Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10/02/2014 giữa Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán
- Số hiệu văn bản: 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Công An, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Ngày ban hành: 10-02-2014
- Ngày có hiệu lực: 25-03-2014
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3884 ngày (10 năm 7 tháng 24 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 10 tháng 2 năm 2014 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG VIỆC XÁC MINH, XÁC ĐỊNH, TIẾP NHẬN VÀ TRAO TRẢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN
Căn cứ Luật phòng, chống mua bán người năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ;
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn về trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán (gọi tắt là nạn nhân) quy định tại các Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật phòng, chống mua bán người. Trường hợp điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế đó.
Nạn nhân quy định trong Thông tư liên tịch này được xác định theo Điều 5 Nghị định số 62/2012/NĐ ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định về căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.
2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với nạn nhân là công dân Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nạn nhân là người nước ngoài đang ở Việt Nam, các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền xác minh, xác định, tiếp nhận, trao trả nạn nhân bị mua bán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.
2. Bảo đảm kịp thời, chính xác, an toàn; bảo hộ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân.
3. Bảo đảm bí mật thông tin về nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Kinh phí bảo đảm
Kinh phí bảo đảm cho việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân do ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán chi thường xuyên hàng năm được giao của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chương II
XÁC MINH, XÁC ĐỊNH, TIẾP NHẬN NẠN NHÂN LÀ CÔNG DÂN VIỆT NAM BỊ MUA BÁN RA NƯỚC NGOÀI
Điều 4. Xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân đang ở nước ngoài
1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước trao đổi hoặc do nạn nhân, người biết việc đến trình báo, thực hiện các công việc sau:
a) Trường hợp có thông tin cho biết nạn nhân chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu xác định nguồn thông tin có căn cứ.
b) Trường hợp nạn nhân đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:
- Tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan đến việc nạn nhân bị mua bán và các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh Việt Nam;
- Hướng dẫn nạn nhân kê khai vào Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về (mẫu Tờ khai tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này). Trường hợp nạn nhân là trẻ em hoặc người không có khả năng tự kê khai thì cán bộ tiếp nhận ghi lại theo lời khai của họ;
- Trường hợp đủ căn cứ để xác định là công dân Việt Nam và là nạn nhân thì thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân và phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân; cấp giấy thông hành cho nạn nhân về nước đối với những trường hợp không có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ. Trường hợp chưa đủ cơ sở xác định là công dân Việt Nam hoặc chưa đủ căn cứ xác định là nạn nhân thì trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ khi nhận được thông tin, tài liệu về người khai là nạn nhân, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm gửi văn bản, kèm theo hồ sơ của người đó (gồm Tờ khai có đầy đủ yếu tố nhân sự, các thông tin, tài liệu do phía nước ngoài, tổ chức quốc tế cung cấp hoặc do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu thập được) về Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an để xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều này, đồng gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để phối hợp.
Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy thông hành cho nạn nhân đối với những trường hợp đồng ý nhận trở về mà không có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ. Đối với trường hợp không xác định được nhân thân hoặc không đủ căn cứ xác định là nạn nhân thì giải quyết theo quy định chung của pháp luật Việt Nam và nước sở tại;
- Thực hiện các thủ tục cần thiết (bố trí phương tiện, thị thực xuất cảnh) và phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại, các tổ chức quốc tế (nếu có) để tổ chức cho nạn nhân đã có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ về nước; thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh về phương tiện, thời gian, cửa khẩu nhập cảnh; chi tiết nhân thân, số và loại giấy tờ xuất nhập cảnh của nạn nhân, của nhân viên nước sở tại hoặc tổ chức quốc tế đi cùng nạn nhân (nếu có) trước khi nạn nhân nhập cảnh ít nhất 05 (năm) ngày để tổ chức tiếp nhận theo quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Việc xác minh, xác định nạn nhân của cơ quan chức năng ở trong nước:
a) Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm tổ chức xác minh hoặc chỉ đạo Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan (sau đây gọi tắt là Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh) xác minh, đồng thời gửi văn bản cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an để phối hợp xác minh khi cần thiết.
Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu xác minh, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh báo cáo kết quả xác minh về Cục Quản lý xuất nhập cảnh qua đường điện mật hoặc fax đồng thời gửi bằng văn bản.
b) Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ khi nhận được kết quả xác minh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đồng gửi văn bản cho Cục Lãnh sự để phối hợp.
3. Tổ chức tiếp nhận nạn nhân trở về qua cửa khẩu sân bay quốc tế:
a) Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc tiếp nhận như sau:
- Trước ngày nạn nhân dự kiến nhập cảnh ít nhất 03 (ba) ngày, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo về thời gian, địa điểm, danh sách nạn nhân trở về cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu nạn nhân trở về để phối hợp tiếp nhận;
- Tại cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh: thực hiện việc đối chiếu, kiểm diện và tiếp nhận nạn nhân; ký Biên bản giao, nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về (mẫu Biên bản giao, nhận nạn nhân bị mua bán tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) với cơ quan chức năng nước ngoài (nếu có); làm thủ tục nhập cảnh cho nạn nhân; kiểm tra hồ sơ của nạn nhân do phía nước ngoài bàn giao hoặc đưa cho nạn nhân mang về; nếu chưa có Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về thì hướng dẫn nạn nhân kê khai; cấp Giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân (mẫu Giấy chứng nhận về nước tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này);
- Nếu nạn nhân có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú thì hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, người không có khả năng tự trở về địa phương nơi cư trú thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích của nạn nhân cư trú. Trường hợp nạn nhân không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì bàn giao nạn nhân (kèm theo các giấy tờ có liên quan) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu để giải quyết theo quy định của pháp luật;
- Thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân về cư trú để quản lý, theo dõi.
b) Tại cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh lấy lời khai ban đầu của nạn nhân để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu về tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi mua bán người, phục vụ công tác điều tra, xử lý theo pháp luật.
c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu sau khi nhận bàn giao nạn nhân từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, có trách nhiệm đưa nạn nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại địa phương mình để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức tiếp nhận nạn nhân trở về qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển:
a) Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo cho Công an cấp tỉnh nơi có cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh chậm nhất là 03 (ba) ngày trước khi nạn nhân dự kiến nhập cảnh để chỉ đạo Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiếp nhận.
b) Công an cấp tỉnh nơi có cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh khi nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm trao đổi, thống nhất kế hoạch tiếp nhận với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu nạn nhân nhập cảnh để phối hợp tiếp nhận.
c) Đồn Biên phòng cửa khẩu nơi nạn nhân nhập cảnh chủ trì thực hiện: đối chiếu, kiểm diện nạn nhân; ký Biên bản giao, nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về với cơ quan chức năng nước ngoài; hướng dẫn nạn nhân kê khai vào Tờ khai dành cho nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài và làm thủ tục nhập cảnh cho nạn nhân, sau đó bàn giao nạn nhân cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh (mẫu Biên bản giao, nhận nạn nhân bị mua bán tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này).
d) Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh sau khi nhận bàn giao nạn nhân thì cấp Giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân (mẫu Giấy chứng nhận về nước tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) và phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh lấy lời khai ban đầu của nạn nhân để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu về tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi mua bán người, phục vụ công tác điều tra, xử lý theo pháp luật.
Nếu nạn nhân có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú, thì hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường; trường hợp nạn nhân là trẻ em, người không có khả năng tự trở về địa phương nơi cư trú thì thông báo cho người thân đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân của nạn nhân cư trú; trường hợp nạn nhân không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, hoặc nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì bàn giao nạn nhân (kèm theo các giấy tờ có liên quan) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu tiếp nhận nạn nhân để hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
đ) Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi tiếp nhận nạn nhân sau khi đã thực hiện các thủ tục nêu trên, thông báo cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân về cư trú để quản lý, theo dõi.
e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi nhận bàn giao nạn nhân từ Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh có trách nhiệm đưa nạn nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại địa phương mình để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài tự trở về
1. Trường hợp nạn nhân từ nước ngoài tự trở về, đến trình báo tại Đồn Biên phòng hoặc được Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phát hiện tại khu vực biên giới, hải đảo, trên biển:
a) Đồn Biên phòng, Cảnh sát biển thực hiện:
- Bố trí chỗ ở tạm thời và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người khai là nạn nhân trong trường hợp cần thiết;
- Lấy lời khai nạn nhân; kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến nhân thân, quốc tịch và các thông tin tài liệu làm căn cứ xác định nạn nhân;
- Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi mua bán người mà nạn nhân biết để phục vụ cho công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người;
- Bàn giao nạn nhân cho Ủy ban nhân dân cấp xã gần nhất nơi người đó trình báo hoặc được phát hiện.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và cơ quan Công an cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận, xác minh theo quy định tại Điều 6 của Thông tư liên tịch này.
2. Trường hợp nạn nhân từ nước ngoài tự trở về, đến trình báo tại cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương thì việc tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ nạn nhân được thực hiện như trường hợp nạn nhân bị mua bán trong nước theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.
Chương III
TIẾP NHẬN, XÁC MINH, XÁC ĐỊNH NẠN NHÂN LÀ CÔNG DÂN VIỆT NAM BỊ MUA BÁN TRONG NƯỚC
Điều 6. Tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân tự đến trình báo
1. Uỷ ban nhân dân hoặc Công an cấp xã khi tiếp nhận nạn nhân, người đại diện hợp pháp của nạn nhân khai báo về việc bị mua bán, có trách nhiệm hướng dẫn người đó kê khai vào Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán trong nước (mẫu Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán trong nước tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này), trường hợp người khai báo là trẻ em hoặc người không có khả năng tự kê khai thì cán bộ tiếp nhận ghi lại theo lời khai của người đó; thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người khai là nạn nhân trong trường hợp cần thiết; thông báo cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ khi nhận được thông báo của Uỷ ban nhân dân hoặc Công an cấp xã về nạn nhân, thực hiện các việc sau:
a) Trường hợp có giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân thì bố trí cho họ trở về nơi cư trú hoặc vào cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định;
b) Trường hợp chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân thì gửi văn bản đề nghị Công an cấp huyện nơi nạn nhân cư trú hoặc nơi nạn nhân khai xảy ra vụ việc mua bán người để xác minh. Trong thời gian chờ xác minh người khai là nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu theo quy định của pháp luật. Sau khi có văn bản trả lời của Công an cấp huyện xác định là nạn nhân thì thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân như đối với trường hợp đủ căn cứ xác định nạn nhân nêu tại điểm a khoản này.
3. Công an cấp huyện nơi người khai là nạn nhân cư trú hoặc nơi họ khai xảy ra vụ việc mua bán người có trách nhiệm thực hiện những việc sau:
a) Xác minh, xác định nạn nhân và trả lời kết quả trong thời hạn không quá 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu xác minh của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện (quy định tại điểm b khoản 2 Điều này);
b) Trường hợp xác minh thấy đủ căn cứ xác định là nạn nhân thì cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán (mẫu Giấy xác nhận nạn nhân tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này), gửi kết quả xác minh và giấy xác nhận này về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết việc hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định;
c) Đối với các vụ việc phức tạp hoặc việc xác minh liên quan đến nhiều địa phương thì Công an cấp huyện báo cáo Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) để chỉ đạo việc xác minh; trong trường hợp này thời hạn xác minh trả lời kết quả không được quá 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Công an cấp huyện. Sau khi xác minh, nếu đủ căn cứ xác định nạn nhân thì cơ quan xác minh trả lời và cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán và thông báo cho Công an cấp huyện để thực hiện tiếp các việc quy định tại điểm b khoản này.
Điều 7. Xác minh, xác định nạn nhân được giải cứu
1. Cơ quan giải cứu (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) thực hiện các việc sau:
a) Trường hợp người được giải cứu có đủ căn cứ để xác định nạn nhân thì thực hiện việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân; cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán; bàn giao nạn nhân cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi giải cứu để thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 2 Điều này.
b) Trường hợp chưa đủ căn cứ xác định là nạn nhân thì sau khi thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cơ quan giải cứu bàn giao người được giải cứu cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương đó để đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi giải cứu thực hiện các việc sau:
a) Trường hợp người được giải cứu đã được cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán thì thực hiện việc hỗ trợ theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp chưa đủ căn cứ xác định là nạn nhân thì gửi văn bản đề nghị Công an cấp huyện nơi người được giải cứu xác minh, xác định nạn nhân; khi có kết quả xác minh thì giải quyết các thủ tục như đối với trường hợp nạn nhân bị mua bán trong nước quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch này.
3. Công an cấp huyện nơi người được giải cứu thực hiện việc xác minh, xác định nạn nhân và trả lời kết quả cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch này.
Trường hợp Công an cấp huyện xác định không phải là nạn nhân, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân làm các thủ tục đưa người được giải cứu ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TIẾP NHẬN, XÁC MINH, XÁC ĐỊNH VÀ TRAO TRẢ NẠN NHÂN LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI BỊ MUA BÁN TẠI VIỆT NAM
Điều 8. Tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân
1. Trường hợp nạn nhân chưa được giải cứu:
Khi nhận được thông tin, tài liệu về nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước trao đổi hoặc do người biết việc đến trình báo, cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo ngay cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân bị giữ để xác minh, điều tra, giải cứu.
2. Trường hợp nạn nhân đã được giải cứu hoặc khai là nạn nhân tự trình báo:
a) Cơ quan Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển nơi giải cứu nạn nhân hoặc cơ quan Công an (cấp xã, huyện, tỉnh) nơi tiếp nhận người khai là nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân nếu thấy cần thiết và chuyển ngay người đó đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi nạn nhân được giải cứu hoặc nơi gần nhất nạn nhân khai báo về việc bị mua bán. Trường hợp người được giải cứu có đủ căn cứ xác định nạn nhân thì cơ quan giải cứu cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán trước khi chuyển giao.
b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, sau khi tiếp nhận nạn nhân, thực hiện ngay các việc sau:
- Đưa nạn nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để chỉ đạo việc hỗ trợ nạn nhân trong thời gian chờ xác minh;
- Thông báo cho Sở Ngoại vụ nơi nạn nhân được lưu giữ biết để thực hiện công tác đối ngoại theo quy định;
- Thông báo cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh biết để thực hiện các công việc nêu tại điểm c khoản này.
c) Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh khi nhận được thông tin về nạn nhân, có trách nhiệm phối hợp với Sở Ngoại vụ khẩn trương tiếp xúc với nạn nhân và thực hiện các việc sau:
- Kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của nạn nhân tại Việt Nam; lấy lời khai sơ bộ (nếu nạn nhân không biết tiếng Việt thì sử dụng người phiên dịch trong quá trình lấy lời khai);
- Chụp ảnh 06 (sáu) ảnh cỡ 4cm x 6 cm và hướng dẫn nạn nhân kê khai vào Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán trong nước. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, người không biết tiếng Việt thì phiên dịch ghi lại theo lời khai của họ;
- Báo cáo về Cục Quản lý xuất nhập cảnh và gửi kèm theo hồ sơ gồm: Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán trong nước, 05 (năm) ảnh của nạn nhân, Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán (nếu có), kết quả lấy lời khai sơ bộ nạn nhân và các tài liệu khác (nếu có);
- Trường hợp không đủ căn cứ xác định nạn nhân thì phải có văn bản đề nghị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh nơi người đó khai bị mua bán hoặc được giải cứu để tiến hành xác minh. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự xã hội Công an cấp tỉnh phải trả lời kết quả cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh đó để báo cáo Cục Quản lý xuất nhập cảnh;
d) Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về nạn nhân của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra các thông tin liên quan đến việc nhập xuất cảnh, cư trú của nạn nhân và có văn bản trao đổi với Cục Lãnh sự kèm theo Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán trong nước, 03 (ba) ảnh và Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán và các tài liệu liên quan (nếu có);
đ) Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày kể từ khi nhận được văn bản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Lãnh sự có trách nhiệm gửi công hàm (kèm theo hồ sơ nạn nhân và 02 (hai) ảnh) cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước nạn nhân khai có quốc tịch (hoặc thường trú) để yêu cầu việc bảo hộ, xác minh, nhận trở về nạn nhân.
Điều 9. Trao trả nạn nhân
1. Cục Lãnh sự khi nhận được công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà nạn nhân là công dân (hoặc thường trú) trả lời đồng ý nhận trở về, kèm theo giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh đã được cấp cho nạn nhân, có trách nhiệm thống nhất với phía nước ngoài về thời gian, cửa khẩu, phương tiện chuyên chở nạn nhân về nước (trường hợp phía nước ngoài không bố trí được phương tiện chuyên chở thì có thể đề nghị các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ), sau đó thông báo bằng văn bản và chuyển giấy tờ xuất, nhập cảnh của nạn nhân cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
2. Cục Quản lý xuất nhập cảnh trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Lãnh sự có trách nhiệm thực hiện:
a) Cấp thị thực xuất cảnh, tạm trú cho nạn nhân (được miễn thu lệ phí, thời hạn của thị thực, tạm trú phù hợp với thời hạn đưa nạn nhân về nước);
b) Thông báo kế hoạch đưa nạn nhân về nước cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đang lưu giữ nạn nhân; Công an cửa khẩu sân bay quốc tế hoặc Bộ đội Biên phòng cửa khẩu đường bộ nơi nạn nhân sẽ xuất cảnh; các tổ chức quốc tế (nếu có liên quan) để phối hợp đưa nạn nhân về nước;
c) Chuyển cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi lưu giữ nạn nhân giấy tờ xuất nhập cảnh và các tài liệu liên quan đến nạn nhân để thực hiện thủ tục đưa nạn nhân về nước.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi lưu giữ nạn nhân chỉ đạo cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân đưa nạn nhân tới cửa khẩu và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc đưa nạn nhân về nước.
4. Tại cửa khẩu đưa nạn nhân về nước, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân được lưu giữ phối hợp với Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế thực hiện các thủ tục xuất cảnh cho nạn nhân (nếu nạn nhân về bằng đường hàng không) hoặc bàn giao cho Bộ đội Biên phòng nơi có cửa khẩu quốc tế đường bộ để trao trả nạn nhân cho phía nước ngoài (nếu nạn nhân về bằng đường bộ).
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 08 tháng 5 năm 2008 của liên Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, xác định, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
Các cơ quan, đơn vị chức năng của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại giao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình và kết quả công tác xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán, gửi về Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an.
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |
Nơi nhận: |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|