cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 31/2006/TTLT-BTC-BVHTT ngày 07/04/2006 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của ban chỉ đạo phòng trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các cấp (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 31/2006/TTLT-BTC-BVHTT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Ngày ban hành: 07-04-2006
  • Ngày có hiệu lực: 07-05-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-11-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3114 ngày (8 năm 6 tháng 14 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-11-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-11-2014, Thông tư liên tịch số 31/2006/TTLT-BTC-BVHTT ngày 07/04/2006 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của ban chỉ đạo phòng trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các cấp (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư liên tịch số 144/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/09/2014 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa””. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/2006/TTLT-BTC-BVHTT

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2006 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG TRÀO "TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA" CÁC CẤP

Căn cứ Quyết định số 235/1999/QĐ-TTg ngày 23/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.
Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa Thông tin hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (sau đây gọi chung là phong trào) là cuộc vận động mang ý nghĩa chính trị, văn hoá - xã hội rộng lớn, thường xuyên, lâu dài và sâu sắc nhằm đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục và thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, gắn liền với phong trào thi đua yêu nước và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Thông tư này áp dụng đối với các hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào các cấp, gồm:

a. Ban chỉ đạo trung ương và Ban chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương.

b. Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ban chỉ đạo cấp tỉnh) và Ban chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh.

c. Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Ban chỉ đạo cấp huyện); Ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ban chỉ đạo cấp xã).

3. Riêng đối với các hoạt động thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức thực hiện, công tác quản lý tài chính được thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2002/SĐTTLT/BTC-MTTW ngày 10/01/2002 của liên tịch Bộ Tài chính - Ban Thường trực Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện "Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và các cuộc vận động quyên góp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo thực hiện phong trào, đảm bảo tính lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính trong triển khai thực hiện phong trào.

4. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào các cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo căn cứ vào nhiệm vụ được giao, theo nguyên tắc cấp nào tổ chức thực hiện thì ngân sách cấp đó đảm bảo kinh phí.

a. Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương và Ban chỉ đạo của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương, cụ thể như sau:

- Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương được bố trí trong dự toán ngân sách chi sự nghiệp văn hoá thông tin hàng năm của Bộ Văn hóa - Thông tin.

- Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo loại chi phù hợp với tính chất hoạt động của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương đó.

b. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Ban chỉ đạo cấp huyện, Ban chỉ đạo cấp xã và Ban chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh, cụ thể như sau:

- Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh được bố trí trong dự toán ngân sách chi sự nghiệp văn hoá thông tin hàng năm của Sở Văn hóa - Thông tin.

- Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện do ngân sách cấp huyện đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp văn hoá thông tin hàng năm của Văn phòng Uỷ ban Nhân dân huyện.

- Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp xã do ngân sách cấp xã đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp văn hoá thông tin hàng năm của Văn phòng Uỷ ban Nhân dân xã.

- Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo loại chi phù hợp với tính chất hoạt động của sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh đó.

c. Các cơ quan, đơn vị được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện công tác chỉ đạo, triển khai phong trào thực hiện lập dự toán, chấp hành và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào các cấp:

a. Nội dung chi hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương:

- Chi thông tin, tuyên truyền cổ động thực hiện phong trào trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chi biên soạn, in, phát hành ấn phẩm về phong trào.

- Chi các hoạt động chỉ đạo, khảo sát, kiểm tra việc thực hiện phong trào.

- Chi hội nghị giao ban, hội thảo chuyên đề, hội thảo phổ biến kinh nghiệm triển khai thực hiện phong trào.

- Chi sơ kết hàng năm, tổng kết định kỳ 5 năm một lần.

- Chi khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào.

- Chi văn phòng phẩm và chi khác phục vụ phong trào (nếu có).

- Chi tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia chỉ đạo, thực hiện phong trào.

b. Nội dung chi hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện:

- Chi thông tin, tuyên truyền cổ động thực hiện phong trào trên địa bàn.

- Chi các hoạt động triển khai thực hiện phong trào trên địa bàn.

- Chi các hoạt động chỉ đạo, khảo sát, kiểm tra việc thực hiện phong trào.

- Chi hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến, hội nghị giao ban, hội thảo chuyên đề phổ biến kinh nghiệm triển khai thực hiện phong trào.

- Chi sơ kết hàng năm, tổng kết định kỳ 5 năm một lần đối với cấp tỉnh và 5 năm hai lần đối với cấp huyện.

- Chi khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào.

- Chi văn phòng phẩm và chi khác phục vụ phong trào (nếu có).

- Chi tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia chỉ đạo, thực hiện phong trào.

c. Nội dung chi hoạt động của Ban chỉ đạo cấp xã:

- Chi thông tin, tuyên truyền.

- Chi các hoạt động triển khai thực hiện phong trào trên địa bàn.

- Chi sơ kết hàng năm.

- Chi khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào.

- Chi văn phòng phẩm và chi khác phục vụ phong trào (nếu có).

d. Nội dung chi hoạt động của Ban chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương và các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh:

- Chi thông tin, tuyên truyền.

- Chi các hoạt động triển khai thực hiện phong trào trong cơ quan, đơn vị.

- Chi sơ kết hàng năm và tổng kết 5 năm một lần.

- Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào.

- Chi văn phòng phẩm và chi khác phục vụ phong trào (nếu có).

2. Mức chi cho các hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào các cấp được thực hiện theo quy định hiện hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm như sau:

- Chi công tác phí cho các hoạt động chỉ đạo, khảo sát, kiểm tra việc thực hiện phong trào; chi hội nghị tổng kết, sơ kết: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 118/2004/TT-BTC ngày 08/12/2004 của Bộ Tài chính quy định về chế độ công tác phí, chế độ hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước.

- Chi biên dịch tài liệu tuyên truyền thực hiện phong trào bằng tiếng dân tộc: 40.000 đồng/trang, tối thiểu mỗi trang phải đạt 300 từ của bản gốc.

- Chi in ấn các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng: Thực hiện theo chế độ, định mức, đơn giá trên địa bàn và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán cụ thể trước khi thực hiện.

- Chi khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.

3. Lập dự toán kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào.

a. Dự toán kinh phí chi hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp được lập căn cứ vào nhiệm vụ của từng Ban chỉ đạo và căn cứ vào văn bản hướng dẫn phối hợp thực hiện phong trào giữa Bộ Văn hóa - Thông tin và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảm bảo tính lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính trong triển khai thực hiện phong trào.

b. Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi sự nghiệp văn hoá thông tin hàng năm của Bộ Văn hoá - Thông tin gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt.

c. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị mình gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt.

d. Sở Văn hoá - Thông tin xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi sự nghiệp văn hoá thông tin hàng năm của Sở Văn hoá - Thông tin gửi Sở Tài chính để tổng hợp trình Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

đ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị mình gửi Sở Tài chính để tổng hợp trình Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

e. Văn phòng Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện, xã, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi sự nghiệp văn hoá thông tin hàng năm của Văn phòng Uỷ ban Nhân dân huyện, xã trình Uỷ ban Nhân dân để trình Hội đồng Nhân dân quyết định theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

4. Quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện phong trào.

Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện phong trào, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào khả năng ngân sách của mình và các nguồn lực xã hội hoá văn hóa để tăng nguồn chi cho phong trào theo quy định.

Việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện phong trào được thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Thông tư số 05/2001/TT-BVHTT ngày 13/2/2001 của Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn Ban chỉ đạo cuộc vận động phong trào TDĐKXDĐSVH trong xây dựng kế hoạch và sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá - Thông tin để phối hợp giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN
THỨ TRƯỞNG



 
Đinh Quang Ngữ

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG



 
Huỳnh Thị Nhân