Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 08/01/2010 giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Ngày ban hành: 08-01-2010
- Ngày có hiệu lực: 22-02-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-05-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1912 ngày (5 năm 2 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-05-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG - BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2010 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA TỔ CHỨC PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư,
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính của Tổ chức phát triển quỹ đất như sau:
Chương I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), có chức năng tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định thị trường bất động sản; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; phát triển các khu tái định cư; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, đã nhận chuyển nhượng, đã tạo lập, phát triển và thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng.
2. Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh là đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Nội vụ. Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Giám đốc Sở Nội vụ.
3. Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần hoặc toàn bộ chi phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, có trụ sở và con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tổ chức phát triển quỹ đất có các nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
b) Tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường và các nhu cầu khác của địa phương; ổn định thị trường bất động sản;
c) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức phát triển các khu, điểm và nhà tái định cư phục vụ việc thu hồi đất thực hiện các dự án;
đ) Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý để đấu giá;
e) Quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng; quỹ đất đã nhận chuyển nhượng; quỹ đất đã tạo lập và phát triển; quỹ nhà đất đã xây dựng để phục vụ tái định cư và quỹ đất thu hồi theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai thuộc khu vực đô thị, khu vực có quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa giao dự án đầu tư hoặc chưa đấu giá quyền sử dụng đất;
g) Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
h) Lập phương án sử dụng quỹ đất được giao quản lý và các phương án, đề án, dự án đầu tư tạo lập và phát triển quỹ đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;
i) Cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp thông tin về địa điểm đầu tư, giá đất, quỹ đất cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu;
k) Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, phương án, dự án, đề án và các hoạt động dịch vụ phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn được giao;
l) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao;
m) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Tổ chức phát triển quỹ đất có các quyền hạn sau:
a) Được cung cấp các văn bản về chính sách, pháp luật của Nhà nước và các tài liệu khác liên quan đến nhiệm vụ được giao;
b) Tư vấn, cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao cho tổ chức và cá nhân;
c) Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức kinh tế, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
d) Thuê tư vấn, thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Tổ chức phát triển quỹ đất có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc; việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập tối đa không quá 03 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thành lập căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương và theo nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh sau khi thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện theo đề nghị của Giám đốc Tổ chức phát triển quỹ đất và Trưởng Phòng Nội vụ cấp huyện.
Điều 4. Biên chế
Biên chế của Tổ chức phát triển quỹ đất là biên chế sự nghiệp do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Việc quản lý, sử dụng biên chế của Tổ chức phát triển quỹ đất được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 112/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn các Nghị định này.
Chương II
CƠ CHẾ TÀI CHÍNH
Điều 5. Nguồn tài chính sử dụng
1. Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và văn bản hướng dẫn Nghị định này.
2. Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, gồm:
a) Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
b) Kinh phí quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
c) Kinh phí quản lý quỹ đất đã thu hồi, nhận chuyển nhượng, tạo lập, phát triển và quỹ nhà đất đã xây dựng phục vụ tái định cư theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt;
d) Phí đấu giá, tiền bán hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất (kể cả đất có tài sản gắn liền với đất) theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Phí đấu thầu, tiền bán hồ sơ dự thầu đối với dự án có sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất và quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
e) Lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết; lãi tiền gửi tổ chức tín dụng;
g) Các khoản thu từ thực hiện hoạt động dịch vụ theo hợp đồng ký kết và quy định của pháp luật;
h) Các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
3. Nguồn vốn được ứng từ ngân sách nhà nước, từ Quỹ phát triển đất để thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
5. Nguồn vốn từ liên doanh, liên kết để thực hiện các chương trình, phương án, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Nội dung chi
1. Chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Chi không thường xuyên, gồm:
a) Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức; chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định; các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao; tinh giản biên chế theo chế độ do Nhà nước quy định (nếu có); đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định khi thực hiện các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các dự án từ nguồn vốn viện trợ nước ngoài và các hoạt động liên doanh, liên kết theo quy định hiện hành;
b) Chi thực hiện các nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, đã nhận chuyển nhượng và tạo lập, phát triển; quản lý quỹ nhà, đất tái định cư; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đầu tư xây dựng khu, điểm, nhà tái định cư và các công trình hạ tầng khác theo chương trình, phương án, dự án, đề án, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Quản lý, thanh toán các nguồn vốn ứng hoặc huy động
1. Đối với nguồn vốn ứng từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Thông tư này được thực hiện quản lý, thanh toán và hoàn trả vốn ứng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Đối với nguồn vốn ứng từ Quỹ phát triển đất để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Thông tư này được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất tại địa phương.
3. Đối với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định vay vốn của tổ chức tín dụng.
4. Đối với nguồn vốn liên doanh, liên kết được thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hợp đồng liên doanh, liên kết đã ký kết.
5. Nghiêm cấm việc sử dụng vốn ứng từ ngân sách nhà nước, từ Quỹ phát triển đất để sử dụng vào các mục đích không thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 8. Sử dụng kết quả hoạt động và báo cáo tài chính
1. Hàng quý và cuối năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định (nếu có). Chênh lệch thu lớn hơn chi được phân phối: trích tối thiểu 25% để lập quỹ phát triển sự nghiệp; trả thu nhập tăng thêm cho người lao động và trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Việc lập và giao dự toán kinh phí, thực hiện báo cáo tài chính, kiểm tra và quyết toán nguồn tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 02 năm 2010.
2. Bãi bỏ các quy định tại Mục II Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT-BTNMT-BNV ngày 31 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông tư liên tịch này, chỉ đạo việc kiện toàn Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh, cấp huyện cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời quy định về trách nhiệm thực hiện, phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức khác có liên quan ở địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải quyết công việc bảo đảm cho Tổ chức phát triển quỹ đất tại địa phương hoạt động đạt hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |