghiệp.
Đối với thương nhân lái lợn và trâu bò cũng như thương nhân bán buôn, bán lẻ thịt thì giúp đỡ họ chuyển sang sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp hoặc chọn người tốt, có kỹ thuật làm hợp đồng sản xuất, chế biến, giết mổ, pha lọc, bán lẻ hoặc làm đại lý cho thương nghiệp quốc doanh.
Đối với những lò mổ của tư nhân thì chính quyền huyện, quận căn cứ vào tình hình cụ thể mà dùng biện pháp hợp doanh, mua lại hay trưng mua để quản lý sử dụng. Chủ lò mổ được lựa chọn, sư dụng và trả thù lao theo kết quả lao động.
Người có cửa hàng, cửa hiệu bán thịt thì Uỷ ban nhân dân xem xét cụ thể, nếu cần và có điều kiện thì có thể sử dụng hình thức quá độ (liên doanh, hợp tác kinh doanh...) mà sử dụng và cải tạo họ.
Tư nhân không được kinh doanh da lợn và da trâu bò, kể cả thu mua, thuộc da, bán buôn và bán lẻ da. Đối với những người sản xuất, chế biến da thì cải tạo theo chính sách đối với công nghiệp tư doanh và tiểu thủ công nghiệp. Người buôn bán da thì xử lý như thương nhân kinh doanh thịt nói ở trên.
Những người chuyên chế biến sản phẩm từ thịt lợn và thịt trâu bò thì tiến hành cải tạo, quản lý dưới các hình thức như làm hợp đồng, làm khoán hay gia công chế biến, bán nguyên liệu mua thành phẩm.
Sở thương nghiệp cần chỉ đạo chặt chẽ công tác thu mua, đẩy mạnh việc cải tạo thương nhân và quản lý thị trường, làm thí điểm việc thu mua theo hợp đồng hai chiều ở một số xã, huyện có kinh nghiệm để mở rộng phạm vi mua bằng hợp đồng hai chiều.
Quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần báo cáo, kiến nghị để Bộ nghiên cứu, giải quyết.
| Ngô Quốc Hạnh (Đã ký) |