cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 21/07/2009 giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học

  • Số hiệu văn bản: 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 21-07-2009
  • Ngày có hiệu lực: 04-09-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5559 ngày (15 năm 2 tháng 24 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ NỘI VỤ -
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2009

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH   

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 21/2009/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 02 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SĨ QUAN THÔI PHỤC VỤ TẠI NGŨ; SĨ QUAN TẠI NGŨ HY SINH, TỪ TRẦN; SĨ QUAN TẠI NGŨ CHUYỂN SANG QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP HOẶC CÔNG CHỨC QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 21/2009/NĐ-CP) Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Các chế độ, chính sách hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (viết tắt là QNCN) tại ngũ chuyển sang công chức quốc phòng (viết tắt là CCQP).

Điều 2. Cơ sở để tính hưởng chế độ

1. Tiền lương để tính hưởng chế độ

a) Tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 3 Mục 1 Chương II Thông tư này được tính bằng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi sĩ quan, QNCN nghỉ hưu. Khi tính bình quân tiền lương tháng, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm sĩ quan, QNCN hưởng chế độ hưu trí.

b) Tiền lương tháng để tính chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5; Điều 7; khoản 2 Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 8 Mục 3 Chương II; điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 10 Mục 4 Chương II và khoản 3 Điều 12 Mục 6 Chương II Thông tư này là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước thời điểm sĩ quan, QNCN nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành, nghỉ theo chế độ bệnh binh, hy sinh, từ trần hoặc chuyển sang CCQP.

c) Tiền lương tháng để tính chế độ trợ cấp một lần nêu tại điểm a, điểm b khoản này bao gồm: tiền lương theo cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan, loại, nhóm, bậc đối với QNCN và các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).

2. Thời gian công tác để tính hưởng chế độ

a) Thời gian công tác để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2; điểm b khoản 1 Điều 5; Điều 7 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 3 Mục 1 Chương II, điểm b khoản 2 Điều 8 Mục 3 Chương II và điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 10 Mục 4 Chương II Thông tư này là tổng thời gian công tác trong quân đội (bao gồm thời gian là sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân viên chức quốc phòng) và thời gian công tác tại các cơ quan đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước có đóng bảo hiểm xã hội trước khi vào phục vụ trong quân đội.

b) Thời gian công tác để tính quy đổi quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Mục 6 Chương II Thông tư này để hưởng chế độ trợ cấp một lần là tổng thời gian công tác trong quân đội được tính thâm niên nghề (gồm thời gian là sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ), có tham gia trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn, ngành nghề có tính chất đặc thù quân sự.

c) Thời gian công tác nêu tại điểm a, điểm b khoản này nếu đứt quãng mà chưa hưởng trợ cấp một lần (phục viên, xuất ngũ, thôi việc) thì được cộng dồn.

Tuổi quân làm cơ sở tính thâm niên nghề đối với sĩ quan, QNCN được thực hiện theo Quyết định số 3156/2000/QĐ-BQP ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định tính tuổi quân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Trường hợp thời gian công tác, thời gian tăng thêm do quy đổi và thời gian nghỉ hưu trước hạn tuổi có tháng lẻ thì được tính theo nguyên tắc: dưới 3 tháng không tính, từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.

Chương II

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

Mục 1. ĐỐI VỚI SĨ QUAN, QNCN NGHỈ HƯU

Điều 3. Chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi

Chế độ trợ cấp một lần đối với sĩ quan, QNCN nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP được thực hiện như sau:

1. Sĩ quan, QNCN đủ điều kiện nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm, được hưởng chế độ trợ cấp thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Thuộc diện dôi dư do thay đổi tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

b) Hết hạn tuổi cao nhất giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mà quân đội không còn nhu cầu bố trí, sử dụng.

2. Hạn tuổi để tính hưởng chế độ trợ cấp khi sĩ quan nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và QNCN nghỉ hưu trước hạn tuổi được xác định tương ứng như sĩ quan có cùng cấp bậc quân hàm, nhưng hạn tuổi cao nhất thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về quân nhân chuyên nghiệp, cụ thể như sau: 

a) Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm là:

Cấp uý: nam 46, nữ 46;

Thiếu tá: nam 48, nữ 48;

Trung tá: nam 51, nữ 51;

Thượng tá: nam 54, nữ 54;

Đại tá: nam 57, nữ 55;

Cấp tướng: nam 60, nữ 55.

b) Hạn tuổi của QNCN phục vụ tại ngũ được hưởng chế độ ứng với cấp bậc quân hàm là:

Cấp uý: nam 46, nữ 46;

Thiếu tá: nam 48, nữ 48;

Trung tá, Thượng tá: nam 50, nữ 50.

c) Tuổi để xác định sĩ quan, QNCN nghỉ hưu trước tuổi so với hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm khi phục vụ tại ngũ phải trước hạn tuổi cao nhất theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này ít nhất là một năm (đủ 12 tháng), được tính từ tháng sinh đến tháng liền kề trước khi sĩ quan, QNCN nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng.

Đối với các trường hợp do hoàn cảnh đặc biệt, trong các loại hồ sơ không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ xác định được năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 7, năm sinh của đối tượng để làm căn cứ tính tuổi nghỉ hưu.

Ví dụ 1: Đồng chí Nguyễn Viết Khoa, trung tá, sinh tháng 6/1959, nhập ngũ tháng 6/1977. Theo quy định hiện hành thì đến ngày 01/7/2010 (đủ 51 tuổi) đồng chí Khoa hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ nhưng do thay đổi tổ chức biên chế, quân đội không còn nhu cầu bố trí, sử dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu trước hạn tuổi, được hưởng lương hưu hàng tháng kể từ ngày 01/7/2009 (đủ 50 tuổi) Đồng chí Khoa được hưởng trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất của cấp bậc quân hàm trung tá (vì đồng chí Khoa nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất là 12 tháng).

d) Cấp bậc quân hàm để xác định hạn tuổi cao nhất tương ứng theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này là cấp bậc quân hàm tại thời điểm có quyết định về việc nghỉ hưu của cấp có thẩm quyền.

Ví dụ 2: Đồng chí Phan Thị Bình QNCN, sinh tháng 3/1963, do thay đổi tổ chức biên chế, quân đội không còn nhu cầu bố trí, sử dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định về việc nghỉ hưu từ ngày 01/8/2008, cấp bậc quân hàm thiếu tá QNCN; ngày 01/8/2009 có quyết định nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng (46 tuổi 4 tháng), cấp bậc quân hàm trung tá QNCN. Theo quy định, đồng chí Bình thuộc đối tượng nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất, được xác định theo cấp bậc quân hàm thiếu tá QNCN là:

48 tuổi - 46 tuổi 4 tháng = 1 năm 8 tháng

3. Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có) được hưởng theo quy định của pháp luật hiện hành, khi nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất, sĩ quan, QNCN còn được hưởng các khoản trợ cấp sau:

a) Được trợ cấp bằng 3 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi.

Tiền trợ cấp cho số năm nghỉ hưu trước hạn tuổi tính theo công thức sau:

Tiền trợ cấp tính cho thời gian nghỉ hưu trước tuổi quy định

=

Số năm được trợ cấp (tính theo thời gian nghỉ hưu  trước hạn tuổi quy định)

x 3 tháng x

Tiền lương tháng bình quân

b) Được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân.

Tiền trợ cấp cho số năm công tác tính theo công thức sau:

Tiền trợ cấp cho số năm công tác

= {5 tháng + [tổng số năm công tác - 20 năm) x 1/2 tháng]}

x Tiền lương tháng bình quân

4. Trường hợp không được hưởng chế độ trợ cấp

a) Sĩ quan, QNCN còn đủ điều kiện phục vụ tại ngũ và quân đội còn nhu cầu bố trí, sử dụng nhưng xin nghỉ hưu trước tuổi do nhu cầu cá nhân.

b) Sĩ quan, QNCN bị kỷ luật hình thức giáng chức, cách chức, giáng cấp quân hàm, hạ bậc lương buộc phải thôi phục vụ tại ngũ.

c) Sĩ quan QNCN đi học tập, công tác, nghỉ phép ở nước ngoài quá thời hạn từ 30 ngày trở lên không được cấp có thẩm quyền cho phép.

Mục 2. ĐỐI VỚI SĨ QUAN, QNCN CHUYỂN NGÀNH

Điều 4. Chuyển ngành được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước

1. Được miễn thi tuyển trong các trường hợp sau:

a) Sĩ quan, QNCN nguyên là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của nhà nước được chuyển về các cơ quan, đơn vị đã công tác trước khi nhập ngũ;

b) Sĩ quan, QNCN chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được sắp xếp việc làm đúng ngành nghề chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo.

2. Sĩ quan, QNCN chuyển ngành được ưu tiên cộng điểm theo quy định của pháp luật vào tổng kết quả thi tuyển trong trường hợp phải thi tuyển công chức, viên chức.

3. Sĩ quan, QNCN chuyển ngành được xếp lương theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP.

4. Sĩ quan, QNCN đã chuyển ngành, khi nghỉ hưu, cách tính lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân.

Đối với sĩ quan có cấp bậc quân hàm chuẩn uý, đã chuyển ngành trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 thì hệ số mức lương đối với cấp bậc quân hàm chuẩn uý từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 được chuyển xếp là 3,90.

5. Sĩ quan, QNCN chuyển ngành được cấp tiền tàu xe (loại thông thường) từ đơn vị về cơ quan mới.

Điều 5. Chuyển ngành sang các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước sau đó chuyển sang cơ quan, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Sĩ quan, QNCN chuyển ngành sang các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, sau đó lại chuyển sang cơ quan, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nếu đủ điều kiện nghỉ hưu thì mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính chế độ hưu của sĩ quan, QNCN được tính theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian công tác theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định để làm căn cứ tính chế độ hưu đối với sĩ quan, QNCN, được cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề theo thời gian công tác trong quân đội và cấp bậc quân hàm tại thời điểm liền kề trước khi sĩ quan, QNCN chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Điều 6. Đã chuyển ngành sau đó trở lại phục vụ quân đội

Sĩ quan, QNCN đã chuyển ngành, do nhu cầu của quân đội được cấp có thẩm quyền điều động trở lại phục vụ trong quân đội quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP, được sắp xếp công việc mới phù hợp với nhu cầu, năng lực của sĩ quan, QNCN và được phiên quân hàm, xét thăng quân hàm, nâng lương, tính thâm niên công tác theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, QNCN chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP

Mục 3. ĐỐI VỚI SĨ QUAN, QNCN PHỤC VIÊN

Điều 8. Phục viên về địa phương

1. Sĩ quan QNCN thôi phục vụ tại ngũ không đủ điều kiện nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ bệnh binh, không chuyển ngành được thì được phục viên về địa phương.

2. Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có) được hưởng theo quy định của pháp luật hiện hành, khi phục viên sĩ quan, QNCN còn được hưởng các quyền lợi sau:

a) Được hưởng trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm phục viên. Được ưu tiên học nghề hoặc giới thiệu việc làm tại các tổ chức giới thiệu việc làm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội khác;

b) Được hưởng trợ cấp phục viên một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng;

c) Được cấp tiền tàu xe (loại thông thường ) từ đơn vị về nơi cư trú.

Ví dụ 3: Đồng chí Hoàng Tuấn Mạnh, 32 tuổi, thượng uý, trung đội trưởng, có thời gian công tác trong quân đội là 14 năm 02 tháng (được tính thâm niên nghề là 14%), do đơn vị sáp nhập, không điều chỉnh sắp xếp được, phục viên về địa phương kể từ ngày 01/4/2009. Tiền lương hiện hưởng của tháng liền kề trước khi đồng chí Mạnh phục viên là:

- Lương quân hàm Thượng uý (hệ số 5,00):

540.000 đ x 5,00 = 2.700.000 đồng

- Phụ cấp chức vụ (hệ số 0,20):

540.000 đ x 0,20 = 108.000 đồng

- Phụ cấp thâm niên nghề (14%)

2.808.000 đ x 14% = 393.120 đồng

 

Tổng số: 3.201.120 đồng/tháng

Khi phục viên, ngoài chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có) được hưởng theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng chí Mạnh còn được hưởng chế độ trợ cấp phục viên từ ngân sách nhà nước như sau:

- Trợ cấp tạo việc làm: 540.000 đồng x 6 tháng = 3.240.000 đồng

- Trợ cấp phục viên một lần:

Thời gian công tác trong quân đội của đồng chí Mạnh là 14 năm 2 tháng, thời gian làm tròn để tính hưởng trợ cấp phục viên một lần là 14 năm.

Trợ cấp phục viên một lần của đồng chí Mạnh được hưởng:

3.201.120 đồng x 14 năm x 1 tháng = 44.815.680 đồng

- Tổng số tiền trợ cấp phục viên của đồng chí Mạnh được nhận là:

3.240.000 đồng + 44.815.680 đồng = 48.055.680 đồng

Điều 9. Phục viên về địa phương sau đó chuyển ngành hoặc chuyển sang các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước

1. Sĩ quan QNCN đã phục viên về địa phương trong thời gian không quá một năm (12 tháng), kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực, nếu chuyển ngành được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng các chế độ, chính sách như sau:

a) Được thực hiện chế độ, chính sách chuyển ngành hướng dẫn tại Điều 4 Mục 2 Chương này;

b) Khi thực hiện chế độ chuyển ngành phải hoàn trả lại tiền trợ cấp phục viên một lần hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 8 Mục này và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đã nhận; không phải hoàn trả lại tiền trợ cấp tạo việc làm.

2. Sĩ quan, QNCN đã phục viên về địa phương trong thời gian không quá một năm, kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực, nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng các chế độ, chính sách như sau:

a) Không phải hoàn trả lại chế độ trợ cấp tạo việc làm, chế độ trợ cấp phục viên một lần đã nhận theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 8 Mục này;

b) Nếu có nguyện vọng tính nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phải hoàn trả quỹ bảo hiểm xã hội khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đã nhận.

3. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cũ của sĩ quan, QNCN đã phục viên về địa phương (theo phân cấp quản lý), nếu cơ quan, đơn vị cũ đã giải thể thì cơ quan, đơn vị cấp trên có trách nhiệm thu hồi quyết định phục viên và các khoản trợ cấp nêu trên theo quy định, đồng thời ra quyết định chuyển ngành hoặc đề nghị cấp trên ra quyết định chuyển ngành và nộp khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đã nhận vào tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận lại thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên chính sổ bảo hiểm xã hội cũ của đối tượng.

Mục 4. ĐỐI VỚI SĨ QUAN, QNCN TẠI NGŨ HY SINH, TỪ TRẦN

Điều 10. Chế độ, chính sách được hưởng

1. Sĩ quan, QNCN tại ngũ hy sinh

a) Thân nhân của sĩ quan, QNCN được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về bảo hiểm xã hội;

b) Thân nhân của sĩ quan, QNCN được hưởng chế độ trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng của sĩ quan, QNCN trước khi hy sinh;

c) Thân nhân của sĩ quan, QNCN được hưởng chế độ trợ cấp một lần cho thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn, ngành nghề có tính chất đặc thù (nếu có) quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 12 Mục 6 Chương này.

Ví dụ 4: Đồng chí Nguyễn Văn A, thượng uý, thời gian công tác trong quân đội là 10 năm 3 tháng (được tính thâm niên nghề 10%), có thời gian công tác ở xã Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang (địa bàn có phụ cấp đặc biệt mức 100%, được quy đổi mức 1 năm bằng 1 năm 4 tháng) là 3 năm 6 tháng (thời gian tăng thêm do quy đổi để tính hưởng trợ cấp là 1 năm 2 tháng), hy sinh ngày 10/3/2009, được xác nhận là Liệt sĩ. Tiền lương tháng hiện hưởng tại tháng 3/2009 của đồng chí Nguyễn Văn A là:

- Lương quân hàm Thượng uý (hệ số 5,00):

540.000 đ x 5,00 = 2.700.000 đồng

- Phụ cấp thâm niên nghề (10%):

2.700.000 đ x 10% = 270.000 đồng

 

Tổng số: 2.970.000 đồng/tháng

Ngoài chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và chế độ bảo hiểm xã hội được hưởng theo quy định của pháp luật, thân nhân đồng chí A còn được hưởng trợ cấp một lần từ ngân sách nhà nước như sau:

- Trợ cấp một lần cho thời gian công tác:

Thời gian công tác trong quân đội của đổng chí A là 10 năm 3 tháng, thời gian làm tròn để tính hưởng trợ cấp một lần là 10,5 năm. 

Trợ cấp một lần thân nhân đồng chí A được hưởng là:

2.970.000 đồng x 10,5 năm x 1 tháng = 31.185.000 đồng

- Trợ cấp một lần cho thời gian tăng thêm do quy đổi:

Thời gian tăng thêm do quy đổi để tính hưởng trợ cấp của đồng chí A là 1 năm 2 tháng, thời gian làm tròn để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần là 1 năm.

Trợ cấp một lần cho thời gian tăng thêm do quy đổi thân nhân đồng chí A được hưởng là:

2.970.000 đ x 1 năm x 1 tháng = 2.970.000 đồng

- Tổng số tiền trợ cấp thân nhân đồng chí A được hưởng là:

31.185.000 đ + 2.970.000 đ = 34.155.000 đồng

2. Sĩ quan, QNCN tại ngũ từ trần

a) Thân nhân của sĩ quan, QNCN được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

b) Thân nhân của sĩ quan, QNCN được hưởng chế độ trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng của sĩ quan, QNCN trước khi từ trần;

c) Thân nhân của sĩ quan, QNCN được hưởng chế độ trợ cấp một lần cho thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn, ngành nghề có tính chất đặc thù (nếu có) quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 12 Mục 6 Chương này.

3. Thân nhân của sĩ quan, QNCN được hưởng chế độ trợ cấp một lần từ nguồn ngân sách nhà nước hướng dẫn tại điểm b, điểm c khoản 1; điểm b, điểm c khoản 2 Điều này, bao gồm: vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

4. Không áp dụng chế độ trợ cấp một lần từ nguồn ngân sách nhà nước hướng dẫn tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này đối với các trường hợp sĩ quan, QNCN từ trần do tự sát, tự tử hoặc từ trần do vi phạm kỷ luật của quân đội, pháp luật của nhà nước bị xử phạt hình thức tước quân hàm sĩ quan hoặc tước danh hiệu quân nhân.

Mục 5. ĐỐI VỚI SĨ QUAN TẠI NGŨ CHUYỂN SANG QNCN HOẶC SĨ QUAN, QNCN TẠI NGŨ CHUYỂN SANG CCQP

Điều 11. Chế độ, chính sách được hưởng

1. Chế độ tiền lương thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP.

2. Sĩ quan, QNCN khi chuyển sang CCQP được hưởng chế độ trợ cấp một lần cho thời gian tăng thêm do quy đổi khi có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn, ngành nghề có tính chất đặc thù quy định tại Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 12 Mục 6 Chương này; sau đó, do yêu cầu của quân đội, CCQP lại chuyển sang QNCN hoặc sĩ quan thì khi thôi phục vụ tại ngũ, thời gian đã được tính trợ cấp nói trên không được tính lại.

3. Sĩ quan, QNCN thuộc diện chuyển sang CCQP khi đủ điều kiện nghỉ hưu, lương hưu được tính theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP.

Mục 6. QUY ĐỔI THỜI GIAN ĐỂ TÍNH HƯỞNG CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP MỘT LẦN ĐỐI VỚI SĨ QUAN, QNCN KHI THÔI PHỤC VỤ TẠI NGŨ

Điều 12. Điều kiện, mức quy đổi, cách tính quy đổi và chế độ được hưởng

1. Điều kiện quy đổi, mức quy đổi để tính chế độ trợ cấp một lần đối với sĩ quan, QNCN khi nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, nghỉ theo chế độ bệnh binh; sĩ quan, QNCN tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc chuyển sang CCQP quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a) Sĩ quan, QNCN (kể cả thời gian là hạ sĩ quan, binh sĩ) được quy đổi theo hệ số 1 năm bằng 1 năm 6 tháng để tính hưởng trợ cấp khi:

- Tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp từ ngày 22/12/1944 đến ngày 20/7/1954; ở chiến trường miền Nam, Lào từ ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975, ở chiến trường Campuchia từ ngày 20/7/1954 đến ngày 31/8/1989; trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc từ ngày 05/8/1964 đến ngày 27/01/1973 (trừ trường hợp đi học tập, chữa bệnh và công tác ở nước ngoài);  

- Tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1978; ở biên giới phía Bắc từ tháng 02/1979 đến tháng 12/1988. Địa bàn biên giới trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được tính quy đổi là huyện biên giới;

- Làm nhiệm vụ quốc tế và nhiệm vụ đặc biệt ở Lào, Campuchia qua các thời kỳ (trừ trường hợp được cử đi học, đi theo chế độ ngoại giao hoặc đi làm kinh tế).

b) Sĩ quan, QNCN (kể cả thời gian là hạ sĩ quan, binh sĩ) được quy đổi theo hệ số 1 năm bằng 1 năm 4 tháng để tính hưởng trợ cấp khi:

Công tác ở địa bàn có phụ cấp đặc biệt mức 100% quy định tại Thông tư số 09/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt;

- Làm nghề, công việc đặc thù quân sự được xếp lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm loại V, loại VI) quy định tại Quyết định số 1085/LĐTBXH-QĐ ngày 06 tháng 9 năm 1996 và Quyết định số 03/2006/QĐ-LĐTBXH ngày 07 tháng 3 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong quân đội.

c) Sĩ quan QNCN (kể cả thời gian là hạ sĩ quan, binh sĩ) được quy đổi theo hệ số 1 năm bằng 1 năm 2 tháng để tính hưởng trợ cấp khi:

Công tác ở địa bàn có phụ cấp khu vực từ hệ số 0,7 trở lên quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực;

- Làm nghề, công việc đặc thù quân sự được xếp lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại IV) quy định tại Quyết định số 1085/LĐTBXH-QĐ và Quyết định số 03/2006/QĐ-LĐTBXH

d) Khi nhà nước có quyết định sửa đổi, bổ sung về địa bàn có phụ cấp đặc biệt mức 100%, về địa bàn có phụ cấp khu vực từ hệ số 0,7 trở lên, về danh mục làm nghề, công việc đặc thù quân sự được xếp lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại V, loại VI) và làm nghề, công việc đặc thù quân sự được xếp lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại IV) thì được thực hiện theo quyết định sửa đổi, bổ sung.

2. Cách tính quy đổi

a) Trường hợp trong cùng một thời gian công tác, nếu có đủ 2 hoặc 3 điều kiện nêu trên thì chỉ được hưởng theo mức quy đổi cao nhất; thời gian công tác được quy đổi đứt quãng thì được cộng dồn để tính hưởng trợ cấp.

b) Thời gian công tác ở địa bàn trước đây chưa được quy định mà nay quy định mức phụ cấp đặc biệt 100% hoặc phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì thời gian công tác ở địa bàn đó được quy đổi thời gian để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần.

Thời gian công tác ở địa bàn trước đây được quy định mức phụ cấp đặc biệt 100% hoặc phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên mà sau đó quy định mức phụ cấp đặc biệt dưới 100% hoặc phụ cấp khu vực dưới hệ số 0,7 thì thời gian công tác trước đó ở địa bàn nói trên đến ngày có quy định mới được tính là thời gian công tác được quy đổi để tính hưởng trợ cấp.

c) Thời gian công tác làm nghề hoặc công việc nhưng trước đây chưa được xếp loại sau đó nghề hoặc công việc đó được xếp loại IV trở lên thì thời gian làm nghề hoặc công việc này được tính loại IV trở lên từ khi bắt đầu làm nghề hoặc công việc đó để quy đổi tính hưởng trợ cấp.

Thời gian công tác làm nghề hoặc công việc mà trước đây được xếp loại thấp hơn, sau đó nghề hoặc công việc đó được xếp loại cao hơn thì được tính thời gian theo loại cao hơn kể từ khi bắt đầu vào làm nghề hoặc công việc đó để quy đổi tính hưởng trợ cấp.

Thời gian công tác làm nghề hoặc công việc mà trước đây được xếp loại cao hơn, sau đó nghề hoặc công việc đó xếp loại thấp hơn thì được tính thời gian làm nghề hoặc công việc theo loại cao hơn đã xếp từ khi làm nghề hoặc công việc đó đến trước ngày liền kề quyết định mới có hiệu lực, sau đó tính theo loại mới thấp hơn đã được quy định tại quyết định mới để quy đổi thời gian tính hưởng trợ cấp.

3. Thời gian tăng thêm do quy đổi nêu trên được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần với mức cứ một năm tăng thêm do quy đổi được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng.

Ví dụ 5: Đồng chí Đỗ Xuân Quỳnh, trung uý QNCN (hệ số lương 4,10), công tác tại quần đảo Trường Sa, nơi có phụ cấp khu vực hệ số 1,0 và phụ cấp đặc biệt mức 100% từ tháng 5/2000 đến tháng 4/2002 và từ tháng 8/2007 đến tháng 8/2008 (thời gian công tác được quy đổi mức 1 năm bằng 1 năm 4 tháng là 3 năm 1 tháng; thời gian tăng thêm do quy đổi để tính hưởng trợ cấp là 1 năm), có thời gian công tác trong quân đội là 12 năm 3 tháng (được tính thâm niên nghề 12%), tháng 6/2009 được chuyển ngành sang Sở Điện lực Thành phố Hải Phòng. Tiền lương tháng hiện hưởng tại thời điểm chuyển ngành của đồng chí Đỗ Xuân Quỳnh là:

- Lương Trung uý QNCN (hệ số 4,10):

650.000 đ x 4,10 = 2.665.000 đồng

- Phụ cấp thâm niên nghề (12%)

2.665.000 đ x 12% = 319.800 đồng

 

Tổng số: 2.984.800 đồng/tháng.

Trước khi chuyển ngành sang Sở Điện lực Thành phố Hải Phòng, đồng chí Quỳnh được hưởng chế độ trợ cấp một lần do có thời gian được tính quy đổi là:

2.984.800 đồng x 1 năm x 1 tháng = 2.984.800 đồng

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Đối với sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ

Sĩ quan dự bị được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 26/2002/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ về Sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam, khi hết hạn phục vụ tại ngũ, được giải quyết các chế độ trợ cấp như sĩ quan tại ngũ quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

Thời gian công tác để tính hưởng chế độ trợ cấp là thời gian thực tế công tác trong quân đội.

Điều 14. Kinh phí bảo đảm

Kinh phí thực hiện các chế độ trợ cấp quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo Luật Ngân sách nhà nước.

Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch thôi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan, QNCN và dự kiến số sĩ quan, QNCN hy sinh, từ trần; số sĩ quan, QNCN chuyển sang CCQP, Bộ Quốc phòng lập dự toán ngân sách bảo đảm chi trả chế độ trợ cấp cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, đề nghị Bộ Tài chính phân cấp theo quy định.

Điều 15. Hồ sơ và thẩm quyền giải quyết chế độ

1. Hồ sơ giải quyết các chế độ cho sĩ quan, QNCN thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan, QNCN tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan, QNCN chuyển sang CCQP thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Quốc phòng.

Trường hợp sĩ quan, QNCN được hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này thì ngoài hồ sơ theo quy định nêu trên còn có Phiếu thanh toán chế độ trợ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước (mẫu Phiếu thanh toán chế độ trợ cấp kèm theo). Cơ quan quản lý nhân sự (Cán bộ, Quân lực) các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng lập Phiếu thanh toán chế độ; cơ quan Chính sách chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định, trình Thủ trưởng đơn vị phê duyệt. Phiếu thanh toán chế độ được lập thành 4 bản cho mỗi đối tượng (cơ quan Chính sách: 1 bản, cơ quan Tài chính: 1 bản, cơ quan quản lý nhân sự (Cán bộ, Quân lực): 1 bản, bản thân đối tượng: 1 bản).

2. Thẩm quyền ra quyết định, phân cấp quản lý sĩ quan, QNCN thực hiện theo quy định của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và của Bộ Quốc phòng.

Điều 16. Trách nhiệm của các Bộ liên quan

1. Bộ Quốc phòng

Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:

a) Tổng cục Chính trị

Chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, báo cáo Bộ Quốc phòng theo quy định.

b) Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị

Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, QNCN trong các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư này; đồng thời chủ trì phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

c) Cục Cán bộ /Tổng cục Chính trị; Cục Quân lực/Bộ tổng Tham mưu

Chủ trì chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện kế hoạch đối với sĩ quan, QNCN thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan, QNCN chuyển sang CCQP chặt chẽ, theo đúng quy định.

Phối hợp chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, QNCN và giải quyết những vướng mắc, phát sinh.

đ) Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng

Căn cứ vào chế độ quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này hướng dẫn lập dự toán, tổ chức cấp phát kinh phí kịp thời và thanh quyết toán theo đúng quy định.

Phối hợp chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, QNCN và giải quyết những vướng mắc, phát sinh.

đ) Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng

Tổ chức phổ biến, quán triệt chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này đến sĩ quan, QNCN thuộc quyền quản lý Lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chế độ, chính sách trong các đơn vị thuộc quyền, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, chính xác.

2. Bộ Nội vụ

Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện, kiểm tra định kỳ, đột xuất, giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách chuyển xếp lương, miễn thi tuyển, thi tuyển công chức, viên chức và các chính sách khác đối với sĩ quan, QNCN theo quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện, kiểm tra định kỳ, đột xuất, giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

4. Bộ Tài chính

Căn cứ dự toán do Bộ Quốc phòng lập, Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét và tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư này, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ, đột xuất, giải quyết những vướng mắc trong sử dụng kinh phí và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Các chế độ, chính sách hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.

Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 1699/2001/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 19 tháng 6 năm 2001 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 04/2001/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quan đội nhân dân Việt Nam năm 1999 về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan chuyển sang QNCN hoặc chuyển sang CCQP và các văn bản hướng dẫn khác của Bộ Quốc phòng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và Thông tư này, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng để phối hợp với liên Bộ xem xét, giải quyết./.

  

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Thăng

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Nguyễn Văn Được

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG



Phạm Minh Huân

 

MẪU PHIẾU THANH TOÁN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP
(Kèm theo Thông tư liên tịch số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 21 tháng 7 năm 2009)

BỘ QUỐC PHÒNG
BỘ TƯ LỆNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: .........../QĐ-TC

...., ngày..... tháng..... năm 200

 

PHIẾU THANH TOÁN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP

Theo Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/02/2009 của Chính phủ

Họ và tên: ................................................................. Sinh ngày ...../ ...../ .........................

Cấp bậc: .................. Chức vụ: ..........................................................................................

Đơn vị: ..............................................................................................................................

Được: ............................. (1) Theo Quyết định số.............................................................

Của: ...............................................................................................................................(2)

Tiền lương tháng bình quân 5 năm là: ...............................................................................

Tiền lương tháng hiện hưởng là: ........................................................................................

Các chế độ được hưởng:

- Trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi: ...........................................................................................

- Trợ cấp phục viên một lần: .............................................................................................

- Trợ cấp tạo việc làm: ......................................................................................................

- Trợ cấp một lần khi hy sinh, từ trần: ..............................................................................

- Trợ cấp một lần thời gian tăng thêm do quy đổi: ...........................................................

- Tiền tàu xe: .....................................................................................................................

Cộng: .............................................................

Bằng chữ: ...........................................................................................................................

 

CƠ QUAN CÁN BỘ
(QUÂN LỰC)

CƠ QUAN CHÍNH SÁCH

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

 

 

 

CƠ QUAN TÀI CHÍNH

NGƯỜI NHẬN TIỀN

 

 

 

 

 

Ghi chú:

- (1) Các chế độ được hưởng khi thôi phục vụ tại ngũ; khi hy sinh, từ trần.

- (2) Quyết định của cấp có thẩm quyền.