Thông tư số 08-TC-TT-NHKT ngày 29/02/1964 Bổ sung Thông tư 30-NHKT-1960 về việc thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng kiến thiết (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 08-TC-TT-NHKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 29-02-1964
- Ngày có hiệu lực: 01-04-1964
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 08-TC-TT-NHKT | Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 1964 |
THÔNG TƯ
BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 30-NHKT NGÀY 26-09-1960 VỀ VIỆC THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT QUA NGÂN HÀNG KIẾN THIẾT
Thi hành Nghị định số 04-CP ngày 07-03-1960 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính đã có những Thông tư số 30-NHKT ngày 26-09-1960, 117-NHKT ngày 03-10-1960 về các nguyên tắc thanh toán và các hình thức thanh toán qua Ngân hàng Kiến thiết.
Trong thời gian qua, việc thanh toán qua Ngân hàng Kiến thiết đã bước đầu đi vào nền nếp, các hình thức thanh toán ngày càng mở rộng, việc dùng tiền mặt đã được hạn chế nhiều, sự giám đốc của Ngân hàng Kiến thiết qua khâu thanh toán cũng ngày càng phát huy thêm tác dụng, góp phần vào việc ổn định tiền tệ, ổn định thị trường và tiết kiệm vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, việc thanh toán của Ngân hàng Kiến thiết còn hai vấn đề tồn tại lớn:
1. Việc thanh toán còn chậm trễ: thanh toán khối lượng hoàn thành có khi còn để chậm hai, ba tháng; đem hàng của đơn vị bạn hay của mậu dịch về dùng mà bốn, năm tháng chưa thanh toán, gây tình trạng nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn của đơn vị khác, làm đọng vốn, vật tư và tiền tệ.
2. Các khoản thu chi của đơn vị chưa được đưa vào kế hoạch, các đơn vị chỉ lập những bản kế hoạch dùng tiền rất đơn sơ để rút được tiền, kế hoạch tách rời với các hoạt động kinh tế của công trường, không phản ánh đúng các kế hoạch nhân lực, vật liệu, thiết bị, máy móc thi công nên trong quá trình thực hiện phải sửa đổi khá nhiều gây khó khăn cho việc bố trí vốn của Ngân hàng và việc bố trí lương thực, thực phẩm, vật tư của các cơ quan mậu dịch.
Để góp phần vào việc tăng cường luân chuyển vốn và vật tư, tiết kiệm vốn, ổn định tiền tệ, ổn định thị trường, ngăn chặn việc chiếm dụng vốn của các đơn vị, cơ quan mậu dịch, thúc đẩy việc đưa các khoản thu chi tài vụ trong xây dựng cơ bản vào kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố hạch toán kinh tế, tăng cường việc giám đốc của Ngân hàng trong khâu thanh toán, Bộ Tài chính bổ sung thêm Thông tư số 30-NHKT ngày 26-09-1960 về một số điểm sau đây trong việc thanh toán các khoản thu chi tài vụ qua Ngân hàng Kiến thiết:
1. Tất cả các đơn vị kiến thiết, xí nghiệp xây lắp, cơ quan cung ứng có tài khoản tiền gửi vốn xây dựng cơ bản tại Ngân hàng Kiến thiết đều phải lập kế hoạch thu chi qua Ngân hàng Kiến thiết, hàng tháng gửi đến Ngân hàng Kiến thiết vào ngày 18 tháng trước và kế hoạch thu chi qua Ngân hàng Kiến thiết hàng quý trước ngày 15 của tháng cuối cùng quý trước.
Nếu không có kế hoạch không được rút tiền chi tiêu, trường hợp đặc biệt chưa lập được kế hoạch, nếu cần thiết chỉ được rút tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên.
Kế hoạch lập theo các hiệu do Ngân hàng Kiến thiết trung ương quy định.
2. Kế hoạch quý có phân chia ra từng tháng, kế hoạch tháng phân chia ra tuần kỳ mười ngày:
Cuối mỗi tháng, nếu không tiêu hết số đã dự trù, phải ghi lại vào kế hoạch tháng sau, không dùng kế hoạch tháng trước chuyển sang tháng sau.
3. Kế hoạch phân tích theo từng khoản thu chi, không được chi quá số tiền gửi vào Ngân hàng, không được lấy tiền gửi của tài khoản này chi cho tài khoản khác, không được lấy tiền lương chi về nguyên vật liệu, không được lấy tiền trực tiếp chi cho gián tiếp phí, không được chiếm dụng vốn tiền phải nộp về lãi, khấu hao để chi trong đơn vị.
4. Kế hoạch phải phân tích theo từng nơi có chi tiền ra, không được lấy tiền dự trù chi trong địa phương này để chi cho địa phương khác cần phân biệt riêng các khoản chi qua Ngân hàng Nhà nước. Cần phân tách rõ phần chi bằng tiền mặt và phần chi bằng cách chuyển khoản.
5. Việc điều chỉnh kế hoạch chi làm hai lần trong mỗi tháng vào hai ngày 10 và 20. Các đơn vị chỉ được chi tiêu vượt tối đa 10% số đã ghi trong kế hoạch về tổng số và về từng khoản tiền, vượt trên 10% phải điều chỉnh kế hoạch.
Trường hợp đặc biệt cần thiết, phải được sự thỏa thuận của Ngân hàng Kiến thiết mới được điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu quá hai lần một tháng.
6. Nếu thấy những việc chi sai các chế độ nguyên tắc và tiêu chuẩn của Nhà nước đã ban hành, Ngân hàng Kiến thiết có quyền kiến nghị sửa chữa.
7. Các Uỷ ban hành chính thành phố, tỉnh cũng cần nghiên cứu để áp dụng dần cho các đơn vị xây dựng cơ bản địa phương.
Những quy định trên đây thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 1964. Đề nghị các Bộ và uỷ ban thành phố, tỉnh chỉ thị và giúp đỡ cho toàn thể các đơn vị thi hành. Trong khi thi hành, nếu gặp khó khăn gì, xin phản ánh với Bộ Tài chính.
Ngân hàng Kiến thiết trung ương sẽ hướng dẫn các Chi hàng Kiến thiết, và các Phòng cấp phát cách thức tiến hành, giúp đỡ các đơn vị thi hành thông tư này, và chú ý rút kinh nghiệm để cải tiến công tác thanh toán, phục vụ tốt nhất các hoạt động kinh tế của các đơn vị xây dựng cơ bản, tăng cường giám đốc nhưng tránh những phiền phức không cần thiết, tránh máy móc… nhất là trong những tháng đầu năm 1964 mới bắt đầu áp dụng chế độ này.
| K.T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |