Thông tư số 19/TT-UB ngày 30/11/1979 Thi hành chánh sách, chế độ đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng 8 lâu nay công tác ở phường, xã, thị trấn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 19/TT-UB
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 30-11-1979
- Ngày có hiệu lực: 30-11-1979
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6954 ngày (19 năm 0 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/TT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 11 năm 1979 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC THI HÀNH CHÁNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 LÂU NAY CÔNG TÁC Ở PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN
Căn cứ vào chỉ thị số 27/CT-TƯ ngày 24 tháng 12 năm 1977 của Trung ương Đảng về chánh sách, chế độ đối với cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm, quyết định số 296/CP ngày 20 tháng 11 năm 1978 của Hội đồng Chánh phủ bổ sung và sửa đổi một số điểm về chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức, thông tri số 07/TT-TƯ ngày 21 tháng 3 năm 1979 của Ban Tổ chức Trung ương và thông tư số 152/TCCP ngày 30 tháng 6 năm 1979 của Ban Tổ chức của Chánh phủ hướng dẫn việc thi hành các văn bản nói trên, Ủy ban nhân dân thành phố ra thông tư này quy định một số điểm cụ thể về chánh sách, chế độ áp dụng trong thành phố và sự phân công trong việc thi hành chánh sách, chế độ đối với cán bộ hoạt động trước cách mạng tháng 8 lâu nay công tác ở phường, xã, thị trấn.
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ Ý NGHĨA CHÁNH SÁCH CHẾ ĐỘ.
Những người được hưởng chánh sách chế độ này là :
Những người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, nếu chưa là đảng viên cộng sản thì phải hoạt động trong một tổ chức của Đảng và được giao công tác hoặc không có ở trong tổ chức quần chúng nhưng đã thực sự hoạt động trước ngày 31 tháng 12 năm 1944. Những người nói trên trong quá trình hoạt động cách mạng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, không sai phạm nghiêm trọng (thông tri số 07/TT-TC ngày 21-3-1979 của Ban Tổ chức Trung ương giải thích cụ thể tiêu chuẩn này).
Những người này phải là người lâu nay công tác ở phường, xã, thị trấn hoặc có thời gian công tác chuyên nghiệp nhưng không thuộc diện thi hành chế độ trợ cấp hưu trí, mất sức lao động theo điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội.
Những người có đủ điều kiện và tiêu chuẩn nói trên là những người có công với cách mạng. Việc thực hiện chánh sách, chế độ ưu đãi đối với anh chị em chẳng những tỏ rõ tấm lòng đền ơn đáp nghĩa của Đảng, của nhân dân đối với anh chị em, giúp đỡ một phần nào để anh chị em ổn định và cải thiện đời sống, mà còn có tác dụng động viên, cổ vũ phong trào thi đua cống hiến cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị các ngành, các cấp, nhất là những cơ quan, cán bộ trực tiếp thực hiện, với nhận thức đúng với mục đích, ý nghĩa nói trên và với tình cảm cách mạng sâu sắc, đảm bảo cho chánh sách, chế độ được thực hiện đúng và đầy đủ.
II. NHỮNG ĐIỂM CỤ THỂ VỀ CHÁNH SÁCH CHẾ ĐỘ.
Chấp hành chánh sách chế độ của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng Chánh phủ và căn cứ vào tình hình của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố quy định cụ thể một số chế độ như sau :
1. Về trợ cấp hàng tháng và trợ cấp bất thường :
- Cán bộ có dưới 10 năm hoạt động trước cách mạng tháng 8 năm 1945 được trợ cấp thường xuyên mỗi tháng 25 đồng.
- Cán bộ có từ 10 năm trở lên hoạt động trước cách mạng tháng 8 năm 1945 được trợ cấp thường xuyên mỗi tháng 30 đồng.
Thời gian tính để được trợ cấp thường xuyên hàng tháng là kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1978, như đã quy định trong quyết định số 269/CP ngày 20 tháng 11 năm 1978 của Hội đồng Chánh phủ.
- Ngoài khoản trợ cấp thường xuyên hàng tháng nói trên, nếu anh chị em nào gặp cảnh khó khăn, túng thiếu đột xuất do ốm đau hay tai nạn bất thường thì được Ủy ban nhân dân phường, xã xét giúp đỡ trong phạm vi khả năng của địa phương hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện trợ cấp bất thường (mỗi lần không quá 60 đồng, mỗi năm không quá 2 lần).
2. Về lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Cán bộ được hưởng rợ cấp thường xuyên theo chánh sách này thì được mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm theo giá Nhà nước cung cấp như cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước. Trường hợp đặc biệt, người già yếu thường đau ốm được mua toàn phần gạo theo định lượng và được mua thêm đường, sữa... để bồi dưỡng. Ngoài ra, tùy theo nhu cần cần thiết của từng người, Ủy ban nhân dân quận, huyện đuợc cho mua thêm một số mặt hàng thiết yếu khác theo khả năng của quận, huyện.
3. Về bảo vệ sức khỏe
Khi ốm đau hoặc sức khỏe giảm sút nhiều, cán bộ được khám bệnh, chữa bệnh ở bệnh viện của quận, huyện hay bệnh viện, nhà điều dưỡng của thành phố dành cho cán bộ trung, sơ cấp và được hưởng chế độ ăn uống, bồi dưỡng thuốc men theo mức cao nhất quy định cho bệnh viện, nhà điều dưỡng này.
4. Về nhà ở
Cán bộ chưa có nhà thì được ưu tiên giải quyết nhà ở. Nếu nhà cửa hư nát hoặc quá chật hẹp thì được quận, huyện tùy theo khả năng giúp đỡ, cho mua một số vật liệu làm nhà ở, sửa nhà.
5. Về trợ cấp mai táng
Khi cán bộ từ trần thì được tiền chôn cất một lần như cán bộ hưu trí.
Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện được dự trù mua tràng hoa để viếng tang .
6. Về tinh thần
Chánh quyền và đoàn thể phường, xã, thị trấn cần thường xuyên viếng thăm và giúp đỡ nếu cần thiết. Trong những ngành hội, ngày lễ lớn, chánh quyền địa phương cần mời cán bộ đến dự. Ban Tổ chức chánh quyền thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện được dự trù mua quà tặng cho cán bộ trong dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lễ Độc lập 2/9 hay Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, chánh quyền và đoàn thể các cấp cần coi trọng thực hiện tốt chế độ về mặt tinh thần như chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Hội đồng Chánh phủ đã quy định.
Những quy định về chánh sách, chế độ nói trên đây do ngân sách thành phố đài thọ như các khoản chi về chế độ đối với cán bộ phường, xã (theo thông tư số 152/TTCP ngày 30 tháng 6 năm 1979 của Ban Tổ chức của Chánh phủ).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Ban Tổ chức chánh quyền thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thi hành chánh sách, chế độ này, dự trù kinh phí, mở sổ sách, theo dõi, kiểm tra việc cấp phát tiền đến tận tay cán bộ, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo lên Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Tổ chức của Chánh phủ.
Sở Tài chánh có trách nhiệm cấp phát các dự trù linh phí và hướng dẫn mẫu sổ sách, thủ tục cấp phát.
Sở Lương thực và Sở Thương nghiệp có trách nhiệm giải quyết cho hưởng các chế độ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc khám bệnh và chữa bệnh.
Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý việc thực hiện chánh sách, chế độ này trong phạm vi quận, huyện. Để giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện, Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm làm dự trù, nhận tiền trợ cấp, thanh toán, quyết toán, làm sổ sách giấy tờ cấp phát đúng thủ tục quy định. Tổ chức cán bộ quận, huyện giúp Ủy ban nhân dân hướng dẫn phường, xã, thị trấn thi hành, hàng quý nhận tiền trợ cấp ở Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện, đem giao tận tay của cán bộ, đồng thời thay mặt Ủy ban nhân dân quận, huyện thăm viếng, nắm tình hình sức khỏe, đời sống, tinh thần, đề xuất biện pháp giúp đỡ.
Ủy ban nhân dân và các đoàn thể ở phường, xã có trách nhiệm thực hiện chánh sách, chế độ này, giúp đỡ về vật chất, tinh thần trong phạm vi khả năng của mình, đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện xét giải quyết giúp đỡ thêm khi cần thiết.
Việc xét duyệt cho cán bộ được hưởng chánh sách, chế độ này cần bảo đảm chính xác và chu đáo, đúng chánh sách, đúng tiêu chuẩn. Theo sự hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và sự thỏa thuận của Ban Tổ chức Thành ủy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận tổ chức Đảng và tổ chức chánh quyền ở quận, huyện và thành phố theo mối quan hệ như sau :
- Ban Tổ chức quận, huyện ủy phối hợp với Tổ chức cán bộ Ủy ban nhân dân quận, huyện, chịu trách nhiệm phổ biến chánh sách, hướng dẫn lập hồ sơ, xác minh lý lịch, làm đề nghị lên Ban Tổ chức Thành ủy danh sách những người được hưởng tiền trợ cấp theo chánh sách, chế độ này. Những đề nghị này phải trình cho Thường trực Ủy ban nhân dân quận, huyện thông qua và nhất trí trước khi gởi lên Ban Tổ chức của Thành ủy.
- Ban Tổ chức Thành ủy xem xét hồ sơ, xác minh lý lịch và quyết định những người được hưởng tiền trợ cấp thường xuyên và mức tiền trợ cấp của từng người.
- Ban Tổ chức chánh quyền thành phố căn cứ vào những quyết định ấy làm thủ tục trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định và cấp sổ cho hưởng tiền trợ cấp thường xuyên.
Bộ phận tổ chức của Đảng và tổ chức của chánh quyền ở quận, huyện và thành phố đều có trách nhiệm cùng nhau phối hợp phổ biến, giải thích, hướng dẫn thi hành chánh sách, chế độ, nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các Sở thực hiện chánh sách, chế độ nói trên và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết những trường hợp đặc biệt.
Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình quy định những điểm cụ thể và chỉ thị cho các bộ phận trực thuộc và các cấp dưới phối hợp, cộng tác nhằm thực hiện tốt chánh sách, chế độ này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |