Thông tư liên tịch số 233/2009/TTLT-BTC-BYT ngày 09/12/2009 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 233/2009/TTLT-BTC-BYT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Y tế
- Ngày ban hành: 09-12-2009
- Ngày có hiệu lực: 23-01-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1178 ngày (3 năm 2 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-04-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2009 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT DÂN SỐ CÁC VÙNG BIỂN, ĐẢO VÀ VEN BIỂN GIAI ĐOẠN 2009-2020
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg ngày 09/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020;
Liên Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 (sau đây viết tắt là Đề án Dân số biển) như sau:
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
1. Thông tư này hướng dẫn nội dung, mức chi và công tác lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các hoạt động chủ yếu của Đề án Dân số biển được quy định tại khoản 3, Điều 1 Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg ngày 09/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án Dân số biển.
Điều 2. Nguồn kinh phí
1. Kinh phí thực hiện Đề án Dân số biển được bố trí chung trong kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và kế hoạch hoá gia đình (CTMTQGDS-KHHGĐ) và các nguồn kinh phí khác theo quy định, cụ thể:
- Vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương;
- Vốn viện trợ quốc tế (nếu có);
- Các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Kinh phí quản lý Đề án Dân số biển được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương theo quy định hiện hành về quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia.
3. Ngoài các nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này, tùy theo khả năng kinh phí và điều kiện cụ thể, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án Dân số biển từ dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; cùng với nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho Đề án Dân số biển và lồng ghép với nguồn vốn khác trên địa bàn để chi theo chế độ chung của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của Đề án.
Điều 3. Nội dung và mức chi chung
1. Nội dung và mức chi chung của các hoạt động thuộc Đề án Dân số biển thực hiện theo quy định tại mục II Thông tư liên tịch số 32/2008/TTLT-BTC-BYT ngày 17/4/2008 của liên Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện CTMTQGDS-KHHGĐ giai đoạn 2006-2010.
2. Ngoài ra, thông tư này hướng dẫn bổ sung một số nội dung và mức chi chung của Đề án Dân số biển như sau:
a) Chi hỗ trợ tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng, tư vấn trực tiếp và tư vấn tại cộng đồng: về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; về kiểm tra sức khoẻ, kiểm tra yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn; về các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của bào thai do tác động của môi trường biển; về can thiệp đảm bảo sự phát triển bình thường của bào thai và sức khỏe cho người mang thai đang sinh sống và làm việc ở khu vực ngập mặn, đầm phá, cửa sông, cửa biển tại các xã ven biển có khu vực ngập mặn, đầm phá, cửa sông, cửa biển; về phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn; cụ thể:
- Chi tài liệu phục vụ buổi tư vấn. Mức chi theo thực tế và phù hợp với nội dung buổi tư vấn.
- Chi nước uống cho các đối tượng tham gia buổi tư vấn: 5.000 đồng/người/buổi.
- Chi hỗ trợ người trực tiếp tư vấn: 100.000 đồng/người/buổi đối với hình thức tư vấn lưu động trực tiếp tại hộ gia đình (tối thiểu tư vấn 5 hộ/buổi); 30.000 đồng/người/buổi đối với hình thức tư vấn tổ chức tại điểm tư vấn nhưng tối đa không quá 450.000 đồng/người/tháng.
b) Chi hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án tại các huyện đảo, xã đảo, xã ven biển, xã có đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển. Mức chi 30.000 đồng/người/ngày ngoài chế độ công tác phí hiện hành.
c) Chi xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
- Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình phê duyệt các mô hình do các đơn vị ở cấp trung ương triển khai thực hiện.
- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh phê duyệt các mô hình do các đơn vị ở địa phương triển khai thực hiện.
Nội dung và mức chi cho từng hoạt động của mô hình thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.
Điều 4. Nội dung và mức chi đặc thù
1. Hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình
a) Nội dung và mức chi tổ chức, triển khai đội lưu động y tế - kế hoạch hoá gia đình tuyến huyện:
- Chi mua trang thiết bị, dụng cụ y tế cho đội lưu động y tế - kế hoạch hoá gia đình tuyến huyện theo danh mục của Bộ Y tế. Việc mua sắm thực hiện theo các quy định hiện hành.
- Cán bộ tham gia đội lưu động y tế - kế hoạch hoá gia đình theo kế hoạch được giám đốc Sở Y tế phê duyệt, khi đi lưu động để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hoá gia đình được thanh toán chế độ công tác phí theo quy định hiện hành. Ngoài ra, được hỗ trợ thêm 50.000 đồng/người/ngày khi đi lưu động tại các huyện đảo, xã đảo (tối đa 10 ngày/đợt); 30.000 đồng/người/ngày khi đi lưu động tại các xã ven biển, xã có trên 5.000 người lao động nhập cư làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế, cảng biển, âu thuyền, cảng cá (tối đa 7 ngày/đợt). Trường hợp đặc biệt phải đi lưu động tại các địa bàn huyện đảo, xã đảo mà giao thông đi lại thực sự khó khăn được phép thanh toán theo thực tế số ngày đi lưu động.
- Chi xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển (nếu cần thiết) để đi lưu động. Mức chi theo hợp đồng trên cơ sở mức giá thuê trung bình thực tế ở địa phương.
- Chi hỗ trợ các tài liệu truyền thông (bao gồm cả soạn tin, bài và phát thanh trên hệ thống truyền thanh, nói chuyện chuyên đề). Mức chi theo thực tế phát sinh phù hợp với nội dung truyền thông nhưng không quá 1.000.000 đồng/đợt lưu động.
- Chi hỗ trợ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản trong đợt lưu động:
+ Điều trị nhiễm khuẩn đường sinh sản thông thường, theo danh mục thuốc thiết yếu và vật tư tiêu hao quy định của Bộ Y tế.
+ Chi làm phiến đồ âm đạo: 12.000 đồng/phiến đồ.
+ Chi xét nghiệm soi tươi: 5.000 đồng/tiêu bản.
+ Bồi dưỡng khám thai và khám viêm nhiễm đường sinh dục: 4.000 đồng/người/ca.
+ Tiêm thuốc tránh thai: 2.000 đồng/mũi.
b) Chi mua, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển thuốc thiết yếu và các vật tư tiêu hao trong các thủ thuật, phẫu thuật kế hoạch hoá gia đình và phá thai an toàn theo định mức do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
c) Chi phí kỹ thuật và quản lý (sổ khách hàng, phiếu theo dõi, biểu mẫu thống kê, xà phòng, điện, dầu,...): theo mức chi thực tế.
d) Chi phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật kế hoạch hoá gia đình và phá thai an toàn: mức chi theo quy định hiện hành.
Trường hợp cán bộ làm phẫu thuật, thủ thuật đã được hưởng phụ cấp từ nguồn kinh phí thường xuyên của cơ sở y tế hoặc các chương trình, dự án khác thì không được hưởng phụ cấp từ nguồn kinh phí của Đề án và ngược lại.
đ) Chi hỗ trợ cho cán bộ quản lý và theo dõi đối với người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong 12 tháng đầu: 3.000 đồng/người được theo dõi.
e) Chi thuốc thiết yếu, chi phí kỹ thuật xử lý tai biến cho người triệt sản bị tai biến sau khi hết thời gian bảo hiểm và người thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng khác nếu bị tai biến: mức chi theo thực tế chứng từ thanh toán liên quan.
g) Cung cấp bao cao su, thuốc tránh thai cho người làm việc trên biển trước khi đi biển dài ngày, khi cập bờ và vào các âu thuyền tại các xã ven biển có nhiều người làm việc trên biển.
h) Trường hợp cơ quan, đơn vị quản lý Đề án Dân số biển thực hiện theo phương thức ký hợp đồng với các cơ sở y tế để thực hiện việc xét nghiệm, phẫu thuật, thủ thuật kế hoạch hoá gia đình và các dịch vụ khác theo quy định: mức chi thực hiện theo quy định về mức thu viện phí hiện hành đối với các cơ sở y tế công lập.
2. Nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển, đảo và ven biển
a) Đối với loại hình dịch vụ tư vấn, kiểm tra sức khoẻ, kiểm tra yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai cho những cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn: chi hỗ trợ khám, kiểm tra sức khoẻ, xét nghiệm kiểm tra yếu tố Rh (Rhesus), vi rút viêm gan B và các yếu tố khác cho những cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn theo mức thu viện phí hiện hành đối với các cơ sở y tế công lập.
b) Đối với loại hình chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ đang mang thai có nguy cơ cao tại vùng ven biển để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của bào thai do tác động của môi trường biển: chi hỗ trợ khám, kiểm tra sức khoẻ theo mức thu viện phí hiện hành đối với các cơ sở y tế công lập.
c) Đối với mô hình thí điểm can thiệp đảm bảo sự phát triển bình thường bào thai và sức khỏe cho người mang thai đang sinh sống và làm việc ở khu vực ngập mặn, đầm phá, cửa sông, cửa biển tại các xã ven biển có khu vực ngập mặn, đầm phá, cửa sông, cửa biển: chi hỗ trợ khám, kiểm tra sức khoẻ theo mức thu viện phí hiện hành đối với các cơ sở y tế công lập.
3. Phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn
Chi hỗ trợ khám, kiểm tra sức khoẻ phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, phòng ngừa thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn cho người từ 15 đến 24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định tại các xã ven biển, xã có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế, âu thuyền, cảng cá, bến cá, cảng biển theo mức thu viện phí hiện hành đối với các cơ sở y tế công lập.
4. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý
a) Chi hỗ trợ thu thập, cập nhật thông tin mới và thông tin biến động dân số của cộng tác viên, cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp xã tại các huyện đảo có 1.000 dân trở lên và các huyện ven biển:
- Thu thập, cập nhật thông tin biến động: 1.000 đồng/hộ.
- Thu thập, cập nhật thông tin mới: 2.000 đồng/hộ.
b) Chi hỗ trợ thu thập, cập nhật thông tin đầu vào kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số - kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em: 3.000 đồng/phiếu thu tin.
c) Chi tạo lập thông tin điện tử trên mạng máy tính: nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử.
d) Chi hoạt động truyền tin theo mức giá quy định hiện hành.
đ) Chi mua bản quyền phần mềm và bản quyền phòng chống vi rút.
e) Chi hỗ trợ cho công tác tổng hợp số liệu, viết báo cáo phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý theo quy định của Bộ Y tế:
- Đối với cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình:
+ Mức chi 100.000 đồng/người/năm áp dụng đối với xã có khu vực đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển.
+ Mức chi 70.000 đồng/người/năm áp dụng đối với xã còn lại.
- Đối với cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp xã:
+ Mức chi 250.000 đồng/người/năm áp dụng đối với xã có khu vực đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển.
+ Mức chi 180.000 đồng/người/năm áp dụng đối với xã còn lại.
g) Chi xây dựng mô hình quản lý thông tin điện tử về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình của người làm việc trên biển, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế và người lao động di cư đến vùng biển thông qua giao dịch điện tử tại các xã ven biển, xã có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế, âu thuyền, cảng cá, cảng biển: nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử.
5. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số, sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình
a) Chi công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương: mức chi theo giá thị trường tại địa phương.
b) Chi xây dựng, sản xuất, nhân bản và phát hành các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông, các tài liệu phục vụ cho hoạt động truyền thông: mức chi theo chế độ định mức, đơn giá của các ngành có công việc tương tự.
c) Chi bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình:
- Vận động và tư vấn cho đối tượng chấp nhận đặt dụng cụ tử cung: 7.000 đồng/trường hợp chấp nhận.
- Vận động và tư vấn cho đối tượng chấp nhận triệt sản: 15.000 đồng/trường hợp chấp nhận.
d) Chi hỗ trợ cho cán bộ thuộc trung tâm tư vấn, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thực hiện tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng: mức chi thực hiện theo điểm a, khoản 2, Điều 3 Thông tư này.
đ) Chi hoạt động truyền thanh xã (biên tập, phát thanh) tại xã đảo, xã ven biển, xã có đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển:
- Chi biên tập: 70.000 đồng/trang 350 từ.
- Chi phát thanh: 15.000 đồng/lần.
- Chi thuê người phiên dịch, phát thanh bằng tiếng dân tộc: tối đa 70.000 đồng/người/ngày.
- Chi làm mới, sửa chữa panô, khẩu hiệu: theo giá thị trường tại địa phương.
e) Chi chiến dịch tuyên truyền, vận động gắn với cung cấp dịch vụ sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình:
- Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương trước và trong thời gian thực hiện chiến dịch.
- Chi trang trí, ảnh tư liệu, xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển và các hoạt động khác theo giá thị trường tại địa phương.
g) Chi thù lao cho cán bộ dân số hoặc cộng tác viên dân số thực hiện truyền thông lưu động nhóm nhỏ: 100.000 đồng/buổi, tối đa 02 buổi/tháng.
h) Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, bao gồm:
- Biên soạn đề thi và đáp án: tối đa 500.000 đồng/cuộc thi.
- Bồi dưỡng chấm thi, ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: tối đa 200.000 đồng/ngày/người.
- Bồi dưỡng thành viên ban tổ chức: tối đa 150.000 đồng/ngày người.
- Chi giải thưởng:
+ Giải tập thể: tối đa 2.000.000 đồng/giải.
+ Giải cá nhân: tối đa 1.000.000 đồng/giải.
Tuỳ theo quy mô tổ chức cuộc thi (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở,...), thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
- Các khoản chi phục vụ cuộc thi (nếu có) như: thuê sân khấu, hội trường, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, trang trí; bồi dưỡng cho người phục vụ, người dẫn chương trình; chi hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn, nghỉ cho người dự thi ở xã nơi tổ chức; chi văn phòng phẩm, khánh tiết; xăng xe hoặc phương tiện vận chuyển,..: mức chi thực hiện theo chế độ hiện hành; trường hợp chưa có quy định mức chi, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc thi quyết định mức chi trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
- Chi tổng hợp, báo cáo kết quả cuộc thi: mức chi đối với cấp trung ương là 500.000 đồng/báo cáo, cấp tỉnh là 300.000 đồng/báo cáo, cấp huyện là 200.000 đồng/báo cáo, cấp xã là 100.000 đồng/báo cáo.
6. Nâng cao hiệu quả quản lý Đề án
a) Chi hỗ trợ cho viên chức làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tại trạm y tế xã, ngoài chế độ tiền lương đang hưởng:
- Đối với các xã đảo, xã ven biển, xã có đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển: 100.000 đồng/người/tháng.
- Đối với các xã còn lại: 50.000 đồng/người/ tháng.
b) Chi hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở cấp xã chưa được tuyển dụng vào viên chức của trạm y tế (nếu có) ngoài chế độ phụ cấp được hưởng hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và các văn bản hướng dẫn có liên quan:
- Đối với các xã đảo, xã ven biển, xã có đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển: 300.000 đồng/người/tháng.
- Đối với các xã còn lại: 200.000 đồng/người/ tháng.
c) Chi thù lao cho các cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình ở các thôn, xóm, ấp, bản, làng và cụm dân cư:
- Đối với các xã đảo, xã ven biển, xã có đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển: 100.000 đồng/người/tháng.
- Đối với các xã còn lại: 50.000 đồng/người/ tháng.
Số lượng cộng tác viên ở từng thôn, xóm, ấp, bản, làng và cụm dân cư được xác định theo số hộ gia đình, cụ thể: đối với các thôn, xóm, ấp, bản, làng, cụm dân cư thuộc xã đảo, xã ven biển, xã có đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển: từ 30 đến 50 hộ gia đình bố trí 01 cộng tác viên; đối với các thôn, xóm, ấp, bản, làng, cụm dân cư thuộc các xã còn lại: từ 100 đến 150 hộ gia đình bố trí 01 cộng tác viên.
d) Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình ở các cấp: nội dung và mức chi cụ thể theo quy định tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức Nhà nước.
đ) Chi hỗ trợ công tác tổng hợp số liệu, viết báo cáo tình hình thực hiện Đề án Dân số biển theo chế độ báo cáo do Bộ Y tế quy định: mức chi đối với cấp Trung ương là 500.000 đồng/năm; đối với cấp tỉnh là 300.000 đồng/tỉnh/năm; đối với cấp huyện là 200.000 đồng/huyện/năm và cấp xã là 100.000 đồng/xã/năm.
Điều 5. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán
1. Giai đoạn 2009-2010: việc lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án Dân số biển được tổng hợp chung trong kinh phí Chương trình mục tiêu Dân số và Kế hoạch hóa gia đình theo Thông tư liên tịch số 32/2008/TTLT-BTC-BYT ngày 17/4/2008 của liên Bộ Tài chính và Bộ Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện CTMTQGDS-KHHGĐ giai đoạn 2006-2010.
2. Giai đoạn 2011-2020: việc lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án Dân số biển được thực hiện theo các quy định về quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định liên quan hiện hành.
3. Kinh phí thực hiện Đề án Dân số biển được hạch toán vào Loại 520, khoản 533, mã số chương trình 0030, mã số dự án 0037.
4. Đối với các nội dung chi thuộc CTMTQGDS-KHHGĐ triển khai tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 148 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc địa bàn Đề án Dân số biển không trùng với nội dung chi của Đề án Dân số biển quy định tại Thông tư này thì hạch toán vào các mã số dự án tương ứng thuộc CTMTQGDS-KHHGĐ theo quy định hiện hành.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành và được áp dụng từ ngày Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg ngày 09/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 có hiệu lực thi hành.
Trường hợp sau khi CTMTQGDS-KHHGĐ giai đoạn 2006-2010 kết thúc, nếu cần thiết liên Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Y tế để nghiên cứu giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | |
Nơi nhận: |
| |