Thông tư liên tịch số 221/2012/TTLT-BTC-BCT ngày 24/12/2012 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020
- Số hiệu văn bản: 221/2012/TTLT-BTC-BCT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Công thương
- Ngày ban hành: 24-12-2012
- Ngày có hiệu lực: 10-02-2013
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4362 ngày (11 năm 11 tháng 17 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2012 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020";
Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 như sau:
Điều 1. Quy định chung
1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các đề án thành phần của Chiến lược, ban hành kèm theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020".
2. Các đề án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đủ điều kiện để bố trí kinh phí và triển khai thực hiện.
3. Kinh phí thực hiện các đề án thành phần của Chiến lược do ngân sách nhà nước đảm bảo từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế (bao gồm cả nguồn vốn viện trợ). Ngoài ra cần huy động các nguồn tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các đề án của Chiến lược.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược.
4. Các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, đề án của Chiến lược phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.
Điều 2. Nội dung chi thực hiện các đề án của Chiến lược
1. Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
a. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng: phát thanh, truyền hình, báo.
b. In ấn tài liệu, tờ rơi, tranh cổ động về sản xuất sạch hơn.
c. Xây dựng và thực hiện các chương trình hội thảo truyền thông về sản xuất sạch hơn để giới thiệu và phổ biến về sản xuất sạch hơn, kết quả các mô hình trình diễn cho các đối tượng phù hợp.
d. Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sạch hơn.
đ. Xây dựng bản tin chuyên đề về sản xuất sạch hơn.
e. Tổ chức các cuộc thi truyền thông về sản xuất sạch hơn: Xây dựng điều lệ cuộc thi, hội thảo, hội nghị, để phát động cuộc thi, chấm thi, công bố và trao giải thưởng.
g. Tập huấn nâng cao năng lực cho các đối tượng có vai trò hỗ trợ, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn và thực hiện sản xuất sạch hơn: Các hiệp hội công nghiệp, giảng viên, cán bộ quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương (Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công), cán bộ kỹ thuật đến cấp tỉnh.
2. Hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp:
a. Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp;
b. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
c. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao thực hiện theo Luật Chuyển giao công nghệ (số 80/2006/QH11) và các văn bản hướng dẫn về Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
3. Hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp:
a. Xây dựng đề án thành lập các đơn vị có chức năng tư vấn áp dụng sản xuất sạch hơn tại các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công địa phương. Trên cơ sở đề án do Bộ Công Thương xây dựng các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để thành lập cho phù hợp.
b. Xây dựng hệ thống báo cáo đánh giá thực hiện sản xuất sạch hơn.
4. Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại Bộ Công Thương.
5. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (điều tra, đánh giá, đề xuất các cơ chế chính sách).
6. Hoạt động của Ban Điều hành Chiến lược và Văn phòng giúp việc Ban điều hành: Mua sắm trang thiết bị; khảo sát hợp tác quốc tế với các nước có trình độ tiên tiến về sản xuất sạch hơn; hội thảo, hội nghị, sơ kết, tổng kết; kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá và phê duyệt các đề án của Chiến lược và các khoản chi khác (nếu có).
Điều 3. Mức chi
1. Mức chi thực hiện các đề án của Chiến lược phải thực hiện theo đúng định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
2. Mức chi hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tối đa không quá 50% chi phí tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/1 cơ sở.
Điều 4. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước
Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế chi thực hiện các đề án của Chiến lược thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số điểm như sau:
1. Về lập dự toán
Hàng năm, căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính, nội dung thực hiện các đề án thành phần của Chiến lược sản xuất sạch hơn, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và một số mức chi quy định tại Thông tư này.
Đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung đề án thành phần của Chiến lược lập dự toán kinh phí báo cáo Bộ Công Thương xem xét tổng hợp vào dự toán ngân sách của Bộ cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tổng hợp trình Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt.
2. Phân bổ và giao dự toán
Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Công Thương lập phương án phân bổ kinh phí cho các đơn vị dự toán trực thuộc thực hiện đề án của Chiến lược gửi Bộ Tài chính để xem xét, thẩm tra theo quy định hiện hành.
3. Về chấp hành dự toán
Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát chi theo quy định hiện hành.
Điều 5. Công tác báo cáo, thanh tra, kiểm tra
1. Các đơn vị được giao thực hiện các đề án của Chiến lược có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
2. Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện nội dung và sử dụng kinh phí các đề án của Chiến lược đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
3. Định kỳ hàng năm, Bộ Công Thương tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2013.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
KT.BỘ TRƯỞNG | KT.BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |