Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 31/08/2016 giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành quy định của Luật tố tụng hành chính
- Số hiệu văn bản: 03/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Ngày ban hành: 31-08-2016
- Ngày có hiệu lực: 18-10-2016
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2958 ngày (8 năm 1 tháng 8 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC | Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2016 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VIỆC PHỐI HỢP GIỮA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN VÀ TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG VIỆC THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật tố tụng hành chính ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính (sau đây viết tắt là Luật TTHC).
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính; tham gia phiên tòa, phiên họp của Tòa án; chuyển hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, gửi văn bản tố tụng; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính.
Điều 2. Ký quyết định kháng nghị
Chánh án, Viện trưởng đã quyết định kháng nghị trực tiếp ký quyết định kháng nghị hoặc phân công Phó Chánh án, Phó Viện trưởng ký quyết định kháng nghị. Phó Chánh án, Phó Viện trưởng ký quyết định kháng nghị phải ghi rõ là “ký thay Chánh án” hoặc “ký thay Viện trưởng”.
Điều 3. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong trường hợp Tòa án khởi tố vụ án hình sự
Sau khi nhận được quyết định khởi tố vụ án và tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội do Tòa án gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 321 Luật TTHC, Viện kiểm sát gửi quyết định khởi tố vụ án và tài liệu, chứng cứ đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra và thông báo cho Tòa án biết. Trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Tòa án không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án trên một cấp.
Việc điều tra vụ án hình sự hoặc giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương II
CHUYỂN HỒ SƠ, TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ, GỬI VĂN BẢN TỐ TỤNG GIỮA TÒA ÁN VÀ VIỆN KIỂM SÁT
Điều 4. Tòa án chuyển hồ sơ vụ án hành chính để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp
1. Đối với phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, việc chuyển hồ sơ vụ án hành chính cho Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại Điều 147, Điều 231, khoản 3 Điều 247, khoản 3 Điều 252, khoản 2 Điều 264, Điều 286 Luật TTHC.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Tòa án nhân dân cấp cao. Sau khi thụ lý vụ án để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để nghiên cứu, tham gia phiên tòa. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
2. Đối với phiên họp xét kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi đơn kháng cáo quá hạn, bản tường trình của người kháng cáo về lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ, Viện kiểm sát phải trả lại cho Tòa án.
3. Đối với phiên họp phúc thẩm xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
4. Đối với phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo thủ tục đặc biệt, việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại Điều 288, khoản 2 Điều 294 Luật TTHC.
Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao bản sao văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị đó cùng hồ sơ vụ án trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị.
5. Trường hợp Viện kiểm sát đã nhận được hồ sơ để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xem xét kiến nghị theo thủ tục đặc biệt thì Tòa án không phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đó để tham gia phiên tòa, phiên họp mà chỉ gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát theo quy định của Luật TTHC và Thông tư liên tịch này.
Điều 5. Tòa án chuyển hồ sơ vụ án hành chính để Viện kiểm sát xem xét việc kháng nghị
1. Việc chuyển hồ sơ vụ án hành chính cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được thực hiện như sau:
a) Sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị phúc thẩm thì Viện kiểm sát gửi văn bản yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát.
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.
c) Chậm nhất là ngay sau khi hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm quy định tại Điều 213 Luật TTHC, Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình.
2. Khi Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xét thấy cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì việc chuyển hồ sơ vụ án được thực hiện như sau:
a) Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ án đó cho Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án đó cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ, Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án, Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hoặc trong trường hợp thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn lại không quá 06 tháng thì ngay sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 263 hoặc Điều 284 Luật TTHC, Tòa án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình.
b) Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm hoặc kháng nghị tái thẩm thì Viện kiểm sát chuyển ngay hồ sơ vụ án cùng quyết định kháng nghị cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 264 hoặc Điều 286 Luật TTHC; đồng thời thông báo cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát biết.
3. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát cùng có yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì việc chuyển hồ sơ được thực hiện như sau:
a) Trường hợp cùng nhận được văn bản yêu cầu của Tòa án và Viện kiểm sát hoặc trường hợp đã nhận được văn bản yêu cầu của Viện kiểm sát trước nhưng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, hồ sơ chưa được chuyển cho Viện kiểm sát mà lại nhận được yêu cầu của Tòa án thì Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ cho Tòa án có yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có yêu cầu biết.
b) Trường hợp Tòa án hoặc Viện kiểm sát là cơ quan nhận hồ sơ trước thì trong thời hạn 03 tháng (đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì thời hạn không quá 06 tháng) kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu Tòa án, Viện kiểm sát không kháng nghị thì việc chuyển hồ sơ được thực hiện như sau:
b1) Trường hợp Tòa án là cơ quan nhận hồ sơ trước nhưng trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này mà Tòa án không kháng nghị, nếu Viện kiểm sát vẫn tiếp tục có yêu cầu chuyển hồ sơ thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đã có yêu cầu và thông báo ngay cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình biết; nếu Viện kiểm sát đã có yêu cầu không tiếp tục yêu cầu chuyển hồ sơ thì Tòa án trả lại hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.
Trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này, Viện kiểm sát có yêu cầu đã nhận được hồ sơ nhưng không kháng nghị thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.
b2) Trường hợp Viện kiểm sát là cơ quan nhận hồ sơ trước nhưng trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này mà Viện kiểm sát không kháng nghị, nếu Tòa án vẫn tiếp tục có yêu cầu chuyển hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ cho Tòa án đã có yêu cầu và thông báo ngay cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình biết; nếu Tòa án đã có yêu cầu không tiếp tục yêu cầu chuyển hồ sơ thì Viện kiểm sát trả lại hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.
Trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này, Tòa án có yêu cầu đã nhận được hồ sơ nhưng không kháng nghị thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.
c) Trường hợp Tòa án đang quản lý hồ sơ nhận được yêu cầu của Tòa án hoặc Viện kiểm sát trước mà không có quyết định hoãn thi hành án hoặc yêu cầu hoãn thi hành án, nếu trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, hồ sơ chưa được chuyển cho cơ quan đó, thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Tòa án hoặc Viện kiểm sát đã ra quyết định hoãn thi hành án hoặc đã có yêu cầu hoãn thi hành án và thông báo cho cơ quan không được chuyển hồ sơ biết.
d) Tòa án và Viện kiểm sát phối hợp trong việc chuyển hồ sơ vụ án để bảo đảm cho việc xem xét kháng nghị khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
d1) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn lại không quá 06 tháng;
d2) Sau khi Tòa án đã chuyển hồ sơ cho Tòa án hoặc Viện kiểm sát có yêu cầu nhưng không ra quyết định hoãn thi hành án hoặc không có yêu cầu hoãn thi hành án mới nhận được yêu cầu chuyển hồ sơ của Tòa án hoặc Viện kiểm sát có quyết định hoãn thi hành án hoặc có yêu cầu hoãn thi hành án;
d3) Để phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Điều 6. Chuyển hồ sơ để xem xét việc kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Khi Tòa án, Viện kiểm sát xét thấy cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét việc kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì việc chuyển hồ sơ vụ án được thực hiện như sau:
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi văn bản yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ, Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình.
2. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển ngay hồ sơ vụ án cùng với kiến nghị cho Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời thông báo cho Tòa án đã chuyển hồ sơ biết.
Điều 7. Phương thức chuyển hồ sơ
Việc chuyển hồ sơ vụ án hành chính có thể được thực hiện bằng đường bưu chính hoặc chuyển trực tiếp.
Tất cả tài liệu có trong hồ sơ vụ án (bao gồm tài liệu cũ và tài liệu mới bổ sung, nếu có) đều phải được đánh số, sắp xếp theo quy định tại khoản 2 Điều 132 Luật TTHC và có bản kê danh mục tài liệu. Trước khi chuyển hồ sơ vụ án từ Tòa án sang Viện kiểm sát hoặc ngược lại, cơ quan chuyển hồ sơ phải kiểm tra đầy đủ tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Trường hợp gửi hồ sơ theo đường bưu chính thì người trực tiếp nhận hồ sơ đầu tiên của Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải kiểm tra niêm phong; nếu niêm phong không còn nguyên vẹn thì phải lập biên bản ngay xác nhận tình trạng hồ sơ, có xác nhận của nhân viên bưu chính và báo cáo lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan chuyển hồ sơ để phối hợp giải quyết. Trường hợp niêm phong còn nguyên vẹn nhưng tài liệu có trong hồ sơ bị thiếu so với bản kê danh mục tài liệu thì phải báo cáo lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách để lập biên bản ngay và thông báo cho cơ quan chuyển hồ sơ biết để phối hợp giải quyết. Ngày nhận hồ sơ là ngày cơ quan nhận hồ sơ tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở của mình.
Trường hợp hồ sơ vụ án được chuyển trực tiếp thì thủ tục giao nhận hồ sơ do Tòa án chuyển cho Viện kiểm sát được thực hiện tại trụ sở Viện kiểm sát; thủ tục giao nhận hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển trả cho Tòa án được thực hiện tại trụ sở Tòa án. Người nhận hồ sơ phải đối chiếu bản kê danh mục tài liệu với tài liệu đã được đánh số trong hồ sơ. Việc giao nhận phải được lập biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm giao nhận hồ sơ, tình trạng hồ sơ, có chữ ký và họ tên của những người tiến hành giao nhận hồ sơ.
Điều 8. Chuyển giao tài liệu, chứng cứ được cung cấp, thu thập bổ sung cho Viện kiểm sát
Trước khi mở phiên tòa, phiên họp nếu hồ sơ vụ án đã được chuyển cho Viện kiểm sát mà có tài liệu, chứng cứ do đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập bổ sung thì Tòa án chuyển ngay cho Viện kiểm sát bản sao tài liệu, chứng cứ đó.
Điều 9. Thông báo, chuyển tài liệu, chứng cứ do Viện kiểm sát thu thập
Tài liệu, chứng cứ do Viện kiểm sát thu thập theo quy định tại khoản 6 Điều 84 và khoản 2 Điều 259 Luật TTHC được thông báo cho đương sự theo khoản 5 Điều 84 Luật TTHC, được chuyển cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ việc dân sự và bảo quản tại Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật TTHC.
Điều 10. Gửi quyết định, văn bản thông báo về việc chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền
1. Trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án xác định vụ án đó không phải là vụ án hành chính mà là vụ án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật TTHC thì Tòa án thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Tòa án gửi quyết định chuyển hồ sơ vụ án, quyết định đình chỉ việc xét xử, chuyển hồ sơ vụ án quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 34 Luật TTHC cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi Tòa án ra quyết định.
Điều 11. Gửi văn bản thông báo về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
Văn bản thông báo của Thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 73, Điều 74 Luật TTHC được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 12. Gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện; văn bản thông báo ngày mở phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị; quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện
1. Việc gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật TTHC được thực hiện theo từng vụ án.
2. Tòa án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về ngày mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện ngay sau khi quyết định mở phiên họp.
3. Quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị của Thẩm phán quy định tại khoản 4 Điều 124 Luật TTHC được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 13. Gửi văn bản thông báo về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa sau khi hoãn, việc tiếp tục tạm ngừng phiên tòa
1. Việc thông báo về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa theo quy định tại khoản 4 Điều 163 Luật TTHC được thực hiện bằng văn bản.
2. Trường hợp Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa và thời hạn tạm ngừng dưới 30 ngày; hết thời hạn này mà Tòa án quyết định tiếp tục tạm ngừng phiên tòa vì lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Tòa án thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc tiếp tục tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tối đa của việc tạm ngừng phiên tòa là không quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Điều 14. Gửi văn bản thông báo về việc kháng cáo, thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo
1. Tòa án cấp sơ thẩm gửi ngay văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 210 Luật TTHC. Việc gửi văn bản thông báo về việc kháng cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp được thực hiện theo từng vụ án. Trường hợp trong một vụ án có nhiều người kháng cáo thì Tòa án có thể thông báo trong một văn bản về việc kháng cáo của những người kháng cáo trong vụ án đó.
2. Trước khi mở phiên tòa mà người kháng cáo thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm gửi ngay văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo theo quy định tại khoản 4 Điều 218 Luật TTHC. Trường hợp trong một vụ án có nhiều người thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo thì Tòa án có thể thông báo trong một văn bản về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo của những người kháng cáo trong vụ án đó.
Điều 15. Gửi văn bản thông báo, quyết định về việc xem xét kháng cáo quá hạn
1. Tòa án cấp phúc thẩm gửi văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian mở phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn quy định tại khoản 2 Điều 208 Luật TTHC. Trường hợp hoãn phiên họp thì thông báo thời gian mở lại phiên họp sau khi hoãn.
2. Tòa án cấp phúc thẩm gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn, quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn quy định tại khoản 3 Điều 208 Luật TTHC trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Điều 16. Gửi văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn
Trường hợp tính đến ngày, tháng, năm ghi trên quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà đã quá thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 213 và Điều 251 của Luật TTHC thì Tòa án cấp sơ thẩm nhận được kháng nghị có văn bản yêu cầu Viện kiểm sát đã kháng nghị giải thích lý do kháng nghị quá hạn.
Văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Điều 17. Gửi văn bản thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; gửi văn bản thông báo về thời gian mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm
1. Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp văn bản thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 265, Điều 286 Luật TTHC.
Văn bản thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại khoản 1 Điều 265, Điều 286 Luật TTHC được gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm.
2. Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm gửi văn bản thông báo cho Viện kiểm sát về thời gian mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm; trường hợp hoãn phiên tòa thì thông báo thời gian mở lại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm sau khi hoãn. Việc thông báo được thực hiện chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa.
Điều 18. Gửi quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án
Tòa án đã xét xử sơ thẩm gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp quyết định buộc thi hành án quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật TTHC ngay sau khi Tòa án ra quyết định.
Điều 19. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo
1. Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, kết luận nội dung tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại.
Chương III
VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ QUYỀN YÊU CẦU, QUYỀN KIẾN NGHỊ CỦA VIỆN KIỂM SÁT
Điều 20. Quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên
1. Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị quy định tại Luật TTHC và Thông tư liên tịch này.
2. Kiểm sát viên quyết định thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị sau đây:
a) Các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị quy định tại các khoản 6 và 8 Điều 43, khoản 6 Điều 84, khoản 4 Điều 166, điểm c khoản 1 Điều 182, Điều 183 và Điều 186 Luật TTHC;
b) Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án hành chính theo các điều 4, 5 và 6 Thông tư liên tịch này;
c) Yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo Điều 21 Thông tư liên tịch này;
d) Yêu cầu đương sự bổ sung nội dung đơn và tài liệu kèm theo đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo khoản 2 Điều 258, Điều 286 Luật TTHC;
đ) Yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo khoản 2 Điều 259, Điều 286 Luật TTHC;
e) Yêu cầu Tòa án, cơ quan khác, tổ chức, cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Điều 343 Luật TTHC và khoản 3 Điều 31 Thông tư liên tịch này;
g) Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng cư trú, cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng làm việc thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng theo khoản 3 Điều 101 Luật TTHC;
h) Kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó, nếu họ không có người khởi kiện theo khoản 3 Điều 25 Luật TTHC;
i) Kiến nghị quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc việc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa theo khoản 2 Điều 76 Luật TTHC;
k) Kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện theo khoản 1 Điều 124 Luật TTHC.
Điều 21. Yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện
1. Trường hợp Viện kiểm sát cần xem xét kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện hoặc sau khi nhận được thông báo mở phiên họp giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện thì Viện kiểm sát gửi văn bản yêu cầu Tòa án cho sao chụp một số hoặc toàn bộ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án giao cho Viện kiểm sát văn bản cần sao chụp theo yêu cầu tại trụ sở Tòa án. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được văn bản cần sao chụp, Viện kiểm sát trả lại văn bản cho Tòa án.
Điều 22. Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ
1. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Kiểm sát viên xét thấy cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án kịp thời, đúng pháp luật thì Kiểm sát viên gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Luật TTHC.
2. Trước khi mở phiên tòa, Kiểm sát viên gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ cho Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó. Tòa án gửi cho Kiểm sát viên bản sao tài liệu, chứng cứ ngay sau khi Tòa án thu thập được. Nếu tại phiên tòa, Tòa án mới nhận được tài liệu, chứng cứ đó thì Tòa án công bố tài liệu, chứng cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 182 Luật TTHC.
Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc Tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa theo quyết định đưa vụ án ra xét xử được quy định tại Điều 149 hoặc khoản 3 Điều 221 Luật TTHC, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 187 Luật TTHC, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên. Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên thì phải nêu rõ lý do, Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa. Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ của Kiểm sát viên tại phiên tòa và việc Hội đồng xét xử chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
Trường hợp đã tạm ngừng phiên tòa nhưng việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được thì trước ngày Tòa án tiếp tục xét xử vụ án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 23. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa, phiên họp
Sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên có quyền xem biên bản phiên tòa, phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản. Yêu cầu của Kiểm sát viên được thực hiện ngay và Kiểm sát viên ký xác nhận những nội dung sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 166 Luật TTHC.
Chương IV
VIỆN KIỂM SÁT THAM GIA PHIÊN TÒA, PHIÊN HỌP
Điều 24. Thông báo Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 126 và khoản 1 Điều 217 Luật TTHC, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
2. Đối với vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa ngay sau khi nhận được văn bản thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 201 Luật TTHC.
3. Đối với phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, phiên họp phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, phiên họp xét kháng cáo quá hạn, xét lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp ngay sau khi nhận được thông báo của Tòa án về thời gian mở phiên họp.
4. Trường hợp vụ án phức tạp hoặc xét thấy cần thiết thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thể phân công Kiểm sát viên dự khuyết.
Quyết định phân công Kiểm sát viên tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này phải nêu rõ họ tên của Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có).
Điều 25. Thông báo thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp
1. Sau khi đã gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp, nếu thay đổi Kiểm sát viên đó thì Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định thay đổi Kiểm sát viên. Trong quyết định thay đổi phải ghi đầy đủ họ tên của Kiểm sát viên thay thế.
2. Trước khi mở phiên tòa, nếu Tòa án nhận được đơn yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên thì Tòa án chuyển ngay đơn yêu cầu đó cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật TTHC. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên hoặc chậm nhất là 01 ngày trước ngày mở phiên tòa trong trường hợp tính đến ngày mở phiên tòa theo ấn định của Tòa án, thời gian còn lại không quá 07 ngày, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định thay đổi Kiểm sát viên hoặc văn bản thông báo không thay đổi Kiểm sát viên, có nêu rõ lý do.
Trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị, nếu nhận được đơn yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa nhưng tính đến ngày mở phiên tòa theo ấn định của Tòa án, thời gian còn lại không quá 07 ngày mà Viện kiểm sát chưa phân công được Kiểm sát viên khác thay thế thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án. Trường hợp thay đổi Kiểm sát viên thì Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định thay đổi Kiểm sát viên. Trường hợp không thay đổi Kiểm sát viên thì Viện kiểm sát thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử quyết định thay đổi Kiểm sát viên và ra quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án gửi ngay quyết định hoãn phiên tòa cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật TTHC.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoãn phiên tòa, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định thay đổi Kiểm sát viên.
Điều 26. Viện kiểm sát tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện
1. Tại phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại của người khởi kiện, Kiểm sát viên phát biểu về các vấn đề sau đây:
a) Tính có căn cứ và hợp pháp của khiếu nại;
b) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng trong việc trả lại đơn khởi kiện;
c) Tính có căn cứ và hợp pháp của việc trả lại đơn khởi kiện; quan điểm của Viện kiểm sát về việc giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc nhận lại đơn khởi kiện.
2. Tại phiên họp xem xét, giải quyết kiến nghị của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trình bày, phát biểu về các vấn đề sau đây:
a) Nội dung kiến nghị và căn cứ của việc kiến nghị; có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); phân tích để làm rõ quan điểm kiến nghị của Viện kiểm sát về việc trả lại đơn khởi kiện;
b) Nội dung hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Quan điểm của Viện kiểm sát về việc giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc nhận lại đơn khởi kiện.
3. Trường hợp vừa có khiếu nại của người khởi kiện, vừa có kiến nghị của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 27. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm
1. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính (theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn), sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về những vấn đề sau đây:
a) Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
Trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu; trường hợp không chấp nhận thì nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận của Hội đồng xét xử được thảo luận và thông qua tại phòng xử án và được ghi vào biên bản phiên tòa.
b) Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án;
c) Về việc giải quyết vụ án như sau:
c1) Phân tích, đánh giá, nhận định về nội dung tranh chấp và các tình tiết của vụ án;
c2) Đánh giá, nhận định về tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án;
c3) Nêu rõ căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án; đề nghị Tòa án kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (nếu có);
c4) Nêu rõ quan điểm về các vấn đề Hội đồng xét xử phải quyết định quy định tại khoản 3 Điều 191, khoản 2 Điều 193 Luật TTHC; về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị của người khởi kiện, người bị kiện, yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
2. Văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Điều 28. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xét kháng cáo quá hạn
Tại phiên họp xét kháng cáo quá hạn, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn cho đến trước thời điểm Hội đồng xét kháng cáo quá hạn ra quyết định; phát biểu quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn, phân tích làm rõ quan điểm của Viện kiểm sát.
Điều 29. Trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm
1. Trường hợp chỉ có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát thì tại phiên tòa phúc thẩm (theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn), phiên họp phúc thẩm, Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau đây:
a) Nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị; xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); phân tích để làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định sơ thẩm;
b) Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng nghị thì Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu;
c) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm;
d) Quan điểm về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị.
2. Trường hợp chỉ có kháng cáo của đương sự thì Kiểm sát viên phát biểu những vấn đề sau đây:
a) Tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo;
b) Các nội dung hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Quan điểm về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo.
3. Trường hợp vừa có kháng cáo của đương sự, vừa có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau đây:
a) Về kháng cáo của đương sự theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Về kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu trong trường hợp tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Về các nội dung hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều này;
đ) Quan điểm về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
4. Văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp.
Điều 30. Trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm
1. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị thì tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày, phát biểu về những vấn đề sau đây:
a) Nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị; xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); phân tích để làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
b) Trường hợp đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa trình bày ý kiến về kháng nghị thì Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác đã nêu;
c) Quan điểm về việc giải quyết vụ án.
2. Trường hợp Chánh án Tòa án kháng nghị thì tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày, phát biểu về những vấn đề sau đây:
a) Tính có căn cứ và hợp pháp của kháng nghị, nêu rõ lý do nhất trí hoặc không nhất trí với quan điểm kháng nghị của Chánh án Tòa án;
b) Quan điểm về việc giải quyết vụ án.
3. Văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Chương V
KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 31. Quyền yêu cầu của Viện kiểm sát đối với Tòa án
1. Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Chương XXI Luật TTHC khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định;
b) Viện kiểm sát có căn cứ xác định việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát trong trường hợp theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản này, Tòa án được yêu cầu phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã yêu cầu biết. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Tòa án phải có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết và trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cùng cấp kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án cấp mình và Tòa án cấp dưới khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
b) Viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật trong khi giải quyết;
c) Viện kiểm sát có căn cứ xác định việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khi giải quyết.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát trong trường hợp theo hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản này, Tòa án được yêu cầu phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã yêu cầu biết. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Tòa án phải có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết và trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
3. Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
b) Viện kiểm sát đã yêu cầu theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này mà Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của Viện kiểm sát;
c) Đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng người khiếu nại vẫn tiếp tục khiếu nại;
d) Khi Viện kiểm sát cần xem xét hồ sơ, tài liệu để quyết định việc kiến nghị.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát trong trường hợp theo hướng dẫn tại các điểm a, b, c và d khoản này, Tòa án gửi hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát có yêu cầu.
Điều 32. Quyền kiến nghị của Viện kiểm sát đối với Tòa án
1. Trường hợp có căn cứ xác định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án, người có thẩm quyền không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới khắc phục vi phạm pháp luật.
2. Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu theo quy định tại Điều 31 của Thông tư liên tịch này hoặc có kiến nghị theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này mà Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án cấp trên.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã kiến nghị biết. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Tòa án có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết và trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 33. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 10 năm 2016.
2. Quy định Viện kiểm sát kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính quy định tại điểm h khoản 2 Điều 20 Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 có hiệu lực thi hành).
Điều 34. Về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, quyết định./.
KT. CHÁNH ÁN | KT. VIỆN TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
|