cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 07-TC/HCP ngày 31/01/1959 Về việc nộp kinh phí công đoàn (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 07-TC/HCP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 31-01-1959
  • Ngày có hiệu lực: 15-02-1959
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TC/HCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH 

Kính gửi:

- Các Bộ, các cơ quan đoàn thể cấp trung ương
- Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố
- Các Khu, Sở, Ty Tài chính

 

Chiếu theo luật Công đoàn (điều 21-c), Nghị định của Thủ tướng phủ số 188-TTg ngày 9/4/1958 (điều 19, 20, 22 và 23) và Thông tư của Bộ Lao động số 33-LĐ/TT ngày 27/12/1958, Bộ Tài chính xin hướng dẫn thêm sau đây cách thức nộp kinh phí Công đoàn.

1. CĂN CỨ ĐỂ TÍNH KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Mỗi cơ quan đơn vị, xí nghiệp có tổ chức công đoàn, hàng tháng căn cứ vào tổng số thực chi về lương và phụ cấp lương của cán bộ, công nhân viên chức và dựa vào bản “quy định thành phần của tổng mức tiền lương” của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, mà tính kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để nộp cho công đoàn theo sự hướng dẫn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Trong khi chờ đợi quy định chính thức thành phần của tổng mức tiền lương, Thủ tướng phủ đã đồng ý cho tạm thời áp dụng bản dự thảo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (bản sao kèm theo).

Xin chú ý: trong tổng mức tiền lương, không kể những khoản sau đây:

- Tiền thù lao cho dân công;

- Tiền nhuận bút cho tác giả;

- Lương của chủ hay người thay mặt cho chủ ở các xí nghiệp tư bản tư doanh.

- Lương hay tiền công của những người học việc, những người lao động độc lập;

- Lương hay tiền công của những người giúp việc trong những nhà ăn, nhà giữ trẻ do công nhân, viên chức tự tổ chức và đảm nhiệm việc trả lương.

- Lương hay tiền công của những người tham gia những tập đoàn sản xuất, những đội bốc vác làm việc không thường xuyên cho các cơ quan, xí nghiệp và khách tư nhân.

2. NGÀY NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Kinh phí công đoàn bắt đầu tính từ tháng 12/1958 và nộp vào đầu tháng 1/1959, và sau đó cứ theo nguyên tắc “kinh phí công đoàn tháng trước phải nộp từ ngày 1 đến ngày 10 tháng sau”  (Điều 22 Nghị định của Thủ tướng phủ số 188-TTg ngày 9/4/1958) mà thi hành. Thí dụ: kinh phí công đoàn tháng 1/1959 phải nộp trong vòng 10 ngày đầu tháng 2/1959.

Những cơ quan, đơn vị, xí nghiệp nào cho đến nay chưa nộp kinh phí công đoàn tháng 12/1958 thì sẽ nộp đầu tháng 2/1959 cùng với kinh phí công đoàn tháng 1/1959 nghĩa là phải nộp cả hai tháng một lúc (tháng 12/1958 và tháng 1/1959). Khi Công đoàn nhận được kinh phí thì sẽ hoàn lại cơ quan số tiền cơ quan đã tạm ứng chi cho công đoàn về các món chi do Công đoàn đảm nhận kể từ tháng 1/1959. Thí dụ: tiền lương và phụ cấp khu vực tiền mua báo theo tiêu chuẩn 4.800đ một người, tiền điện, văn phòng phí… nếu có).

3. CÁCH GHI DỰ TOÁN - THỂ THỨC NỘP

a) Đối với cơ sở, đơn vị hành chính hay sự nghiệp: sẽ căn cứ vào số tiền dự trù trong mục 1 (tức là mục “lương và phụ cấp lương” trong mục lục tài khoản dự toán 1959) mà tính kinh phí công đoàn (2%) để ghi vào dự toán 1959 – Kinh phí công đoàn ghi vào mục II (tức là mục “phụ cấp xã hội” chứ không phải mục 10 như Thông tư số 50-TDT-P2 ngày 19/1 đã tạm quy định. Đó là một khoản chi của cơ quan).

XIN GHI CHÚ:

Trong dự toán 1959 sẽ không ghi lương và phụ cấp lương của cán bộ thoát ly làm công tác công đoàn, tiền mua báo theo tiêu chuẩn 4.800đ một người, vì các khoản này đã nằm trong kinh phí công đoàn 2%.

Trong dự toán hàng quý hay hàng tháng, cơ quan và đơn vị phải ghi kinh phí công đoàn (tính theo cách chỉ dẫn ở phần 1 và 2 Thông tư này) rồi chuyển cơ quan tài chính kinh phí thường xuyên khác.

Cơ quan tài chính phải giải quyết mau chóng để đơn vị dự toán có tiền nộp ngay cho Công đoàn sử dụng kịp thời trong vòng 10 ngày đầu tháng.

b) Đối với các xí nghiệp hay đơn vị kiến thiết cơ bản, sẽ dùng vốn lưu động hoặc vốn kiến thiết cơ bản để nộp kinh phí công đoàn rồi tính vào giá thành sản xuất hay giá thành xây dựng.

Bộ Tài chính trân trọng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp nộp kịp thời kinh phí công đoàn, không nên để chậm trễ và phổ biến Thông tư này cho tất cả các đơn vị trực thuộc.

 

K. T.  BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

 

 

 

DỰ THẢO

BẢN QUY ĐỊNH VỀ THÀNH PHẦN CỦA TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU VÀ TÁC DỤNG CỦA VIỆC QUY ĐỊNH THÀNH PHẦN TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG.

1) Để thống nhất nội dung tổng mức tiền lương của tất cả các ngành thuộc khu vực sản xuất vật chất, và các ngành thuộc khu vực không sản xuất vật chất.

2) Để Nhà nước xác định đúng đắn quỹ tiền lương, đồng thời giúp cho công tác thống kê, hạch toán giá thành và việc lập kế hoạch lao động tiền lương được xác định.

II. PHẠM VI THI HÀNH BẢN QUY ĐỊNH NÀY

Tất cả các xí nghiệp, các ngành thuộc khu vực sản xuất và các ngành thuộc khu vực không sản xuất khi làm công tác thống kê, kế hoạch, kế toán có liên quan đến việc tính toán quỹ tiền lương đều phải lấy bản quy định này làm căn cứ.

III. TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG BAO GỒM

Tất cả các khoản tiền lương mà các đơn vị thuộc khu vực sản xuất hay khu vực không sản xuất trả cho nhân viên công tác theo sức lao động của họ bằng hình thức tiền và tất cả các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương đã được phát luật quy định trả cho nhân viên công tác đều phải tính vào quỹ tiền lương, như vậy là kể cả số tiền lương trả cho nhân viên trong danh sách và ngoài danh sách thuộc khu vực sản xuất, trong biên chế và ngoài biên chế thuộc khu vực không sản xuất.

IV. THÀNH PHẦN CỦA TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG

1. Tiền lương tháng, ngày (kể cả tiền lương tháng, ngày của nhân viên nguyên lương, và người học nghề trong sản xuất).

2. Tiền lương khoán theo sản phẩm.

3. Tiền lương công nhật trả cho người ngoài biên chế định viên.

4. Tiền lương thù lao cho dân công.

5. Các loại tiền thưởng có tính chất thường xuyên: tiền thưởng tăng năng suất, tiền thưởng tiết kiệm nguyên vật liệu, điện lực và nâng cao chất lượng sản phẩm.

6. Phụ cấp làm đêm, thêm giờ, thêm kíp (gồm cả thêm giờ, thêm kíp trong những ngày nghỉ, ngày lễ, tiền phụ cấp thêm cho những nhân viên văn công trong những đêm biểu diễn, tiền phụ cấp thêm cho những người được nghỉ phép định kỳ nhưng không nghỉ, ở lại tham gia sản xuất).

7. Phụ cấp cho người dạy nghề trong sản xuất.

8. Phụ cấp trách nhiệm cho các tổ trưởng, trong các xí nghiệp công nghiệp, cho các cán bộ tổ trưởng hoặc phụ trách bộ phận sản xuất trong các công trường xây dựng và nông trường.

9. Tiền nhuận bút, tiền giảng bài.

10. Tiền lương trả cho nhân viên khi chế tạo ra sản phẩm không đúng quy cách, không phải vì công nhân thiếu tinh thần trách nhiệm.

11. Tiền lương trả cho nhân viên trong thời gian thiết bị máy móc ngừng chạy, xí nghiệp thiếu nguyên, nhiên vật liệu hoặc do điều kiện thiên nhiên ảnh hưởng như mưa, bão, lụt phải nghỉ sản xuất, không phải nhân viên tự ý nghỉ.

12. Tiền lương trả cho nhân viên trong thời gian điều động công tác hoặc huy động đi làm nghĩa vụ quốc gia và xã hội.

13. Tiền lương nghỉ phép định kỳ, tiền lương trả cho nữ nhân viên nghỉ đẻ và tiền lương trả cho nhân viên ốm đau nghỉ trong phạm vi luật pháp quy định.

14. Tiền lương của nhân viên công tác được cử đi học, nhưng vẫn tính trong biên chế của đơn vị cũ và vẫn lĩnh lương ở cơ quan cử đi.

15. Phụ cấp khu vực.

16. Phụ cấp cho những vùng đặc biệt.

17. Phụ cấp thôi việc.

18. Phụ cấp khác (ví dụ như tiền lương trả cho nhân viên nghỉ khi cho con bú,v.v…).

Chú ý: Khi trích nộp kinh phí công đoàn không kể tiền thù lao cho dân công, tiền nhuận bút cho tác giả và những khoản đã ghi tại điều 20 trong Nghị định số 188-TTg ngày 09/4/1958.