cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-BTC-TANDTC ngày 24/06/2010 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến chi phí thực hiện công việc của thừa phát lại và chế độ tài chính đối với Văn phòng thừa phát lại (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 12/2010/TTLT-BTP-BTC-TANDTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao
  • Ngày ban hành: 24-06-2010
  • Ngày có hiệu lực: 10-08-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-04-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1349 ngày (3 năm 8 tháng 14 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-04-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-04-2014, Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-BTC-TANDTC ngày 24/06/2010 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến chi phí thực hiện công việc của thừa phát lại và chế độ tài chính đối với Văn phòng thừa phát lại (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TƯ PHÁP - BỘ TÀI CHÍNH TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 12/2010/TTLT-BTP-BTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 61/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 7 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LIÊN QUAN ĐẾN CHI PHÍ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC CỦA THỪA PHÁT LẠI VÀ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội Khóa XII về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước,
Liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ liên quan đến chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại và chế độ tài chính đối với văn phòng Thừa phát lại như sau:

Chương I

CHI PHÍ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC CỦA THỪA PHÁT LẠI

Điều 1. Chi phí tống đạt do ngân sách Nhà nước chi trả

1. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp, Tòa án nhân dân các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh (trừ Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh) thỏa thuận với văn phòng Thừa phát lại về chi phí thực hiện việc tống đạt như sau:

a) Trong phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự không quá 50.000 đồng/việc (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng);

b) Ngoài phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, nhưng trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không quá 100.000 đồng/việc (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).

c) Trường hợp xét thấy cần thiết giao Thừa phát lại tống đạt ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thì Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự phải xác định thời gian cụ thể để ký hợp đồng với Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt. Mức chi phí để thỏa thuận với Thừa phát lại tống đạt trong trường hợp này bao gồm: Tiền tàu xe đi, về bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ phương tiện máy bay); tiền phòng nghỉ không quá 130.000 đồng/01 ngày; tiền lưu trú không quá 70.000 đồng/01 người/01ngày (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).

Chi phí nêu tại điểm a, b, c khoản 1của Điều này bao gồm cả việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà theo quy định của pháp luật tố tụng và thi hành án dân sự phải niêm yết công khai.

2. Ngân sách nhà nước chi trả chi phí tống đạt, trừ trường hợp do đương sự phải chịu được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư liên tịch này.

3. Hợp đồng dịch vụ giữa Toà án, Cơ quan thi hành án dân sự với văn phòng Thừa phát lại được gửi 01 bản đến Kho bạc nhà nước nơi các cơ quan trên mở tài khoản ngay sau khi ký kết.

Điều 2. Thanh toán chi phí tống đạt

1. Việc thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện hàng tháng. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm lập và giao hoá đơn dịch vụ cho Toà án, Cơ quan thi hành án dân sự. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hoá đơn, Toà án, Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thanh toán bằng hình thức chuyển khoản cho văn phòng Thừa phát lại.

2. Chứng từ để kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước khi thanh toán hàng tháng bao gồm: Bảng kê khối lượng công việc hoàn thành và Hoá đơn dịch vụ.

Điều 3. Chi phí tống đạt do đương sự chi trả

1. Đương sự chịu chi phí tống đạt trong các trường hợp:

a) Trường hợp tống đạt các văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự:

Người phải thi hành án chịu mọi chi phí tống đạt, trừ trường hợp người được thi hành án chịu hay ngân sách nhà nước chi trả.

Người được thi hành án phải chịu chi phí tống đạt trong các trường hợp tự mình yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án, định giá lại tài sản; việc xây ngăn, phá dỡ theo bản án, quyết định đã tuyên mà theo đó người được thi hành án phải chịu chi phí.

b) Trường hợp tống đạt văn bản của Tòa án: Chi phí tống đạt trong trường hợp Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của đương sự trong các vụ án dân sự, thương mại, hành chính.

2. Mức chi phí tống đạt thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 1 của Thông tư liên tịch này.

3. Nếu tại thời điểm thanh toán mà chưa thu được tiền của đương sự thì Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự tạm ứng trước kinh phí để thanh toán cho văn phòng Thừa phát lại từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc thu hồi khoản tiền tống đạt mà đương sự phải nộp để hoàn trả cho ngân sách nhà nước.

Điều 4. Chi phí thi hành án dân sự

1. Khi tổ chức thi hành án dân sự, Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự, chi phí xác minh điều kiện thi hành án và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật. Đối với những vụ việc phức tạp, Thừa phát lại có thể thỏa thuận thêm với đương sự về chi phí.

2. Trường hợp được miễn, giảm chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật, người phải thi hành án có đơn đề nghị gửi văn phòng Thừa phát lại kèm theo các tài liệu chứng minh. Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn và tài liệu của đương sự, Trưởng văn phòng Thừa phát lại lập hồ sơ đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định việc miễn, giảm. Nếu từ chối thì Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải trả lời bằng văn bản cho đương sự và nêu rõ lý do.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh xem xét quyết định việc miễn, giảm và thực hiện việc chi trả số tiền được miễn, giảm cho văn phòng Thừa phát lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị. Đồng thời tổng hợp số kinh phí phải thực hiện này để đề nghị Bộ Tư pháp cấp bổ sung.

Điều 5. Lập dự toán kinh phí tống đạt trong trường hợp ngân sách Nhà nước chi trả

1. Hàng năm, căn cứ vào khối lượng công việc của năm trước, mức chi phí quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch này và công việc dự kiến thực hiện trong năm, các Cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh dự toán kinh phí tống đạt trong trường hợp ngân sách nhà nước chi trả và mức ngân sách nhà nước tạm ứng để tống hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình gửi cơ quan cấp trên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

2. Định kỳ 6 tháng, Cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án rà soát, đánh giá để có điều chỉnh về khối lượng việc tống đạt, mức chi phí; nếu thấy kinh phí không đảm bảo thực hiện thì kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chương II

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH CỦA VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Điều 6. Hình thức văn phòng Thừa phát lại

Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Điều 7. Chế độ tài chính của văn phòng Thừa phát lại

Chế độ tài chính của văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 8 năm 2010.

2. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án, Văn phòng Thừa phát lại kịp thời báo cáo Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để xem xét giải quyết./.

 

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Từ Văn Nhũ

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Chính

 

Nơi nhận:
-Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
-Văn phòng Trung ương Đảng;
-Văn phòng Quốc hội;
-Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
-Viện kiểm sát nhân dân Tối cao;
-Toà án nhân dân Tối cao;
-Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
-Kiểm toán Nhà nước;
-Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh;
-TAND, VKSND, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Cục thuế,
Kho bạc Nhà nước, Cục Thi hành án dân sự, Đoàn Luật sư tp HCM;
-Công báo, Website CP;
-Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TANDTC;
-Lưu: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TANDTC.