cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 08/TT-UB ngày 05/05/1982 Về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm theo Nghị quyết 15-HĐBT-1982 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 08/TT-UB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 05-05-1982
  • Ngày có hiệu lực: 05-05-1982
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6067 ngày (16 năm 7 tháng 17 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Thông tư số 08/TT-UB ngày 05/05/1982 Về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm theo Nghị quyết 15-HĐBT-1982 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6728/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính-ngân hàng-giá-thuế đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 08/TT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 05 năm 1982

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM THEO NGHỊ QUYẾT 15-HĐBT, NGÀY 8-2-1982

Thi hành Nghị quyết 15-HĐBT ngày 8-2-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, căn cứ tình hình thực tế của thành phố, Ủy ban Nhân dân quy định như sau :

I- NỘI DUNG VÀ MỤC TIÊU TIẾT KIỆM:

1. Tiết kiệm về lương thực :

- Tổ chức tốt công tác thu mua, đặc biệt phải chấn chỉnh ngay việc bảo quản; vận chuyển, chống hao hụt quá định mức, bằng mọi cách chống mất mát và để mốc meo ẩm ướt làm mất phẩm chất lương thực.

- Mức phấn đấu là phải hạ thấp các thiệt hại này đến mức tối thiểu, ít ra phải giảm được trên 50% so với thiệt hại năm 1981.

- Trước hết, kết hợp với việc kiểm tra và đổi sổ hộ khẩu, cần kiểm tra luôn việc phân phối lương thực, đảm bảo phân phối, đúng đối tượng và tiêu chuẩn, chú ý kiểm tra các hộ tập thể, các công nông lâm thường là những nơi có nhiều biến động về nhân khẩu. Các phòng lương thực có nhiệm vụ thu hổi hoặc trừ đi số lương thực trước đây đã phân phối thừa.

2. Tiết kiệm năng lượng, vật tư (bao gồm cả nhiên liệu, nguyên vật liệu, phụ tùng) và hàng hóa:

- Về năng lượng:

Thực hành tiết kiệm điện, nước, xăng dầu trong cả sản xuất và tiêu dùng.

+ Đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh phải phấn đấu sử dụng tiết kiệm điện, nước, xăng dầu và giảm 10% so với năm 1981 tính theo mức tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm hoặc khối lượng lao vụ.

+ Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp và các đoàn thể, năm 1982 chỉ được phép sử dụng mức điện, nước, xăng dầu ít hơn 10% so với mức sử dụng thực tế trong năm 1981.

+ Trong nhân dân cần xúc tiến cuộc vận động tiết kiệm sử dụng điện nước để giảm tiêu dùng điện nước từ 10-15% so với năm 1981.

+ Trước mắt, ngành điện lực cần phối hợp với cơ sở, tăng cường biện pháp chống thất thoát điện trên đường dây, chống ăn cắp điện, hạn chế sử dụng các  phương tiện đòi hỏi tiêu hao năng lượng quá nhiều chưa cần thiết, chú ý thường xuyên kiểm tra và xử lý các hộ tập thể, các chung cư, các cơ quan và đơn vị sử dụng điện và nước vượt định mức. Công ty Cấp nước cần có biện pháp phối hợp với các cơ sở tích cực chống lãng phí nước ở các vòi công cộng và ở các đường ống.

Trong năm 1982, mức phấn đấu là phải hạ thấp được tỷ lệ điện hao hụt trên đường dây ít hơn năm 1981 từ 1-2% so với số điện đã phát ra.

-Về vật tư, nguyên nhiên liệu, phụ tùng và hàng hóa (bao gồm ở các khâu thu mua, bảo quản phân phối và vận chuyển, dự trữ cho sản xuất):

+ Trong khu vực sản xuất, phải soát xét lại các định mức cũ và lạc hậu, mở rộng từng bước việc xây dựng các định mức mới hợp lý và tiến bộ để thúc đẩy tiết kiệm – chú ý trước tiên là đối với nguyên nhiên liệu, phụ tùng đắt tiền và hiếm cần nhập nước ngoài.

Đặc biệt phải kiểm tra, soát xét lại các định mức gia công, đồng thời tổ chức theo dõi quản lý chặt chẽ các loại vật tư, nguyên nhiên vật liệu đưa ra ngoài gia công chế biến, triệt để chống ăn cắp, bớt xén, gia công chế biến không theo đúng công thức, không đảm bảo chất lượng sản phẩm gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng. Tổ chức thu hồi các phế liệu, phế thải, sản phẩm hỏng xét thấy có thể sử dụng được, tiêu thụ được.

+ Trong khâu vận tải phải phấn đấu điều chỉnh lại định mức tiêu hao xăng dầu cho các loại xe ở các tuyến vận tải, tiết kiệm hơn mức hiện nay. Phải triệt để chống hao hụt quá định mức, mất cắp, rò rỉ ở các kho xăng.

+ Thực hiện triệt để chế độ cân, đo, đong, đếm và cập nhập sổ sách kế toán vật liệu, và vật tư, nguyên nhiên vật liệu phụ tùng và tài sản khác khi xuất nhập kho hoặc giao nhận.

+ Thủ trưởng các đơn vị phải tổ chức kiểm tra các kho vật tư, hàng hóa, không để ứ đọng, hư hỏng; có kế hoạch đưa ra sử dụng hợp lý.

Các đơn vị cơ sở phối hợp với cơ quan Công an kiểm tra lại chế độ và nội quy bảo quản kho tàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối, chống mất cắp mất trộm, ngăn ngừa và đề phòng có hiệu quả hỏa hoạn và phá hoại.

+ Trước mắt, mục tiêu phấn đấu như sau:

Các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận tải, thương nghiệp, cung ứng vật tư… phấn đấu hạ đến mức thấp nhất số trường hợp và số lượng tài sản, vật tư, hàng hóa hư hỏng, mất mát, kém phẩm chất… tối thiểu phải giảm được từ 50-60% so với năm 1981 trong suốt quá trình thu mua, bảo quản, dự trữ, vận chuyển, giao nhận v.v…

3. Tiết kiệm về lao động và quỹ tiền lương :

Trong khu vực sản xuất, lưu thông phân phối… cần xúc tiến việc định mức lao động và nâng chỉ tiêu tăng năng suất lao động, tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện để có báo cáo kết quả ; mở rộng việc trả lương khoán, và trả lương theo sản phẩm (hoặc khối lượng lao vụ) đặt từ trên 80% đối với các bộ phận trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

-Trong khu vực hành chánh, sự nghiệp (kể cả các cơ quan, của các tổ chức đoàn thể và các bộ phận gián tiếp trong các cơ sở xí nghiệp) cần xúc tiến việc tinh giản bộ máy, xác định chức trách nhiệm vụ cho rõ ràng từng bộ phận và từng cá nhân, có kế hoạch giảm dần các khâu trung gian không cần thiết vừa cồng kềnh bộ máy, gây trở ngại lẫn nhau ; nghiên cứu vận dụng thực hiện đúng đắn Nghị quyết 16-HĐBT ngày 25-2-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc tinh giản biên chế hành chánh.

Mức phấn đấu đề ra kể từ tháng 7 năm 1982 trở đi, rút nhẹ được biên chế và quỹ tiền lương tối thiểu là 10% so với đầu năm.

- Trước mắt, kiên quyết thải hồi hoặc buộc thôi việc đối với những phần tử cố tình chây lười, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật mà không thể giáo dục được. Đồng thời giải quyết cho hưu trí đối với số cán bộ, nhân viên theo đúng chế độ.

4. Tiết kiệm trong xây dựng cơ bản:

- Ủy ban Kế hoạch thành phố cùng các ngành, các cấp có liên quan soát xét cụ thể kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 1982 cho phù hợp với khả năng vật tư và tiền vốn, đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, đảm bảo tập trung dứt điểm đối với những công trình trọng điểm đã được ghi vào kế hoạch.

- Cơ quan Tài chánh (và cơ quan Ngân hàng đầu tư) có nhiệm vụ từ chối không cấp phát (hoặc cho vay vốn) để làm các công trình ngoài danh mục kế hoạch và các công trình vượt quá dự toán xét ra không có lý do chính đáng; hạn chế các công trình vừa thiết kế vừa thi công rất dễ dẫn tới lãng phí, phát hiện và ngăn chặn việc thanh toán các khối lượng ma; đồng thời thúc đẩy sớm bàn giao và sử dụng công trình đúng thời hạn.

5. Tiết kiệm vốn, chi phí và đảm bảo kế hoạch thu chi đối với ngân sách Nhà nước :

- Trong năm 1982 các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh phấn đấu tăng thêm vòng quay vốn lưu động, giải phóng vật tư ứ đọng và chậm luân chuyển (phấn đấu tăng khoảng 50% so với năm 1981); tích cực đẩy mạnh công tác thanh toán để hạ thấp số vốn chiếm dụng lẫn nhau được từ 40-50% so với số dư bình quân hoặc số cuối kỳ trên bảng tổng kết tài sản năm 1981.

- Cùng bàn bạc với các ngành và các cơ sở liên quan, cơ quan Tài chánh thực hiện việc cấp phát ngân sách 1982 đối với khu vực hành chánh sự nghiệp, đảm bảo thực hiện tiết kiệm 10% so với dự toán lúc đầu đã duyệt ở các khoản chi tiêu điện nước, xăng dầu, liên hoan sơ kết và tổng kết, v.v…

- Các ngành, các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh và quận huyện phường xã đảm bảo chỉ tiêu pháp lệnh về chi theo yêu cầu tiết kiệm nêu trên, cũng như thu nộp cho ngân sách Nhà nước đúng yêu cầu kế hoạch.

- Chấm dứt nạn tổng kết rườm rà và liên hoan ăn uống lãng phí trong các cuộc hội nghị.

II- MỘT SỐ BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM:

Để đảm bảo đạt mục tiêu và yêu cầu tiết kiệm nói trên, cần thực hiện một số biện pháp chủ yếu sau đây:

1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hành tiết kiệm của thành phố, do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách phân phối lưu thông làm Trưởng ban, và các thành viên khác gồm Giám đốc các Sở Tài chánh, ngân hàng, Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Thư ký Liên hiệp Công đoàn, Trưởng ban Thi đua và khen thưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố.

Ban chỉ đạo này có trách nhiệm thường xuyên lãnh đạo và chỉ đạo phong trào thực hành tiết kiệm đến tận các ngành và các cơ sở, định kỳ báo cáo tình hình và kết quả cụ thể việc thực hành tiết kiệm của thành phố lên Ủy ban Nhân dân.

Đối với các ngành, quận, huyện và các đơn vị cơ sở, kể cả phường, xã thì thành lập Ban chỉ đạo do Thủ trưởng trực tiếp làm Trưởng ban gồm các thành viên như của thành phố và có sự tham gia của Bí thư Đảng ủy và Thư ký Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

2. Phát động phong trào đăng ký cao về các chỉ tiêu phấn đấu tiết kiệm, hạ giá thành, nộp tích lũy thêm cho ngân sách Nhà nước.

3. Khoán cấp phát kinh phí ngân sách trong một số lãnh vực và xét thưởng tiết kiệm trên các mức khoán đó trong khu vực hành chánh sự nghiệp. Chế độ xét thưởng sẽ công bố sau.

Đồng thời với việc thực hiện các chế độ về khen thưởng tiết kiệm, chú ý khen thưởng sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, thường đăng ký chỉ tiêu kế hoạch cao (và hoàn thành được chỉ tiêu đó) và các chế độ về giải phóng vật tư ứ đọng; nghiêm túc xử lý các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế, vi phạm chế độ trách nhiệm của Nhà nước, xử lý các trường hợp xâm phạm và thiệt hại đến tài sản Nhà nước, v.v… Ủy ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Công an thành phố, Sở Tài chánh khẩn trương chuẩn bị hội nghị chuyên đề về bảo vệ tài sản Nhà nước để có thể tiến hành trong quý II/1982.

Từ nay trong các báo cáo về mất mát, thiệt hại tài sản Nhà nước, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo cho rõ nội dung xử lý kỷ luật, chế độ kỷ luật, theo chế độ trách nhiệm, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân đã được ban hành kèm theo Nghị định số 217/CP của Hội đồng Chính phủ. Nếu sau một tuần từ khi một vụ mất mát hoặc tài sản Nhà nước bị thiệt hại mà Ủy ban Nhân dân thành phố chưa nhận được báo cáo của Thủ trưởng sở, ban, ngành chủ quản thì Thủ trưởng phải chịu xử lý kỷ luật Nhà nước.

4. Đặt yêu cầu tiết kiệm từ nay thành một trong những chỉ tiêu thi đua, xét khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích, cũng như xét hoàn thành kế hoạch cuối quý, năm.

5. Tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra kết quả thực hành tiết kiệm trong các cơ sở và cơ quan Nhà nước.

Tiết kiệm là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, phải được tổ chức thi hành nghiêm chỉnh.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp và các tổ chức, các đoàn thể có kế hoạch triển khai thực hiện ngay thông tư này cho sát với từng đơn vị, từng cá nhân, cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước. Thường xuyên tổ chức kiểm điểm, đúc rút kinh nghiệm việc chỉ đạo phong trào thực tiết kiệm trong các cơ sở và các cơ quan chính quyền và đoàn thể, chống lãng phí, ăn cắp, chống thất thoát và phòng chống mọi thiệt hại tài sản Nhà nước, kể cả việc phòng cháy và chống địch phá hoại.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, thủ trưởng đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với Công đoàn và các đoàn thể, Mặt trận, mở một đợt giáo dục trong cán bộ công nhân viên chức đơn vị mình, làm cho mọi người quán triệt ý nghĩa quan trọng và yêu cầu bức thiết của việc thực hành tiết kiệm, bảo vệ tài sản Nhà nước đi đôi với đẩy mạnh sản xuất ; gây một chuyển biến mới trong cơ quan, đơn vị, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức cách mạng. Các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam phải thực sự gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, bảo vệ của công.

Kết quả tiết kiệm là một thành tích thiết thực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V. Các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm chỉnh thông tư này và từ nay trong báo cáo hàng tháng phải có báo cáo về kết quả tiết kiệm.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn