cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 12/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 30/12/2008 giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

  • Số hiệu văn bản: 12/2008/TTLT-BYT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 30-12-2008
  • Ngày có hiệu lực: 07-02-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5768 ngày (15 năm 9 tháng 23 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ Y TẾ - BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 12/2008/TTLT-BYT-BNV

Hà Nội,ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ CỦA CHI CỤC AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm;
Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thống nhất hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) như sau:

I. VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG

1. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (sau đây gọi chung là Chi cục) là tổ chức trực thuộc Sở Y tế, giúp Giám đốc Sở Y tế tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật .

2. Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Y tế, đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Bộ Y tế.

3. Chi cục có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng tại kho bạc nhà nước.

II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

1. Tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch năm năm và quy chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm;

2. Trình Giám đốc Sở Y tế ban hành kế hoạch hằng năm, chương trình, đề án, dự án về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh;

3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu, chương trình hành động, đề án, dự án đã được phê duyệt về vệ sinh an toàn thực phẩm;

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý; triển khai công tác phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh;

5. Phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lývệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng;

6. Giúp Giám đốc Sở Y tế trong việc cấp, đình chỉ và thu hồi các giấy chứng nhận liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Y tế;

7. Thực hiện thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh;

8. Tổ chức công tác thông tin, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh;

9. Chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho các tuyến; tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh;

10. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành;

11. Quản lý tổ chức, biên chế, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp của Sở Y tế;

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Y tế giao.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

1. Lãnh đạo Chi cục:

a) Chi cục có Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng.

b) Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục; Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng được thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.

2. Cơ cấu tổ chức:

Cơ cấu tổ chức của Chi cục do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Y tế. Số lượng phòng và tổ chức tương đương thuộc Chi cục tối đa không quá 4 phòng, bao gồm các mặt công tác: đăng ký và chứng nhận sản phẩm; thông tin, truyền thông và quản lý ngộ độc thực phẩm; thanh tra; hành chính - tổng hợp.

3. Cơ chế hoạt động:

a) Chi cục hoạt động theo chế độ Thủ trưởng.

b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các phòng và tổ chức tương đương thuộc Chi cục do Chi cục trưởng quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Chi cục.

c) Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của tỉnh.

d) Các chức danh lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo Phòng và tổ chức tương đương thuộc Chi cục được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật.

4. Biên chế:

Biên chế của Chi cục là biên chế hành chính nằm trong tổng biên chế của Sở Y tế được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm, được xác định theo vị trí công tác của các chức danh, bao gồm: Chi cục trưởng, không quá 02 Phó Chi cục trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương, các công chức thuộc phòng có chuyên ngành y (đặc biệt là vệ sinh dịch tễ và y tế công cộng), dược, bảo vệ thực vật, thú y, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, luật, thương mại và các chuyên ngành khác có liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phản ánh kịp thời về Bộ Y tế và Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Trần Văn Tuấn

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Nguyễn Quốc Triệu