cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn quản lý tài chính đối với dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí

  • Số hiệu văn bản: 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 21-02-2011
  • Ngày có hiệu lực: 08-04-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4977 ngày (13 năm 7 tháng 22 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT THỬ NGHIỆM ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ KINH PHÍ

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 62/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc không thu hồi kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm;
Liên Bộ Tài chính - Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí như sau:

Điều 1. Những quy định chung

1. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các dự án sản xuất thử nghiệm (sau đây gọi tắt là dự án SXTN) được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện thuộc hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trọng điểm xác định trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và hướng khoa học ưu tiên của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các bộ, ngành, tỉnh, thành phố), bao gồm:

a) Các dự án SXTN cấp nhà nước gồm: Dự án độc lập, dự án thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp Nhà nước, dự án thuộc các Dự án KH&CN, dự án thuộc các Chương trình, Đề án KH&CN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành thực hiện được quy định tại Quyết định số 62/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Các dự án SXTN cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các dự án SXTN được hỗ trợ từ nguồn Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia hoặc các nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN khác.

3. Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các dự án SXTN được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp KH&CN hàng năm của các bộ ngành, các tỉnh, thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách hiện hành.

4. Tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét duyệt các dự án SXTN được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại văn bản khác.

Điều 2. Những quy định cụ thể

1. Các nội dung chi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

a) Chi hoàn thiện, đổi mới công nghệ; hoàn thiện, đổi mới dây chuyền sản xuất (hoàn thiện, đổi mới quy trình công nghệ, giải mã công nghệ của nước ngoài, thiết lập quy trình công nghệ tối ưu, thiết kế kỹ thuật, thiết kế chế tạo sản phẩm của dự án, hoàn thiện, đổi mới dây chuyền sản xuất, bổ sung hoặc làm mới thiết bị máy móc và dụng cụ kiểm tra, đo lường...) để thực hiện các dự án SXTN.

b) Chi sản xuất thử sản phẩm loạt đầu tiên của dự án (mua giống, nguyên vật liệu; chi phí tiêu thụ năng lượng; chi thuê nhân công...);

c) Chi mua tài liệu kỹ thuật của nước ngoài (mà trong nước không có);

d) Chi thuê tư vấn, chuyên gia;

đ) Chi thuê, mua sắm, nhập khẩu trang thiết bị chuyên dụng phục vụ trực tiếp cho dự án;

e) Chi đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, nông dân (đối với các dự án SXTN trong nông nghiệp)... phục vụ trực tiếp cho dự án;

f) Chi phí kiểm tra, phân tích các kết quả nghiên cứu trong quá trình thực nghiệm;

i) Chi phí kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hoá là kết quả của dự án;

k) Chi tuyên truyền, tiếp thị, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký bảo hộ giống cây trồng;

g) Các chi phí khác trực tiếp phục vụ cho thực hiện dự án (không bao gồm kinh phí chi phí đi công tác nước ngoài, lãi tiền vay phát sinh do chủ dự án phải vay vốn để thực hiện dự án trên phần vốn của tổ chức chủ trì).

2. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước hỗ trợ:

- Tối đa đến 30% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không tính giá trị còn lại hoặc chi phí khấu hao trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí đầu tư thực hiện dự án);

 - Tối đa đến 50% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án SXTN trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án triển khai tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục các tổ chức hành chính thuộc vùng khó khăn và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

- Tối đa đến 70% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án SXTN trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục các tổ chức hành chính thuộc vùng khó khăn và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ

Thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án được quy định như sau:

a) Đối với dự án SXTN cấp nhà nước

- Các dự án SXTN độc lập, các dự án SXTN thuộc các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, các dự án SXTN thuộc các Dự án KH&CN: Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với từng dự án tính trên tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

- Các dự án SXTN thuộc các Chương trình, Đề án KH&CN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc do Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho các bộ, ngành phê duyệt và giao cho các bộ, ngành quản lý: Các bộ, ngành được giao quản lý quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với từng dự án tính trên tổng mức đầu tư mới cần thiết để thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này và theo các Thông tư hướng dẫn được xây dựng riêng cho các chương trình, đề án.

b) Đối với các dự án SXTN cấp Bộ ngành, cấp tỉnh, thành phố: Các bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với từng loại dự án tính trên tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 3. Công tác quản lý tài chính đối với các dự án

Việc lập, giao dự toán, thực hiện dự toán và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các dự án căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 4/10/2006 hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và được thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành, các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung (nếu có) và một số điểm hướng dẫn tại Thông tư này như sau:

1. Lập và giao dự toán chi ngân sách hàng năm

Hàng năm căn cứ vào dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cả giai đoạn thực hiện dự án SXTN (trong đó có kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ), tiến độ triển khai thực hiện dự án; các tổ chức lập dự toán chi ngân sách nhà nước gửi cơ quan có thẩm quyền (Bộ Khoa học và Công nghệ đối với các dự án SXTN cấp nhà nước; các bộ ngành đối với các dự án SXTN thuộc các Chương trình, Đề án KH&CN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao quản lý; các bộ ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với các dự án SXTN cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố).

Các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố xem xét tổng hợp dự toán chi ngân sách đối với các dự án SXTN được Nhà nước hỗ trợ kinh phí vào dự toán thu, chi ngân sách của tổ chức mình theo quy định (chi tiết theo dự án cấp nhà nước, cấp bộ ngành, cấp tỉnh, thành phố).

Căn cứ vào dự toán thu, chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, các bộ ngành, các tỉnh, thành phố lập phương án phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước thực hiện các dự án cho các tổ chức chủ trì và tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành.

Các tổ chức chủ trì dự án SXTN không được cấp phát ngân sách nhà nước thường xuyên hàng năm (ví dụ như doanh nghiệp, các tập thể, hộ gia đình hoặc các tổ chức KH&CN, tổ chức sự nghiệp thực hiện các dự án do đấu thầu, đặt hàng từ các tổ chức khác có hưởng ngân sách nhà nước) thì thực hiện ký hợp đồng KH&CN để thực hiện dự án với cơ quan phê duyệt dự án hoặc cơ quan được uỷ quyền. Các nội dung về hợp đồng KH&CN thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Công tác cấp phát, thực hiện dự toán và thanh quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện các dự án SXTN được thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

3. Kiểm tra tình hình thực hiện dự án SXTN

a) Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án SXTN có trách nhiệm chủ trì phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các cơ quan khác có liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện dự án, cụ thể như sau:

- Các dự án SXTN cấp nhà nước không thuộc các chương trình KH&CN trọng điểm: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra

- Các dự án SXTN thuộc các Chương trình, Đề án KH&CN giao cho các bộ, ngành quản lý: Các bộ, ngành chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành, các tỉnh, thành phố liên quan và Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra

- Các dự án SXTN thuộc các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước: thực hiện theo quy định hiện hành về Quy chế tổ chức quản lý hoạt động Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước.

- Các dự án SXTN cấp bộ, ngành: Các bộ, ngành chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra

- Các dự án SXTN cấp tỉnh, thành phố: Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với cơ quan chủ quản và Sở Tài chính kiểm tra

b) Nội dung kiểm tra: Tình hình thực hiện dự án về tiến độ thực hiện, các nội dung KH&CN, ... theo hợp đồng KH&CN đã ký và tình hình sử dụng kinh phí, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động khác của tổ chức thực hiện dự án.

Trong quá trình kiểm tra cần xem xét tỷ lệ giữa nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động.

4. Trách nhiệm thực hiện các dự án SXTN

 Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các điều khoản ghi trong hợp đồng KH&CN đã ký, huy động đủ các nguồn vốn như đã cam kết để thực hiện dự án; sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ tiêu chuẩn, báo cáo tình hình sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

5. Xử lý vi phạm hợp đồng KH&CN thực hiện dự án SXTN

a) Dự án không đảm bảo huy động đủ các nguồn vốn ngoài ngân sách để đối ứng thực hiện dự án theo cam kết trong Hợp đồng KH&CN:

Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng tác động của sự thay đổi các nguồn vốn đối với nội dung và kết quả dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án (quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này) xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức hỗ trợ hoặc thu hồi kinh phí hỗ trợ; cụ thể như sau:

- Trường hợp tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án chứng minh được các yếu tố khách quan dẫn tới không bảo đảm kinh phí đối ứng: Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ xem xét, quyết định điều chỉnh tổng mức kinh phí của dự án và tăng mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhưng phải đảm bảo không vượt quá tỷ lệ hỗ trợ quy định tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.

- Trường hợp tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án không chứng minh được các yếu tố khách quan dẫn tới không bảo đảm kinh phí đối ứng thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ xem xét, quyết định:

+ Điều chỉnh giảm số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo tỷ lệ giảm nguồn vốn dự kiến huy động ngoài ngân sách nhà nước trên tổng dự toán kinh phí của dự án nếu việc điều chỉnh giảm này không làm thay đổi kết quả dự kiến của dự án.

+ Trường hợp việc điều chỉnh giảm nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dẫn tới thay đổi kết quả dự kiến của dự án thì yêu cầu tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án phải huy động bổ sung kinh phí đối ứng từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước để dự án đạt được kết quả đã được phê duyệt. Nếu tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án không xác nhận bổ sung kinh phí đối ứng thì cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định dừng thực hiện dự án và yêu cầu tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số kinh phí ngân sách đã hỗ trợ. Nguồn kinh phí nộp trả ngân sách nhà nước: 50% do Chủ nhiệm dự án chịu trách nhiệm nộp trả; 50% từ các Quỹ và các nguồn kinh phí tự có khác của tổ chức chủ trì.

b) Dự án không hoàn thành (gồm các dự án phải dừng thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc dự án được đánh giá nghiệm thu ở mức “không đạt”) do nguyên nhân ngoài nguyên nhân về huy động vốn đối ứng ngoài ngân sách nêu tại điểm a khoản 5 Điều này thì:

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xác định dự án phải dừng thực hiện hoặc không hoàn thành của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án có trách nhiệm lập báo cáo chi tiết toàn bộ quá trình thực hiện (nội dung hoạt động và sử dụng kinh phí) của dự án; xác định rõ các nguyên nhân gửi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án.

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án chịu trách nhiệm kiểm tra, xác định nguyên nhân dẫn đến việc dự án không hoàn thành.

- Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử lý cụ thể như sau:

Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án có trách nhiệm:

+ Nộp hoàn trả ngân sách nhà nước toàn bộ kinh phí ngân sách nhà nước đã được cấp nhưng chưa sử dụng;

+ Thu hồi nộp ngân sách nhà nước tối đa đến 100% kinh phí ngân sách nhà nước đã được sử dụng cho dự án.

Căn cứ vào tình hình thực tế (tình hình kinh phí đã đầu tư vào dự án sản xuất thử nghiệm, các yếu tố khách quan, chủ quan dẫn đến dự án không hoàn thành, khả năng thu hồi kính phí từ việc bán các sản phẩm, tài sản của dự án,…) cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định mức thu hồi cụ thể cho phù hợp với thực tế thực hiện dự án. Nguồn kinh phí nộp trả ngân sách nhà nước: 50% do Chủ nhiệm dự án chịu trách nhiệm nộp trả; 50% từ các Quỹ và các nguồn kinh phí tự có khác của tổ chức chủ trì.

c) Trong thời hạn 360 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án có quyết định về việc nộp hoàn trả kinh phí cho ngân sách nhà nước, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án có trách nhiệm nộp hoàn trả kinh phí cho ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Trường hợp hết thời hạn nêu trên tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án không nộp hoàn trả kinh phí cho ngân sách nhà nước sẽ thực hiện giảm trừ dự toán ngân sách năm sau của cơ quan chủ trì. Đối với các tổ chức chủ trì dự án không được cấp phát ngân sách nhà nước thường xuyên hàng năm sẽ không được xem xét để tham gia các dự án SXTN trong vòng 02 năm tính từ thời điểm có quyết định dừng thực hiện dự án.

- Trong trường hợp nguồn các Quỹ và các nguồn tự có khác hiện có của tổ chức chủ trì không đủ nộp hoàn trả ngân sách, thì phần kinh phí còn thiếu tiếp tục nộp hoàn trả ngân sách nhà nước trong năm sau.

- Các tổ chức chủ trì dự án tổng hợp tình hình thực hiện việc thu hồi kinh phí hoàn trả ngân sách nhà nước vào báo cáo quyết toán hàng năm của tổ chức mình gửi cơ quan chủ quản cấp trên để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.

d) Các hình thức xử lý khác đối với các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm dự án không hoàn thành được Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tại các văn bản khác.

đ) Chủ nhiệm dự án, tổ chức chủ trì dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải hoàn trả ngân sách nhà nước số kinh phí đã sử dụng sai mục đích, sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định.

6. Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí

Định kỳ 06 tháng các tổ chức chủ trì dự án gửi báo cáo tình hình sử dụng các nguồn kinh phí tương ứng với khối lượng công việc đã triển khai cho cơ quan phê duyệt dự án.

Các bộ ngành,các tỉnh, thành phố hàng năm gửi báo cáo tổng hợp kinh phí hỗ trợ các dự án SXTN về Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính trước thời điểm xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ năm sau.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 4 năm 2011 và thay thế Thông tư liên tịch số 85/2004/TTLT-BTC-BKHCN ngày 20/8/2004 của liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án KH&CN được ngân sách nhà nước hỗ trợ và có thu hồi kinh phí.

2. Các dự án SXTN được ngân sách nhà nước hỗ trợ đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đang thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 85/2004/TTLT-BTC-BKHCN ngày 20/8/2004 của liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ .

3. Các dự án SXTN quy định tại Quyết định số 62/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc không thu hồi kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các dự án SXTN sản phẩm được phê duyệt sau ngày 01/12/2010 thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

4. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc thu hồi kinh phí, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp xem xét xử lý miễn, giảm kinh phí thu hồi đối với các dự án SXTN đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thuộc thẩm quyền quản lý, tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp ./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌCVÀ CÔNG NGHỆ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

Nơi nhận:
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan trung ương các Hội, đoàn thể;
- UBND, Sở Tài chính , Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các tổ chức thuộc và trực thuộc hai Bộ KH&CN và BTC;
- Quỹ PTKH&CN QG và các Quỹ trong hệ thống Quỹ phát triển KH&CN;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính; Website Bộ KH&CN;
- Lưu: Bộ TC, Bộ KH&CN.