Thông tư số 07/TT-UB ngày 11/06/1980 Về dự trữ vật tư Nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 07/TT-UB
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 11-06-1980
- Ngày có hiệu lực: 11-06-1980
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6645 ngày (18 năm 2 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/TT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 6 năm 1980 |
THÔNG TƯ
VỀ DỰ TRỮ VẬT TƯ NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tiếp theo công văn số 66/UB ngày 12 tháng 1 năm 1980 của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc sử dụng quỹ dự trữ đặc biệt vào việc dự trữ vật tư, hàng hóa Nhà nước của thành phố, Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố hướng dẫn biện pháp cụ thể thi hành công văn trên như sau:
I. VỀ LẬP KẾ HOẠCH DỮ TRỮ VẬT TƯ NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ
1) Việc xác định khối lượng các loại dự trữ vật tư, hàng hóa đặc biệt (không phải vật tư thông dụng) dựa trên nguyên tắc sau đây:
+ Bảo đảm cho sự phát triển kinh tế của thành phố phù hợp với khả năng của nền kinh tế quốc dân và khả năng tài chánh trong mỗi kỳ kế hoạch.
+ Ứng phó được với những biến cố bất thường, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội của thành phố và giải quyết được những yêu cầu đột xuất mà kế hoạch không thể trù tính trước được.
2) Các căn cứ tính cụ thể để xác định khối lượng dự trữ vật tư Nhà nước là:
+ Yêu cầu vật tư của các ngành kinh tế chủ yếu, của quân đội và đời sống nhân dân trong tình hình có biến động.
+ Khả năng về tài chánh (quỹ dự trữ đặc biệt) dành cho phần dự trữ vật tư Nhà nước trong kỳ kế hoạch.
3) Về lập kế hoạch dự trữ vật tư Nhà nước do các ngành, các cấp có nhu cầu dự trữ vật tư hàng hóa đặc biệt lập sau khi thống nhất ý kiến với Ủy ban Kế hoạch và Sở Tài chánh thành phố, Ủy ban kế hoạch thành phố có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch dự trữ vật tư Nhà nước của các ngành và trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt bản danh mục cụ thể vật tư, hàng hóa được phép dự trữ. Sở Tài chánh chỉ cấp phát vốn dự trữ vật tư, hàng hóa đặc biệt theo danh mục quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố cùng các chỉ tiêu dự trữ cho các kế hoạch hàng năm và dài hạn. Trong các bảng cân đối vật tư, chỉ ghi số lượng vật tư bổ sung thêm vào dự trữ Nhà nước trong kỳ kế hoạch đó.
4) Về quyền hạn sử dụng vật tư, hàng hóa đặc biệt:
Việc sử dụng vật tư, hàng hóa dự trữ Nhà nước của thành phố phải do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc người được Ủy nhiệm xét và quyết định. Khi xuất dùng đến đâu phải hoàn trả vốn dự trữ đặc biệt cho ngân sách đến đó.
5) Về mua sắm và bảo quản vật tư dự trữ:
a) Tùy theo tính chất cảu từng loại vật tư, hàng hóa dự trữ Nhà nước của thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố ủy nhiệm cho từng cơ quan chuyên trách. Các cơ quan này, căn cứ kế hoạch đã được duyệt, phụ trách việc đặc hàng và tiếp nhận, bảo quản những loại vật tư đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phân công dự trữ. Việc theo dõi tổng hợp tình hình vật tư dự trữ này do các cơ quan phụ trách dự trữ vật tư Nhà nước của thành phố phụ trách.
b) Các cơ quan bảo quản vật tư, hàng hóa dự trữ Nhà nước của thành phố có trách nhiệm:
+ Bảo đảm vật tư dự trữ luôn luôn giữ được phẩm chất, khi cần đến là dùng được ngay; đối với những vật tư, hàng hóa dự trữ lâu dài, phải có kế hoạch luân chuyển, đổi mới (do Công ty vật tư tổng hợp thành phố, Ủy ban Kế hoạch thành phố chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể).
+ Bố trí kho tàng bảo đảm an toàn, hợp lý, điều động, cung cấp vật tư, hàng hóa thuận tiện, ngay cả trong những trường hợp xả ra bất trắc.
+ Mở sổ sách theo dõi chu đáo và thường kỳ báo cáo tình hình cho các cơ quan có trách nhiệm.
II. VỀ QUẢN LÝ DỰ TRỮ VẬT TƯ, HÀNG HÓA NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ
Cần quán triệt các nguyên tắc quản lý dự trữ vật tư Nhà nước như sau:
1) Lượng vật tư Nhà nước dự trữ phải ngày càng tăng một cách có kế hoạch, theo đường lối chính trị, kinh tề và quốc phòng của Đảng và Chính phủ trong từng thời kỳ, nhằm dự phòng cho chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc và đề phòng thiên tai, bảo đảm cho hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân thành phố khi bị mất cân đối nghiêm trọng.
2) Dự trữ vật tư này phải bảo đảm tính bí mật an toàn, luôn luôn sẵn sàng với số lượng đủ, chất lượng tốt, đáp ứng được với yêu cầu sử dụng trong mọi tình huống.
3) Vật tư, hàng hóa dự trữ đặc biệt phải quản lý thật chặt chẽ và tập trung thống nhát dưới quyền quyêt định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc người được ủy nhiệm. Công ty Vật tư tổng hợp thành phố với chức năng của mình có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về các thủ tục cần thiết cho các đơn vị phụ trách dự trữ vật tư Nhà nước của thành phố.
4) Về tổ chức dự trữ vật tư Nhà nước phải quản lý thật rành mạch và riêng biệt về mặt hạch toán, hệ thống kho tàng. Địa điểm đặt kho tàng do Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt.
III. VỀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ QUẢN LÝ DỰ TRỮ VẬT TƯ HÀNG HÓA NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ
1) Các cơ quan quản lý dự trữ vật tư Nhà nước (theo danh mục cụ thể do Ủy ban Nhân dân thành phố quy định), trong phạm vi các loại vật tư mình được Ủy ban Nhân dân thành phố phân công phụ trách, có nhiệm vụ chính:
+ Tổ chức hệ thống kho riêng về dự trữ vật tư đặc biệt theo chỉ tiêu kế hoạch về phương hướng quy hoạch kho tàng của nhà nước.
+ Chấp hành nghiêm chỉnh và kịp thời các lệnh xuất nhập vật tư Nhà nước của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc người được ủy nhiệm.
+ Tổ chức hạch toán riêng biệt, đầy đủ và chính xác về các mặt hoạt động của dự trữ vật tư Nhà nước (vật tư, hàng hóa, kho tàng, sổ sách, phí tổn…). Tổ chức bộ phận chuyên trách theo dõi và quản lý, bảo đảm bí mật tuyệt đối của dự trữ Nhà nước.
+ Căn cứ vào các chính sách, chế độ quản lý chung về dự trữ Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, xây dựng các chế độ quản lý cụ thể (sử dụng, bảo quản, luân phiên, đổi hàng v.v…).
+ Tham gia ý kiến với Ủy ban Kế hoạch thành phố trong việc lập kế hoạch dự trữ vật tư Nhà nước của thành phố hàng năm và dài hạn. Lập kế hoạch tổ chức thực hiện các chỉ tiêu dự trữ Nhà nước đã được Chính phủ hoặc Ủy ban Nhân dân thành phố phê chuẩn.
+ Lập báo cáo hàng tháng, quý, năm về tinhfh ình quản lý vật tư, hàng hóa dự trữ Nhà nước của thành phố với Ủy ban Kế hoạch thành phố và Công ty Vật tư tổng hợp thành phố.
+ Lập báo cáo quyết toán về dự trữ vật tư này với Sở Tài chánh thành phố và Ngân hàng thành phố. Tất cả các tài liệu trên đều gửi đúng chế độ tuyệt mật cho người có trách nhiệm.
2) Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan quản lý tổng hợp công tác dự trữ vật tư Nhà nước của thành phố:
a) Công ty Vật tư tổng hợp của thành phố:
Ngoài phần nhiệm vụ của cơ quan quản lý trực tiếp vật tư dự trữ Nhà nước về những loại vật tư do mình phụ trách, Công ty Vật tư tổng hợp có nhiệm vụ chung sau đây:
+ Hướng dẫn phổ biến các chính sách, chế độ quản lý chung về dự trữ vật tư Nhà nước.
+ Tham gia ý kiến với các ngành trong việc xây dựng nội quy cụ thể vè quản lý dự trữ vật tư Nhà nước.
+ Tham gia với Ủy ban Kế hoạch thành phố trong việc lập kế hoạch dự trữ vật tư Nhà nước hàng năm và dài hạn của thành phố, trong việc nghiên cứu xây dựng bảng danh mục vật tư dự trữ Nhà nước và trong việc thẩm tra các đề nghị xuất cấp dự trữ vật tư Nhà nước.
+ Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch dự trữ vật tư Nhà nước (đã được Chính phủ hoặc Ủy ban Nhân dân thành phố phê chuẩn). Đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ quản lý dự trữ vật tư Nhà nước mà Chính phủ đã ban hành.
+ Tổng hợp chung tình hình quản lý dự trữ vật tư Nhà nước của thành phố, định kỳ báo cáo lên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.
b) Ủy ban kế hoạch của thành phố:
+ Lập kế hoạch dự trữ vật tư Nhà nước hàng năm và dài hạn theo quy định của Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố, tổ chức theo dõi việc thực hiện các kế hoạch đó.
+ Lập quy hoạch kho tàng vật tư dự trữ Nhà nước của thành phố.
+ Nghiên cứu xây dựng bổ sung bảng danh mục vật tư dự trữ Nhà nước, với sự tham gia của Công ty Vật tư tổng hợp và các ngành có liên quan để trình Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành.
+ Cùng với Sở Tài chánh thành phố thẩm tra, xem xét và có ý kiến với các đè nghị xuất cấp dự trữ vật tư Nhà nước để Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hoặc người được ủy nhiệm ký lệnh xuất.
c) Sở Tài chánh và Ngân hàng thành phố:
Quản lý toàn bộ vốn dự trữ Nhà nước, xét duyệt kế hoạch tài chánh – tín dụng và xét duyệt báo cáo quyết toán về dự trữ vật tư Nhà nước của tất cả các cơ quan có làm nhiệm vụ này của thành phố.
d) Chi cục Thống kê: Có trách nhiệm cùng với Sở Tài chánh và Công ty Vật tư tổng hợp thành phố nghiên cứu, hướng dẫn chế độ báo cáo kế toán thống kê dự trữ vật tư Nhà nước để thống nhất thi hành cho tất cả các cơ quan quản lý dự trữ vật tư nhà nước của thành phố.
Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước là một nhiệm vụ rất quan trọng trong tình hình hiện nay của đất nước và của thành phố. Các thủ trưởng các ngành và các cấp được Ủy ban Nhân dân thành phố giao nhiệm vụ này phải trực tiếp và thực sự chỉ đạo nó và chú trọng bố trí các cán bộ có phẩm chất, có đạo đức và có năng lực nghiệp vụ, kỷ thuật để làm tốt công tác này.
Cần chú trọng đặc biệt trong việc giữ gìn bí mật của Nhà nước, đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ nhân viên làm công tác quản lý dự trữ vật tư hàng hóa Nhà nước, đề cao kỷ luật trong việc giữ bí mật về số liệu, địa điểm kho tàng, tình hình, …
Ủy ban kế hoạch thành phố, Công ty Vật tư tổng hợp, Sở Tài Chánh thành phố căn cứ bản quy định này để có các công văn hướng dẫn thực hiện cho các ngành liên quan.
Các ngành, các cấp và các đơn vị được Ủy ban phân công phụ trách dự trữ vật tư Nhà nước của thành phố cần chấp hành đúng những quy định trên đây; trong khi thực hiện nếu có gì vướng mắc, kịp thời phản ảnh cho Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố để bổ sung cho phù hợp.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |