Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26/06/2012 giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa
- Số hiệu văn bản: 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Ngày ban hành: 26-06-2012
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2013
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4345 ngày (11 năm 11 tháng 0 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI- BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2012 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH BẰNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch (sau đây gọi tắt là phương tiện) là phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách đường thủy theo tuyến cố định hoặc theo hợp đồng, bảo đảm các quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư này.
2. Phương tiện lưu trú là phương tiện có buồng ngủ hoặc phòng ngủ bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ lưu trú du lịch.
3. Nhân viên phục vụ là người làm việc trên phương tiện nhưng không phải là thuyền viên, người lái phương tiện.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Quy định đối với cảng, bến thủy nội địa kinh doanh vận tải khách du lịch và khu vực phương tiện neo đậu
1. Thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.
2. Có bảng thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về tuyến, điểm du lịch; các công trình phụ trợ phục vụ khách du lịch bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường.
3. Khu vực neo đậu
a) Có các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và các phương tiện khác bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường;
b) Trang thiết bị để neo đậu phương tiện lưu trú du lịch bảo đảm an toàn;
c) Được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc cấp giấy phép hoạt động theo quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.
Điều 5. Quy định đối với phương tiện
Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định tại Thông tư số 20/2011/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách đường thủy nội địa, phương tiện phải bảo đảm yêu cầu các quy định sau:
1. Đối với phương tiện lưu trú du lịch
a) Có buồng ngủ hoặc phòng ngủ bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ theo quy định hiện hành;
b) Có bảng chỉ dẫn vị trí bố trí, bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường treo ở địa điểm mà hành khách dễ nhìn thấy và dễ hiểu; có bảng hướng dẫn sử dụng áo phao cứu sinh, sử dụng búa để mở hoặc phá cửa thoát hiểm;
c) Có thiết bị theo dõi thời tiết, thông tin liên lạc: có hệ thống thông tin nội bộ từ phòng thuyền trưởng đến các khu vực dịch vụ, buồng ngủ hoặc phòng ngủ của khách; có số ghi điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn;
d) Có biểu đồ tuyến hành trình du lịch, các cảng, bến đón, trả hành khách và các điểm neo đậu;
đ) Có đầy đủ định biên thuyền viên theo quy định và phải được bố trí trực cảnh giới 24/24 giờ;
e) Có sổ danh bạ thuyền viên và nhân viên phục vụ trên phương tiện được ghi chép đầy đủ và lưu giữ tại phương tiện, bổ sung hàng ngày (nếu có thay đổi).
2. Đối với phương tiện
a) Được bố trí đầy đủ định biên thuyền viên theo quy định;
b) Có sổ danh bạ thuyền viên và nhân viên phục vụ được ghi chép đầy đủ và lưu giữ tại phương tiện, bổ sung hàng ngày (nếu có thay đổi);
c) Có biểu đồ tuyến hành trình du lịch, các cảng, bến đón trả hành khách;
d) Có sổ ghi điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn.
Điều 6. Quy định đối với thuyền viên, người lái phương tiện
1. Thực hiện theo các quy định tại Chương IV Luật Giao thông đường thủy nội địa về thuyền viên và người lái phương tiện, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải về đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện.
2. Có Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp.
Điều 7. Quy định đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện
1. Có bằng chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc và chức danh trên phương tiện.
2. Được bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ về an toàn giao thông đường thủy; huấn luvện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu đắm và sơ cứu y tế.
3. Có Chứng chỉ bơi lội.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
Điều 8. Trách nhiệm của thuyền viên và người lái phương tiện
Ngoài việc thực hiện các quy định tại Chương II Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa; Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT thuyền viên và người lái phương tiện còn có trách nhiệm:
1. Trách nhiệm của thuyền trưởng
a) Chịu trách nhiệm cao nhất về an toàn, an ninh trật tự trong suốt hành trình của phương tiện;
b) Thông báo kịp thời cho khách du lịch về điều kiện thời tiết bất thường hay có sự cố bất thường trên phương tiện hoặc trong khu vực;
c) Chỉ nhận khách có giấy tờ tùy thân hợp lệ, đúng với danh sách khách đã khai báo tạm trú (nếu là khách lưu trú);
d) Thực hiện đúng lịch trình đã đăng ký; khi thay đổi lịch trình liên quan đến cảng, bến, điểm neo đậu phải thông báo cho các cơ quan đó biết trước khi thực hiện.
2. Trách nhiệm của thuyền viên và người lái phương tiện
a) Thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo chức danh, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thuyền trưởng; và người chỉ huy trực tiếp;
b) Trước khi khởi hành, tùy theo chức trách của mình, thuyền viên và người lái phương tiện phải kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy đối với người và phương tiện; phổ biến cho khách du lịch cách sử dụng áo phao cứu sinh, trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và sử dụng búa để mở hoặc phá cửa thoát hiểm;
c) Báo cáo kịp thời cho thuyền trưởng khi phát hiện sự cố bất thường trên phương tiện.
Điều 9. Trách nhiệm của nhân viên phục vụ trên phương tiện
1. Nhân viên phục vụ trên phương tiện thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo công việc được giao, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của thuyền trưởng và người chỉ huy trực tiếp.
2. Tham gia bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho nguời và tài sản của khách du lịch trong suốt hành trình.
3. Tham gia cứu nạn khi phương tiện khác gặp sự cố trong khu vực cùng neo đậu hoặc đang hoạt động.
4. Báo cáo kịp thời cho thuyền trưởng khi phát hiện sự cố bất thường trên phương tiện.
Điều 10. Trách nhiệm của khách du lịch
1. Thực hiện theo các quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Giao thông đường thủy nội địa, Điều 36 Luật Du lịch và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về điền kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa của thuyền trưởng, thuyền viên.
Điều 11. Trách nhiệm của Cảng vụ đường thủy nội địa
Thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 34/2010/TT-BGTVT ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa và Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Theo dõi quản lý hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy nội địa thuộc địa phương, hàng quý báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (trước ngày 20 của tháng cuối quý).
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa thuộc địa phương mình.
3. Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ an toàn giao thông cho nhân viên phục vụ trên phương tiện.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các thuyền viên, người lái phương tiện.
2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch của các phương tiện và tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
Điều 14. Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành về hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy nội địa trên toàn quốc; hàng quý thống kê, tổng hợp diễn biến về công tác bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy nội địa của các địa phương để báo cáo Bộ Giao thông vận tải (trước ngày 25 của tháng cuối quý) và sao gửi Tổng cục Du lịch để phối hợp quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng chương trình, kế hoạch liên ngành chỉ đạo kiểm tra công ích bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa tại các địa phương.
3. Quy định nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ bảo đảm an toàn giao thông đường thủy cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
Điều 15. Trách nhiệm của Tổng cục Du lịch
1. Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức và kiểm tra bảo đảm an toàn cho khách du lịch trên phương tiện thủy nội địa trong phạm vi cả nước.
2. Quy định khung chương trình tập huấn nghiệp vụ du lịch cho thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ khách du lịch trên phương tiện thủy nội địa.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
2. Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, bất cập đề nghị phản ánh về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
BỘ TRƯỞNG | BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
|